Chuyên gia chia sẻ cách vượt qua Covid nhanh chóng và bảo vệ sức khỏe hậu Covid (phần 1)
Cùng mắc Covid nhưng có người vượt qua nó một cách rất nhẹ nhàng, bình an nhưng có người lại chật vật và gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị Covid. Hậu Covid cũng khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, chán nản và gặp những vấn đề dai dẳng về sức khỏe.
Thể trạng sức khỏe là một phần lý do cho sự khác biệt này. Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hồi phục khi mắc các bệnh lý.
Là người đã từng mắc Covid và có kinh nghiệm chăm sóc con mắc Covid, Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin hữu ích về vấn đề này.
PV: Khi có các triệu chứng mệt mỏi, test Covid lên 2 vạch, Chuyên gia và các cháu có lo lắng, sợ hãi gì về vấn đề này không ạ?
Đây là một câu hỏi rất là hay và đắt giá. Bởi vì, sự thật là có những người khi có các triệu chứng cúm đã lập tức liên hệ tới Covid và cảm thấy tâm lý rất hoang mang. Thế rồi có những người khi nhìn thấy 2 vạch tự nhiên căng thẳng và cảm thấy trong người mệt mỏi, yếu đi một cách nhanh chóng, thậm chí trầm trọng. Thực ra, cơ thể và tâm trí của chúng ta là một. Cho nên, nếu như trong người bị mỏi mệt và mắc Covid thật cộng với tinh thần có sự lo lắng, sợ hãi thì sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng lẫn nhau. Sự cộng hưởng này tạo ra hiệu ứng là làm cả thể chất lẫn tâm lý đều gia tăng thêm sự mệt mỏi, khó chịu theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng nữa. Ngược lại, nếu như chúng ta có một tinh thần tốt thì sự mệt mỏi, khó chịu của cơ thể nó không phải vấn đề quá lớn.
Làm một người nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực tâm lý con người, Hải Yến hiểu rất rõ về điều này. Cho nên, sự lo lắng, sợ hãi khi Hải Yến nhìn thấy que thử của mình và các con lên 2 vạch là không có. Một phần vì mình là một chuyên gia tâm lý và phần nữa là Hải Yến cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.
Tâm thế sẵn sàng mà Hải Yến nói đến là điều mà vợ chồng Hải Yến đã trang bị cho chính mình và các con từ khi lên kế hoạch đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán. Lễ tết là một thời điểm rất nhạy cảm để dịch bệnh dễ dàng lây lan và bùng phát mạnh. Thực tế, các dịp lễ tết trong 2 năm gần đây, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid, đã chứng minh điều này. Số ca nhiễm Covid mới tại Hà Nội vào khoảng thời gian trước tết Nguyên đán cũng gia tăng. Trong tình thế đó, có những gia đình lựa chọn “đóng cửa” ăn Tết nhưng cũng những gia đình lựa chọn đi du lịch trong dịp Tết. Có rất nhiều lý do, nhu cầu để mỗi gia đình đưa đến cho mình quyết định như thế nào.
Trải qua hai cái Tết phải ở nhà cùng với những hạn chế về giao tiếp, đi lại, giải trí trong thời gian diễn ra dịch bệnh 2 năm vừa qua, quan sát các con Hải Yến thấy rằng, nhu cầu được ra ngoài hòa mình vào với thiên nhiên, kết nối với xã hội và trải nghiệm của các con mình là rất lớn. Thậm chí, điều này cũng ảnh hưởng tới cả việc học tập của các con. Bình thường các bạn nhà Hải Yến học tập rất tốt nhưng thời gian gần đây có biểu hiện không yêu thích việc học, chểnh mảng, thiếu tập trung trong việc học… đã xảy ra.
Là một người tìm hiểu về tâm lý con người, sau những cuộc trò chuyện với các con và dùng các biện pháp để dồn các con vào chân tường, Hải Yến chợt nhận ra rằng đã quá lâu rồi các con không được kết nối với cuộc sống, xã hội, thiên nhiên, sống theo đúng bản thể của một con người. Bởi vậy, bên trong các con có rất nhiều điều bối rối khiến cho tinh thần và sự tập trung học tập của các con bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các bạn nhà Hải Yến là những người có chỉ số thông minh về vận động cao hơn mức trung bình nên nhu cầu hướng ngoại, trải nghiệm cuộc sống cũng lớn hơn mức bình thường.
Cộng với việc quan sát số ca nhiễm ở Hà Nội đang ngày một tăng lên vào thời điểm đó và tấm gương từ Hồ Chí Minh, Hải Yến cũng nhận thấy đó là một tiếng gọi để bản thân mình cần chuẩn bị tốt hơn trước tình huống dịch có thể bùng nổ.
Nếu dịch bùng trở lại, chúng ta sẽ đóng cửa cô lập mình với thế giới bên ngoài để đảm bảo covid không chạm đến người mình hay là chấp nhận sống chung, đối diện, đối mặt bằng các biện pháp an toàn của riêng mình. Chọn phương án nào để chúng ta hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái. Điều này tự bản thân mỗi người quan sát chính mình sẽ nhận ra nhu cầu của mình.
Với gia đình Hải Yến, tất cả các thành viên đều yêu thích các hoạt động kết nối, hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm, kết nối với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống. Nếu như chọn phương án đóng cửa để đảm bảo an toàn thì có thể covid sẽ không chạm đến nhưng sức khỏe tinh thần của gia đình sẽ không ổn nếu dịch cứ kéo dài như thế này.
Chính vì thế, kể từ khi quyết định cho các con quay trở lại một số hoạt động trải nghiệm trong cuộc sống, Hải Yến đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đối diện với Covid bất cứ khi nào.
Và mặc dù không chào đón Covid nhưng nếu nó đã gõ cửa đến nhà mình thì Hải Yến cũng xem đó là một trải nghiệm, một phép thử và cơ hội để rèn luyện tâm – thân – trí của chính mình và các con, cả ông xã nữa.
Việc chuẩn bị một tâm thế bình an để sẵn sàng đối diện với những điều không mong muốn, những điều bất ngờ đến với gia đình mình, như Covid chẳng hạn, còn mang đến sự bình an cho những thành viên khác trong gia đình mình. Và điều này là vô cùng quan trọng với các bạn nhỏ, những em bé chưa trưởng thành rất dễ đón nhận bất kỳ cảm xúc, thái độ, lời nói nào từ những người cha, người mẹ mà chúng thương yêu.
Trước khi test Covid lên 2 vạch, Hải Yến và các con đã có những dấu hiệu như sốt nhẹ, người đau mỏi, đau đầu, đau thắt lưng nhưng test nhiều lần vẫn chỉ lên 1 vạch nên Hải Yến đã nghĩ rằng đó là do ba mẹ con bị cảm cúm lây cho nhau. Các hoạt động học tập, làm việc gần như vẫn diễn ra như bình thường, có chăng cũng chỉ là ngủ nghỉ sớm hơn mọi khi. Cho đến buổi sáng sớm, phát hiện ra que thử đêm hôm trước của 2 con lên 2 vạch. Lúc đó, với bản năng tự cân bằng của một chuyên gia tâm lý, thay vì gọi chồng dậy thông báo, Hải Yến đã thử test lại cho bản thân mình trước.
Khi thấy que thử của mình lên 2 vạch khá đậm, Hải Yến đã nghĩ ngay trong đầu là phải làm thế nào để cho cả nhà bình tĩnh, cảm thấy rằng nó không phải là vấn đề lớn, nhất là 2 bạn trẻ con vì chính 2 bạn nhỏ cũng đang là F0. Mặc dù mình đã chuẩn bị tâm lý cho các bạn từ trước nhưng cách mà chúng ta nói chuyện với con về việc đã mắc Covid, từ cảm xúc đến lời nói, sẽ ảnh hưởng đến cách mà các bạn nhỏ nhìn nhận và chiến đấu với Covid như thế nào.
Hải Yến đã qua từng phòng và nói chuyện với các con rằng: “Ba mẹ con mình cùng 2 vạch rồi, chúng ta cùng chiến tuyến rồi. Mẹ đau người từ hôm qua, hôm kia, mẹ sốt nhẹ hơn một ngày nhưng hôm nay mẹ đã khỏe hơn, mẹ thấy cơ thể hoàn toàn bình thường nhưng chúng ta vẫn cần phải cách ly. Mẹ thấy người hoàn toàn khỏe mạnh nên mẹ vẫn làm việc online, tất nhiên là mẹ sẽ nghỉ ngơi nhiều hơn một chút. Còn con thế nào? Nếu như mà con mệt, con có thể nghỉ học đến khi mà con sẵn sàng học tập trở lại. Nếu khả năng đề kháng của cơ thể không được tốt thì sẽ cần thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng mẹ nghĩ con vốn đã vận động nhiều thì chắc cơ thể con sẽ khỏe. Tuy nhiên, con hãy quan sát cơ thể mình và mẹ tôn trọng quyết định của con. Nếu con thấy mệt, mẹ sẽ xin cô cho con nghỉ”.
Bạn nhỏ của Hải Yến đòi ở chung phòng với mẹ, không muốn cách ly. Đây cũng là một lẽ thường tình bởi khi ốm, mệt, các bạn nhỏ thường có nhu cầu yêu thương nhiều hơn. Tuy đồng ý ở chung phòng với con, Hải Yến cũng giải thích với con rằng: “Mẹ đồng ý cho con ở chung phòng với mẹ nhưng mẹ đã khỏe hơn, mẹ vẫn làm việc online, mẹ có nghỉ ngơi nhưng không nhiều đâu, con có đồng ý không?”.
Đó là cách mà Hải Yến nói chuyện để gieo cho các con suy nghĩ rằng, mẹ cũng mắc covid đấy nhưng mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ vẫn làm việc và có thể mẹ sẽ nghỉ ngơi một chút thôi. Chính vì thế mà các bạn nhỏ không hình thành nỗi sợ hay tư tưởng rằng vì covid mà sẽ nghỉ làm/nghỉ học.
Tuy nhiên, phản ứng của mỗi bạn nhỏ với lời chia sẻ của Hải Yến khác nhau. Bạn lớn con gái, lớp 5 sáng mẹ gọi dậy nói rằng mẹ cho con nghỉ thêm một chút rồi con quyết định, đến 7h30 thì dậy ăn sáng và học bình thường. Còn em là con trai làm nũng hơn quyết định nghỉ học ngay. Nhưng dù quyết định của các con là như thế nào thì Hải Yến vẫn vui vẻ đồng ý với quyết định của con và lặng lẽ quan sát tình hình của các con.
Buổi sáng bạn nhỏ ngủ, đến trưa ăn uống bình thường. Buổi chiều bạn nhỏ vẫn tiếp tục nghỉ học và được mẹ cho xem phim cả chiều. Trong những khoảng nghỉ xem phim, hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện vui vẻ với nhau.
Việc động viên, khen ngợi con đúng lúc cũng sẽ đem lại hiệu quả rất tốt về tinh thần chiến đấu của các con. Buổi tối Hải Yến đã động viên các con: “Đấy, mẹ thấy cơ thể các con quá giỏi luôn, kháng được virus, các con đã hạ sốt rồi”. Hải Yến cũng dành cho bạn lớn như những lời khen ngợi, động viên riêng và vẫn nhắn nhủ với con rằng “nếu con mệt thì mẹ sẽ xin cho con nghỉ học”. Điều này vừa giúp động viên tinh thần học tập của con nhưng không gây áp lực việc học lên con và giúp con hiểu rằng, sức khỏe của con vẫn là quan trọng nhất. Buổi tối hôm đó, các bạn nhỏ đi ngủ sớm và đến ngày hôm sau cả hai bạn vẫn học tập bình thường, kể cả bạn nhỏ cũng tự vào học.
Tác động của lời nói, câu chuyện, hành động, cảm xúc, thái độ của bố mẹ về Covid lên các bạn nhỏ như thế nào là điều rất quan trọng. Mình cần phải giúp cho các bạn nhỏ không bị gieo dắt vào đầu những nỗi sợ hãi đối với Covid. Điều này rất quan trọng. Và Hải Yến nghĩ rằng, một trong thành công để giúp cho cả nhà Hải Yến vượt qua Covid một cách khá nhẹ nhàng, dễ dàng, nhanh chóng là vì không ai bị vướng vào nỗi sợ hãi cả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!