Làm gì khi lỡ đánh con để lấy lại tình cảm, con hết tủi?
Có những lúc cuộc sống áp lực khiến cha mẹ mất bình tĩnh và vô tình làm tổn thương con. Làm gì khi lỡ đánh con là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đều tự vấn trong những giây phút hối hận sau đó. Thay vì dằn vặt bản thân, điều người lớn cần làm ngay lúc này là nhận lỗi và giúp bé cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình.
Lỡ đánh con vì một phút nóng giận
Lỡ đánh con vì một phút nóng giận là điều không ít bậc cha mẹ đã trải qua bởi áp lực công việc, gia đình khiến các bậc phụ huynh dễ mất kiểm soát. Theo thống kê, khoảng 80% trẻ em trên thế giới từng bị đánh đòn. Mặc dù cha mẹ thường cho rằng đó là biện pháp kỷ luật hiệu quả, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc này không giúp trẻ cư xử tốt hơn, nó chỉ tạo ra nỗi sợ và tổn thương.
Có khi nào các bậc phụ huynh cảm thấy hối hận sau khi lỡ tay đánh con? Điều này không phải là hiếm, đặc biệt là khi cha mẹ rơi vào bất lực. Theo khảo sát, nhiều người thực sự không muốn sử dụng biện pháp này, nhưng lại làm vì cảm thấy tức giận và thất vọng khi trẻ không nghe lời. Đáng tiếc là việc đánh con không giúp giải quyết vấn đề, mà chỉ khiến cả gia đình cảm thấy căng thẳng hơn.
Một số cha mẹ cho rằng đánh con là cách kỷ luật hiệu quả vì bản thân từng trải qua điều đó từ chính gia đình mình. Phụ huynh nghĩ rằng mình đang áp dụng những gì đã được dạy từ thế hệ trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đánh đòn chỉ có tác dụng tạm thời. Trẻ ngừng hành vi xấu ngay lúc đó vì sợ hãi, nhưng không thực sự hiểu được mình đã sai ở đâu. Điều này khiến các con dễ lặp lại lỗi lầm trong tương lai.
Khi lỡ đánh con, cha mẹ thường cảm thấy hối hận ngay lập tức. Dù một số người vẫn tin rằng trừng phạt thân thể sẽ giúp trẻ nghe lời hơn, nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy điều ngược lại. Đánh đòn không dạy trẻ cách ứng xử đúng mực mà chỉ làm con tập trung vào nỗi đau. Để dạy dỗ trẻ tốt hơn, người lớn phải kiềm chế cảm xúc và sử dụng lời nói để hướng dẫn.
Tác hại của việc đánh mắng con cái
Việc sử dụng đòn roi trong giáo dục con cái đã tồn tại từ rất lâu, nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng đây là cách duy nhất để răn dạy và uốn nắn trẻ. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng phương pháp này không chỉ thiếu hiệu quả mà còn mang đến nhiều hậu quả tiêu cực.
1. Về mặt thể chất
Đòn roi dễ gây ra những tổn thương rõ rệt trên cơ thể trẻ. Những vết thương bề ngoài như bầm tím, trầy xước là biểu hiện dễ thấy. Và nặng nề hơn nó còn ảnh hưởng đến hệ vận động của trẻ. Khi bị đòn, không chỉ da mà cả xương và cơ cũng có thể bị tổn thương, gây ra những hậu quả dài hạn mà cha mẹ đôi khi không lường trước được.
Hơn nữa, việc đánh đòn thường xuyên có thể gây ra tình trạng căng thẳng mãn tính trong cơ thể trẻ. Cảm giác đau đớn ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, khiến trẻ khó tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin – những kỹ năng quan trọng trong quá trình học tập và phát triển.
2. Về mặt tâm lý
Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, việc đánh đòn còn gây ra tổn thương sâu sắc về tâm lý. Khi cha mẹ sử dụng bạo lực, trẻ thường cảm thấy sợ hãi, mất đi cảm giác an toàn. Lâu dần, những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn đến trầm cảm và tạo ra khoảng cách với phụ huynh. Điều này đặc biệt làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và giảm sự gắn kết giữa các thành viên trong nhà.
Ngoài ra, khi chứng kiến hoặc trực tiếp trải qua bạo lực, trẻ sẽ có xu hướng bắt chước và coi bạo lực như một cách giải quyết vấn đề. Điều này khiến các con trở nên cứng đầu, không biết lắng nghe và khó lòng chia sẻ cảm xúc tích cực. Thậm chí, khi trưởng thành, những đứa trẻ này có nguy cơ lặp lại hành vi bạo lực trong gia đình của chính mình.
Làm gì khi lỡ đánh con? 5 cách xử lý phù hợp
Trong quá trình nuôi dạy con cái, đôi khi cha mẹ có thể mất kiểm soát và sử dụng đòn roi. Tuy nhiên, lúc này người lớn nên biết cách xử lý sau khi lỡ đánh con để không làm tổn thương thêm về mặt tâm lý và xây dựng lại mối quan hệ gia đình đầy yêu thương.
1. Thừa nhận hành động của mình
Cha mẹ cần thừa nhận ngay rằng hành động đánh con là sai. Việc này không chỉ giúp các bậc phụ huynh tự nhận thức rõ hành vi của mình, mà còn là cách xoa dịu cảm xúc của bé. Khi nghe cha mẹ thẳng thắn nhận lỗi, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và dễ dàng chấp nhận hơn, tránh việc giữ trong lòng nỗi buồn hay sự giận dỗi.
Với việc thừa nhận sai lầm, cha mẹ cũng đang dạy cho con một bài học quý giá về trách nhiệm. Nó cho thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể mắc lỗi, nhưng quan trọng là biết thừa nhận và sửa chữa. Điều này sẽ giúp con hiểu rõ hơn về việc làm chủ cảm xúc và ứng xử một cách văn minh.
2. Ôm con và xin lỗi
Sau khi thừa nhận lỗi lầm, cha mẹ nên ôm con vào lòng và xin lỗi một cách chân thành. Một cái ôm nhẹ nhàng cùng với lời xin lỗi sẽ mang lại sự an ủi để bé cảm thấy được yêu thương và bảo vệ. Khi xin lỗi, hãy thể hiện sự ân cần, dịu dàng và tập trung vào cảm xúc của con thay vì biện minh cho hành động của mình.
Thái độ chân thành là yếu tố quan trọng trong lời xin lỗi. Trẻ nhỏ có khả năng nhận biết sự thật từ những lời nói và hành động của cha mẹ, do đó, phụ huynh hãy bày tỏ rõ ràng rằng mình thật lòng hối hận và không muốn lặp lại hành vi này.
3. Giảng giải cho con hiểu
Lúc tình hình đã dịu lại, cha mẹ cần giảng giải rõ lý do dẫn đến việc đánh con. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng dù hành động đánh là sai, nhưng có những lúc cha mẹ cũng bị áp lực, mất kiểm soát. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thông với người lớn và hiểu rằng hành vi bạo lực đó không phải lúc nào cũng phản ánh tình yêu thương của cha mẹ.
Quan trọng hơn nữa là phải giảng giải cho trẻ hiểu đúng sai và lý do tại sao có những lúc cha mẹ đưa ra quyết định như vậy. Việc này giúp các con hiểu rằng đôi khi người lớn cũng có khó khăn riêng, nhưng không phải lúc nào cũng lựa chọn đúng cách xử lý.
4. Tìm cách bù đắp
Bên cạnh việc xin lỗi, cha mẹ có thể bù đắp bằng cách dành thời gian chơi cùng con, thực hiện những hoạt động mà con yêu thích lắng nghe tâm sự của trẻ,…. Việc này không chỉ giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà còn tạo ra cơ hội để gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau hơn.
Song song với việc bù đắp, phụ huynh nên đề ra kỷ luật rõ ràng mà không sử dụng đến đòn roi. Thay vì trừng phạt bằng bạo lực, hãy sử dụng những phương pháp kỷ luật nhẹ nhàng và có tính giáo dục để trẻ hiểu rõ trách nhiệm cần có mà không phải chịu bất kỳ tổn thương nào.
5. Nhận thức và rèn luyện lại bản thân
Cha mẹ cần học cách kiềm chế cảm xúc thông qua các biện pháp như tập thở sâu, tham gia các lớp học về kiểm soát cơn giận, đọc sách về kỹ năng nuôi dạy con,…. Khi nhận thức được tầm quan trọng của việc kiềm chế cảm xúc, phụ huynh sẽ tránh được những hành động bốc đồng.
Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức về các biện pháp nuôi dạy con cái hiện đại là điều cần thiết. Cha mẹ cần tìm hiểu và áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực để nuôi dạy con trưởng thành mà không làm tổn thương đến tâm lý, cảm xúc của trẻ.
Những cách dạy con hiệu quả không cần roi vọt
Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng việc dùng bạo lực vừa không hiệu quả mà còn gây hại đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể áp dụng những phương pháp giáo dục nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy hiệu quả sau đây để con phát triển một cách toàn diện và lành mạnh.
1. Hãy nói con “nên”, đừng nói “không nên”
Thay vì cấm đoán trẻ một cách cứng nhắc, cha mẹ nên gợi ý những điều con nên làm. Khi nói “không được” quá nhiều, trẻ sẽ cảm thấy mình đang bị áp đặt và bắt đầu phản kháng. Chảng hạn, thay vì nói “không được vẽ lên tường” hãy thử hướng dẫn bằng cách “con có thể vẽ trên giấy, bảng vẽ.” Thông qua cách này, trẻ sẽ hiểu rõ mong muốn của cha mẹ và biết cách ứng xử phù hợp mà không cần đến sự cấm đoán nghiêm khắc.
2. Kiên nhẫn định hướng trẻ
Phụ huynh có thể giúp con hình thành thói quen tích cực thông qua việc chỉ dẫn rõ ràng và làm gương. Chẳng hạn, khi dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, hãy cùng con thực hiện từng bước từ đánh răng đến rửa tay và kiên nhẫn làm lại nếu các bé chưa thực hiện đúng. Khi thấy cha mẹ làm, trẻ sẽ học theo nhanh chóng và dễ dàng hơn.
3. Đặt ra khen thưởng và phạt rõ ràng
Khen thưởng và kỷ luật khi được áp dụng hợp lý sẽ giúp trẻ hiểu rõ hậu quả của bất kỳ hành động nào đang làm. Cha mẹ nên đặt ra những phần thưởng nhỏ như một món đồ chơi, một lời khen ngợi khi con thực hiện tốt. Đồng thời đưa ra hình phạt như giảm thời gian chơi, tạm ngưng hoạt động yêu thích khi trẻ phạm lỗi. Sự rõ ràng trong việc khen thưởng và kỷ luật giúp các con nhận thức được đâu là giới hạn để từ đó hình thành thói quen tốt mà không cần đến đòn roi.
Làm gì khi lỡ đánh con? Cha mẹ hãy dùng sai lầm đó làm cơ hội để học cách kiểm soát cảm xúc và giao tiếp với bé hiệu quả hơn. Phụ huynh đừng quên rằng sự gắn kết và tin tưởng giữa mình và con cái là nền tảng quan trọng nhất để gia đình cùng nhau phát triển.
Có thể bạn quan tâm:
- Vì sao con cái thù ghét cha mẹ? 5 cách để cải thiện
- Thực trạng cha mẹ bạo hành tinh thần con cái và Cách xử lý
- 8 Điều nên làm để thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Các nguồn tham khảo:
- https://www.parents.com/you-hit-your-kid-now-what-5294758
- https://www.brookings.edu/articles/hitting-kids-american-parenting-and-physical-punishment/
- https://www.askdrsears.com/topics/parenting/discipline-behavior/spanking/10-reasons-not-hit-your-child/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!