Cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả – Chia sẻ của chuyên gia

Trong cuộc sống hàng ngày, những mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái, anh chị em trong gia đình, bố mẹ chồng với con dâu, bạn bè với nhau, sếp với nhân viên, đồng nghiệp với nhau,… đôi khi vẫn xuất hiện, khiến tình cảm rạn nứt.

Có những người cố tình nhưng có những trường hợp vô tình nói ra những lời nói làm đối phương bị tổn thương mà họ cũng không biết. Vậy đâu là cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Nguyễn Đức Chính ngay sau đây!

1. Lắng nghe cẩn thận, chi tiết

Lắng nghe cẩn thận, rõ ràng từng câu chữ mà người khác dùng là cách cơ bản giúp bạn tự luyện kỹ năng giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn từ. Thông qua việc lắng nghe, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm cũng như học hỏi thêm những cách dùng từ hay, hiểu những điều mà họ thực sự muốn mình hiểu.

Việc lắng nghe cẩn thận, chi tiết cũng thể hiện sự chân thành, quan tâm với người đối diện và đây là điều đặc biệt quan trọng. Còn nếu bạn sợ suy nghĩ của mình là sai, không chắc chắn, bạn có thể hỏi lại bằng những câu như “có phải ý anh/chị là….”.

Bên cạnh đó, việc bạn để ý những thứ xung quanh và thiếu tập trung vào cuộc trò chuyện sẽ làm người đối diện cảm thấy khó chịu, khó lòng gây được thiện cảm. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào cuộc giao tiếp bằng cách hạn chế những nguyên nhân gây ra sự xao nhãng như: tắt điện thoại, tìm một không gian yên tĩnh để trò chuyện.

2. Thấu hiểu khi lắng nghe

Thực tế, không phải điều gì đối phương cũng có thể nói ra một cách trực tiếp cho bạn biết. Do vậy trong quá trình lắng nghe, bạn cần sử dụng tư duy của mình để tìm ra ẩn ý mà họ muốn truyền đạt.

Chắc hẳn ai đó cũng cảm thấy thiện cảm với một người thấu hiểu mình. Bên cạnh đó, nhận ra ẩn ý của đối phương là cơ sở để giúp bạn đối đáp sao cho phù hợp, vừa ý người nghe. Việc thấu hiểu đối phương cũng sẽ giúp bạn tránh những lời nói làm phật lòng hoặc gây tổn thương cho họ.

3. Nói rõ ràng và dễ hiểu

Khi giao tiếp bạn nên nói chuyện một cách đầy đủ, rõ ràng, chậm rãi và dễ hiểu để người nghe tiếp thu đầy đủ nội dung, thông tin truyền đạt. Đây cũng là một đặc điểm cho thấy bạn là người chỉnh chu, trưởng thành và làm người nghe tin tưởng hơn. Ngoài ra, cần tránh nói lấp lửng, lặp từ và nói ngọng để tránh làm hiểu sai ý và mất đi sự tin tưởng của người nghe.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định nội dung trước và chuẩn bị lời nói để phù hợp với từng trường hợp, người nghe và độ tuổi, chú ý phân chia lời nói, ngắt đoạn rõ ràng để đối phương dễ hiểu.

Đặc biệt, khi giao tiếp bằng ngôn ngữ, nên xác định trình độ giữa người nói và người nghe, từ đó lựa chọn từ ngữ, cách nói để tránh không hiểu nhau trong quá trình truyền đạt. Đây cũng là mẹo nhỏ để tránh bị đánh giá là kiêu ngạo, không thân thiện và không tôn trọng người đối diện.

4. Tránh nói những lời làm tổn thương người khác

Việc làm tổn thương người khác qua lời nói là thực tế phổ biến hiện nay. Đôi khi cách nhìn nhận và đánh giá sự việc, nhận xét của bạn làm người đối diện cảm thấy tổn thương và tồi tệ hơn.

Ví dụ, có những câu nói tưởng chừng bình thường, thậm chí phụ huynh con cho rằng nó mang ý nghĩa vui vẻ hài hước nhưng bản thân con lại không thấy vậy. Người lớn thường hay mặc định rằng trẻ con nhanh quên, dù bố mẹ có nói gì đi chăng nữa chỉ một loáng là con chẳng nhớ gì. Thế nhưng thực sự trẻ em vô cùng nhạy cảm, có những câu nói vô thưởng vô phạt của cha mẹ nhưng có thể khiến con cảm thấy ám ảnh, suy nghĩ mãi không thôi.

“Con nhà người ta” luôn là một nhân vật xuất hiện trong bất cứ câu chuyện nào của phụ huynh. Cho dù con đã làm tốt hay chưa tốt, con được điểm cao nhất lớp thì nhân vật đặc biệt này vẫn sẽ có mặt. Ví dụ như dù được 9 điểm thì bố mẹ có thể nói “Nhìn cái Hoa nhà cô A, vừa học giỏi lại vừa biết phụ việc nhà.”

Việc luôn so sánh con với người khác không hề mang ý nghĩa khích lệ con phải cố gắng hơn như người khác như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ mà chỉ khiến con cảm thấy tự ti về bản thân mình. Cho dù con đã cố gắng hơn ở lần này nhưng mẹ vẫn có thể tìm ra một người khác để so sánh, hạ con xuống. Điều này khiến con trở nên mất tự tin, cho rằng sẽ chẳng bao giờ mình có thể giỏi được như cha mẹ mong muốn nên cũng không muốn cố gắng nữa.

Bất kể ở đâu, bất kể tình huống, sự việc gì thì bạn nên đặt mình vào người đối diện. Từ đó sử dụng những lời nói khích lệ, an ủi và động viên theo cách tích cực nhất. Tránh nói thẳng, tránh tác động lại sự việc đó theo hướng tiêu cực. Khi đối phương cảm thấy dễ chịu, vui vẻ hơn thì chính bạn cũng sẽ hạnh phúc hơn trong giao tiếp.

5. Động viên khích lệ và biết cách giải quyết xung đột

Trong trường hợp cuộc trò chuyện bao gồm những niềm vui hay nỗi buồn, nếu một người biết cách giao tiếp hiệu quả sẽ có những lời động viên hay khích lệ đúng lúc đúng thời điểm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không tránh khỏi những xung đột trong quá trình giao tiếp song vẫn cần phải giải quyết chúng. Trường hợp này lại càng yêu cầu sự khéo léo hơn bao giờ hết. Bạn đưa ra những lời lẽ hợp lý để làm giảm tính căng thẳng của vấn đề, hoà nhã để mọi người cùng có giải pháp tốt nhất mà không ai phải cáu gắt, tức giận hay buồn tủi, tổn thương.

Như vậy có thể thấy rằng, trong cuộc sống chúng ta không có ai hoàn hảo cả, nhưng chúng ta có thể sử dụng ngôn từ tích cực trong giao tiếp, chúng ta cần nói đúng điều mình mong muốn đi vào trọng tâm vấn đề. Ông cha ta cũng có câu: “Lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nhằm giúp mọi người biết lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu nhiều hơn.

Những chia sẻ này được chuyên gia tâm lý, Master coach Nguyễn Đức Chính thực hiện trong buổi trị liệu nhóm tại Hà Nội số 12 của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam diễn ra vào ngày 08/10/2022 với chủ đề “Giao tiếp hiệu quả”.

Chương trình được tổ chức hàng tuần vào chiều thứ 7 với nhiều chủ đề khác nhau giúp khách mời giải quyết được những khó khăn phổ biến trong cuộc sống.

Hy vọng qua những thông tin hữu ích này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về sức mạnh của ngôn từ, những xung đột không cần thiết trong quá trình giao tiếp và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *