Nóng giận, chỉ trích, trừng phạt khiến trẻ bị tổn thương, tự ti và khó thành công
Con người chúng ta ai cũng có lúc sai lầm, nhưng quá khứ sẽ không bao giờ quay trở lại để chúng ta sửa chữa. Những sai lầm trong quá khứ có thể gây ra những tổn thương khó có thể chữa lành, như câu chuyện thi trượt vào lớp 10 dưới đây là một ví dụ.
Mẹ nóng giận bắt con gái quỳ giữa khuôn viên trường
Nội dung câu chuyện được đăng trên báo điện tử kenh14.vn.
Câu chuyện xảy ra vào ngày 1/7/2021 tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến nhiều người chứng kiến thấy bất bình và xót thương cho bạn nữ học sinh trong câu chuyện.
Giữa trưa ngày 1/7, một số người lớn ở gần khuôn viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến sự việc cho hay. Người phụ nữ đi cùng con gái lớn tiếng quát con trong cơn giận dữ: “quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn…”. Cô bé học sinh tóc tai rũ rượi sợ hãi, bất lực đành quỳ xuống ở lối đi nhỏ trong khuôn viên nhà trường. Chưa dừng lại, người phụ này còn định vung tay lên đánh bé học sinh nhưng đã được những người lớn ở gần đó can ngăn.
Theo như lời người phụ nữ nói, cô bé học sinh trong chuyện đã thi trượt trong kỳ thi vào lớp 10 trường công lập. Sau đó, người mẹ cô bé đã xin cho cô bé vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng trường tư này cũng không nhận vì điểm của cô bé là 32 trong khi điểm chuẩn của trường là 40, mặc dù cô bé có 7 năm đạt học sinh giỏi.
Những năm gần đây, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều, thậm chí nhiều phụ huynh còn đánh giá nó hơn cả kỳ thi đại học. Bởi tỉ lệ học sinh được học trường công lập ở lớp 10 chỉ chiếm có khoảng 60% số học sinh tham gia mà thôi, khoảng 40% còn lại sẽ phải chọn các con đường khác như trường dân lập, bổ túc văn hóa, trường trung cấp vừa học văn hóa, vừa đào tạo nghề…. 40% này là một con số không hề nhỏ, không phải chỉ là vài chục học sinh mà là hàng trăm, hàng nghìn học sinh.
Sự giận dữ, trừng phạt, chỉ trích khiến trẻ tự ti, giảm bớt yêu thương bản thân mình và khó thành công
Không hiểu vì lý do gì mà người phụ nữ trong câu chuyện này giận dữ với con gái của mình như vậy nhưng hành động này sẽ là một sự tổn thương rất lớn trong tâm lý của cô bé học sinh và nó có thể là nguyên nhân dẫn đến những điều không tốt đẹp khác trong tương lai.
Hành động trừng phạt ngay giữa khuôn viên nhà trường đã khiến cô bé cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh, cảm thấy có lỗi với cha mẹ, cảm thấy bản thân mình vô dụng, không đáng được yêu thương và trở nên tự ti hơn, điều này cản trở sự thành công trong tương lai. Nếu bản thân cô bé sau sự việc này vẫn cố gắng vươn lên thì trong lòng vẫn chất chứa đầy những tổn thương, sự hận thù, ghen ghét và đố kỵ.
Sau này, đứng trước bất kỳ một kỳ thi nào, cô bé cũng cảm thấy áp lực, sợ hãi, lo lắng bởi trong quá khứ cô đã từng bị thi trượt và bị mẹ trừng phạt. Liệu cô bé có thể làm tốt bài thi dù đã học thật tốt, đã chuẩn bị thật kỹ càng nhưng trong tâm trí lại luôn hiện ra hình ảnh và cảm xúc của quá khứ. Những tiếng mắng chửi, chì chiết của mẹ văng vẳng bên tai, ánh mắt đầy giận dữ của người mẹ, sự chỉ trỏ, bàn tán của những người xung quanh, cảm giác sợ hãi ùa về, trong tâm trí văng vẳng lên một giọng nói của quá khứ “tôi vô dụng, tôi không thể thi đỗ, tôi sẽ thất bại”… Và điều này có thể xảy ra với bất kỳ một sự kiện trong đại nào của cô bé trong tương lai.
Trong thực tế, có rất nhiều học sinh, sinh viên học giỏi ở trường, được các thầy cô giáo khen ngợi nhưng vẫn thi trượt trong các cuộc thi mà “thực lực trong tầm tay” bởi vì quá áp lực hoặc thiếu sự tự tin. Nếu soi chiếu điều này với cuộc đời của người lớn chúng ta thì các bạn cũng có thể thấy rõ, áp lực vừa phải có thể là động lực để chúng ta lớn mạnh hơn, nhưng áp lực quá lớn không thể khiến chúng ta thành công được, có thể chúng ta bỏ cuộc khi chưa bắt đầu hoặc thất bại trong sự thất vọng.
Thậm chí, sự tổn thương này có thể khiến một con người rơi vào tình trạng trầm cảm, muốn làm hại bản thân mình, thậm chí là tự sát như câu chuyện dưới đây.
Hãy kiểm soát cơn giận để tránh làm tổn thương con
Có thể người mẹ trong câu chuyện này đang cảm thấy rất hối hận, cảm thấy có lỗi với con vì đã hành động như vậy với con. Nhưng quá khứ không quay trở lại để chúng ta có thể thay đổi, sửa chữa bất kỳ điều gì cả. Việc quan trọng mà chúng ta cần làm ở hiện tại là kiểm soát cơn nóng giận để sự việc tương tự không xảy ra nữa và xoa dịu tổn thương cho con.
Vậy cơn giận dữ của chúng ta đến từ đâu và tại sao chúng ta không thể kiểm soát được nó. Trong quá trình chúng ta trưởng thành, chúng ta đã từng gặp các tình huống tương tự. Người ta giận dữ, nổi nóng với chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy họ đối xử với mình không được công bằng. Và rồi mình cũng nổi giận để bảo vệ mình. Nhiều tình huống tương tự như vậy diễn ra khiến cách giải quyết vấn đề bằng những cơn nóng giận đã đi vào tiềm thức của chúng ta.
Đến khi gặp các trường hợp tương tự, hoặc khi chúng ta bị dồn vào thế bí, không có cách giải quyết, không còn giữ được bình tĩnh, ý thức còn làm chủ được hành động và suy nghĩ thì tiềm thức sẽ giải quyết theo cách mà trước đây chúng ta đã giải quyết. Kể cả việc trừng phạt con, chắc hẳn trước đó bạn đã từng gặp các trường hợp tương tự hoặc nó đã từng xảy ra với mình.
Việc cáu giận không chỉ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đừng để quá khứ phá hoại cuộc sống của mình. Hãy hít thở thật sâu, hãy đếm từ 1 đến 10 nếu cần thiết. Hãy bình tĩnh, suy nghĩ, nhìn nhận lại vấn đề và tìm cách giải quyết. Con cái là món quà của thượng đế mang đến cho bạn. Chúng đáng yêu hơn bất kỳ điều gì, chúng xứng đáng được tình yêu thương từ cha mẹ.
Hãy lắng nghe con nhiều hơn, hiểu con nhiều hơn và yêu thương con vô điều kiện
Yêu thương vô điều kiện là tình yêu thương chân thành, yêu thương hết mình mà không mong cầu nhận lại bất kỳ điều gì, tức là không có kỳ vọng gì với người được yêu thương. Khi không có kỳ vọng thì cha mẹ sẽ không phải nổi giận, mắng chửi, chì chiết hay đánh mắng con cái. Khi đó, trẻ sẽ được lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ, không có sự tổn thương, trẻ sẽ được phát triển một cách lành mạnh, hạnh phúc và thành công.
Thuật ngữ “yêu thương vô điều kiện” có thể khiến một số phụ huynh cảm thấy lạ lẫm và khó hiểu. Vậy cha mẹ hãy thử gần gũi con hơn, lắng nghe con nhiều hơn, hỏi ý kiến con trước khi quyết định thay vì áp đặt hay đặt mục tiêu, kỳ vọng cho con.
Thay vì nhìn vào điểm số của con mà phán xét, hãy cùng con xem lại bài kiểm tra đó, hãy khen ngợi thứ con đã làm tốt (làm tốt hơn ngày hôm qua chứ không phải làm tốt hơn so với bạn bè), hãy xem có điều gì cần cải thiện ở bài kiểm tra đó.
Thay vì ra quyết định thay con, hãy trao đổi với con và trao dần cho con quyền tự quyết định. Điều này sẽ giúp con tự lập sớm hơn và chịu trách nhiệm với những gì mình quyết định.
Nếu bạn sai, hãy chân thành xin lỗi. Những hành động ôm ấp, những lời nói yêu thương sẽ xoa dịu đi những tổn thương trong con.
Nếu bạn đã cố gắng nhưng không thể kiềm chế được cơn nóng giận, không thể ngừng kỳ vọng vào con, không thể xoa dịu tổn thương trong con, không thể giúp con thoát ra khỏi những ám ảnh quá khứ, bạn có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu. Họ sẽ giúp bạn cởi bỏ những nút thắt, xoa dịu những tổn thương, hòa hợp mối quan hệ giữa bạn và người thân, sống tích cực, bình an và hạnh phúc hơn.
Tham khảo thêm:
- Trầm cảm ở học sinh: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa
- 12 thực phẩm người bị trầm cảm cẩn trọng khi sử dụng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!