Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Hiểu và điều trị hiệu quả
Rối loạn nhân cách kịch tính thường sẽ bắt đầu ở độ tuổi trưởng thành sớm. Căn bệnh được đặc trưng bởi một hình thái thường gặp của sự xúc cảm quá mức và tìm kiếm sự chú ý một cách thái quá.
Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là gì?
Rối loạn nhân cách kịch tính còn được gọi tắt là HPD – Histrionic personality disorder được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xếp vào loại rối loạn nhân cách nhóm B. Những đối tượng được chẩn đoán mắc phải chứng rối loạn này được đánh giá là kịch tính, sống động, nhiệt tình, hoạt bát và đặc biệt là thích tán tỉnh. HPD được đặc trưng bởi sự tìm kiếm sự chú ý quá mức và hình thái phổ biến của xúc cảm thể hiện một cách thái hóa, bao gồm sự khao khát được chấp nhận và các hành vi quyến rũ được cho là không thích hợp.
Dựa vào số liệu thống kê tại Mỹ cho biết, hiện có khoảng hơn 3,8 triệu người tại quốc gia này đang mắc phải chứng rối loạn nhân cách kịch tính và con số này đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Các chuyên gia còn cho biết thêm, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới sẽ cao hơn 4 lần so với nam giới, đặc biệt là ở độ tuổi trưởng thành sớm.
Những người mắc chứng HPD sẽ có nhu cầu rất cao về sự chú ý, họ cố gắng xuất hiện một cách ồn ào và náo nhiệt, đôi lúc sẽ không phù hợp với hoàn cảnh. Đồng thời họ có xu hướng muốn phóng đại cảm xúc, hành vi của chính mình, luôn khao khát sự kích thích. Những đối tượng này có tâm lý méo mó, luôn cố gắng diễn đạt mọi thứ một cách quá mức để thu hút các sự chú ý về phía mình. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cách cư xử, các mối quan hệ xung quanh của người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách kịch tính
Những người bị rối loạn nhân cách kịch tính thường sẽ có chức năng khá cao, về cả mặt nghề nghiệp lẫn xã hội. Họ sẽ có sự vượt trội về mặt kỹ năng xã hội, tuy nhiên người bệnh sẽ có xu hướng muốn dùng chúng để thao túng và điều khiển người khác khiến họ biến thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Thông thường những bệnh nhân HPD sẽ khó có thể nhìn thấy được các tình huống của bản thân một cách thực tế và thấu đáo. Thay vào đó chính là sự phóng đại và kịch tính những cản trở, khó khăn của họ. Những đối tượng này thường rất dễ cảm thấy nhàm chán và nản lòng trước những sự thất bại, vì thế họ có xu hướng thay đổi công việc một cách thường xuyên.
Họ luôn khao khát và muốn tìm kiếm những sự hứng thú, mới lạ và tự đặt mình vào những tình huống khó khăn, rủi ro có thể xảy ra. Những yếu tố này hoàn toàn có khả năng làm gia tăng nguy cơ tiến triển căn bệnh trầm cảm lâm sàng. Để phòng tránh và kịp thời phát hiện tình trạng bệnh, bạn cũng cần nắm rõ một số triệu chứng của HPD. Cụ thể như:
- Thường xuyên diễn tả các câu chuyện hay một vấn đề nào đó một cách thái quá, lố lăng.
- Luôn làm quá mọi vấn đề trong cuộc sống. Thậm chí có thể đêm tình trạng sức khỏe, ý định tự sát ra để thu hút sự chú ý của mọi người.
- Nói rất nhiều, nói to, nói liên tục và sử dụng nhiều từ ngữ hoa mỹ để diễn tả nhưng không có chiều sâu. Người nghe thường sẽ khó có thể hiểu và biết rõ về những gì mà họ muốn truyền đạt.
- Lòng tự trọng của họ sẽ được đánh giá và dựa trên sự chấp nhận của những người xung quanh.
- Có tính ám thị rất cao
- Hoàn toàn không có được ý thức định hướng
- Có xu hướng sử dụng ngoại hình để khiêu khích, quyến rũ tình dục và làm cho người khác phải chú ý đến mình. Ngoài ra, đôi lúc họ cũng thể hiện sự ngoan ngoãn để người xung quanh quan tâm và để ý đến họ nhiều hơn.
- Cảm thấy khó chịu mà trở nên nhạy cảm với những lợi góp ý, nhận xét, chỉ trích.
- Thể hiện sự dễ dãi trong vấn đề quan hệ tình dục, tuy nhiên điều này thường sẽ không xuất phát từ nhu cầu của bản thân mà do muốn thu hút sự quan tâm, chú ý từ người khác.
- Có nhu cầu và luôn đòi hỏi mãnh liệt về việc bản thân trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Khi không đạt được những điều mong muốn sẽ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, ám ảnh.
- Có xu hướng nhanh chán những cái đã cũ và luôn muốn tìm kiếm sự mới mẻ, khác lạ.
- Rất dễ chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh, đặc biệt là những đối tượng mà họ đánh giá là quyền lực hoặc có thể quyết định đến cuộc đời của họ.
- Có suy nghĩ rằng bạn bè, gia đình cần phải đối xử với nhau một cách thân mật và gần gũi hơn.
- Có tính ích kỷ, thờ ơ với những người bên cạnh và chỉ muốn họ dành sự chú ý cho mình. Nếu một ai đó vượt lên họ hoặc dành được nhiều sự quan tâm hơn thì họ sẽ có xu hướng đố kỵ, ghen ghét.
Nhìn chung biểu hiện đặc trưng nhất của chứng rối loạn nhân cách kịch tính đó chính là xu hướng làm quá tất cả mọi việc và luôn muốn mọi người dành nhiều sự chú ý cho mình. Họ thường không nhìn nhận cuộc sống theo hướng thực tế mà thường xuyên phóng đại chúng. Nếu tình trạng này không kịp thời phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của người bệnh và cả những người xung quanh.
Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách kịch tính
Những người mắc phải chứng HPD thường sẽ không thể tự nhận biết được những hành vi, suy nghĩ bất thường của bản thân và họ cho đó là những cách ứng xử hoàn toàn bình thường. Các chuyên gia cho biết rằng, tính cách của một người sẽ được hình thành và bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tương tác giữa gen di truyền và môi trường sống từ thời thơ bé.
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Tuy nhiên, họ cho rằng chứng rối loạn này sẽ có liên quan đến 2 yếu tố sau:
- Yếu tố gen di truyền: Dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng các đặc tính tính cách này hoàn toàn có khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Trong quá trình mang thai, nuôi dạy con cái thì tính cách có thể bị ảnh hưởng. Một số thông tin nhận thấy nếu cha mẹ bị rối loạn nhân cách thì khả năng con cái trong gia đình cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.
- Yếu tố môi trường sống: Những yếu tố xung quanh như các mối quan hệ, nơi được sinh ra và lớn lên, các sự kiện có liên quan trong cuộc sống cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến nhân cách của con người. Đặc biệt, khi bạn sở hữu một gen di truyền dễ bị tổn thương, đồng thời chịu sự tác động của cuộc sống, các biến cố sẽ có khả năng bị HPD rất cao.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng tỉ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính như:
- Tiền sử gia đình có người thân đã mắc phải các vấn đề tâm thần, đặc biệt là HPD.
- Đã từng bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn hành vi.
- Bị hạn chế về mặt giáo dục, kinh tế kém, địa vị xã hội thấp.
- Thời thơ ấu từng bị lạm dụng về ngôn ngữ, cơ thể, tình dục.
- Các thành phần hóa học và cấu trúc bên trong não bộ bị thay đổi.
- Thiếu tình thương, không nhận được sự quan tâm từ người thân, bạn bè, cuộc sống gia đình bị xáo trộn.
Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính
Trong thực tế, hầu hết chúng ta đều muốn nhận được sự quan tâm, chú ý và công nhận từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên nhưng khao khát này khi thể hiện quá mức và không thể kiểm soát tốt sẽ có thể dẫn đến tình trạng mắc phải chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Những người mắc phải chứng bệnh này thường sẽ khởi phát các triệu chứng từ giai đoạn tuổi trưởng thành.
Đặc biệt sẽ rất ít người tự nhìn nhận và biết được những vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Thông thường bệnh sẽ kéo dài cho đến độ tuổi trung niên và bắt đầu bùng phát một cách mạnh mẽ. Lúc này việc chẩn đoán và điều trị cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những giai đoạn trước.
Nếu nghi ngờ một người bị HPD thì các bác sĩ có thể tìm hiểu về cảm xúc, suy nghĩ của người bệnh thông qua một số câu hỏi hoặc tình huống cụ thể để đoán được xu hướng hành vi của họ. Dựa vào cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) được Tái bản lần thứ năm thì để chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính thì người đó cần phải có ít nhất một hình thái cảm xúc phổ biến, đồng thời luôn tìm kiếm sự chú ý một cách thái quá và có kèm theo tối thiểu 5 vấn đề sau đây:
- Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái khi mọi người không dành sự chú ý cho mình.
- Tính ám thị
- Có xu hướng sử dụng ngoại hình để thu hút sự quan tâm và chú ý từ người khác.
- Biểu lộ cảm xúc một cách thái quá, tự kịch tính hóa.
- Có những hành vi, cách cư xử với người xung quanh theo chiều hướng khiêu khích hay quyến rũ tình dục.
- Nông cạn, cảm xúc chuyển đổi nhanh chóng.
- Thường xuyên sử dụng các từ ngữ hoa mỹ để phát biểu nhưng nội dung lại không có chiều sâu, mơ hồ.
Bên cạnh đó, rối loạn nhân cách kịch tính còn có thể dễ nhầm lẫn với các dạng khác như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách phụ thuộc. Do đó, quá trình chẩn đoán cần được tiến hành bởi các bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu rõ về các tình trạng bệnh lý để tránh việc chẩn đoán sai lệch khiến cho quá trình điều trị bị ảnh hưởng.
Điều trị rối loạn nhân cách kịch tính thế nào?
Sau khi chẩn đoán và biết rõ về tình trạng bệnh lý, mức độ bệnh,…thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Người bệnh cần phải chủ động hợp tác và tuân thủ đúng theo các chỉ định chữa bệnh của chuyên gia để mau chóng phục hồi được sức khỏe và thay đổi những hành vi, cảm xúc sai lệch của bản thân.
Một số phương pháp thường được áp dụng cho quá trình điều trị rối loạn nhân cách kịch tính như:
1. Sử dụng thuốc
Đối với một số trường hợp cần thiết, các biểu hiện của bệnh đang ở mức độ nguy hiểm thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng một số loại thuốc. Thông thường các loại thuốc chống trầm cảm sẽ được dùng nhiều để kiểm soát và ổn định lại trạng thái cảm xúc của người bệnh, đồng thời hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần phải được sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng. Bởi hầu hết các loại thuốc hỗ trợ điều trị đều có khả năng gây ra một số tác dụng ngoài ý muốn.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý hay còn được biết đến là cách chữa bệnh theo hình thức sử dụng ngôn ngữ để trao đổi và trò chuyện trực tiếp với bệnh nhân. Đây cũng là một trong các phương pháp mang lại hiệu quả tốt đối với những trường hợp mắc phải chứng rối loạn nhân cách kịch tính.
Thông thường, đối với các tình trạng chưa quá nguy hiểm, các biểu hiện của bệnh còn trong tầm kiểm soát thì các chuyên gia sẽ ưu tiên áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu. Cũng bởi cách này sẽ đảm bảo được sự an toàn cho người bệnh vì nó không có sự can thiệp của thuốc.
Tuy nhiên, để quá trình trị liệu mang lại hiệu quả tốt nhất thì người bệnh cần phải chủ động hợp tác và tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Trong các buổi trị liệu, chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về chính mình và dần thay đổi suy nghĩ, hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn hướng dẫn cho bệnh nhân biết cách kiểm soát cảm xúc, không bị kích thích một cách quá mức. Thông thường, đối với các trường hợp bệnh HPD sẽ được ưu tiên trị liệu riêng lẻ 1:1, hiếm khi áp dụng liệu pháp nhóm. Bởi khi càng có sự hiện diện của nhiều người thì mong muốn được chú ý của người bệnh lại càng tăng cao, gây cản trở cho quá trình trị liệu.
Các thông tin của bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Thông thường người bệnh sẽ rất khó nhận biết được vấn đề của bản thân nên những người thân xung quanh cần chú ý quan sát để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường của họ. Đồng thời hỗ trợ họ tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh sớm để kịp thời ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Rối loạn nhân cách ranh giới là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Ái kỷ là bệnh gì? Biểu hiện và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!