Chuyên gia chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe tâm trí hậu Covid (phần 3)
Trong phần 1&2, chuyên gia Hải Yến đã giúp cho chúng ta hiểu rằng, tinh thần đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình hồi phục sức khỏe khi mắc Covid hay bất kỳ một bệnh lý nào? Vậy sức khỏe tâm trí là gì và làm thế nào để chúng ta có thể chăm sóc sức khỏe tâm trí của mình. Mời các bạn tiếp tục theo dõi những chia sẻ đến từ Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến nhé.
PV: Từ những chia sẻ của chuyên gia, có thể thấy là sức khỏe không chỉ bao gồm sức khỏe thể chất, nó còn bao gồm cả khía cạnh sức khỏe tâm trí nữa. Chuyên gia có thể chia sẻ rõ hơn về sức khỏe tâm trí được không ạ?
Chính xác là như vậy. Nói đến sức khỏe chắc chắn không thể chỉ nói đến trong phạm trù về thể chất được. Con người chúng ta có Tâm – Thân – Trí. Nếu được gọi là khỏe thì cần phải khỏe cả về Tâm, Trí bên cạnh khỏe về Thân.
Theo như định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật.
Theo định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu rằng sức khỏe toàn diện chính là trạng thái khỏe mạnh về cả Tâm – Thân – Trí. Nếu chúng ta chỉ bó hẹp sức khỏe thân thể thôi thì rõ ràng đó là sự khuyết thiếu rất lớn trong chăm sóc sức khỏe toàn diện của mỗi con người.
Về sức khỏe thể chất, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát được những vết thương trên cơ thể, cơ quan, bộ phận nào đó bị đau, yếu và sử dụng các kỹ thuật, phương pháp điều trị trong y khoa để chúng ta giải quyết. Nhưng sức khỏe tâm trí chiếm tầm ảnh hưởng không hề nhỏ trong sức khỏe toàn diện. Theo các nhà khoa học nghiên cứu về Lập trình ngôn ngữ tư duy, sức khỏe tâm trí chiếm đến 70-80% sức khỏe tổng thể.
Đó là lý do vì sao những ám ảnh, lo lắng, sợ hãi về Covid khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta suy giảm, sống không được thoải mái kể cả khi không mắc Covid. Còn trong trường hợp mắc Covid thì những vấn đề đó sẽ làm cho tình trạng sức khỏe trở nên tệ hơn rất nhiều. Bởi vậy, sức khỏe về mặt tâm trí là vô cùng quan trọng và rất cần thiết, cần phải được quan tâm, chăm sóc.
Sức khỏe thể chất được thể hiện tổng quát bằng sự thoải mái, sảng khoái về thể chất. Cơ sở là có sức lực, nhanh nhẹn, dẻo dai, khả năng vận động thực hiện các hành vi, khả năng chịu được sự khắc nghiệt về môi trường, khả năng chống lại các yếu tố gây bệnh.
Còn sức khỏe tâm trí được biểu hiện phần nhiều qua cảm xúc, cảm giác. Khía cạnh đầu tiên đề cập trong sức khỏe tâm trí là sức khỏe tinh thần.
Sức khỏe tinh thần là khả năng của bộ máy tâm lý hoạt động một cách hợp lý, nhuần nhuyễn, uyển chuyển, có hiệu quả và đương đầu một cách phù hợp, linh hoạt, mềm dẻo trước tình huống khó khăn mà vẫn có thể tìm lại được sự cân bằng cho chính mình.
Sức khỏe tinh thần được thể hiện bằng cảm giác sảng khoái, dễ chịu, cảm giác tươi vui, thanh thản, bình an, bằng những ý nghĩ lạc quan yêu đời, bằng những quan niệm, ý niệm, tư duy, niềm tin hướng tới tích cực. Đó là sự dũng cảm, chủ động. Bên cạnh đó là khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh. Như vậy, sức khỏe tinh thần ở đây còn là biểu hiện của nếp sống lành mạnh, văn minh, đạo đức.
Cơ sở của sức khỏe tinh thần là sự thăng bằng, sự hài hòa trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và cảm xúc của bạn.
Những người có sức khỏe tinh thần tốt (Tâm an) sẽ thấy mình trong trạng thái bình yên, an lạc, hoan hỉ, luôn có cảm giác, cảm xúc đầy phước lành, bên trong luôn tràn ngập tình yêu thương, sự biết ơn, vui vẻ.
Bên cạnh những cảm xúc vô cùng tuyệt vời ở Tâm thì sức khỏe tâm trí còn có khía cạnh về Trí nữa. Đó chính là sự trí tuệ, sự tỉnh thức để mình có thể hài hòa được với cuộc sống của mình, với thế giới xung quanh, mình có thể kết nối, cân bằng các mối quan hệ.
Nếu xem xét sức khỏe theo định nghĩa của WHO thì sức khỏe xã hội cũng là một phần của trí tuệ. Người có sức khỏe xã hội là người có thể giữ cho mình được thoải mái, linh hoạt, sự mềm dẻo để xử lý tình huống một cách hợp lý trong các mối quan hệ chằng chịt phức tạp ở mọi tổ chức, cộng đồng, đội nhóm mà mình tham gia, giữ được sự cân bằng trong mối quan hệ với tất cả các thành viên của gia đình, nhà trường, bạn bè, công sở, xóm làng, nơi công cộng. Nó thể hiện khả năng hòa nhập của bạn với xã hội và sự tán thành, chấp nhận của xã hội với bạn. Càng hòa nhập với mọi người, càng được mọi người đồng cảm, yêu mến thì sức khỏe xã hội càng tốt và ngược lại.
Rõ ràng, đây là một phần của sức khỏe tâm trí. Bởi sức khỏe tâm trí tốt thì cảm xúc, trạng thái tinh thần và các mối quan hệ tốt.
Khả năng hòa nhập vào xã hội tốt thì chúng ta sẽ kết nối tốt với các thành viên tại tổ chức mà chúng ta tham dự vào đó và ngược lại, chúng ta cũng được các thành viên của tổ chức đó tán thành, chấp nhận. Kết nối là bản thể tự nhiên của con người. Bởi vậy, nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe tâm trí tốt thì những mối quan hệ, sự kết nối của chúng ta trong tổ chức, xã hội mà chúng ta sống sẽ có vấn đề. Đây cũng chính là nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm trí của chúng ta.
Một người sẽ có 2 đối tượng để kết nối, giao tiếp là chính mình và người khác. Bởi vậy, nếu muốn có sức khỏe tâm trí tốt, bạn cần kết nối tốt với chính mình và kết nối tốt với người khác.
Khi bạn thấu hiểu được chính bản thân mình, biết yêu, biết thương mình đúng cách, biết cách chăm sóc làm cho Tâm mình an, thân mình khỏe, trí mình sáng thì bản thể của bạn ắt tỏa sáng và phát huy được hết những năng lực nội tại của bản thân.
Thẩu hiểu, biết yêu, biết thương chính mình đúng cách là chìa khóa để bạn hiểu và yêu thương người khác đúng cách, kết nối, giao tiếp tốt với những người xung quanh. Điều quan trọng hơn nữa, khi vấn đề giao tiếp, mối quan hệ với chính mình và những người xung quanh tốt thì bạn không bị căng thẳng, stress và chúng ta sẽ sử dụng năng lượng, trí tuệ của mình để sáng tạo, cống hiến. Như vậy, bạn sẽ có tâm an, trí sáng và cuộc sống sẽ tốt đẹp, dễ chịu hơn rất nhiều và bạn sẽ dễ đạt được thành công và hạnh phúc trọn vẹn.
Các khía cạnh này có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại hai chiều với nhau. Cái này tác động đến cái kia, cái kia lại tác động ngược trở lại cái này.
Vậy nên, sức khỏe tâm trí là điều kiện vô cùng quan trọng để chúng ta có được một cuộc sống tuyệt vời và tận hưởng nó.
Kiến thức về sức khỏe tâm trí rất rộng. Trong khuôn khổ câu hỏi này, Hải Yến chia sẻ tới các bạn những điều cơ bản nhất, góc nhìn dễ hiểu nhất về sức khỏe tâm trí.
Hải Yến rất đồng tình với trường phái tâm lý học và những người theo đuổi và nghiên cứu về tâm trí con người, về khai thác tiềm năng con người rằng sức khỏe tâm trí chiếm trọng số rất lớn, đến 70-80% trong sức khỏe tổng thể của con người, trong sự thành công và hạnh phúc của con người.
PV: Nếu sức khỏe toàn diện gồm 3 khía cạnh là Tâm – Thân – Trí. Vậy thì, các biện pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe thân thể nữa mà còn bao gồm cả các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí. Chuyên gia có thể chia sẻ một vài giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí dễ thực hiện tại nhà được không ạ?
Sức khỏe toàn diện bao gồm 3 khía cạnh Tâm Thân Trí. Bởi vậy, chăm sóc sức khỏe toàn diện thì mình cần phải chăm sóc cả 3 khía cạnh Tâm Thân Trí chứ không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe thân thể nữa. Thậm chí, như Hải Yến đã chia sẻ, theo quan điểm của những người nghiên cứu về tiềm năng con người, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm trí còn chiếm trọng số đến 70-80% tổng thể sức khỏe con người. Cho nên, chúng ta luôn cần phải lưu tâm về sức khỏe tâm trí của mình.
Về các giải pháp chăm sóc sức khỏe cho thân thể, chúng ta đã có sẵn rất nhiều thông tin, các biện pháp hữu ích được chia sẻ trên mạng, điển hình là luyện tập và dinh dưỡng. Còn các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm trí tại nhà như thế nào?
Thực ra, sức khỏe tâm trí không chỉ chăm sóc ở nhà mà chúng ta cần chăm sóc chúng ở bất kỳ nơi đâu trong bất kỳ khoảnh khắc nào. Đấy là điều mà Hải Yến muốn lưu tâm với các bạn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta sẽ trở lại câu hỏi “Làm sao để chúng ta chăm sóc sức khỏe tâm trí ở nhà”.
Quay trở lại vấn đề kết nối, mối quan hệ và sự giao tiếp mà Hải Yến đã chia sẻ ở trên, chúng ta sẽ thấy rằng, nhà là nơi mà chúng ta giao tiếp với chính mình nhiều nhất và giao tiếp với những người thân yêu của mình. Đó là có thể là chồng, vợ, con, bố mẹ, anh chị em của chúng ta, những mối quan hệ đặc biệt thân thiết, khăng khít. Bởi vậy, nếu muốn chăm sóc sức khỏe tâm trí của bạn ở nhà thì chúng ta cũng cần chăm sóc các mối quan hệ này để tạo cho bạn một không gian, môi trường ở nhà thuận lợi cho sức khỏe tâm trí của bạn được nâng đỡ, bảo vệ, phát triển.
Đầu tiên, chúng ta cần kết nối với chính mình, quan sát bản thân, để tâm đến mình, hiểu được nhu cầu, khao khát sâu thẳm của chính con người mình để thấu hiểu chính mình, sau đó là biết yêu và biết thương mình đúng cách. Điều này đã được Hải Yến nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các chương trình, chia sẻ của mình. Chuyện mình có thể hiểu mình, yêu mình đúng cách không hề đơn giản.
Nếu chúng ta giao tiếp sai với chính mình, chúng ta không biết yêu, biết thương mình đúng cách thì chúng ta sẽ vướng vào cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực, niềm tin giới hạn, mâu thuẫn nội tâm và đặc biệt là thói quen xấu. Khi bạn vướng vào một trong 5 điều đó, bất kể là gì, sức khỏe của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực về cả mặt thể chất, tinh thần.
Nếu bạn vướng vào những suy nghĩ xấu, niềm tin giới hạn, Trí của bạn liệu có khỏe được không? Nếu bạn vướng vào cảm xúc xấu, có bối rối, mâu thuẫn nội tâm thì Tâm của bạn liệu có khỏe được không? Và nếu bạn vướng vào thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, (ăn, ngủ, nghỉ, ngồi, đứng, nằm, thở sai cách) thì liệu sức khỏe thân thể của bạn có khỏe mạnh được không?
Nên khi quay về nhà, hãy luôn luôn dành cho mình thời gian, có thể chỉ là vài phút thôi nếu như bạn chưa dễ sắp xếp thời gian, để tâm tĩnh lại, lắng nghe mình, quan sát mình để hiểu mình và biết yêu thương, vỗ về mình nhiều hơn.
Mỗi một lần đánh răng, rửa mặt, hãy nhìn mình trong gương, suy nghĩ về mình một cách đầy yêu thương. Hãy luôn tưởng thưởng những nét đẹp của mình. Hãy luôn động viên, khen ngợi chính mình mỗi khi mình đạt được thành tích gì đó. Hãy thủ thỉ với thế giới nội tâm của mình giống như là nó là một đứa trẻ cần được vỗ về, chăm sóc, yêu thương, cưng nựng. Đó chính là bạn đang kết nối với chính mình. Và kết nối với mọi người cũng như vậy. Khi bạn đã quan sát được mình, hiểu mình, biết mình muốn gì và làm thế nào để mình có được cái sự hạnh phúc, thoải mái, nhu cầu của mình là gì thì bạn sẽ dễ dàng hiểu người khác hơn.
Nếu bước số 1 là quan sát mình để hiểu và yêu thương mình đúng cách thì bước số 2 là quan sát mọi người, đặt tâm, đặt tình yêu thương vào trái tim của mình, lắng nghe và nhìn sâu để hiểu thấu người khác, sau đó là biết yêu và biết thương người khác đúng cách. Mối quan hệ với vợ/chồng, con, bố mẹ, anh chị em tốt thì tự nhiên gia đình trở thành môi trường tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe cho bạn về cả mặt tâm trí và thể chất nữa.
Có rất nhiều người nói rằng “về đến nhà là cảm thấy mệt mỏi, stress – căng thẳng”. Đó là bởi vì sự kết nối của bạn với những người thân trong gia đình tệ. Hoặc chẳng có ai mà mình cũng thấy nặng nề là vì bạn kết nối với chính bạn nó không được tốt. Có những người sợ ở một mình vì mình không hiểu mình, mình sợ đối diện với chính mình.
Vì vậy, để có thể chăm sóc được sức khỏe tâm trí của bản thân khi quay trở về ngôi nhà của chính mình, bạn phải kết nối được với hai đối tượng đó là mình (số 1 và đầu tiên) và tất cả các thành viên khác trong gia đình (số 2).
Sau khi bạn đã có mối quan hệ tốt với chính mình và những người thân trong ngôi nhà của mình, bạn có thể tổ chức các hoạt động khác để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Dưới đây là một vài gợi ý từ chính kinh nghiệm của Hải Yến:
Thứ nhất, tạo cho mình một không gian thoải mái, sạch sẽ, thoáng đãng và có yếu tố thiên nhiên.
Chúng ta không thể sống thoải mái trong một căn nhà bừa bộn, mùi hương không dễ chịu, không sạch sẽ ngăn nắp được. Vậy thì, hãy sắp xếp tổ ấm của mình sao cho nó thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp, dễ chịu và đừng quên yếu tố thiên nhiên trong ngôi nhà của bạn. Nếu bạn là người thích cây cối, hãy phủ thêm màu xanh thiên nhiên cho ngôi nhà của mình. Nếu bạn không thích trồng cây, hãy để căn nhà của mình có chút ánh sáng tự nhiên.
Thứ hai, thiết kế không gian sinh hoạt cùng những hoạt động chung cho cả gia đình.
Nhà dù lớn, dù nhỏ, dù như thế nào cũng cần có một không gian sinh hoạt chung dành cho cả gia đình. Sinh hoạt ở đây có nghĩa là cùng kết nối, cùng gắn kết, cùng có những hoạt động chung với nhau. Không gian đó thường là phòng khách. Phòng khách trong tiếng anh là living room, là không gian để sống và kết nối với nhau.
Hãy thiết kế làm sao cho các thành viên có thể quây quần cùng nhau làm điều gì đó. Có thể là xem phim, chơi bóng đá, trò chuyện, chơi bài, đọc sách… Hãy quan sát thấu hiểu chính bạn và các thành viên khác để thiết kế ra một không gian có nhiều điểm chung nhất với mọi người hoặc là trò chơi, hoạt động mà nhiều người có thể tham dự nhất.
Trong không gian đó, bạn hãy là người bắt đầu kết nối, khởi tạo, lôi kéo, hấp dẫn mọi người, từng bước, từng bước một bước vào cuộc chơi chung. Nếu bạn đang sực nhận ra đã lâu lắm rồi, gia đình mình không có những hoạt động chung như vậy, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay nhé. Lúc đầu là sự cố gắng, nỗ lực nhưng đến một lúc nào đó, mọi thứ đã trở thành thói quen, mọi thứ sẽ diễn ra rất dễ dàng.
Khi đó, ngôi nhà thực sự là mái ấm, là nơi vỗ về giúp bạn tái tạo lại năng lượng, sức lao động và rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm trí chưa được ổn mà bạn va phải ở ngoài kia sẽ được chữa lành. Đó là cách để chúng ta chăm sóc sức khỏe tâm trí của chính mình.
Hoạt động chung trong gia đình Hải Yến thường là cả nhà cùng làm việc nhà, cùng đọc sách hoặc cùng thiền với nhau.
Mọi thành viên trong gia đình nhà Hải Yến đều được chia việc nhà để tất cả mọi thành viên đều biết rằng mình là một thành viên trong gia đình mình và mình cần có trách nhiệm với công việc trong gia đình.
Các bạn nhỏ nhà Hải Yến từ lớp 1 đã được phân công làm những việc nhà phù hợp với các con. Có thể lúc đầu con chưa được thoải mái nhưng sau này con sẽ thấm nhuần tư tưởng “con là một thành viên của gia đình” và mình có vai trò rất quan trọng trong ngôi nhà. Trách nhiệm, nhiệm vụ phải làm vì mình là một người tồn tại và là mắt xích không thiểu trong bộ máy đó. Lúc đầu có thể là gượng ép nhưng khi con đã chấp nhận rồi thì đến một lúc nào đó, làm việc nhà là một điều tự nhiên, một lẽ thường tình, không làm còn cảm thấy áy náy.
Hay đơn giản hơn là cùng cố gắng để cả nhà ngồi ăn chúng một bữa cơm với nhau. Đừng lấy lý do rằng giờ giấc, công việc, học tập của bố mẹ và con cái khác nhau. Hãy cố gắng cùng nhau sắp xếp thời gian để cùng ăn cơm với nhau buổi tối hoặc đơn giản chỉ là một bữa cơm trong ngày nghỉ thôi.
Đọc sách cũng là một sở thích của các thành viên trong gia đình Hải Yến. Giờ nó là một sở thích, còn lúc đầu là một hoạt động được chủ đích tạo dựng thành thói quen, và thói quen có tưởng thưởng thì thành ai cũng thích. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta rèn luyện tâm trí mà còn có thể tổ chức thành một chương trình chia sẻ sách. Bố mẹ chia sẻ sách hay với con, các con chia sẻ sách hay với bố mẹ và đều có phần thưởng.
Bên cạnh đó, ba mẹ con Hải Yến còn thiền trước khi đi ngủ. Trước khi mắc Covid, mình thấy rằng, hơi thở là điều rất quan trọng, đặc biệt là những bệnh nhân mắc Covid. Bởi vậy, mình đã lấy nó làm lý do để rủ các con thiền mỗi ngày. Nó chỉ cần khoảng 20 phút mỗi ngày thôi.
Thỉnh thoảng, vợ chồng Hải Yến cùng các con xem các bộ phim hoạt hình hay có khi là một trận bóng đá. Trước kia Hải Yến không phải là người hâm mộ bóng đá nhưng bạn nhỏ có sở thích đó nên mình cũng tìm hiểu thông tin, cũng cùng xem với con để có thể trò chuyện với con về bóng đá. Đôi khi còn nói chuyện với con bằng ngôn ngữ của con. Đó là cách mà Hải Yến kết nối, làm bạn với con.
Với Hải Yến, tất cả những hoạt động nhỏ nhặt đó là cách mà Hải Yến chăm sóc sức khỏe tâm trí của mình. Các bạn có thể tự quan sát các thành viên trong gia đình mình và thiết kế nên những hoạt động, trò chơi mà có lợi về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ, sáng tạo thành hoạt động chung cho cả gia đình.
Lúc đầu có thể các thành viên chưa quen, chưa hồ hởi, chưa vui vẻ nhưng chính bạn phải quản trị được cảm xúc của mình, phải kiên trì bền bỉ để kỷ luật bản thân, làm gương trước rồi mới dẫn dắt được các thành viên khác bước vào hoạt động, trò chơi mà mình tạo ra. Khi nó đã trở thành thói quen rồi, nó sẽ giúp bạn vui vẻ, tích cực và chăm sóc tâm trí của bạn.
Trẻ con cần học, người lớn cần làm. Mỗi ngày chúng ta dành ra 8-10 giờ để đi làm, đi học, thời gian chúng ta ngủ cũng phải 6-8 tiếng cộng thêm thời gian di chuyển nữa. Như vậy, thời gian thực sự để chúng ta thức và sinh hoạt với nhau ở nhà là rất ít. Chúng ta chỉ cần quây quần với nhau để sinh hoạt chung ít nhất 30 phút mỗi ngày, nhưng 30 phút đó phải chất lượng để mang đến giá trị tuyệt vời về mặt tâm trí.
Vậy nên, để chăm sóc sức khỏe tâm trí ở nhà bạn cần chăm sóc và kết nối với chính mình, chăm sóc các mối quan hệ và kết nối với những thành viên khác trong gia đình. Sau đó, thiết lập các hoạt động chung mà những hoạt động đó mang lại giá trị, lợi ích để cải thiện tốt hơn về sức khỏe thể chất, tâm lý, trí tuệ cho mình và những thành viên khác. Khi đó một cách tổng thể, tự khắc sức khỏe tâm trí của chúng ta sẽ được chữa lành, được hỗ trợ, nâng đỡ ngay trong chính gia đình, tổ ấm của chúng ta.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!