Xua tan áp lực, đón Tết đủ đầy – Bí quyết chia sẻ từ chuyên gia
Tết là dịp để chúng ta tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới trong sự hân hoan, sung túc, đủ đầy. Thế nhưng, có nhiều người lại cảm thấy vô cùng áp lực khi Tết đến. Đó có thể là áp lực về việc lập gia đình, về sự thành công hay áp lực về những quan niệm, phong tục truyền thống trong ngày Tết.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giải tỏa áp lực và chào đón Tết, hưởng thụ Tết một cách trọn vẹn nhất? Chương trình Tâm an sống khỏe số 7 chủ đề “Xua tan áp lực, đón Tết đủ đầy” với sự tham gia của Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương và Chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Thu Hà đã đem đến cho chúng ta những góc nhìn thú vị và bí quyết hữu ích giải tỏa vấn đề này.
Những áp lực vô hình khi Tết đến xuân về
“Chớp mắt một cái đã đến Tết”, hay “Đang yên đang lành tự nhiên lại Tết”… là những câu nói “vừa mừng” “vừa lo” mà chúng ta thường nghe thấy. Với không ít người, Tết vốn là dịp sum vầy, vui vẻ lại mang theo nhiều áp lực.
Áp lực của người đã có gia đình về Tết
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương – một người cũng đã lập gia đình thì: “Áp lực đầu tiên khi Tết đến là áp lực liên quan tới việc việc chia sẻ thời gian về nhà nội, nhà ngoại là một vấn đề khá lớn đối với những người đã xây dựng tổ ấm cho riêng mình. Họ luôn băn khoăn làm thế nào để chia sẻ, sắp xếp thời gian trở về nhà để hai bên nội ngoại đều có sự chung vui?”. Thậm chí, có rất nhiều chị em phụ nữ đi làm dâu không được về thăm nhà ngoại trong dịp Tết.
Với nhiều nàng dâu thì sự khác biệt về văn hóa khi “vợ là người miền này, chồng là người miền kia” cũng là một loại áp lực. Áp lực vì mỗi nơi sẽ có sự giao tiếp, sự thăm hỏi hay những cách cư xử, ứng xử khác nhau trong ngày Tết. Mình cần làm như thế nào cho phù hợp để không mất lòng ai trong gia đình?
Bên cạnh đó, người đã lập gia đình còn có thêm một áp lực nữa về kinh tế bởi vì ai cũng muốn Tết đến, sau một năm làm việc và quay trở về với gia đình, mình sẽ có những món quà dành cho bố mẹ, cho anh em, họ hàng hay sắm sửa cho con cái. Kèm theo đó là suy nghĩ phải làm theo, tâm lý bắt buộc rằng “Tất cả mọi người làm như vậy nên nhà mình cũng phải như vậy, cũng phải mua cành đào, cũng phải sắm cái nọ, cái kia, cũng phải nấu thật nhiều món…”
Những gia đình làm chủ doanh nghiệp thậm chí còn có thêm áp lực nữa chồng chéo lên là áp lực về việc thanh toán tiền lương cho nhân viên, cho công nhân… Trong trường hợp việc thanh toán không thuận lợi, không đủ kinh tế thì nó sẽ trở thành gánh nặng để rồi có những năm ăn Tết không hề vui vẻ.
Áp lực của người chưa có gia đình về Tết
Không chỉ người lập gia đình, người độc thân cũng cảm thấy áp lực mỗi khi Tết đến xuân về với nhiều câu hỏi khá riêng tư, nhưng được hỏi rất vô tư như “Bao giờ lấy chồng?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Thưởng tết bao nhiêu?”…
Những câu hỏi rất vô tư và mang tính chất hỏi han, mang tính chất quan tâm, đôi khi là hơi quá mức như vậy, kèm theo một số ý, chẳng hạn như phán xét hay so sánh rằng “Tại sao người ta có chồng rồi mà bạn lại chưa có”, “Tại sao bằng tuổi này người ta có nhà, có xe rồi mà bạn thì không?”… thường khiến người nghe chạnh lòng, khó chịu.
Nó ảnh hưởng đến tâm trạng của người nghe, đặc biệt là giới trẻ một cách tiêu cực. Bởi vì theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Thu Hà: “Giới trẻ hiện nay yêu và đề cao sự tự do, sự tôn trọng, cá tính riêng của mỗi người và sự tôn trọng lối sống cá nhân. Khi nghe những câu hỏi như vậy, họ sẽ bực bội và vô cùng khó chịu. Đây là một trong những lý do trên facebook từng tồn tại hastag #ngưng_vô_duyên”
Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn mua và mặc những chiếc áo có in nhiều câu nói như “Đã có bồ, chưa muốn cưới, khi nào cưới sẽ báo”… để ngăn ngừa tất cả những câu hỏi mang tính chất tọc mạch mà họ có thể gặp phải trong suốt cái quá trình đi chúc Tết. Và điều này sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa giới trẻ và những người khác.
Họ có xu hướng là xa lánh dịp Tết và thay vì sum họp cùng gia đình ngày Tết, họ sẽ đi du lịch cùng với bạn bè hoặc đôi khi cũng chỉ ở nhà một mình, không muốn đi ra ngoài. Họ không muốn đi chúc Tết và điều đó tất nhiên sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ với những người khác trong gia đình, với họ hàng rồi có thể tạo nên một xu hướng không tốt trong xã hội hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến áp lực trong ngày Tết
Mỗi người sẽ gặp những áp lực riêng khi Tết đến, xuân về nên nguyên nhân có thể cũng khác nhau. Đa số người đã có gia đình đều cảm thấy áp lực vì quan niệm về truyền thống văn hóa của người Việt Nam là rất coi trọng lễ nghĩa, lễ tiết ngày Tết. Họ nghĩ rằng Tết phải như thế này, phải như thế kia thì mới là vui, mới là đầy đủ.
Nhiều người chưa tìm thấy sự bình an và đủ đầy trong chính mình, trong gia đình của mình mà luôn nhìn vào những gia đình khác xung quanh. Họ nảy sinh tâm lý lo lắng, không hài lòng khi cảm thấy “nhà khác có mà nhà mình lại không có”, “con người ta có mà con của mình lại chỉ được ước ao”…
Và việc đón Tết sum vầy cùng gia đình, nghỉ ngơi, thăm hỏi những người thân yêu hay bạn bè thân thiết bỗng chốc trở thành dịp “vừa mừng vừa lo, vừa mong lại vừa sợ”. Tâm trạng, cảm xúc từ lúc Tết gần kề cho đến ngày trở về với gia đình theo đó không được hoàn toàn thoải mái mà dồn nén trong những áp lực.
Bí quyết xua tan áp lực, đón Tết đủ đầy
Với những áp lực như vậy, Tết vốn là dịp để trở về quây quần bên gia đình nhưng đã trở thành thời điểm “nửa mừng, nửa lo” của rất nhiều người. Vậy làm sao để có thể xua tan đi những áp lực và đón Tết đủ đầy yêu thương, đủ đầy niềm vui, đủ đầy sự viên mãn? Chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương và Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Thu Hà đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích và thú vị.
Theo gợi ý của chuyên gia Thanh Phương, đối với những chị em đã lập gia đình, bạn có thể trao đổi thẳng thắn với chồng của mình. Chẳng hạn như: “Tết là dịp để gia đình gặp gỡ nhau. Em muốn một năm ăn Tết ở nhà nhà nội, một năm ăn Tết ở nhà ngoại để dành thời gian cho cả hai bên gia đình của chúng mình”.
Khi ăn Tết ở nhà chồng, sự khác biệt về văn hóa có thể xảy ra nhưng không nên coi đó là áp lực. Bạn hãy lắng nghe bên trong mình và chia sẻ điều đó một cách thật tâm với bạn đời của mình để cả hai cùng đi đến quyết định chung mà bản thân cảm thấy phù hợp và hoàn toàn thoải mái, không còn khúc mắc trong lòng.
Đối với bố mẹ chồng, nàng dâu cũng nên trao đổi và chia sẻ thẳng thắn, bày tỏ những suy nghĩ của mình về những vấn đề chưa rõ hoặc khúc mắc trong lòng hay ngỏ ý về những món quà Tết mà bố mẹ chồng mong muốn. Sự trao đổi trực tiếp, chân thành và thường xuyên sẽ giúp cho mọi người có được sự thấu hiểu, lắng nghe và tiếp thu để mọi việc trong ngày Tết được chan hòa, đầm ấm.
Đồng thời, theo chuyên gia Thanh Phương: “Bản thân tôi rất tôn trọng truyền thống văn hóa của người Việt. Nhưng điều quan trọng là cảm xúc và thái độ của mình đặt vào việc tôn trọng văn hóa đó như thế nào, có phải bắt buộc không hay mình sẽ linh hoạt? Mình sẽ cảm nhận điều đó là tốt đẹp nên mình làm và làm trong cảm xúc mình muốn được sum vầy, muốn được sắm sửa hay dọn dẹp để ngày Tết được trọn vẹn hơn…”
Thay vì nghĩ rằng “Tết đến, phải dọn dẹp nhà cửa thôi”, hãy thực sự cảm nhận nó, yêu thích nó và làm trong tâm trạng rằng mình sẽ được đón Tết với một căn nhà sạch đẹp, hay mình muốn sắm thêm cành đào, cành mai để điểm tô thêm cho không khí Tết vui vầy hơn… Đi thăm gia đình, anh em, họ hàng là dịp mình được trò chuyện với nhau, tăng thêm tình cảm. “Và nếu mình làm mọi việc với lòng biết ơn, bằng sự yêu thích và tâm thái tích cực thì mình sẽ không gặp áp lực khi Tết đến” – Master Coach Thanh Phương chia sẻ.
Bên cạnh chia sẻ hữu ích của chuyên gia Thanh Phương, chuyên gia Thu Hà cũng bật mí nhiều tips hay cho “hội độc thân” khi được quan tâm quá mức. Theo chuyên gia, mình sẽ phân loại đối tượng đặt ra những câu hỏi như “bao giờ lấy chồng”, “lương tháng, thưởng tết bao nhiêu…?” và có cách ứng xử phù hợp.
Khi người hỏi là những người rất là quan tâm mình và thực sự mong muốn mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn có thể trả lời một cách thành thật và chân thành. Nếu bạn chưa sẵn sàng để đi tới hôn nhân, chưa sẵn sàng để làm vợ, làm mẹ, hãy cứ chia sẻ thật với họ rằng “Hiện tại cháu còn đang muốn tập trung vào công việc, tập trung vào sự nghiệp và phát triển bản thân rồi mới đến kết hôn…”
Đặc biệt, chuyên gia Thu Hà đã chia sẻ một câu chuyện rất thú vị khi bản thân cũng từng trải qua giai đoạn về nghỉ Tết và bị giục “Sao chưa lấy chồng?”: “Các bạn có thể post lên facebook, đặt chế độ chỉ có người thân trong gia đình và họ hàng có thể xem thôi những lời thật lòng rằng: Không phải cháu không muốn tìm bạn trai, cũng không phải cháu muốn tìm thấy một người nào đó thật hoàn hảo. Cháu đơn giản chỉ muốn tìm một người mà cháu có thể tin tưởng được, có chung chí hướng để yên tâm cùng nhau phấn đấu và điều đó thì thực sự thực sự không dễ dàng. Do vậy, xin mọi người hãy cho cháu thêm thời gian. Đời người chỉ có một lần, cháu không muốn tình yêu và cuộc sống một cách tạm bợ”.
Những chia sẻ chân thành từ đáy lòng của mình như vậy sẽ giúp cho mọi người thấu hiểu mình hơn. Và nếu họ thật sự quan tâm, thật sự muốn tốt cho mình, họ sẽ thông cảm. Những câu hỏi như “bao giờ lấy chồng” vào dịp Tết sẽ giảm đi đáng kể và bạn sẽ có được sự thoải mái trong những ngày sum họp gia đình.
Trong trường hợp khác, nếu những câu hỏi đó đến từ những người hàng xóm hay g những người chỉ quen biết, không thân thì hãy hiểu rằng đó không hẳn là những câu hỏi mang tính chất lấy thông tin như mình thường nghĩ. Đôi khi, nó chỉ như câu chào xã giao “chào anh, chào chị”, “bạn có khỏe không?”, “dạo này bạn thế nào?”…
Chuyên gia Thu Hà đánh giá: “Câu hỏi bao giờ lấy chồng hay thưởng tết bao nhiêu với nhiều người là theo thói quen, hỏi xã giao chứ không có ý tọc mạch. Do vậy, bạn chỉ cần trả lời một cách chung chung, kèm theo một chút khiếu hài hước thì bạn có thể ghi điểm ngay được với họ và khiến họ cảm thấy bạn thật đáng yêu”.
Ví dụ như với câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”, bạn có thể trả lời “Cháu cũng muốn lấy lắm, nhưng mà cháu chưa tìm được một người nào tài giỏi như chú/bác để lấy cả”. Hoặc đối với câu hỏi “Thưởng Tết được bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời “Dạ, cháu cũng đủ chi tiêu ạ. Bác có cái áo đẹp quá, trông bác mặc cái áo này trông trẻ ra vài tuổi”. Đây là tips mình trả lời một thông tin chung chung, kèm theo một lời khen để đánh trống lảng. Làm như vậy, bạn vẫn bảo toàn được những thông tin riêng tư của mình mà không làm mất lòng ai cả.
Tết là dịp tuyệt vời để mọi người cùng chia sẻ, cùng nhìn nhận lại năm cũ đã qua và cùng trao nhau sự yêu thương. Điều cốt lõi nhất không phải là sự chênh lệch về tuổi tác, về thế hệ như nhiều người quan niệm. Mỗi người đều có một quan điểm riêng, góc nhìn riêng nên chúng ta hãy quay lại một góc nhìn chung về sự yêu thương, sự trao gửi, về tình cảm thân thiết giữa những người thân trong gia đình và xem đó là sự tận hưởng.
Thêm vào đó, chúng ta cũng cần có sự chia sẻ, chia sẻ về cảm xúc, về những khó khăn hay điều mà mình mong muốn. Rất nhiều thế hệ già và trẻ đã không có sự kết nối vì không có cái sự sẻ chia, không nói lên được mình đang có suy nghĩ như thế nào để đối phương thấu hiểu, đồng cảm và hỗ trợ nhau vượt qua.
“Mọi thứ đều xuất phát từ mình, từ hạt giống ở trong tâm trí của mình. Điều mà bạn cảm thấy áp lực, khó chịu ở bên ngoài nó đến từ chính bạn. Do vậy, hãy ngưng và hãy giảm việc mà gây áp lực, khó chịu cho người khác. Đồng thời, hãy gieo những hạt giống tốt về sự vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc cho người khác. Đến một ngày nào đó, khi mà hạt giống nảy nở, bạn sẽ thấy xung quanh là những người chỉ mang lại cho mình sự thoải mái và vui vẻ mà thôi
Mình cũng từng rơi vào tình huống rất áp lực ngay trong chính gia đình của mình, ngay trong chính ngôi nhà của mình, với người thân yêu nhất của mình, đó chính là mẹ. Và thời điểm ấy, mỗi khi ngồi cạnh mẹ, mẹ sẽ luôn luôn nhắc đến chuyện lập gia đình và điều đó khiến mình cảm thấy rất áp lực. Mình không dám ngồi cạnh mẹ và ban đầu, mình cũng có những phản ứng, nghĩ rằng sao mẹ lại không thấu hiểu cho mình, sao mẹ lại cứ gây áp lực cho mình.
Nhưng sau đó, mình nhận ra rằng mình cần phải nhận trách nhiệm với tất cả những tình huống xảy ra đối với mình trong cuộc đời này và mình đã không còn phản ứng lại với mẹ nữa. Mình vẫn luôn yêu thương, vẫn luôn tôn trọng mẹ. Mình cảm nhận rằng có thể mình cảm thấy khó chịu, cảm thấy áp lực bởi vì đôi khi mình cũng vô tình hay hữu ý khiến cho người khác cảm thấy khó chịu hay áp lực về việc gì đó thì sao? Và khi mà mình suy nghĩ lại thì mình thấy rằng đúng là mình cũng đã có gây áp lực và khó chịu cho học sinh của mình khi mình giao rất nhiều bài tập.
Điều đó hoàn toàn xuất phát với chủ đích tốt thôi nhưng vẫn khiến cho các bạn cảm thấy áp lực. Mình đã ngừng lại và luôn luôn khiến cho học sinh của mình vui vẻ, thoải mái. Vả cả với những người mình gặp, mình luôn muốn cố gắng tạo cho mọi người cảm giác vui vẻ, thoải mái để rồi một thời gian sau tự nhiên mẹ mình thay đổi. Mình thấy rằng mẹ rất thoải mái với mình, rất yêu thương, ủng hộ mình và cho tới bây giờ thì mình thấy hoàn toàn hạnh phúc và vui vẻ, hoàn toàn tận hưởng trong chính căn nhà của mình”..
Đó là những chia sẻ chân thành, hữu ích từ Chuyên gia Tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương và Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Thu Hà trong chương trình Tâm an sống khỏe số 07 “Xua tan áp lực, đón Tết đủ đầy”. Mong rằng các bạn đã có được những góc nhìn mới và bí quyết để đón năm mới đầy vui vẻ, đủ hạnh phúc bên những người thân yêu của mình.
Xem thêm về chương trình Tâm an sống khỏe số 04 chủ đề “Xua tan áp lực – Đón Tết đủ đầy” tại đây:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!