Bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam: Thế hệ trước “nuôi dưỡng” tư tưởng thế hệ sau

5/5 - (1 bình chọn)

Bình đẳng giới trong gia đình không chỉ thể hiện ở tư tưởng, suy nghĩ hay cách hành động của những người làm cha, làm mẹ đối xử với nhau mà còn thể hiện trong chính thế hệ con trẻ mà chúng ta đang nuôi dưỡng. Hãy cùng nghe Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ cụ thể hơn về thực trạng bình đẳng giới trong gia đình, sự ảnh hưởng của nó lên thế hệ con trẻ như thế nào, cách cải thiện ra sao qua cuộc phỏng vấn dưới đây nhé.

Phóng viên: Chào chuyên gia Hải Yến, cám ơn chuyên gia đã nhận lời mời tham gia phỏng vấn của Tạp chí tâm lý học. Chuyên gia có thể chia sẻ cho chúng tôi và các bậc phụ huynh đang làm cha, làm mẹ hiểu hơn về vấn đề bất bình đẳng giới đang tồn tại trong gia đình Việt Nam như thế nào được không ạ?

chuyên gia tâm lý, bùi Thị Hải YếnChuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến

Để bàn về vấn đề này, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm thế nào là bình đẳng giới. Tổ chức UNICEF có nêu rõ: “Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai được hưởng các quyền, nguồn lực, cơ hội và sự bảo vệ như nhau. Tuy nhiên, nó không yêu cầu trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới phải giống nhau hoặc họ phải được đối xử hoàn toàn giống nhau”.

Bình đẳng giới thực chất là đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mọi giới tính, đấu tranh cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải giới hạn. Có nhiều người hiểu nhầm rằng, “bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông”. Điều này là không đúng. Bởi vì, trong cuộc sống cũng có những người đàn ông bị đối xử bất công, bị vợ đánh đập, sỉ nhục. Cũng có quan điểm cho rằng, “bình đẳng giới thì phụ nữ phải làm những công việc dành cho đàn ông” và ngược lại. Trên thực tế, có những công việc phù hợp với phụ nữ hơn như giáo viên mầm non và có những công việc phù hợp với đàn ông hơn như lái xe tải, container đường dài bởi mỗi giới có những đặc điểm khác nhau. Và tất nhiên, phụ nữ cũng có thể làm các công việc của đàn ông và ngược lại, nếu chúng ta có khả năng.

Bình đẳng giới là một vấn đề mang tính toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nó xuất hiện trong cơ quan, công sở, trong các hoạt động xã hội và trong cả gia đình – một xã hội thu nhỏ, nơi nuôi dưỡng những thiên thần nhỏ bé trưởng thành và tạo ra thế hệ mới.

Sự bất bình đẳng giới thể hiện trong tư tưởng, suy nghĩ, hành vi, mối quan hệ của ông bà, bố mẹ trong gia đình và tiếp tục truyền sang đời các con qua cách nuôi dưỡng, giáo dục, đối xử với con trẻ hàng ngày của người lớn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Một ví dụ dễ hiểu và dễ nhìn thấy nhất trong nhiều gia đình Việt Nam về bất bình đẳng giới là vấn đề làm việc nhà. Việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm con cái trong gia đình người Việt hiện nay đa số vẫn là do phụ nữ đảm nhiệm, mặc dù rất nhiều chị em vẫn phải ra đường kiếm tiền như người chồng của họ.

Nếu chị em làm việc nhà trong tâm thế vui vẻ, hạnh phúc và người chồng của họ tôn trọng, ghi nhận công sức của họ thì điều này không phải là bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, nếu chị em chấp nhận làm những công việc vì mình là phụ nữ hoặc vì mình kiếm ít tiền hơn chồng nhưng trong lòng bức bối, khó chịu. Và người chồng lại không có thái độ đúng đắn, thiếu tôn trọng vợ, thậm chí là coi thường, sỉ nhục, bạo lực với vợ thì đây là một vấn đề bất bình đẳng giới.

Chúng ta hay dùng từ “phụ giúp vợ” để chỉ hành động chồng làm việc nhà. Không có gì gọi là giúp khi chúng ta sống chung dưới một mái nhà cả. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng ăn cơm, đều cùng sử dụng chén đũa hay các vật dụng đồ dùng khác hoặc các tiện nghi trong gia đình. Bởi vậy, tất cả các thành viên trong gia đình đều cần và phải có trách nhiệm với công việc nhà, kể cả các bạn nhỏ trong gia đình. Chúng ta có thể giao cho các bạn nhỏ những công việc phù hợp với khả năng của mình và theo độ tuổi.

Thậm chí, sự bất bình đẳng giới trong gia đình còn làm mất cơ hội gắn kết tình cảm cha con khi người cha chỉ chú trọng vào việc kiếm tiền mà không nuôi dạy con, không gần gũi, không chơi với con. Điều này sẽ khiến cho đứa trẻ bị thiếu đi tình cảm và sự dạy dỗ của người cha. Khoa học chứng minh được rằng, thứ mà trẻ con học được từ sự dạy dỗ của người cha sẽ khác thứ mà trẻ học được từ người mẹ, và cả hai điều này là hỗ trợ lẫn nhau để giúp con phát triển tốt hơn. Nên, cả bố và mẹ đều có trách nhiệm, vai trò trong việc dưỡng dục, dạy dỗ và đồng hành cùng con.

Có một câu chuyện mà cứ đến tết lại xuất hiện đầy trên các trang mạng xã hội và trên quảng cáo tết. Đó là chuyện ăn tết nội hay ngoại, rồi cả chuyện biếu tết nhà nội bao nhiêu, nhà ngoại bao nhiêu cũng là một chủ đề nóng trong nhiều gia đình. Có những gia đình còn không cho con dâu về ăn tết với ba mẹ đẻ vào ngày tết chính, thâm chí là dù chỉ 1 ngày. Hay việc nếu về ngoại thì phải xin phép nhà nội, không được cho phép là không được về. Thậm chí có gia đình, chị dâu phải chào hỏi em chồng trước, ăn cơm phải mời em chồng – còn em “mời hay không là tùy nó”…

ăn tết quê nội hay quê ngoại

Ăn tết nhà nội hay nhà ngoại?

Và con cái của chúng ta lớn lên trong môi trường bất bình đẳng như vậy thì sự bất bình đẳng giới sẽ từ từ đi sâu vào trong tiềm thức của chúng. Mỗi ngày, chúng được sống trong gia đình mà mẹ là thành viên chính phải làm việc nhà, còn bố có làm thì gọi là phụ giúp mẹ. Các con sẽ nhìn nhận, tiếp thu và chuyển đổi thành suy nghĩ, hành động trong tương lai.

Những gia đình có cả con gái và con trai có thể nhận thấy rõ điều này trong ngôi nhà của mình. Nhiều gia đình dạy con gái rửa bát hay các công việc nhà khác nhưng không dạy con trai những điều đó. Chúng ta bắt con gái phải rửa bát, quét nhà nhưng không bắt con trai phải làm những việc đó.

Vậy thì cha mẹ chính là người tạo ra bất bình đẳng giới trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động của con mình. Rồi chúng lại mang hệ tư duy đó đến với gia đình con trong tương lai. Những ông bố của con gái, người sẽ làm ông ngoại trong tương lai có thấy xót thương con gái mình khi lập gia đình, con phải làm tất cả các công việc trong nhà… Điều này không phải là con không may mắn lấy được một người chồng tốt mà nó là thành quả dạy dỗ của chính người cha, người mẹ của bạn ấy.

Trong khi đó, rất nhiều các bạn trai dù rất lớn rồi nhưng không biết làm gì cả, thậm chí còn không biết gọt một quả táo như thế nào và tính cách có thể mang khuynh hướng gia trưởng giống bố hoặc ông trong gia đình của bạn ấy sau này.

Không chỉ là trong việc nhà, nhiều gia đình còn đối xử bất công giữa con trai và con gái trong việc học hành hay mua sắm quần áo, đồ chơi, ăn uống… Nhiều gia đình chỉ đầu tư cho con trai học các chương trình nâng cao, học trường tốt, còn con gái thì lại nói “con gái học nhiều làm gì” hoặc luôn tư tưởng kiếm cho con gái một công việc ổn định, nhàn hạ sau này lấy chồng đỡ vất vả. Nhiều gia đình có định kiến về nam nữ lớn và đối xử với con cái khác biệt ngay từ khi còn nhỏ. Con gái phải làm việc nhà giúp bố mẹ và nhiều khi còn phải phục vụ cả con trai, trong khi con trai không phải làm gì. Thậm chí, nhiều bé gái còn bị cha mẹ đối xử bất công trong việc trách phạt.

Những điều này khiến trẻ sinh ra sự ghen ghét, hận thù, đố kỵ ở trong lòng và hình thành nên nhân cách của trẻ trong tương lai. Và khi sự phẫn nộ được đẩy lên cao, nó có thể bộc lộ ra ngoài bằng lời nói, hành vi mang tính tiêu cực, thậm chí là phải trả những cái giá rất đắt.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Sự phân biệt đối xử hay tư tưởng bất bình đẳng trong gia đình như vậy dần dần sẽ in sâu vào trong tâm trí của con trẻ. Ở tuổi vị thành niên, các em có thể nhận thức rõ ràng về vấn đề này và bắt đầu hình thành những tư duy, suy nghĩ, hành vi về vấn đề này. Các em gái bắt đầu nhận thức được rằng con gái không cần học nhiều, vì sau này cũng lấy chồng rồi loanh quanh bếp núc, chăm sóc con cái. Các em dần dần cũng mất đi ý chí phấn đấu trong việc học hành, mất dần khả năng nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Sự bất bình đẳng thể hiện trong gia đình đầu tiên, sau đó là những thể hiện trong công việc hay các hoạt động xã hội khác mà các em tham gia. Và một thế hệ bất bình đẳng nữa lại tiếp tục được hình thành như vậy khi các em gái, các em trai lớn lên và xây dựng gia đình.

Phóng viên: Vâng, theo như chuyên gia chia sẻ, những tư tưởng, suy nghĩ bất bình đẳng giới xuất phát từ những câu chuyện hàng ngày trong mỗi gia đình. Vậy các bậc phụ huynh muốn tạo ra môi trường, tư tưởng, suy nghĩ bình đẳng giới cho các con của họ thì họ phải làm thế nào ạ?

Như Hải Yến đã phân tích ở trên, bất bình đẳng giới xuất phát từ tư tưởng, suy nghĩ, hành vi, lời nói của những người làm cha, làm mẹ. Bởi vậy, để cải thiện bất bình đẳng giới ở thế hệ con cái, các bậc phụ huynh nên thay đổi tư duy, suy nghĩ, hành động của mình trước tiên.

Đây không phải là một việc đơn giản. Mỗi người chúng ta cần phải học cách quan sát chính mình, quan sát chính các thành viên trong gia đình của mình để nhìn nhận ra những vấn đề bất bình đẳng giới đang tồn tại trong ngôi nhà của mình. Tiếp đó, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ của mình trước, khi suy nghĩ thay đổi thì hành động và lời nói mới có thể thay đổi được.

Con cái là điều tuyệt vời nhất đối với cha mẹ. Nếu muốn sau này con được sống hạnh phúc, được tự do phát triển khả năng của mình, được tự do lựa chọn cách sống, không bị những chuẩn mực khắt khe bó hẹp sự sáng tạo, sự thành công, sự phát triển của con, cha mẹ hãy đối xử công bằng với nhau và đối xử công bằng giữa các con.

Cha có tư duy khái quát, mẹ thì tư duy cụ thể, nên con có thể học ở cha cách nhìn xa
trông rộng, học ở mẹ sự tỉ mỉ, chi tiết.

Tốt nhất, cha mẹ nên ngồi lại và bàn bạc với nhau để đưa ra những phương án phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Không hẳn là phải chia đôi việc nhà hay việc chăm con cái mà hãy chọn lựa những phương án phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Trong mọi tình huống, sự phù hợp là rất quan trọng.

Ví dụ, nếu công việc của cha bận bịu, không có thời gian để chăm sóc con hay làm những công việc nhà ngày thường, người cha có thể cùng con học, cùng con chơi sau giờ ăn cơm tối hoặc rửa bát chẳng hạn. Những ngày nghỉ nên tham gia vào các hoạt động của gia đình như dọn dẹp nhà cửa, cùng vợ và các con đi siêu thị mua sắm,…

Và gia đình nên có những nguyên tắc phù hợp với khả năng của từng thành viên. Ví dụ, mẹ là người nấu ngon nhất nhà thì mẹ sẽ đảm nhận chính. Còn bố thường sẽ có hiểu biết về các vấn đề máy móc, điện đóm trong nhà nhiều hơn, bố sẽ đảm nhận chính các công việc như sửa điện nước, sửa đồ điện, vệ sinh đồ điện trong gia đình chẳng hạn. Những công việc mà gần như tất cả mọi người đều có thể làm được nên để các thành viên tự làm phần công việc của mình. Ví dụ như rửa bát, thu và gấp quần áo, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt hay tự thu dọn góc làm việc, học tập, tủ quần áo của mình… Các bé nhỏ tầm 3 tuổi có thể tự chọn quần áo trước khi đi tắm và bỏ quần áo vào máy giặt để giặt, các bé 5 tuổi có thể tự gấp quần áo và bỏ tủ, chơi xong tự cất đồ chơi của mình, các bé tầm 7-8 tuổi có thể rửa bát, lau nhà…

cả nhà cùng vào bếp nấu nướng

Cả nhà cùng vào bếp ngày nghỉ cuối tuần, tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc bên nhau.

Và cha mẹ cần phải đối xử công bằng với các bé theo độ tuổi. Ví dụ như cứ đến đủ 5 tuổi tuổi là các con phải tự gấp quần áo và cất quần áo của mình. Như vậy, cha mẹ cần phân chia công việc gia đình phù hợp với khả năng của từng cá nhân, tránh việc một người làm quá nhiều trong khi người lại rảnh rỗi xem tivi, giải trí. Tương tự, các công việc khác trong gia đình cũng như vậy.

Trong gia đình, những công việc lớn như như việc mua đất đai, xây nhà, mua xe, hay mua sắm đồ có giá trị lớn… cần có sự bàn bạc và thống nhất của cả hai vợ chồng. Ngoài ra, việc nuôi dạy con cái cũng cần có sự thống nhất về quan điểm để tránh tạo ra những mâu thuẫn, lộn xộn trong gia đình. Có như vậy, các con mới cảm nhận được sự tôn trọng của ba mẹ dành cho nhau và tạo nên môi trường bình đẳng giữa các con, bình đẳng giữa hai giới.

Và theo Hải Yến, món quà và giá trị lớn nhất người cha tặng cho con của mình chính là tình yêu đối với mẹ của chúng. Thứ duy nhất bố mẹ để lại mãi cho con là 1 tấm gương.

Nếu vợ chồng có nhiều quan điểm khác nhau chưa thể thống nhất để cùng nhau tạo dựng môi trường gia đình tích cực cho con cái, các bạn có thể cùng nhau đọc các quyển sách về nuôi dạy con cái, sách về giới tính, gia đình…

tâm lý trị liệu

Các chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm NHC Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống gia đình của bạn.

Nếu các bạn quá bận rộn, các bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý trị liệu như chúng tôi. Hiện nay, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đang có các chương trình đồng hành cùng gia đình giúp hòa hợp các mối quan hệ trong gia đình, giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn để cùng nhau tạo dựng tổ ấm của mình.

Các chị em phụ nữ cũng nên yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn, nỗ lực cố gắng phấn đấu vì những điều mình thích, mình ước mơ, khao khát để được tôn trọng và làm tấm gương cho con học hỏi theo.

Trên đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm của Hải Yến trong việc nuôi dạy con và xây dựng môi trường bình đẳng trong gia đình, cũng từ cả các kiến thức về tâm lý, ngôn ngữ lập trình tư duy con người mà Hải Yến được may mắn học tập và nghiên cứu. Hy vọng sẽ giúp các phụ huynh tạo ra môi trường bình đẳng trong chính gia đình của mình.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ rất thiết thực và sâu sắc của Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam. Chúc chị luôn hạnh phúc và thành công trên con đường sự nghiệp của mình!

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến hiện là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu Việt Nam, một đơn vị tiên phong và duy nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực việc trị liệu tâm lý, chữa lành tâm bệnh.

Chuyên gia Hải Yến đã cùng các đồng nghiệp, các chuyên gia tại Trung tâm Tâm lý trị liệu Việt Nam nghiên cứu và đưa ra các giải pháp trị liệu tâm lý cho các chứng bệnh nan giải mà y học hiện đại chưa có các phương pháp hữu hiệu, các vấn đề liên quan đến tâm lý trong xã hội hiện đại và cải thiện sức khỏe tâm trí một cách tự nhiên, triệt để, giảm thiểu tác dụng phụ, biến chứng của thuốc tới sức khỏe con người.

Điển hình là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ – khó ngủ, hòa hợp mối quan hệ gia đình, tìm điểm cân bằng trong cuộc sống, stress – căng thẳng, mệt mỏi…

Liên hệ tham vấn trong giờ hành chính: 096 589 8008.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *