Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà: Mâu thuẫn vợ chồng và giải pháp
“Mâu thuẫn vợ chồng diễn ra thường xuyên với mức độ gay gắt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ”, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ.
Vậy mâu thuẫn gia đình đến từ đâu và làm thế nào để chúng ta có thể hòa hợp mối quan hệ vợ chồng? Có lẽ đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người đang loay hoay đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình mình.
Phóng viên của Tạp chí Tâm lý học đã buổi trao đổi cùng chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà về vấn đề này và nhận được những chia sẻ, thông tin rất là hữu ích từ góc nhìn của một chuyên gia tâm lý trị liệu đã có duyên đồng hành với rất nhiều khách hàng đang là phụ huynh, là học sinh, sinh viên.
Mâu thuẫn vợ chồng ảnh hưởng như thế nào đến các thành viên trong gia đình
Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà, hôn nhân là sự kết hợp của 2 con người với hai giới tính khác nhau đến từ hai gia đình có văn hóa, giáo dục, thói quen khác nhau, đặc biệt là trải qua những trải nghiệm, sự kiện khác nhau. Bởi vậy, mâu thuẫn gia đình là chuyện không thể tránh khỏi trong hôn nhân nhưng vợ chồng thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột, dù là thể hiện bằng lời nói, hành động hay chiến tranh lạnh, cũng đều làm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình.
Nếu mâu thuẫn gia đình thường xuyên diễn ra sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của tất cả các thành viên trong gia đình về nhiều mặt: Công việc, học tập, sức khỏe, khả năng phát triển bản thân, lối sống, kinh tế, tài chính…
Mâu thuẫn gia đình làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, tình cảm cha mẹ và con cái, gây ra áp lực, stress, căng thẳng khiến cho việc học tập, làm việc của các thành viên trong gia đình trở nên kém hiệu quả hơn, ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí là có những tổn thương tâm lý sâu sắc dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sang chấn tâm lý, sợ hãi, ám ảnh quá khứ, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Đặc biệt, phụ nữ thường có tâm lý nhạy cảm hơn đàn ông. Bên cạnh việc tạo ra thu nhập cho gia đình như đàn ông, họ thường gánh trên vai trách nhiệm sinh con, chăm sóc gia đình, đối nội đối ngoại nên đôi khi họ dễ vướng mắc vào những cảm xúc tiêu cực, áp lực cuộc sống, mối quan hệ không hòa hợp khiến họ dễ gặp vấn đề tâm lý nhiều hơn đàn ông.
Mâu thuẫn vợ chồng không chỉ ảnh hưởng đến người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình, đặc biệt là con trẻ.
Mâu thuẫn vợ chồng – Con trẻ tổn thương tâm lý
Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Thực tế, trong quá trình tham vấn và trị liệu cho khách hàng, tôi và các đồng nghiệp của mình đều nhận thấy rằng, rất nhiều các vấn đề tâm lý của khách hàng ở hiện tại đều bắt nguồn từ môi trường gia đình. Một trong những lý do đó là mối quan hệ giữa cha và mẹ không hòa hợp. Cho dù cha mẹ ly hôn hay vẫn tiếp tục sống chung trong tình trạng bất hòa thì trẻ nhỏ vẫn mang những tổn thương tâm lý khi lớn lên”.
Ảnh hưởng tâm lý đến trẻ, dù là mới chỉ 1 tuổi hay là đã 18 tuổi, đôi khi rất vô hình và sâu sắc. Điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể thấy khi vợ chồng có mâu thuẫn là tất cả các thành viên trong gia đình đều không thể vui vẻ như bình thường, ngay cả con trẻ cũng cảm thấy lo lắng, bất an, dò xét thái độ của cha mẹ.
Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cha mẹ không hạnh phúc, thường xuyên lời qua tiếng lại, sử dụng ngôn từ, ngữ điệu không văn minh, không tôn trọng đối phương, thậm chí là bạo lực gia đình, sẽ sớm hình thành những những niềm tin tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực, dễ bật ra những cảm xúc tiêu cực (cáu giận, tủi thân, khóc lóc… ) hay đôi khi có những lời nói, hành động có gì đó bất thường so với bản thể bình thường con người và độ tuổi của trẻ.
Chứng kiến mâu thuẫn của cha mẹ, trẻ thường có cảm giác mất mát, lo lắng, sợ hãi mà sinh ra những giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực với bản thân như “tôi không muốn thấy hình ảnh này, không muốn nghe âm thanh này”.
Nếu trẻ hay chứng kiến cha mẹ đánh nhau thì hình ảnh tiêu cực này sẽ in hằn trong vô thức của trẻ. Đến một lúc nào đó trong tương lai, với những căng thẳng, mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống cộng thêm mâu thuẫn vợ chồng, bạn trẻ có thể lặp lại hành vi đó một cách vô thức.
Nhiều cha mẹ có mâu thuẫn lại “xả” lên đứa trẻ. Đứa trẻ có thể phải nghe người cha nói về người mẹ, nghe người mẹ nói về người cha. Đó có thể là những lời nói không tôn trọng đối phương hay những vấn đề mà trẻ chưa đủ trưởng thành, chưa đủ trải nghiệm để hiểu. Hoặc người lớn đôi khi nói trẻ phải đứng ra chịu trách nhiệm hòa giải cho cha mẹ chúng. Điều này vô hình tạo áp lực quá sức chịu đựng của đứa trẻ và làm tổn thương trẻ.
Khi trẻ căng thẳng, áp lực, không chia sẻ được với ai, trẻ có thể dằn vặt bản thân, có suy nghĩ không yêu chính mình hoặc tự làm đau chính mình. Và những trách nhiệm mà người lớn vô tình đặt lên vai trẻ có thể khiến trẻ có suy nghĩ rằng “mình phải làm chỗ dựa cho người khác”. Điều này có thể khiến trẻ vướng mắc vào những vấn đề mối quan hệ trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà cho biết: “Rất nhiều các bạn trẻ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… đều có những tổn thương tâm lý từ những ký ức xấu trong chính gia đình mình. Cha mẹ cãi nhau vì con, con sẽ cảm thấy tội lỗi, bớt yêu thương chính mình vì trẻ nghĩ “vì mình mà cha mẹ cãi nhau, mình không tốt”. Cha mẹ ly hôn, trẻ thường mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi trẻ cảm thấy mình không xứng đáng để có được hạnh phúc trọn vẹn. Lớn lên với niềm tin đó, trẻ cũng khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời hoặc có đổ vỡ trong hôn nhân”.
Mâu thuẫn gia đình – Vì đâu vợ chồng bất hòa?
Như đã chia sẻ ở trên, bên cạnh những điểm tương đồng, phụ nữ và đàn ông về cùng một nhà đã có sẵn nhiều điểm khác biệt về tính cách, quan điểm, niềm tin, cách tư duy, suy nghĩ, hành vi. Tuy nhiên, khi sống chung một nhà, cách xử lý tình huống của người này có thể ảnh hưởng đến người còn lại, đặc biệt là khi đã có con và cuộc sống có nhiều căng thẳng, stress, bởi vậy mà dễ phát sinh những mâu thuẫn.
Theo một số thống kê cho thấy, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0.75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Những con số này cũng phần nào phản ánh tình trạng mâu thuẫn gia đình gia tăng tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là gia đình trẻ. Vậy nguyên nhân gây ra mâu thuẫn vợ chồng là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng mà chúng ta thường đề cập đến: Tài chính, ngoại tình, bạo lực gia đình, bất đồng quan điểm, đối nội – đối ngoại, cờ bạc, nghiện rượu,… Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà sẽ chia sẻ đến các bạn nguyên nhân gây mâu thuẫn gia đình khi hai vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu thương dưới góc nhìn tâm lý. Điều gì đã khiến các cặp đôi khi bước vào hôn nhân lại dần dần xa cách nhau?
Nền tảng của mối quan hệ hòa hợp
Mối quan hệ hòa hợp dựa trên nền tảng thấu hiểu và yêu thương bản thân mình trước, sau đó là thấu hiểu và yêu thương người khác. Thấu hiểu ở đây là thấu hiểu mong cầu của chính mình và người khác. Chúng ta cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, cáu giận trong mối quan hệ vì chúng ta mong cầu, kỳ vọng người khác sẽ làm điều gì đó cho mình nên khi không đạt được mong cầu đó, chúng ta sẽ thất vọng và có những cảm xúc không tích cực. Thấu hiểu mong cầu của chính mình và người khác, chúng ta sẽ có cách để đáp ứng mong cầu của bản thân và người khác đúng cách.
Tình yêu thương ở đây là tình yêu thương vô điều kiện, tức là yêu thương mà không có điều kiện. Mình yêu chính mình, yêu cả những điểm chưa tốt, yêu sự khác biệt của bản thân mà không phán xét, so sánh bản thân với người khác. Yêu thương người khác vô điều kiện cũng như vậy, chúng ta yêu họ như họ vốn là mà không đòi hỏi họ phải làm điều gì đó cho mình.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường yêu thương người khác theo cách mà bản thân mình mong muốn chứ không phải theo cách mà người khác mong muốn. Giống như chúng ta thích sầu riêng nên nghĩ rằng ai cũng thích sầu riêng giống như mình nên khi đem cho người không thích sầu riêng, họ sẽ khó chịu. Điều này khiến cho bản thân chúng ta ngộ nhận rằng mình đã yêu thương đúng cách nhưng thực tế tình yêu thương của chính mình lại khiến người khác đau khổ, tổn thương, mệt mỏi mà chúng ta không hề biết.
Nhu cầu yêu thương của phụ nữ và đàn ông là khác nhau
Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Trong mối quan hệ vợ chồng, nhu cầu yêu thương còn có sự khác biệt về giới tính. Bất cứ ai, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, đều có nhu cầu được an toàn, nhu cầu được yêu thương, nhu cầu được tôn trọng, tin tưởng, ghi nhận và khích lệ, nhu cầu được thể hiện bản thân mình. Nhưng nhu cầu này ở mỗi giới tính lại có sự khác biệt và ưu tiên riêng nhưng chúng ta lại không nhận ra điều đó. Chúng ta thường cho bạn đời thứ mà mình cần chứ không phải thứ mà họ cần. Điều đó làm bạn đời cảm thấy không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nảy sinh ra những mâu thuẫn. Hiểu được sự khác biệt này và điều chỉnh lại cách giao tiếp sẽ giúp cho vợ chồng giảm được những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hàng ngày, thấu hiểu và bao dung hơn với bạn đời của mình”.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, tác giả người Mỹ, cố vấn mối quan hệ, John Gray đã cho thấy sự khác biệt trong cách suy nghĩ, cảm nhận, hiểu, phản ứng, yêu, đòi hỏi và đánh giá giữa phụ nữ và đàn ông là khác nhau.
Phụ nữ cần sự quan tâm, đàn ông cần sự tin tưởng
Khi đàn ông thể hiện sự quan tâm của mình đến cảm xúc, mong muốn của vợ, người phụ nữ của họ sẽ cảm thấy mình được quan tâm theo một cách đặc biệt nào đó và họ trở nên tin tưởng người đàn ông của mình hơn. Sự tin tưởng của họ thể hiện bằng sự cởi mở và dễ chấp nhận hướng tới người chồng của mình.
Ngược lại, khi đàn bà thể hiện rằng mình tin tưởng người bạn đời của mình, đàn ông sẽ được đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ và quan tâm đến cảm xúc và mong muốn của người phụ nữ. Tin tưởng người bạn đời là tin rằng chồng mình đang cố gắng làm mọi thứ tốt nhất dành cho chính họ và gia đình của họ.
Phụ nữ cần sự thấu hiểu, đàn ông cần sự chấp nhận
Khi người đàn ông lắng nghe những chia sẻ của người vợ mà không đánh giá, không phán xét, thể hiện sự đồng cảm, người phụ nữ sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu. Khi đó, phụ nữ dễ dàng chấp nhận người đàn ông của mình hơn.
Và ngược lại, khi người phụ nữ chấp nhận người đàn ông, có nghĩa là chấp nhận yêu thương người chồng của mình như chính con người của họ mà không bắt họ phải thay đổi điều này, điều kia ở họ, người đàn ông sẽ cảm thấy mình được yêu thương nhiều hơn và thấu hiểu người vợ của mình hơn.
Thực tế, người phụ nữ thường chia sẻ, đôi khi là càm ràm, với người chồng về những điều mà họ cảm thấy vui vẻ, buồn chán, bức xúc (nhiều hơn) trong công việc, đối nội đối ngoại, tài chính hay những vấn đề khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, người chồng đôi khi cảm thấy những điều đó thật khó hiểu, phiền hà hay không biết phải làm thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ vợ nên không muốn nghe. Họ có thể trở nên cáu giận, bực bội, đưa ra giải pháp của mình, cắt ngang hoặc phớt lờ câu chuyện của người vợ.
Điều này sẽ làm cho người vợ cảm thấy mình không được thấu hiểu, quan tâm và họ sẽ có suy nghĩ muốn thay đổi người chồng của mình. Họ chỉ ra những điều mà bản thân nhìn thấy chồng chưa hoàn hảo và đưa ra yêu cầu phải thay đổi hoặc chỉ cách cho chồng phải thay đổi. Điều này khiến cho người chồng cảm thấy mình không được chấp nhận là chính mình và tất nhiên, họ sẽ phản kháng lại những yêu cầu đó khiến cho mâu thuẫn hai bên ngày một căng thẳng hơn.
Phụ nữ cần sự tôn trọng, đàn ông cần sự đánh giá cao
Sự tôn trọng của người đàn ông dành cho người phụ nữ của mình thể hiện ở sự thấu hiểu và đặt những quyền lợi, mong muốn, vấn đề của người vợ lên trên những vấn đề khác: Bạn bè, công việc, giải trí…, quan tâm đến cảm xúc của người vợ. Khi người phụ nữ được tôn trọng, cô ấy sẽ kính trọng người chồng của mình hơn.
Tương tự như vậy, đàn ông được đánh giá cao thì họ hiểu rằng những nỗ lực của mình là không uổng phí và sẽ tự khuyến khích bản thân nỗ lực nhiều hơn nữa. Khi đó, họ tôn trọng người phụ nữ của mình nhiều hơn và trao quyền cho vợ nhiều hơn.
Bởi vậy, bên cạnh việc đánh giá cao chồng trong việc mang lại tài chính cho gia đình, hãy đánh giá cao chồng ở cả những việc nhỏ khi chồng làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm hay phụ vợ chăm con. Có thể anh ấy làm chưa tốt bằng bạn, nhưng sự đánh giá cao, khuyến khích của bạn sẽ giúp anh ấy nỗ lực làm tốt hơn.
Phụ nữ cần sự tận tâm, đàn ông cần sự ngưỡng mộ
Khi nói đến sự tận tâm, chúng ta thường nghĩ đến người phụ nữ nhiều hơn nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, khi họ trao đi sự tận tâm như thế nào thì họ cũng mong muốn người khác làm điều tương tự với họ. Tất nhiên, sự tận tâm của người đàn ông không giống với người phụ nữ. Đàn ông có thể thể hiện sự tận tâm với người vợ của mình bằng những hành đồng nhỏ như hỗ trợ vợ nấu cơm, ngày nghỉ hay lúc rảnh rỗi làm món gì đó ngon cho cả gia đình hay đơn giản như mở cửa xe cho vợ, pha nước tắm cho vợ. Sự tận tâm của người đàn ông còn thể hiện bằng sự hết lòng của họ với nhu cầu, mong muốn của người vợ.
Trong khi đó, sự ngưỡng mộ của phụ nữ với người chồng của mình là sự lưu tâm đến điều gì đó ở người bạn đời bằng sự ngạc nhiên, thích thú và hài lòng. Nó có thể là sự chúc mừng trong tiếng reo vui của bạn khi chồng được thăng chức, tăng lương hay đơn giản là giải quyết được một bài toán khó nào đó trong công việc.
Phụ nữ cần được coi là có giá trị, đàn ông cần sự tán thành
Đàn ông khẳng định giá trị của phụ nữ thông qua việc tôn trọng đóng góp của vợ với gia đình từ những việc chăm sóc, vun vén cho gia đình đến đóng góp về tài chính dù có thể là không nhiều, tôn trọng ý kiến của họ trong các vấn đề của gia đình. Có nghĩa là đánh giá cao quan điểm của người vợ trong khi đàn ông có thể vẫn có những quan điểm riêng của mình. Nếu cần dung hòa hay lựa chọn quan điểm phù hợp thì cần đặt lợi ích, mục tiêu xây dựng gia đình lên trên.
Đây có lẽ là vấn đề của nhiều phụ nữ đang bị mắc kẹt. Họ thường đảm nhiệm những công việc như chăm sóc con cái, nấu cơm, dọn dẹp… mà nhiều người lại nghĩ rằng nó không mang lại giá trị về mặt tài chính cộng thêm thu nhập của họ đâu đó chưa được tốt bằng người chồng. Điều này đôi khi tạo ra cảm giác thiếu tự tin ở người phụ nữ, thậm chí là cảm giác không xứng đáng được tưởng thưởng những điều tốt đẹp cho chính mình.
Và đàn ông đôi khi cũng có những quan điểm cho rằng phụ nữ không kiếm nhiều tiền bằng họ mà có những thái độ, lời nói, hành động không coi trọng giá trị của người vợ.
Khi đàn ông đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ trong gia đình, người phụ nữ sẽ dễ dàng tán thành ý kiến của đàn ông dựa trên sự nhìn nhận mặt tích cực trong vấn đề đó. Tán thành ở đây được hiểu là sự ủng hộ trong vui vẻ, chứ không phải là sự chấp nhận mang đầy cảm xúc xấu của một người yếu thế hơn. Và tất nhiên, khi người phụ nữ tán thành người chồng, đàn ông sẽ đánh giá cao người phụ nữ của họ hơn.
Phụ nữ cần sự an tâm, đàn ông cần sự khuyến khích
Người phụ nữ có sự an tâm khi họ được người chồng quan tâm, thấu hiểu, tôn trọng, đánh giá cao và hết lòng với mình theo cách lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sự khuyến khích của người phụ nữ đem lại niềm tin và sự can đảm cho người đàn ông thể hiện, bộc lộ khả năng của mình nhiều hơn. Khi đó, người đàn ông sẽ làm tất cả những gì người đàn ông nghĩ rằng mình có thể để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn gia đình. Khi người phụ nữ thể hiện sự tin tưởng, chấp nhận, đánh giá cao, ngưỡng mộ và tán thành với chồng mình thì người đàn ông sẽ cảm nhận được sự khuyến khích ở người phụ nữ.
Nói chung, bất kỳ ai cũng cần được công nhận, ghi nhận công sức, sự cố gắng, nỗ lực mà họ đóng góp cho gia đình. Nó là động lực để họ vượt qua những nghịch cảnh, áp lực, căng thẳng mệt mỏi trong cuộc sống và nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu trong cuộc sống.
“Khi mình hiểu được sự khác biệt trong tâm lý của người phụ nữ, đàn ông nói chung, chúng ta sẽ có sự đồng cảm, thông cảm, thấu hiểu, bao dung với người kia hơn và không để ý đến những chuyện nhỏ nhặt. Khi đó, mình cũng không còn vướng mắc vào những cảm xúc tiêu cực nữa”, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, bên cạnh sự khác biệt về giới tính, vợ chồng còn có rất nhiều sự khác biệt sẵn có trước khi họ tiến đến hôn nhân cộng thêm những trải nghiệm xảy ra khi đã kết hôn trong gia đình hoặc ngoài xã hội khiến họ có sự thay đổi.
Nhưng nếu hiểu được nhu cầu của bạn đời và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản về giới tính đó, chúng ta đã giảm thiểu được phần nào những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Dần dần, khi mọi thứ tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ cải thiện được những vấn đề lớn hơn.
Thêm một điều bạn cần nhớ là đàn ông cũng có thể có nhu cầu của phụ nữ và ngược lại. Có khoảng 10% nam giới, nữ giới như vậy. Quan trọng là bạn cần quan sát chính mình để hiểu bản thân mình mong muốn điều gì.
Mâu thuẫn vợ chồng do giao tiếp chưa đúng cách
Phụ nữ thường hay trách chồng không hiểu mình nhưng phụ nữ đôi khi lại không nói ra mong muốn của mình một cách chính xác mà đặt kỳ vọng vào sự thấu hiểu của người bạn đời. Và khi không đạt được mong muốn như kỳ vọng, phụ nữ sẽ thất vọng, giận dỗi và có những cảm xúc không tích cực.
Chẳng hạn, khi phụ nữ muốn đi chơi thay vì nói rằng “vợ muốn đi chơi/vợ chồng mình đi chơi đi” thì lại nói rằng “lâu rồi vợ chồng mình chưa đi chơi nhỉ”. Không phải người đàn ông nào cũng đủ tinh tế, nhạy cảm để nhận ra mong muốn của vợ trong những câu nói ẩn ý.
Đó chỉ là một ví dụ rất đơn giản trong giao tiếp hàng ngày, lúc chúng ta còn bình tĩnh, vui vẻ. Những lúc bên trong chúng ta đang có những cảm xúc xấu, tinh thần không được thoải mái (bực bội, uất ức, giận dữ, mệt mỏi, căng thẳng…), vợ/chồng có thể dễ dàng bật ra những ngôn từ, ngữ điệu không phù hợp, không tôn trọng bạn đời khiến cho đối phương bị tổn thương. Có thể ẩn đằng sau những câu nói đó là mong cầu tốt đẹp cho đối phương nhưng chúng ta lại không nói được ra điều đó.
Chẳng hạn, khi người vợ nói người chồng rằng “sao anh hèn vậy” thì có thể cô ấy đang cổ muốn nói với người chồng rằng “anh can đảm lên, em tin anh”. Vấn đề này có thể là do thói quen giao tiếp hàng ngày hoặc do những ký ức xấu trong quá khứ đã được lập trình trong vô thức của chúng ta khiến cho chúng ta dễ dàng bật lên khi có cảm xúc xấu.
Điều này không chỉ thể hiện trong quan hệ vợ chồng mà còn thể hiện trong giao tiếp với con trẻ và các mối quan hệ công việc, bạn bè, người thân khác.
Giao tiếp sai không chỉ gây tổn thương cho đối phương mà còn làm gia tăng mâu thuẫn, xung đột, thậm chí là bạo lực, với hai bên.
Ngoài ra, mâu thuẫn, xung đột gia đình còn có thể đến từ mục đích xây dựng gia đình của đôi bên không tương đồng, không tương hỗ với nhau, đến với nhau không phải vì xây dựng gia đình hạnh phúc, kiến tạo nên những đứa trẻ thông minh, hạnh phúc và thành công. Chẳng hạn, một người có mục tiêu được tiêu xài tiền thoải mái hơn trong khi người kia có mục tiêu có con. Khi hai bên không chấp nhận được những tư tưởng trái chiều của nhau và không đáp ứng nhu cầu cho bạn đời thì mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ xảy ra. Đó là một vấn đề lớn mà trong bài viết này không đề cập đến.
Làm thế nào để cải thiện mâu thuẫn gia đình?
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Để có một giải pháp phù hợp vấn đề đang tồn tại, các thành viên trong gia đình cần ngồi lại với nhau, tìm ra nguyên nhân để có phương pháp phù hợp”.
Dưới đây là một số giải pháp do chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà gợi ý:
Tôn trọng sự khác biệt của đối phương
Mỗi cá nhân đều là một cá thể độc đáo và duy nhất. Bạn đời của chúng ta hay bất kỳ ai đều có những điểm khác biệt với chúng ta. Ai cũng có những điểm hoàn hảo và chưa hoàn hảo. Sự khác biệt của mỗi cá nhân được hình thành từ môi trường gia đình, trường học và những sự kiện xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Tôn trọng sự khác biệt của đối phương cũng là tôn trọng sự khác biệt của chính mình, yêu thương những điểm chưa hoàn hảo của chính mình.
Nếu sự khác biệt của bạn đời ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của bạn, bạn nên ngồi lại, trò chuyện vui vẻ, thẳng thắn để có giải pháp phù hợp cho cả hai, đặt lợi ích chung của gia đình lên trên.
Đàn ông nên học cách lắng nghe phụ nữ nhiều hơn
Lắng nghe là cách để bạn dễ dàng giao tiếp và thấu hiểu bạn đời của mình nhanh hơn. Đó cũng là cách để bạn thể hiện sự quan tâm, tôn trọng, tận tâm, đánh giá cao và sự bảo vệ với người phụ nữ của mình. Tức là khi bạn lắng nghe vợ của mình, bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu yêu thương của vợ và những nhu cầu của bạn cũng sẽ được vợ đáp ứng.
Thật không dễ để học cách lắng nghe người khác. Bạn có thể thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc, vấn đề của người vợ bằng cách hỏi những câu hỏi xung quanh câu chuyện đó và tập trung vào vợ mình như: “Em đang cảm thấy bất công phải không?” hay “em đang mong muốn điều gì?”…
Nếu cô ấy không đề nghị bạn đưa ra lời khuyên, bạn cũng không cần phải tìm cách giải quyết vấn đề của cô ấy. Còn nếu bạn muốn đưa ra lời khuyên, hãy lắng nghe cô ấy nói hết và nói rằng “anh hiểu cảm giác của em nhưng nếu là anh, anh sẽ giải quyết như thế này…”. Nếu được, hãy thử đứng ở địa vị của cô ấy trong câu chuyện của họ để cảm nhận tốt hơn vấn đề của họ.
Phụ nữ đừng cố gắng thay đổi người đàn ông, hãy tập trung vào bản thân và học cách đón nhận nhiều hơn
Nhiều người phụ nữ nhìn thấy những điểm chưa được tốt của người đàn ông và cố gắng tìm cách thay đổi họ. Nhưng phụ nữ thường không nhận được kết quả như họ mong muốn. Vì người đàn ông cảm thấy mình bị điều khiển, không được chấp nhận, không được yêu và họ chống cự lại bằng cách tỏ ra ngang bướng hoặc tỏ ra đồng ý nhưng lại lặp đi lặp lại thói quen cũ. Trong tình thế như vậy, người phụ nữ thường nghĩ rằng, chồng không còn yêu mình như trước nữa.
Cách tốt nhất để thay đổi người đàn ông là để họ tự thay đổi. Việc của phụ nữ là thể hiện, bày tỏ sự tin tưởng, chấp nhận, đánh giá cao, ngưỡng mộ, tán thành, khuyến khích với người đàn ông của mình. Và thay vì tập trung vào sự thay đổi của người đàn ông, hãy tập trung vào bản thân mình nhiều hơn, thấu hiểu và yêu thương chính mình nhiều hơn để thu hút những điều tốt đẹp đến với cuộc sống của bạn.
Đặc biệt, phụ nữ thường hy sinh quá nhiều mà không biết cách nhận lại thì đến một lúc nào đó, phụ nữ sẽ cảm thấy mệt mỏi và sinh ra những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, họ bắt đầu trách móc, đổ lỗi và cảm thấy tổn thương. Khi người phụ nữ có cảm xúc xấu, họ không thể vui vẻ và nói ra những ngôn từ ái ngữ thì không khí trong gia đình cũng căng thẳng. Bởi vậy, phụ nữ cần học cách nhận lại nhiều hơn. Đôi khi chồng mua quà tặng vợ nhưng phụ nữ lại thường nói “ui mua làm gì cho tốn tiền”, sau một vài lần không được tán thành, không được khuyến khích, không được ghi nhận, họ sẽ không còn muốn mua quà cho phụ nữ nữa.
Sử dụng ngôn từ hướng tới để thể hiện mong muốn của mình
Ngôn từ là công cụ đầy sức mạnh để chúng ta giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Nó có thể làm cho ta vui vẻ, hạnh phúc, truyền cảm hứng, động lực cho chúng ta có sức mạnh đạt được những điều mà mình mong muốn nhưng nó cũng có thể khiến cho chúng ta buồn chán, thất vọng, giận giữ…
Để giao tiếp hiệu quả, chúng ta cần sử dụng ngôn từ hướng tới. Tức là ngôn từ cần thể hiện chính xác điều mà chúng ta mong muốn theo hướng tích cực, gợi lên những cảm xúc và hình ảnh đẹp đẽ. Như vậy, chúng ta sẽ thể hiện chính xác điều mà mình mong muốn cũng như mang lại cảm xúc tốt đẹp cho chính mình và người nghe. khi đó, ngôn từ là công cụ để kết nối và tạo ra những mối quan hệ bền vững, tốt đẹp nếu chúng ta sử dụng ngôn từ đúng cách.
Có niềm tin rằng mình xứng đáng có một gia đình hạnh phúc
Chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Trong quá trình trị liệu cho khách hàng, tôi đã gặp nhiều trường hợp khách hàng có niềm tin rằng mình là người không xứng đáng được yêu thương, không xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống hay niềm tin rằng hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho con người. Điều này bắt nguồn từ việc khách hàng có tổn thương tâm lý trong một hoặc nhiều sự kiện trọng đại nào đó trong quá khứ. Niềm tin này có thể hình thành khi trẻ chứng kiến những mâu thuẫn, xung đột của cha mẹ họ hoặc do cha mẹ ly thân, ly hôn”.
Nếu bạn nhận ra mình có niềm tin không phù hợp như vậy, bạn có thể đọc sách, hay tìm tới các phương pháp tự chữa lành hoặc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để thay đổi niềm tin đó. Các chuyên gia có những quy trình trị liệu chuyên sâu có thể giúp khách hàng thay đổi những niềm tin tiêu cực thành niềm tin tích cực và tương hỗ cho ước mơ, khát vọng, mục tiêu của bạn.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Trần Duy Hưng (Hà Nội).
Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trị liệu tâm lý một cách khoa học, chuyên nghiệp trên quy mô lớn. Không chỉ ứng dụng thành công tâm lý trị liệu trong việc hồi phục sức khỏe của người trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… mà còn ứng dụng thành công tâm lý trị liệu trong việc hòa hợp mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ vợ chồng.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà qua hotline: 096 589 8008 hoặc để lại thông tin tại đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trầm cảm tuổi vị thành niên: Gia đình có vai trò như thế nào?
NHC Việt Nam – TOP 1 Trung tâm trị liệu bệnh Trầm cảm uy tín nhất tại Việt Nam
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!