Hội chứng Burnout: khiến cơ thể thấy kiệt sức nơi làm việc

Rate this post

Hội chứng Burnout được đặc trưng bằng trạng thái kiệt sức, căng thẳng tột độ, đau đầu, choáng váng khi đến nơi làm việc. Người bệnh dường như không còn động lực cố gắng nên luôn hoài nghi về việc mình có thật sự cần công việc này hay không. Môi trường làm việc tiêu cực, quá nhiều áp lực có thể chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này.

Hội chứng Burnout là gì?

Hội chứng Burnout (Burnout syndrome) hay còn được định nghĩa là trạng thái “đốt cháy”. Thuật ngữ này được đưa ra bởi nhà tâm lý học Herbert Freudenberg ( Mỹ) đầu tiên năm 1974 để giải thích cho việc “để đạt được những thành tựu to lớn, chúng ta thường phải bỏ ra những cái giá đắt tương đương”. Đến năm 1999, thuật ngữ này cũng được Herbert Freudenberg lý giải lại là trạng thái kiệt sức về công việc, không còn động lực đi làm.

Hội chứng Burnout:
Hội chứng Burnout là tình trạng cạn kiệt sức lực ở nơi làm việc

Hiểu một cách đơn giản hơn, hội chứng Burnout dùng để mô tả trạng thái cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, có cảm xúc tiêu cực tại nơi làm việc, gặp ở rất nhiều người hiện nay. Trạng thái này thường xuất hiện khi những kỳ vọng của một người đặt ra không đạt được đúng như ý muốn nên họ dường như không còn tinh thần để cố gắng trở lại.

Cần chú ý rằng, Burnout syndrome chỉ được dùng trong khía cạnh nghề nghiệp và công việc, không được dùng cho các lĩnh vực khác. Thực tế Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dù đã chính thức đưa hội chứng này vào Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 11 (ICD-11) tuy nhiên nó không được coi là bệnh lý mà chỉ được coi là  “hiện tượng” hoặc “tình trạng” mang tính nghề nghiệp”.

Nói chung, khi đã đưa vào ICD thì bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đây là một vấn đề có nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần, người gặp phải trạng thái này hoàn toàn nên tìm đến bác sĩ hay các chuyên gia để được hỗ trợ kịp thời.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các giai đoạn của hội chứng Burnout

Bất cứ vấn đề sức khỏe nào cũng tiến triển thành từng giai đoạn mới mức độ tăng dần trước khi được chủ nhân của nó phát hiện. Ở hội chứng Burnout, các triệu chứng thường được biểu hiện một cách rõ ràng, tuy nhiên chúng ta thường bỏ qua, ít quan tâm vì cho rằng đó đơn giản chỉ là trạng thái khi cơ thể làm việc quá nhiều. Hội chứng này cũng chưa được biết đến quá nhiều hiện nay.

Hội chứng Burnout:
Do quá đầu tư vào công việc mà những người này dường như quên mất bản thân mình và dễ rơi vào trạng thái trống rỗng, “hết pin”

Cụ thể, các giai đoạn tiến triển của hội chứng Burnout gồm

  • Tham vọng nhiều: đây chính là biểu hiện xuất hiện đầu tiên, chúng ta bắt đầu muốn hiệu suất, thành tựu bản thân đạt được trong tháng này cần phải tốt hơn trước đó.
  • Làm việc nhiều hơn: khi bản thân có tham vọng nên chúng ta tự đặt cho mình mục tiêu và bắt đầu cố gắng hơn, dành nhiều thời gian, công sức hơn tại công ty, đổ tâm huyết vào công việc để đạt đúng kết quả mong muốn.
  • Thờ ơ với bản thân: Do chỉ muốn nhanh chóng đạt được thành tựu nên chúng ta dường như bỏ bê chính mình.Chẳng hạn không cho phép bản thân nghỉ ngơi, ăn ngủ không đủ, từ chối cả các nhu cầu cá nhân mà trước đó bản thân cho là quan trọng.
  • Xuất hiện thái cực đối lập trong tâm lý: Chẳng hạn bạn cho rằng những thành tựu đó có quan trọng không, cảm giác mệt mỏi cũng bắt đầu xuất hiện khiến bạn có những cảm giác lo âu, sợ hãi. Tuy nhiên đa phần bạn sẽ tiếp tục chọn cách cố gắng chứ không bỏ cuộc.
  • Bỏ quên những giá trị xung quanh: do quá bận rộn với công việc nên dường như bạn cũng không còn dành thời gian để quan tâm gia đình, thường xuyên từ chối những lời rủ rê của bạn bè khiến những mối quan hệ xung quanh dần trở nên xa cách với họ.
  • Tìm cách đổ lỗi: khi mà những áp lực, căng thẳng của họ không giải tỏa thì họ sẽ tự tìm ra hàng loạt lý do để đổ lỗi cho người này, người kia hoặc bất cứ vấn đề nào để biện minh cho sự thất bại, mệt mỏi của bản thân.
  • Có xu hướng tách biệt: Công việc quá bận rộn cùng với những mâu thuẫn trong tâm trí, những cảm xúc tiêu cực khiến những người này gần như có xu hướng tự cách ly bản thân với bên ngoài, không muốn gặp gỡ hay nói chuyện với ai, kể cả người thân.
  • Thay đổi tính cách, cách cư xử: những người mắc hội chứng Burnout có xu hướng nóng nảy hơn, hay cáu kỉnh, thờ ơ, thiếu tinh tế, lối sống cũng có thể thay đổi và những  thậm chí là phong cách sống. Những điều này hoàn toàn có thể nhìn nhận rõ bởi những người xung quanh, còn bản thân họ thường không thừa nhận.
  • Cảm thấy vô nghĩa: người mắc hội chứng này có thể cảm thấy tất cả đều trở nên vô nghĩa, từ giá trị của bản thân, tầm quan trọng của những người xung quanh và cả cuộc sống này. Chẳng hạn họ không còn muốn cố gắng, cảm thấy người sếp hằng ngày hướng dẫn mình nói gì không còn quan trọng.
  • Cảm thấy trống rỗng: người mắc hội chứng Burnout lúc này không còn hiểu mình cố gắng vì lý do gì, cho rằng bản thân mình thật yếu kém và vô dụng. Đồng thời họ cũng có xu hướng ăn nhiều một cách thái quá để bù đắp cho sự trống rỗng của bản thân.
  • Buồn phiền, thất vọng và kiệt sức: cảm giác này sẽ càng mãnh liệt khi những cố gắng của họ không đạt được kết quả mà mong muốn. Sự nhiệt huyết, niềm tin vào bản thân ngày càng càng sụt giảm khiến họ cảm thấy tuyệt vọng, giống như đang đứng ở bờ vực thẳm. Người này có thể rơi và trầm cảm trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn “Cháy sạch”: chính là giai đoạn cuối cùng, lúc này cảm xúc tuyệt vọng, tiêu cực, kiệt sức, hoàn toàn mất tinh thần không còn sức sống. Bên cạnh đó các triệu chứng bất thường về thể chất cũng xuất hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mỗi người.

Dấu hiệu hội chứng Burnout

Hội chứng Burnout có liên quan đến các căng thẳng và các triệu chứng của nó không chỉ thể hiện trên mặt tinh thần mà còn liên quan đến cả thể chất. Nhà tâm lý học Christina Maslach và các cộng sự đã xây dựng thang đo  MBI (Maslach Burnnout Inventory) để đánh giá các khía cạnh được cho là có liên quan đến kiệt sức về công việc.

Hội chứng Burnout:
Trạng thái cạn kiệt năng lượng khiến những người này dường như không thể làm gì khác, đổ gục tại chỗ

Thang đo MBI được xây dựng dựa trên 3 khía cạnh cùng 22 mục gồm

  • Kiệt sức về cảm xúc (9 mục): chẳng hạn các trạng thái mệt mỏi, hoang mang, uể oải, căng thẳng, tiêu cực quá mức khi nghĩ về công việc. Một người mắc hội chứng Burnout có thể nằm trên giường bất động sau mỗi ngày làm việc, chỉ cần nghĩ đến sáng mai phải đi làm cũng khiến họ sợ hãi, mong màn đêm trôi qua thật chậm, đừng đến sáng mai. Ngoài ra họ cũng thường xuyên cáu kỉnh, dễ tức giận, mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân trước mọi vấn đề. Cảm xúc kiệt quệ khiến người bệnh dần mất động lực, không còn muốn cố gắng, trống rỗng và muốn buông bỏ tất cả.
  • Sự hoài nghi (5 mục): được mô tả về sự vô cảm, tăng sự hoài nghi với đồng nghiệp hay những người làm dịch vụ. Chẳng hạn họ có thể ghi ngờ rằng chính người đồng nghiệp đã làm giảm hiệu suất công việc của mình hay những người xung quanh đã làm công việc của họ thêm khó khăn và căng thẳng. Mặt khác họ cũng có cảm giác thất bại, nghi ngờ và cảm thấy giống như cả thế giới đang chống lại mình.
  • Giảm thành tích cá nhân (8 mục): những người này có xu hướng giảm sự sáng tạo, giảm sự tập trung, không chịu lắng nghe. Mặc dù có tham vọng và họ đã dành mọi thời gian, tâm huyết của mình cho công việc nhưng hiệu suất lại giảm đáng kể, điều này khiến họ càng thất vọng và kiệt sức hơn.

Bên cạnh đó, người mắc hội chứng Burnout còn gặp phải một số vấn đề về thể chất sau đây

  • Cơ thể suy nhược, tăng hoặc giảm cân bất thường do thói quen ăn uống thay đổi
  • Cơ thể thiếu sức sống, luôn trong trạng thái uể oải như không còn sức lực
  • Sức đề kháng kém, dễ bị cảm cúm hơn bình thường
  • Đau đầu, choáng đầu
  • Thiếu ngủ, ngủ không sâu, mất ngủ
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa, huyết áp, tim mạch..

Bên cạnh đó, người mắc hội chứng Burnout cũng có xu hướng chạy trốn nếu kết quả công việc không khả quan, không đáp ứng được đúng kỳ vọng ban đầu. Một số khác cũng có xu hướng cô lập bản thân hoặc sử dụng các chất kích thích để giải tỏa những áp lực, lo lắng của chính mình nhưng sau đó họ lại càng cảm thấy thêm căng thẳng, stress nhiều hơn.

Nguyên nhân gây hội chứng Burnout

Rõ ràng hội chứng Burnout được mô tả là diễn chỉ liên quan đến công việc nên các nguyên nhân gây bệnh chắc chắn phải do những yếu tố này. Không thể phủ nhận rằng, để phát triển bản thân, để có nguồn tài chính tốt, để có thể thành công thì tất nhiên áp lực là không thể tránh khỏi bởi “Áp lực tạo kim cương”. Tuy nhiên nếu không biết cách kiểm soát thì rất khó để vượt qua giai đoạn này.

Hội chứng Burnout
Công việc quá áp lực, mệt mỏi, quá nhiều việc là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới trạng thái này

Bên cạnh đó, thống kê còn cho thấy hội chứng Burnout có xu hướng gặp ở những người làm các công việc dịch vụ, công tác xã hội, chẳng hạn như bác sĩ, y tá, điều dưỡng, người làm phục vụ.. Một số nguyên nhân cụ thể dẫn tới những đối tượng này thường có tỷ lệ mắc bệnh cao như

  • Môi trường làm việc tiêu cực: đồng nghiệp không hòa đồng; sếp luôn đưa ra những quy tắc làm việc khó khăn; phạt nhiều, áp đặt; thường xuyên bị khách hàng la mắng, coi thường chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng, không muốn đi làm.
  • Tính chất công việc: ở những người làm các công việc mang tính chất phục vụ cộng đồng như bác sĩ, cứu hỏa thường chịu áp lực rất nhiều thứ. Dù chỉ hưởng lương trung bình như các công việc khác nhưng khối lượng công việc của họ khá lớn, luôn đòi hỏi sự nhanh nhẹn và chính xác, đồng thời thời gian làm việc cũng khó được cố định. Chẳng hạn lính cứu hỏa phải nhanh chóng tỉnh dậy vào 1-2h đêm nếu có báo cháy hay bác sĩ phải tăng ca trực nếu có các ca cấp cứu. Áp lực từ các công việc này là rất lớn khiến những người này luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian cho các nhu cầu cá nhân của bản thân.
  • Chế độ sinh hoạt kém khoa học: thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm để hoàn thành công việc; phải di chuyển đi quá xa; không ăn uống khoa học; thiếu tập luyện thể dục thể thao cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng sức khỏe và tinh thần suy giảm. Khi tinh thần không tỉnh táo thì khả năng giải quyết công việc cũng yếu kém hơn nên không đạt được cá thành công như mong muốn nên dễ trở nên mất tinh thần, động lực.
  • Xu hướng tính cách: ở những người có tính cách cầu toàn, luôn mong muốn sự hoàn hảo, luôn đặt mục tiêu quá cao so với năng lực của bản thân nếu không đạt được kỳ vọng sẽ dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, không còn tin tưởng vào chính mình. Họ có thể cho rằng mình thật kém cỏi nên muốn né tránh thực tại và cũng rất dễ rơi vào căng thẳng, cạn kiệt năng lượng sau mỗi lần thất bại vì họ đã dốc toàn sức lực để hoàn thành công việc trước đó.
  • Một số yếu tố khác: Thiếu nhân sự, khối lượng công việc quá nhiều trong khi phải hoàn thành trong thời gian ngắn, chế độ thưởng – phạt không phù hợp với năng lực, thường xuyên tiếp xúc với các công việc “cận tử”, tài nguyên công việc giảm sút… đều có thể là nguyên nhân hình thành hội chứng Burnout.

Hội chứng Burnout gây ảnh hưởng như thế nào?

Thực tế thì trong chúng ta, ai cũng từng có ít nhất một lần có cảm giác mệt mỏi với công việc và không muốn đi làm. Tuy nhiên xét về các lợi ích công việc, những điểm tích cực mà nó đem lại khiến chúng ta nhanh chóng vượt qua trạng thái này để tiến đến những điều tích cực hơn. Khi các công việc đạt được thành quả mong muốn, chẳng hạn đem đến nguồn tài chính ổn định thì sự hạnh phúc sẽ hoàn toàn đánh bay những cảm xúc tiêu cực trước đó.

Hội chứng Burnout:
Trạng thái “cháy sạch” khiến những người này dễ rơi vào trầm cảm cùng rất nhiều vấn đề tâm lý khác

Tuy nhiên ở những người mắc hội chứng Burnout, cảm giác kiệt quệ gần như bao trùm lấy mọi cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của họ. Mỗi ngày chỉ cần nghĩ đến việc sáng mai phải đi làm cũng khiến họ gặp ác mộng. Kết thúc một ngày làm việc họ chỉ có thể nằm im, dường như bất động không còn thiết tha làm bất cứ điều gì, ngay cả gặp gỡ hay các trò chơi mà họ yêu thích.

Hội chứng “cháy sạch” dù chưa phải là bệnh nhưng nếu nó diễn ra trong thời gian dài mà không tìm được hướng kiểm soát sẽ chính là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm, rối loạn lo âu cùng rất nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác. Điều này là hiển nhiên khi tinh thần luôn trong trạng thái stress căng thẳng, những điều tiêu cực không được giải tỏa ra mà dồn nén lại khiến tinh thần dường như có thể “bốc cháy” bất cứ lúc nào.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ở người mắc hội chứng Burnout thường có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau nửa đầu, cao huyết áp, các bệnh tim mạch hay các bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra nhóm người này cũng có xu hướng dần cô lập bản thân, xa rời với thực tại, trốn tránh mọi thứ và có thể xuất hiện các hành vi tự hoại bản thân trong lúc không kiểm soát được cảm xúc.

Làm thế nào để cải thiện hội chứng Burnout

Mặc dù hội chứng Burnout không phải là bệnh nhưng theo các chuyên gia, những người rơi vào trạng thái này hoàn toàn nên tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ ngay khi cảm giác bản thân không thể chống cự được nữa. Kết hợp sử dụng thuốc, điều chỉnh công việc cùng một lối sinh hoạt khoa học điều độ sẽ mang đến cho những người này nhiều năng lượng tích cực hơn.

Chăm sóc trị liệu tâm lý

Bản thân bạn kiệt quệ về mặt tinh thần chính là do bạn không biết cách loại bỏ những năng lượng tiêu cực và hấp thu lại những năng lượng tích cực. Áp lực công việc, ma mới bắt nạt ma cũ, hiệu suất công việc đòi hỏi cao trong khi kỹ năng bạn chỉ có hạn khiến bạn luôn quay cuồng với hàng đống việc, không có thời gian để nghỉ ngơi, không có thời gian để chia sẻ, giãi bày với ai về nỗi lo lắng của mình nên mới cảm thấy tuyệt vọng mỗi khi đi làm đến như vậy

Hội chứng Burnout:
Chăm sóc trị liệu tâm lý có thể mang đến cho người mắc hội chứng Burnout nhiều thay đổi tích cực

Nhà trị liệu sẽ là người lắng nghe những khó khăn trong tâm trí, những mâu thuẫn trong cảm xúc mà bạn đang phải tự đấu tranh mỗi ngày. Thông qua những gì bạn chia sẻ, các chuyên gia sẽ gỡ bỏ các vướng mắc trong tâm trí, chỉ rõ những suy nghĩ tiêu cực đó đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào đồng thời thay thế bằng những suy nghĩ, nhìn nhận tích cực hơn.

Như đã nói, cảm xúc mệt mỏi vì áp lực công việc là rất bình thường, quan trọng là cách chúng ta đối mặt với nó như thế nào. Các biện pháp thư giãn trong công việc và trong cuộc sống hằng ngày cũng được hướng dẫn cho người mắc hội chứng Burnout để bản thân họ có thể “chống chọi” với áp lực mỗi ngày để phòng tránh nguy cơ hội chứng này quay trở lại.

Dùng thuốc

Thuốc không thể làm hồi phục lại năng lượng cho những người đang cạn kiệt sức lực vì hội chứng “cháy sạch” trong công việc. Tuy nhiên để cải thiện các triệu chứng thể chất như mất ngủ, đau nửa đầu, cao huyết áp hay các vấn đề về dạ dày thì thuốc vẫn được chỉ định. Chẳng hạn dùng thuốc an thần để giúp người bệnh ngủ ngon, tỉnh táo hơn hay các nhóm thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm khác.

Nói chung việc dùng thuốc cho người mắc hội chứng Burnout cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác vì có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, chẳng hạn như bị phụ thuộc vào thuốc, rối loạn giấc ngủ. Nếu các triệu chứng được cải thiện thì việc dùng thuốc cũng được giảm dần để hạn chế tối đa các hệ lụy không mong muốn khác.

Điều chỉnh công việc

Hội chứng Burnout là hiện tượng chỉ xảy ra trong lĩnh vực công việc, đi làm nên cách tốt nhất để giải quyết chính là sắp xếp, điều chỉnh công việc một cách phù hợp với bản thân hơn. Với những người tiến triển sang giai đoạn trầm cảm hay rối loạn lo âu nghiêm trọng quá mức thì nghỉ việc đôi khi cũng là một sự lựa chọn cần thiết để có môi trường tốt nhất cho việc phục hồi tâm lý.

Hội chứng Burnout:
Sắp xếp công việc một cách khoa học hợp lý hơn sẽ giúp tinh thần thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều

Một số lưu ý hữu ích có thể giúp tâm trạng bạn trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong công việc bao gồm

  • Thay đổi cách nhìn nhận về công việc: Rõ ràng không có công việc nào mà không có áp lực, đặc biệt là những việc có nguồn thu nhập ổn định. Bạn nên nhìn nhận vào mặt tích cực của công việc mình đang làm, chẳng hạn như có thu nhập tốt, có thể gặp gỡ và giúp đỡ nhiều người, công việc đúng chuyên ngành… Đừng chỉ xoáy sâu vào mặt tiêu cực sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức hơn mà thôi.
  • Cân đối công việc: bên cạnh thời gian làm việc bạn cũng cần dành thời gian để nghỉ ngơi phục hồi lại năng lượng. Kể cả các công việc có thời gian linh hoạt, không cố định cũng sẽ có thời gian được nghỉ, bạn nên tranh thủ những thời điểm đó để ngủ, gặp gỡ bạn bè hay làm bất cứ việc gì mình yêu thích.
  • Giảm tải khối lượng công việc: nếu bạn cảm thấy quá sức với khối lượng công việc hiện tại thì nên trao đổi lại với sếp để được điều chỉnh phù hợp hơn. Hãy cứ trình bày vấn đề của bản thân vì nếu bạn ôm đồm quá nhiều việc mà lại không hoàn thành tốt nhất thì cũng sẽ bị khiển trách mà thôi.
  • Kết bạn tại nơi làm việc: một điều có thể giúp ích cho những người mắc hội chứng Burnout chính là hãy kết bạn với những người tích cực tại nơi làm việc. Thực tế thì nơi làm việc cũng giống như một xã hội thu nhỏ, có người xấu, người tốt, có người cho bạn bài học nhưng cũng có người cho bạn thấy những giá trị trong cuộc sống. Kết bạn với những người tại nơi làm việc sẽ giúp bạn vừa có thể chia sẻ, vừa tìm được lời khuyên để phát triển công việc một cách tốt hơn.

Tất nhiên trong một vài trường hợp, khi người mắc hội chứng Burnout làm việc trong môi trường quá tiêu cực, quá toxic thì nghỉ việc vẫn là một lựa chọn cần cân nhắc. Tuy nhiên nếu đổi môi trường làm việc mới bạn nên chú ý đến các vấn đề như thái độ của sếp, đồng nghiệp, tính chất công việc có phù hợp với bản thân hay không.

Một nơi làm việc tốt không hẳn là nơi cho bạn một nguồn thu nhập cao mà là nơi có thể giúp bạn phát triển bản thân, phát huy hết năng lực của mình để đi đường dài. Khi có một kế hoạch, dự định rõ ràng cho lộ trình thăng tiến, phát triển bản thân thì bạn sẽ dễ dàng tìm được môi trường làm việc tốt nhất- một nơi mà bạn có thể vui vẻ khi nghĩ đến, đam mê đi làm chứ không phải nơi khiến bạn cảm thấy kiệt sức.

Nâng cao chất lượng đời sống hằng ngày

Không chỉ để cải thiện hội chứng Burnout mà việc nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày cũng mang đến cho mỗi người rất nhiều lợi ích cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, hạn chế được rất nhiều vấn đề về tâm lý tâm thần khác. Khi có một tinh thần khỏe mạnh, tích cực thì cơ thể dường như cũng trở nên tràn đầy sinh lực, làm gì cũng thấy vui vẻ, yêu đời.

Một số cách để tự nâng cao chất lượng sức khỏe cho tinh thần và thể chất như

  • Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày, nên đi ngủ sớm trước 11h để tinh thần luôn tỉnh táo và khỏe mạnh
  • Duy trì thói quen lập luyện thể dục thể thao hằng ngày để tự tạo ra các năng lượng tích cực, nâng cao sức khỏe thể chất
  • Thiền và yoga có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng trong công việc cực kỳ hiệu quả. Nghiên cứu còn chỉ ra 15 phút thực hành thiền có thể mang đến giá trị tương đương 1 giấc ngủ trưa
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường rau xanh và các loại trái cây, hạn chế tối đa các loại đồ ăn nhanh không đủ chất.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi cảm thấy bản thân quá mệt mỏi, bạn nên tìm đến những người có kinh nghiệm, thành công để có thể có những lời khuyên hữu ích hơn
  • Giải tỏa căng thẳng thông qua những biện pháp lành mạnh như nghe nhạc, tập thể dục, đi du lịch, tắm nước ấm hay hít thở xông hơi cùng tinh dầu
  • Để làm việc hiệu quả hơn, hãy tạo top list công việc khoa học, rõ ràng để thực hiện từng danh mục, điều này có thể giúp công việc thuận lợi hơn

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Hội chứng Burnout có thể gặp ở bất cứ người trưởng thành nào nhưng rất ít người nhận ra rằng mình đang cảm thấy kiệt sức chính từ công việc này. Hãy luôn yêu thương chính bản thân, coi trọng sức khỏe chính mình, tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt đầu những công việc mới để hạn chế tối đa những trường hợp này.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *