Chìa khóa đồng hành cùng con ở lứa tuổi mầm non với tình yêu thương vô điều kiện

Rate this post

Chủ đề “Chìa khóa đồng hành cùng con ở lứa tuổi mầm non với tình yêu thương vô điều kiện” có 2 từ khóa quan trọng. Thứ nhất là lứa tuổi mầm non, tức là giai đoạn từ 0 – 6 tuổi trước khi các bạn nhỏ của chúng ta bước vào lớp một. Và từ khóa thứ 2 là tình yêu thương vô điều kiện. Tình yêu thương vô điều kiện bạn có thể hiểu một cách đơn giản là tình yêu thương không có sự kỳ vọng, không có yêu cầu.

Trong chủ đề này, chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến sẽ chia sẻ một cách gần gũi và chi tiết hơn qua các câu hỏi của các bạn độc giả gửi đến Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam để giúp bố mẹ đồng hành cùng con trong giai đoạn mầm non một cách tốt nhất. Bởi đây được coi là giai đoạn vàng, khi mà trẻ vẫn trong vòng tay của bố mẹ và chưa bắt đầu bước vào ngưỡng cửa học chữ, học kiến thức và những cái liên quan nhiều tới tư duy logic.

Thế nào là môi trường tích cực hỗ trợ sự phát triển cho trẻ ở lứa tuổi mầm non?

Câu hỏi từ bạn đọc Trần Tiến Hải (30 tuổi, Thanh Hóa): Chào chuyên gia, chuyên gia có thể nói thêm về môi trường tích cực hỗ trợ sự phát triển cho con trong giai đoạn này là như thế nào không và làm thế nào để có thể tạo ra môi trường như vậy cho bé?

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến trả lời:

chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến

Cám ơn câu hỏi của bạn Hải. Một câu hỏi rất là tuyệt vời. Câu hỏi của bạn có 2 vấn đề “như thế nào là môi trường tích cực”“làm thế nào để tạo ra môi trường tích cực cho các con”.

Một người thầy của Hải Yến từng chia sẻ: “Nếu như các bạn ở lứa tuổi mầm non được nuôi dưỡng trong môi trường tích cực thì ắt lớn lên sẽ trở thành thiên tài”. Vậy, thế nào là môi trường tích cực cho các con?

Đầu tiên, chúng ta cùng giải nghĩa từ “tích cực”. Tích cực ở đây là trạng thái mà mỗi con người cảm thấy thoải mái, cảm thấy được tự do, được là chính mình, có tình yêu thương, cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp, rất mong muốn và sẵn sàng trao gửi đi tình yêu thương với tất cả mọi người.

Sự tích cực còn là cảm giác sống may mắn, vui vẻ, phước lành, hài lòng với cuộc sống của mình, cảm nhận rõ tình yêu thương và sự tin tưởng. Đặc biệt là sự tin tưởng mà người khác dành cho mình, mình cũng rất là yêu thương và tin tưởng với những người xung quanh, cảm thấy mình hài hòa đối với họ. Tất cả mọi người ở trong bầu không khí rất là hòa bình với nhau. Và điều đó cũng có nghĩa rằng, đó là một môi trường không có sự lo sợ, không có ám ảnh, để làm cho con chúng ta không có sự lo sợ.

đồng hành cùng con ở lứa tuổi mầm non

Thực tế trong cuộc sống, những người đã làm cha làm mẹ thường đã từng trải qua những nỗi đau buồn về cả thể chất lẫn tinh thần, hoặc là chúng ta đã từng thất bại. Song các bé mà chúng ta sinh ra, đặc biệt là độ tuổi từ 0 – 3 tuổi, chưa có những trải nghiệm như vậy. Các bé chưa bị tổn thương, chưa có những nỗi đau như chúng ta đã từng trải qua. Nên bé như một tờ giấy trắng vậy, hồn nhiên, tự tin, trong sáng và vô cùng dũng cảm. Đó là bản thể mà con người chúng ta được sinh ra, hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, dũng cảm và dám làm và thậm chí là dám chịu trách nhiệm.

Trong các chương trình trị liệu nhóm mà Trung tâm NHC Việt Nam tổ chức vào cuối tuần, chúng tôi có chia sẻ đến các bậc phụ huynh tham gia chương trình về những điều ngăn cản con người bước tới thành công. Đó là những điều khiến cho con người bị che khuất đi sự thành công, sự can đảm, sự dũng cảm, sự dám làm, dám chịu của mình, che lấp đi ánh sáng bản thể mà mỗi con người đều có.

Năm lý do hay các chuyên gia tâm lý còn gọi là 5 đám mây ngăn cản thành công gồm có:

  • Cảm xúc tiêu cực;
  • Suy nghĩ tiêu cực;
  • Niềm tin giới hạn;
  • Mâu thuẫn nội tâm;
  • Thói quen xấu.

Khi chúng ta thường xuyên đe dọa, dọa nạt, cảnh báo với con bằng những hình ảnh, mô phỏng về những điều tiêu cực có thể xảy ra cộng thêm cảm xúc, ngôn từ khi truyền đạt đã khiến các bạn nhỏ xuất hiện và hình thành nên những đám mây tiêu cực, những “đám mây che khuất bầu trời” của các bé.

Thực ra, người lớn chúng ta dọa nạt, ngăn cản và đe dọa con trẻ của mình là mong muốn bảo vệ con, giữ con của mình được an toàn song vô hình chung chúng ta lại khiến các bé có những nỗi sợ mà thực tế các bạn ấy chưa được trải nghiệm. Cho nên, việc các bé tiếp cận với nỗi sợ là quá sớm.

Do đó, các bậc phụ huynh nên bỏ đi những sự dọa nạt, dọa dẫm đối với con cái của mình và tập cho mình một thói quen KHEN NGỢI, GHI NHẬN và NHẮC NHỞ các bé.Một trường hợp cụ thể mà Hải Yến thường xuyên chia sẻ và rất gần gũi với các bậc làm cha mẹ hay với cả ông bà. Đó là khi chúng ta nhìn thấy các bé 1 tuổi mới chập chững biết đi leo cầu thang. Chúng ta đã phản ứng như thế nào? “trời ơi, sao lại nguy hiểm vậy”, “cẩn thận không ngã bây giờ”, “đứng im đó”.v.v…

con treo cau thang

Trong khi, các bé lại coi đó là một mục tiêu, một điều mới lạ, một ước mơ, một khát khao trong cuộc sống thì các bậc làm cha làm mẹ lại dọa nạt các con rất nhiều. Các con không hề biết ngã là sẽ đau như thế nào bởi các con chưa có những trải nghiệm đó. Tuy nhiên, các bé nhìn thấy thái độ, cách chúng ta phản ứng đã khiến cho các bạn ấy có cảm giác sợ.

Suy nghĩ của bố mẹ, ông bà khi đó sẽ tràn ngập những nỗi lo sợ và cảm xúc tiêu cực. Tất cả những điều đó như một năng lượng xấu truyền đến các con và như một trang giấy trắng, các con nhận hết những điều tiêu cực đó.

Trong quá trình trẻ lớn lên, trẻ chứng kiến trên tivi hay ngoài thực tế cuộc sống có ai đó bị ngã hay bị tai nạn trông rất đáng sợ. Và bố mẹ lại nói rằng “đấy con mà trèo lên cầu thang hoặc không cẩn thận khi trèo cao con sẽ bị ngã đau như thế này”. Khi đó, con sẽ có hình ảnh về vấn đề này.

Sau một lần nào đó, con vô tình bị ngã hơi đau một chút nhưng lời dọa nạt với cảm xúc đầy tiêu cực của bố mẹ, ông bà được khơi dậy lại. Những hình ảnh đáng sợ đó cũng được bật dậy từ trong vô thức của các bé. Tất cả điều đó được cộng hưởng lại tạo thành một nỗi sợ lớn hơn. Và con bắt đầu có những niềm tin giới hạn, suy nghĩ tiêu cực rằng có rất nhiều nguy hiểm phía trước, cuộc sống này có quá nhiều rủi ro mà bố mẹ mình nói là đúng nhất.

Điều này đã tạo ra sự cản trở và làm hao hụt đi lòng can đảm, sự dũng cảm tự nhiên trong các bé. Sau này khi các bạn ấy lớn lên, các bạn ấy có thể sẽ ngại đi ra ngoài để va chạm, tiếp xúc với những điều lạ, không dám tập xe đạp hay không mạnh dạn chơi những môn thể thao mà có thể làm cho chúng ta bị ngã, xước xát, bị rủi ro. Khi đó, một số phụ huynh lại nói “sao mày hèn thế”.

Những ngôn từ, cảm xúc đầy tiêu cực đó đã khiến cho các bạn ấy hình thành nên niềm tin giới hạn một cách từ từ, dần dần. Đến một lúc nào đấy niềm tin đó đủ lớn, con của chúng ta sẽ tự kết luận rằng mình là người hèn nhát, mình không phải là người có tinh thần chịu trách nhiệm. Khi niềm tin giới hạn đồng hành cùng con, các bạn ấy sẽ không dám mạnh mẽ để chinh phục những mục tiêu trong cuộc đời. Con rất muốn học tiếng anh nhưng gặp người nước ngoài lại sợ mà chả hiểu sao mình lại ho. Bởi vì trong vô thức của con đã hình thành một mô thức thông qua cách dạy con của chúng ta.

Nên các bạn thấy đó, hãy nuôi dạy con trong một môi trường tích cực. Hãy gieo cho các con của chúng ta, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non, niềm tin vào bản thân con, niềm tin về cuộc sống tốt đẹp. Hãy gieo cho những cảm xúc vui vẻ bằng những lời khen, lời động viên, bằng sự chỉ dẫn. Thậm chí, hãy cho phép các con được trải nghiệm như tựa đề của cuốn sách “Để con được ốm”.

day con cẩn thận với nước nóng

Ví dụ từ câu chuyện cốc nước nóng. Thay vì dọa dẫm rằng “dừng lại, đừng sờ vào đó, con bị bỏng đấy”, hãy cho con sờ bên ngoài cốc nước trước “con thấy nóng không, để một lúc lâu nó mới nguội bình thường” và các bé sờ vào sẽ thấy nóng tay thật, thậm chí là rụt tay lại. Và chúng ta có thể giải thích thêm rằng “nếu như mà nước đấy nó tràn ra, nó còn nóng hơn, làm chúng ta đau hơn rất nhiều”, “trước khi con uống nước, con nên sờ bên ngoài cốc trước, nếu không thấy nóng, hãy uống thử một ngụm nhỏ rồi mới uống những ngụm nước to hơn”. Như vậy, các bạn ấy đã học được bài học về nước nóng rồi.

Hãy cho các bé học hỏi từ những bài học như vậy bằng sự hiểu biết, đồng hành của người lớn (bố mẹ, ông bà, các anh, chị). Tức là chúng ta phải đứng bên cạnh để dẫn dắt nhẹ nhàng cho con, để đảm bảo con được an toàn mà vẫn khiến cho bé hiểu được kết quả nếu như có rủi ro xảy ra. Đó chính là cách chúng ta tạo ra môi trường tích cực cho trẻ.

Môi trường tích cực còn là môi trường của tình yêu thương. Như một câu nói rằng “Với các ông bố, cái thứ duy nhất, cái thứ lớn lao nhất hay món quà tuyệt vời nhất mà các ông bố có thể cho con của mình được hạnh phúc là tình yêu đối với người mẹ”. Câu nói này có nghĩa rằng, trong một gia đình mà hai vợ chồng yêu nhau, ông bà yêu thương nhau, tất cả mọi người tôn trọng nhau, sử dụng những ái ngữ, mỹ từ trong giao tiếp với nhau thì sẽ tự khắc tạo ra môi trường tích cực cho con cái về mặt tinh thần.

chuyen gia tâm lý bui thi hải yến

Hải Yến thường tâm đắc một câu nói rất hay là “cây khô là bởi đất cằn, nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Bởi vậy, với các con ở lứa tuổi mầm non, nếu chúng ta thấy các bạn ấy nhút nhát, chưa được nhanh nhẹn, quản trị cảm xúc chưa được tốt hay bất kỳ điều gì đó có vẻ tiêu cực mà chúng ta nhận thấy, hãy nhìn nhận lại mình và sửa mình. Thay vì sửa con, hãy sửa mình. Đó cũng là cách chúng ta tạo dựng cho các bạn ấy một môi trường tích cực.

Cách thống nhất quan điểm nuôi dạy con với ông bà

Câu hỏi từ bạn đọc N.M Uyên (26 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội): Chào chuyên gia, em có con trai 4 tuổi. Gia đình em đang sống chung với ba mẹ chồng. Trong khi bố mẹ đi làm cả ngày, ông bà lại rất chiều cháu, con cứ khóc quấy thì ông bà lại cho nghỉ học ở nhà, đi rong cho bé ăn. Em nói thì ông bà lại bênh, bảo là bé tí biết gì. Em cảm thấy bị can thiệp rất nhiều vào việc chăm con, từ việc ăn uống sinh hoạt tới quần áo của bé. Nhiều lúc mua đồ đẹp cho bé nhưng bà lại bảo đồ đấy mặc khó chịu nên không cho mặc. Nhiều khi phải bế bé ra đường đi chơi rồi mới thay đồ. Quan trọng nhất là bé được ông bà chiều nên ngày càng bướng và đòi hỏi. Em nghiên cứu nhiều phương pháp dạy con hiện đại nhưng ở cùng ông bà thì lại không áp dụng được. Em phải làm gì để ông bà hiểu mà không khiến cho ông bà tự ái. Nếu con đã bị mắc những tính như vậy rồi thì liệu có thay đổi được không, bây giờ có gì không hài lòng là bé lại la hét, vùng vằng và hư vô cùng. 

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến trả lời:

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Câu hỏi của bạn khá dài và Hải Yến chưa thể nhớ hết được. Song Hải Yến cảm nhận được trong chính câu hỏi của bạn có rất nhiều ngôn từ, mà theo chuyên gia tâm lý NHC Việt Nam thường nói thì nó chưa phải là mỹ từ, ái ngữ, ngôn từ tích cực. Thẳng thắn một chút thì những ngôn từ trong câu hỏi của bạn nó mang tính tiêu cực hơn là tích cực. Tất nhiên, bạn đang sử dụng nó để mô tả cho chúng tôi hiểu trạng thái của con bây giờ như thế nào. Song kết luận ở cuối câu hỏi của bạn là con mình đang rất “hư”.

Thưa các bạn, khi con của chúng ta ở tuổi mầm non, toàn bộ những thể hiện của các con là sản phẩm của cách chúng ta nuôi dạy. Cho nên, nếu như bạn thấy con mình chưa được tốt ở một vấn đề gì đó, hãy nhìn con để sửa mình, giống như câu nói mà Hải Yến đã chia sẻ: “cây khô là bởi đất cằn, nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.

bất đồng quan điểm nuôi dậy con với ông bà

Theo như câu hỏi mà bạn chia sẻ, chúng ta cần sửa, cần thay đổi rất nhiều để tạo ra cho con một môi trường tích cực. Trong cuộc sống hiện tại của gia đình bạn, quan hệ giữa bố mẹ và ông bà đang chưa được hòa hợp trong cách nuôi dạy con. Điều này đã tạo nên mô thức lặp lại, nó giống như một tấm gương để tạo ra kết quả là giữa con bạn và bạn cũng đâu đó chưa thực sự được hòa hợp. Vậy điều chúng ta cần sửa đầu tiên chính là mối quan hệ của người lớn trong gia đình.

Thực ra, Hải Yến cũng là một người mẹ có hai con đang học cấp 1, cũng đã từng trải qua những ngày tháng mới làm mẹ. Đúng là so về tuổi đời cũng như kinh nghiệm, Hải Yến không bằng ông bà (nội, ngoại) và cũng không có cùng quan điểm nuôi con với ông bà. Cách ông bà nuôi dạy chúng ta đã cách đây 20-30 năm rồi và ông bà vẫn nuôi dạy chúng ta lớn khôn. Trong khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ thay đổi rất nhiều so với ngày xưa. Chúng ta đọc sách, nghiên cứu các phương pháp nuôi dạy con trên thế giới và hình thành nên một hệ thống tư duy niềm tin phù hợp với những gì chúng ta đã học hỏi, nghiên cứu. Do đó, những điều mà ông bà nghĩ, những trải nghiệm mà ông bà đã trải qua so với những điều mà mình nghĩ, những thứ mà sách vở cho mình kiến thức không hề giống nhau, thậm chí là quá khác biệt, đối lập với nhau.

Vậy nên, cái cách để chúng ta nuôi dưỡng con trong hòa bình, trong sự hòa hợp, vui vẻ, trong môi trường tích cực là chúng ta phải giải quyết được sự khác biệt đó để tìm ra được một cái cách nuôi dạy con chung giữa hai thế hệ. Và Hải Yến sẽ chia sẻ với bạn dựa trên kinh nghiệm thực tế của chính mình.

Quan điểm của ông bà (nội, ngoại) thường đâu đó có sự cố hữu, bào thủ. Trong khi quan điểm của một người trẻ tuổi làm mẹ lại đâu đó có sự háo thắng. Với hai luồng tư tưởng như vậy, lúc đầu ai cũng muốn chứng minh mình đúng. Song mình càng muốn chứng minh mình đúng thì vấn đề khúc mắc lại càng lớn hơn. Mối quan hệ lại càng trở nên phức tạp hơn và quan điểm nuôi dạy khác nhau lại càng khiến cho hai bên cùng bật lên trạng thái cảm xúc không được tốt với nhau. Thế rồi có những tranh luận, những quan điểm nó được thổi phồng lên rằng bên kia chưa đúng, bên này mới đúng. Bởi vậy, nếu như chúng ta càng chứng minh mình đúng thì càng tạo ra “cái sai” trong một mối quan hệ. Đó là kinh nghiệm thực tế của Hải Yến khi mới sinh bé đầu lòng.

Khi sinh bé thứ hai, Hải Yến đã có kinh nghiệm hơn, đã được đi học các chương trình về tâm lý, được học về NLP – Ngôn ngữ lập trình tư duy, Hải Yến bắt đầu nhận ra rằng: “Nếu như bạn đúng không có nghĩa là tôi phải sai”. Đây là một tư duy rất tuyệt vời mà Hải Yến đã học được khi theo đuổi học tập, nghiên cứu về NLP – Ngôn ngữ lập trình tư duy của con người.

Ông bà có những cái đúng trên góc nhìn, quan điểm, trên trải nghiệm của ông bà. Mình cũng thế. Vậy nên ông bà đúng không có nghĩa là mình sai. Cho nên chúng ta cần ngồi lại và nói chuyện. Nếu chúng ta chủ đích thừa nhận rằng ông bà có những cái đúng để chúng ta nói chuyện thì câu chuyện sẽ khác hẳn, sẽ bớt căng thẳng hơn rất nhiều so với việc chúng ta cố gắng chứng minh mình đúng và ông bà chưa đúng. Đó là bước đầu tiên, khẳng định ông bà đúng và mình cũng đúng.

Cha mẹ cùng bàn luận với ông bà về cách dạy con cháu

Bước thứ hai, chúng ta sẽ bắt đầu với người dễ trước. Tức là, trong gia đình có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, chúng ta hãy chọn người dễ trước. Ví dụ, trong gia đình của Hải Yến chẳng hạn, ở bên nội, ông nội dễ hơn với Hải Yến hơn rất nhiều. Nên Hải Yến sẽ nói chuyện với ông nội của con trước. Đầu tiên là thủ thỉ sau đó cho ông thấy rõ quan điểm của mình và nhờ ông, không phải là đề nghị mà là nhờ. “Con biết là bố đúng, song con không hiểu hết được cái cách mà bố đào tạo chồng con ngày xưa, con cũng đang có kiến thức về cách làm con đang thực hiện. Và quan trọng là bây giờ phải thống nhất cách nuôi dạy để các con, các cháu không bị mâu thuẫn, cũng như lớn lên trong một môi trường tích cực. Vậy nên, con với bố phải hòa hợp với nhau, phải thống nhất trong quan điểm nuôi dạy con cháu và bố giúp con nuôi dạy các con của con. Bởi thực ra, con đang là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm với cuộc đời của các bạn ấy mà nên bố hãy giúp con”.

Sau đó, Hải Yến đã thống nhất với ông rằng, gia đình nhỏ của con sẽ có những quy định, quy tắc là cứng, là cần thiết để nuôi dạy các bạn nhỏ mong ông tôn trọng. Và ngoài những vấn đề đó, chúng con sẽ tôn trọng ông. Và mình thể hiện cho các con thấy là mình tôn trọng ông bà bởi vì ông bà là bố mẹ của mình và ông bà là người sáng suốt, gia đình chúng ta có trên, có dưới. Trong quá trình nuôi dạy con thường sẽ xuất hiện những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Tất cả sẽ cùng ngồi lại bàn bạc để đưa ra quyết định tốt nhất cho con trẻ, cũng như tôn trọng bậc trưởng bối trong gia đình. Sau đó, chúng ta sẽ trao đổi lại với con để con hiểu và cảm nhận được sự tôn trọng và yêu thương của tất cả các thành viên trong gia đình. “Mẹ và ông bà đã trao đổi với nhau và đưa ra quyết định như thế này, quyết định này dựa trên tình thương yêu của ông bà, ba mẹ dành cho con và nó là tốt nhất với con bây giờ”. Hãy đưa ra lý do phù hợp nếu như chúng ta đã thay đổi quyết định trước đó.

Và mẹ đẻ của Hải Yến cũng có nhiều quan điểm không giống với Hải Yến trong quá trình nuôi dạy con, thậm chí là hoàn toàn khác nhau. Nhưng Hải Yến vẫn phải tìm tiếng nói chung với mẹ. Tất nhiên, mẹ đẻ của mình thì có gì đó sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ như trong chuyện ông bà ngoại mua sắm đồ cho các cháu. Bà ngoại và con gái của Hải Yến rất hợp nhau trong khoản mua sắm, mỗi lần đi chơi với nhau là mua rất nhiều đồ, một phần vì các bạn ấy đòi ông bà mua. Sau khi thấy hiện tượng này, vợ chồng Hải Yến đã nói chuyện với ông bà và đưa ra một số tiền cụ thể (200k chẳng hạn) mà các bạn ấy được mua khi đi chơi với ông bà. Và ông bà thấy hợp lý, ông bà đồng ý ngay. Bởi vì, thực tế ông bà cũng có thể thấy là đôi khi các bạn nhỏ mua những đồ mà lúc đó thích nhưng về đến nhà thì lại không dùng đến, không chơi đến, hay chơi một lúc là không chơi nữa và nó cũng rất là phí.

Khi thực hiện một quy định nào đó, chắc chắn sẽ có những điều phát sinh ngoài ý muốn. VÀ bất kỳ một điều gì làm phá vỡ hay làm sai quy tắc của gia đình thì cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại. Cho nên, một trong những điều mà chúng ta xây dựng môi trường tích cực với các con là biết cách đặt ra những quy tắc ứng xử chung và quy tắc đó được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, sự đồng ý, sự công nhận của tất cả các thành viên. Đó là một trong những cái cách mà bạn có thể làm để tạo cho con một môi trường tốt hơn. Xin cảm ơn các bạn!

https://www.youtube.com/watch?v=NKN7ld1LZ2A&list=PLV-uvrjXsKIzhP5elVUiRoL7QXY0_frTr&index=35

Có thể bạn quan tâm:
Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không? Chìa khóa đồng hành cùng con tuổi mầm non (phần 2)
Nóng giận, chỉ trích, trừng phạt khiến trẻ bị tổn thương, tự ti và khó thành công

Rate this post

Bình luận

  1. Dương Thị Xuân Đời says: Trả lời

    Dạ em xin chào bác sĩ ạ. Em có một bé 3 tuổi. Bé biết đọc chữ lúc 2 tuổi. Bé có thể đọc tất cả các truyện tranh thiếu nhi và sách báo. Nhưng hiện tại thì bé không thích tham gia vào các hoạt động chơi và học cùng bạn tại lớp. Không tự phục vụ bản thân. Bé chỉ thích chơi với các con chữ .
    Năng khiếu vượt trội này có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé như thế nào ạ? Bác Sĩ tư vấn giúp em với. Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *