Giới trẻ với lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội

Trong xã hội ngày nay, lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội đang là một vấn đề hết sức đáng quan ngại, bởi nó gây trở ngại đến sự hòa nhập của con người với thế giới xung quanh. Người sống khép kín thường rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ luôn cảm thấy cô đơn và việc sống hướng ngoại sẽ chẳng đáp ứng được những gì họ muốn và cần.

Trong chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 3” với Chủ đề: “Giới trẻ với lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội”, Master Coach Trần Thị Hương đã mang đến những kiến thức chuyên sâu và giải pháp dưới góc nhìn khoa học tâm lý về lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ hiện nay.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương hiện đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Yên Hòa (Hà Nội).

1. Thực trạng lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ hiện nay?

Khoảng 5 năm về trước, Hikikomori (Hội chứng xa lánh cộng đồng) ở người trẻ được nhắc đến rất nhiều với lời cảnh báo về thực trạng đáng buồn của Nhật Bản – một đất nước luôn được ca ngợi về nền văn minh, tiến bộ, sự phát triển về mọi mặt, đặc biệt là chất lượng cuộc sống.

Hikikomori được giải nghĩa trong tiếng Việt là “Thu mình vào bên trong, trở nên hạn chế hoạt động”, hiểu đơn giản là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ, từ chối tham gia vào đời sống xã hội cũng như hoạt động gia đình trong khoảng thời gian dài hơn 6 tháng. Những trường hợp này chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình, còn trường hợp nặng hơn thì đối với gia đình hay người thân cũng không quan tâm.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động. Hikikomori đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế bởi không chỉ làm giảm lực lượng lao động đang rất cần thiết, họ cũng không thể tự nuôi sống bản thân. Khi gia đình không tiếp tục chu cấp cho họ được nữa họ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vốn được coi là chỉ có ở Nhật Bản, nhưng những năm gần đây những trường hợp mắc Hikikomori đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Hàn Quốc, một phân tích năm 2005 cho thấy đã có 33 nghìn người trưởng thành rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội (chiếm 0,3% dân số) và ở Hồng Kông, một khảo sát năm 2014 đưa ra con số 1,9% dân số sống như những người ẩn dật. Các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp,…

Như vậy có thể thấy rằng, sự quan ngại về lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu. Ở Việt Nam cũng vậy, số lượng giới trẻ có lối sống này cũng tăng lên rất nhanh, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid – 19 vừa qua. Sự kết nối của các bạn trẻ với gia đình, bạn bè hay mối quan hệ rộng hơn ngoài xã hội đang dần bị ngăn cách, thậm chí đứt đoạn và dẫn đến nhiều vấn đề đáng lưu tâm khác.

2. Đặc điểm của lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ

Người sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội thường có một số đặc điểm sau:

  • Chỉ thích ở một mình trong phòng, trong nhà, hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả với những người thân của mình.
  • Họ chỉ ra ngoài khi có nhu cầu mua đồ ăn, đồ uống,… và đặc biệt là mua rất nhiều đồ ăn tích trữ để dùng trong nhiều ngày.
  • Chỉ muốn ở trong không gian riêng và không muốn bị ai làm phiền.
  • Thường “ngủ ngày cày đêm”. Ban ngày, họ thường đi ngủ và khi đêm xuống, họ sẽ tiếp tục các sở thích cá nhân của mình.
  • Không có nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chí là với gia đình, người thân.
  • Không có nhu cầu vệ sinh cá nhân như tắm rửa, gội đầu hay cắt tóc, có trường hợp 2 – 3 tuần đến cả tháng mới vệ sinh một lần và cảm thấy ổn với điều đó.
  • Không có nhu cầu kết nối bạn bè, giao tiếp xã hội, kết bạn hay kết hôn, gắn bó mật thiết với ai đó.
  • Không có nhu cầu học tập, làm việc, cống hiến hay thực hiện những ước mơ, mục tiêu của mình.
  • Không có nhu cầu thay đổi hay cải thiện lối sống đó và sẽ cảm thấy bất an, sợ hãi, mệt mỏi khi bắt buộc phải giao tiếp hay gặp gỡ mọi người.

3. Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có phải là vấn đề tâm lý hay không? 

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương:

Với kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi nhận định rằng lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ nhẹ, nó có thể chỉ là những thói quen sinh hoạt hoặc tính cách, các bạn ấy thích sống khép kín nhưng vẫn trao đổi, giao tiếp với mọi người xung quanh bình thường, vẫn có ước mơ và hoài bão và học tập, làm việc để đạt được những mục tiêu đề ra. Còn ở cấp độ nặng,  họ thường ngắt toàn bộ kết nối với mọi người xung quanh và có thể coi là một vấn đề tâm lý, cần được hỗ trợ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương, người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội khác với những người có tính cách hướng nội, không thể đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Những người có tính cách hướng nội vẫn có những mối quan hệ nhưng mang tính chọn lọc, ưu tiên sự giao tiếp chất lượng.

sợ giao tiếp với bạn bè
Người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội khác với những người có tính cách hướng nội

Những người hướng nội cũng rất thích quan sát, thích nghiên cứu và tập trung làm việc. Họ vẫn đi học, đi làm và tạo ra giá trị cho xã hội, vẫn có những sự giao tiếp nhất định. Đặc biệt, người hướng nội vẫn có những mục tiêu, ước mơ tích cực và họ sống, phấn đấu, nỗ lực để đạt được những điều đó.

Còn những bạn trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội thì họ có xu hướng ngắt kết nối hoàn toàn với người thân và xã hội, chỉ giam mình trong phòng, trong nhà, không muốn nói chuyện hay chia sẻ với những người xung quanh. Đặc biệt, họ có xu hướng tự huỷ hoại bản thân bằng những suy nghĩ, hành động tiêu cực, không muốn đi học, đi làm hay tham gia vào các hoạt động khác. Những người này cũng không tạo ra giá trị cho bản thân và không có đóng góp cho gia đình, xã hội.

Cũng theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương: “Khi các bạn trẻ có xu hướng ngắt kết nối với xã hội từ 6 tháng trở nên thì có thể được coi là một vấn đề tâm lý. Lúc này, họ sẽ cần đến sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và những người xung quanh.

4. Nguyên nhân hình thành nên lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội 

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau hình thành nên lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các bạn trẻ chọn lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội

Cụ thể:

– Tổn thương, cú sốc tâm lý trong quá khứ

Những người đã từng trải qua tai nạn, khủng hoảng trong công việc, bố mẹ ly hôn hay mất đi người thân, thay đổi môi trường sống đột ngột,…. sẽ trở nên đau buồn, tổn thương và không thể tự vượt qua được vấn đề tâm lý này.

Họ không có động lực để giao tiếp với mọi người hay duy trì mối quan hệ vì nếu làm thì những mối quan hệ đó sẽ mất đi và bản thân sẽ tiếp tục bị tổn thương. Chính điều này đã dựng lên “bức tường” vô hình ngăn cách họ giao tiếp với mọi người xung quanh, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mình,

– Không vượt qua được áp lực công việc

Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất khiến giới trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp. Khi xã hội phát triển thì yêu cầu công việc cũng cao hơn, cần chúng ta cải thiện kiến thức và kỹ năng liên tục. Khi được giao nhiệm vụ, họ nhận biết rằng mình phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, khi hoàn thành nhiệm vụ phải đánh đổi thời gian, sức khoẻ và sở thích cá nhân.

Và đây chính là lý do tại sao càng lên đến vị trí cao hơn, đạt được nhiều thành tựu thì họ lại thu mình lại, tự cảm thấy bản thân cô đơn, lạc lõng, quá sức và cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa, dù mình có cố gắng thế nào cũng không bao giờ là đủ.

– Những tổn thương thời thơ ấu

Đây cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ sống khép kín, tự thu mình lại, đặc biệt là những trường hợp đã từng bị lạm dụng tình dục hay chịu sự dạy dỗ khắc nghiệt, bạo lực từ gia đình, không được lắng nghe, thấu hiểu.

Bản thân họ đã từng bị tổn thương và nó đã hằn sâu trong tâm trí, cảm thấy mối quan hệ không còn chất lượng, bản thân mình không có giá trị, luôn là người có lỗi và điều này dẫn đến tình trạng mất kết nối với mọi người xung quanh.

Những tổn thương thời thơ ấu này cũng khiến họ cảm thấy dù mình có nói chuyện hay gặp gỡ ai thì cũng không mang lại niềm vui cho người khác. Những người đã phải chịu những tổn thương này luôn nhận lỗi về phía mình và cảm thấy bản thân họ không xứng đáng có được hạnh phúc trên cuộc đời này.

– Tâm hồn yếu đuối

Tâm hồn yếu đuối là một tâm hồn không có “sức đề kháng” với những khó khăn, thử thách và những biến cố trong cuộc sống. Những người có lối sống khép kín, ngại giao tiếp xã hội một phần là do không có khả năng để đối mặt với những vấn đề mà bản thân đang gặp phải, họ phải thu mình trong thế giới của riêng mình.

Đây được xem như một sự đảm bảo cho sự an toàn của bản thân, không muốn ra ngoài, không muốn để người khác “quan sát” nỗi đau và khó khăn của mình, sợ bị đánh giá, phát xét hoặc chỉ đơn giản là không được công nhận.

– Ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19

Đây là nguyên nhân khách quan khiến lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ngày càng “lây lan” rộng hơn trên phạm vi toàn thế giới. Lý do là bởi thời gian giãn cách xã hội quá lâu, toàn dân hạn chế ra đường và gặp gỡ nhau khiến giới trẻ không được đi ra ngoài học tập, làm việc bình thường.

Họ không được gặp gỡ mọi người, rơi vào trạng thái buồn chán, sử dụng internet thường xuyên để chơi game, lướt mạng xã hội mỗi ngày,… Và điều này đã xây dựng thói quen chỉ cần có điện thoại kết nối internet và giao tiếp một chiều là được, không có nhu cầu chia sẻ thông tin ra bên ngoài.

5. Hệ lụy của lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương, giới trẻ có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đầu tiên là cho chính bản thân, họ sẽ rơi vào trạng thái mất niềm tin vào chính bản thân mình, mất đi động lực và không tìm thấy bất kỳ điều gì thú vị trong cuộc sống.

Nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ trở thành người không có giá trị, không còn thấy cuộc sống ý nghĩa. Còn rất trẻ mà các bạn lại không muốn đi học, không muốn đi làm, sống không có mục tiêu và ước mơ, chỉ nghĩ đến chuyện tiêu cực, nghĩ đến cái chết, thậm chí còn có những hành vi gây hại cho bản thân mình.

Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều hệ luỵ đặc biệt nghiêm trọng
Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều hệ luỵ đặc biệt nghiêm trọng

Bên cạnh đó, lối sống này cũng gây nhiều ảnh hưởng đến gia đình. Cha mẹ, anh chị em không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của những bạn trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội sẽ cảm thấy đau khổ, bất lực, cũng muốn giúp nhưng không biết nên làm như thế nào.

Cuối cùng là hệ lụy cho xã hội và đất nước. Việc các bạn trẻ hiện nay có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội không đi học, không đi làm, không tạo ra được những giá trị thì xã hội không phát triển được.

6. Giải pháp để các bạn trẻ tự nhìn nhận vấn đề của mình, vượt qua nỗi sợ của bản thân

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương:

Với những tình trạng mà các bạn trẻ gặp vấn đề tâm lý, sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội, trước hết các bạn phải nhận ra được vấn đề của mình, nhận ra là mình đang gặp khó khăn, trở ngại. Và chính các bạn ấy phải là người mạnh mẽ nhất để giúp mình vượt qua khó khăn bằng cách ra quyết định mong muốn thoát khỏi tình trạng đó đầu tiên.

Các bạn trẻ cần nhận dạng vấn đề của chính mình và có động lực để thay đổi, từ đó xây dựng những thói quen tích cực dù là rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, thay vì chỉ ở trong phòng lên mạng,… thì tập thể dục nhiều hơn, đọc sách và ra ngoài hoạt động. thay đổi trạng thái cơ thể sẽ giúp thay đổi trạng thái cảm xúc cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, việc chia sẻ với người thân trong gia đình những khó khăn mà mình gặp phải cũng là điều vô cùng cần thiết.

Các bạn trẻ cần tự mình nhận ra vấn đề và đặt mục tiêu để thoát khỏi tình trạng này
Các bạn trẻ cần tự mình nhận ra vấn đề và đặt mục tiêu để thoát khỏi tình trạng này

Về phía gia đình, người thân cần bình tĩnh, không nóng vội, có nhận thức đúng, cần có thời gian quan sát những bạn trẻ có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội. Tiếp đến, hãy quan tâm và yêu thương đúng cách, gia tăng sự kết nối giữa những thành viên trong gia đình với nhau để các bạn ấy thấy được sự an toàn.

Một môi trường an toàn là môi trường cần thiết để họ có thể chia sẻ, bộc lộ những tâm tư, tình cảm và khó khăn của mình. Các bậc phụ huynh cũng nên học hỏi, nghiên cứu để có thể áp dụng những phương pháp yêu thương con mình đúng cách.

Bởi thực tế nhiều cha mẹ yêu thương con, quan tâm đến con không đúng cách đã vô hình trung tạo ra áp lực, khiến trẻ sống khép kín, ngại giao tiếp xã hội. Lý do là bởi các bạn cảm thấy không an toàn ở môi trường đó, các bạn bị đánh giá, bị phán xét, bị chỉ trích, các bạn không được ghi nhận, không được công nhận.

Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Hãy yêu thương, quan tâm, ghi nhận, động viên, cổ vũ, cho các bạn cảm giác an toàn, cho các bạn thấy mình có đủ khả năng để làm được những điều có ích, đầu tiên là cho bản thân, sau đó là cho gia đình và cuối cùng là cho xã hội.

Nếu đã áp dụng nhiều cách mà không có hiệu quả, chúng ra sẽ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, cần những người có chuyên môn như các chuyên gia tâm lý trị liệu. Với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình, họ sẽ tìm ra nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp để giúp các bạn trẻ vượt qua được vấn đề của bản thân, cân bằng cuộc sống và hài hoà với các mối quan hệ xung quanh, từ đó có bản lĩnh vượt qua khó khăn trong tương lai.

7. Thông điệp gửi đến các bậc phụ huynh và các bạn trẻ 

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương đã là mẹ của 2 con đã lớn, bước vào độ tuổi vị thành niên và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái. Theo chuyên gia:

Mình cũng có 2 con đang trong độ tuổi từ 15 – 25, trong quá trình học tập và làm việc cũng đạt được những thành tựu nhất định, bản thân mình rất yên tâm và hài lòng. Cá nhân mình đã làm gì trong hành trình làm mẹ? Đầu tiên, mình luôn xác định giai đoạn trong quãng đời của con để mình có thể sắp xếp thời gian, dành ra sự ưu tiên đúng và hiệu quả nhất. Mình cũng nhận ra và đã chia sẻ với rất nhiều các bậc phụ huynh khác, đó là chúng ta cần làm bạn với con, cần đồng hành cùng con bởi con cần điều đó. Chúng ta yêu thương, quan tâm con một cách phù hợp, là người đồng hành cùng con trên chặng đường con trưởng thành và phát triển. 

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương: Mẹ để cho con tự lo thì mẹ sẽ tự do!
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương: Mẹ để cho con tự lo thì mẹ sẽ tự do!

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương cũng chia sẻ thêm:

Khi làm một người bạn, làm người đồng hành cùng con, chúng ta dễ dàng để hiểu con, dễ dàng quan sát, nhận ra được trở ngại và vấn đề của con, từ đó có mặt lúc con gặp khó khăn, có mặt ở bên cạnh con những thời điểm quan trọng. Những lúc con còn học tiểu học, sẽ có những khó khăn của giai đoạn tiểu học sẽ có những khủng hoảng của giai đoạn cấp 2, rồi lên cấp 3, lên đại học, giai đoạn nào cũng có những khó khăn khác nhau. Lúc này, điều con cần nhất là sự có mặt, cần vai trò của cha mẹ. Vậy chúng ta hãy xác định một tâm thế chủ động, luôn luôn yêu thương con đúng cách, làm bạn với con, thể hiện sự tin tưởng và đồng hành cùng con.

Các bậc phụ huynh cũng có thể tham khảo phương pháp này, hãy chủ động nói chuyện, chia sẻ cùng con, đặt ra cho con những câu hỏi để thúc đẩy, khuyến khích con tự định hình mục tiêu tương lai, định hình con người mà con muốn trở thành. Ví dụ: “Con muốn trở thành người như thế nào?”, “Con có ước mơ và mục tiêu như thế nào?”, Mục tiêu cấp 1 của con là gì? Cấp 2 của con là gì? Lên con muốn học đại học trường gì? Ngành gì? Khi nhận được những câu hỏi như vậy, con sẽ muốn cùng ngồi lại với cha mẹ để tâm sự nhiều hơn, chia sẻ suy nghĩ của bản thân và lắng nghe ý kiến đóng góp của cha mẹ.

Đây cũng là phương pháp hiệu quả để các bậc phụ huynh xác định mục tiêu cùng con, xác định thế mạnh của con để đưa ra phương án để con cảm thấy thoải mái. Cha mẹ cũng cần hết sức lưu ý, nên quan tâm, quan sát và không can thiệp quá nhiều vào lựa chọn và quyết định của con để tránh cho con cảm thấy áp lực, gò bó, thiếu sự tự do.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần ghi nhận, cổ vũ, khích lệ để con tự tin thể hiện bản thân. Đây là động lực lớn lao để các bạn trẻ có thêm niềm tin, sức mạnh, sự kiên trì đạt được những mục tiêu, kế hoạch mà mình đề ra.

Thông điệp mà chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương muốn gửi đến các bậc phụ huynh: “Mẹ để cho con tự lo thì mẹ sẽ tự do!”.

Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội chỉ là những biểu hiện bề ngoài, sâu xa còn nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Đây cũng là giai đoạn mà những bạn trẻ này rất cần đến sự giúp đỡ, chia sẻ, thấu cảm của gia đình, bạn bè và xã hội. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương sẽ giúp ích cho bạn đọc!

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *