Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không? Chuyên gia tâm lý chia sẻ
Chìa khóa đồng hành cùng con ở lứa tuổi mầm non với tình yêu thương vô điều kiện (phần 2)
Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không?
Câu 3: Chào chuyên gia, trong giai đoạn này thì bố mẹ cần lưu ý gì để hỗ trợ sự phát triển cho các con. Em thấy nhiều bố mẹ siêu thật sự, các con mới 4-5 tuổi không những biết đọc, biết cộng trừ mà có thể nói được cả tiếng anh. Con em năm nay mới 4 tuổi, vướng covid nên không đi học được, dạy con ở nhà thì em lại không biết bắt đầu từ đâu. Bố cháu lại phản đối việc bắt con học sớm, đang tuổi ăn, tuổi lớn, muốn con phát triển tự nhiên. Nhưng sao con người ta học được thì con mình không học được, muốn con thông minh, học giỏi thì đâu có gì sai phải không ạ? Độc giả Nguyễn Bích Hạnh (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến
Cảm ơn câu hỏi của bạn Bích Hạnh. Câu hỏi của bạn cũng rất là hay vì Hải Yến cũng có 2 bạn nhỏ vừa qua tuổi mầm mon, đang học cấp 1. Câu chuyện học hành của 2 bé cũng có điều trái ngược về vấn đề học trước hay không học trước để Hải Yến có thể chia sẻ với bạn Hạnh.
Bé gái nhà Hải Yến sinh năm 2011, bé trai sinh năm 2013. Trước khi vào lớp 1, Hải Yến đã cho con gái chơi cả hè năm đó và không học thêm bất kỳ một chương trình nào cả. Vì vậy, con gái của Hải Yến bước vào lớp 1 trong tình trạng không hề biết đánh vần, không hề biết ghép chữ, chỉ thuộc đúng bảng chữ cái (chữ đơn và chữ ghép) đúng trong khuôn khổ của lớp mầm non 5 tuổi. Tình trạng như con gái Hải Yến trong lớp 1 thực sự là số số ít của lớp. Và con gái của Hải Yến đâu đó cũng có sự hoang mang. Hải Yến đã nói với con như thế này: “Con ạ, đúng là một số bạn lớp con biết đọc rồi đúng không? Một số bạn đọc thông luôn, sách chữ cũng đọc được. Các bạn ấy đã dùng cả hè để học, con dùng cả hè để đi chơi. Nếu như con muốn được như các bạn ấy, hè năm sau mẹ có thể áp dụng, cho con học trước chương trình, nhưng con sẽ không được đi chơi nữa. Thế con lựa chọn là hè con ở nhà để mẹ thuê một gia sư kèm con học hay là đi chơi?” Và bạn ấy đã lựa chọn đi chơi.
Hải Yến đã nói tiếp với con rằng: “Con lựa chọn đi chơi và mẹ ủng hộ, với mẹ việc đi chơi cũng quan trọng hơn là việc học hè. Và hơn nữa, con là một cô bé thông minh và con có khả năng tập trung. Mẹ khẳng định với con, nếu con thật nghiêm túc và tập trung trong việc học thì chẳng mấy chốc, con cũng giống các bạn đấy. Và nếu con yêu thích việc đọc thì con có thể đọc tốt hơn cả các bạn đấy. Bởi vì giọng của con rất là hay”.
Và các bạn biết không? Một bạn bước vào lớp 1 như thế, khi bước sang đầu học kỳ II, bạn ấy đã được lựa chọn là đại diện duy nhất của lớp tham gia cuộc thi chia sẻ sách. Cuộc thi đó được tổ chức vào giữa học kỳ II. Kết quả là con gái của Hải Yến đạt được giải 3 năm lớp 1 về chia sẻ sách.
Điều đó nói nên cái gì ạ? Có phải là niềm tự hào không ạ? Và lúc đó bạn ấy sẽ nhận ra điều gì? Chỉ cần mình tập trung, thứ 2 là mình rất thông minh, thứ 3 là giọng của mình rất hay và có thể bạn ấy sẽ hình thành ước mơ cho bản thân mình.
Theo quan điểm của Hải Yến và kể cả khoa học giáo dục, việc con biết chữ trước khi bước vào lớp 1 là không cần thiết. Thậm chí Hải Yến biết rằng, bây giờ người ta còn đưa ra một cái kiến nghị là cấm không dạy học sinh chuẩn bị vào lớp 1 biết chữ trước. Bởi vì, nó sẽ làm đảo lộn, thay đổi chương trình lớp 1 đã được thiết kế (dạy trẻ từng bước một). Và một trong những điều hệ lụy chưa được tốt lắm trong việc các con biết chữ trước là các con bị chủ quan và bị ảnh hưởng, mất đi khả năng tập trung, sự tôn trọng giáo viên khi ngồi học. Đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và nhân phẩm của con người.
Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không?
Câu chuyện của bé trai nhà Hải Yến lại trái ngược với bạn chị. Khi chị học lớp 1 thì bạn em học lớp mầm non 4 tuổi. Hải Yến không hề dạy con học chữ ở nhà mà toàn các cô giáo trên lớp dạy vì sợ con học với mình sẽ bị căng thẳng. Tình cờ một ngày thấy con trai mình đọc tất cả các biển số xe đi đằng trước rồi đọc cả chữ trên các biển quảng cáo ở đằng xa. Vợ chồng Hải Yến giật mình, có chuyện gì xảy ra vậy? Và Hải Yến mở sách ra hỏi thử con một số chữ, bạn ấy đã đọc được rất nhiều chữ mà Hải Yến không hề dạy.
Lúc đó mình cũng hoang mang lắm, chả lẽ con mình là thiên tài à hay chuyện là như thế nào nhở? Lúc đấy mình đặt ra câu hỏi “điều gì khiến cho con mình biết chữ?” và bắt đầu quan sát con để tìm ra nguyên nhân, sau đó là tìm cách để mình đồng hành cùng con.
Hóa ra là bạn chị rất thích sách và Hải yến có dặn con hãy đọc sách cho em nghe cùng. Và mỗi khi đọc truyện thì bạn chị luôn luôn cầm theo một cái bút không có mực để khi đọc lướt bút theo chữ đang đọc. Khi bạn chị lướt như vậy thì vô tình bạn em có khả năng chụp hình ảnh và ghi nhớ vào trí não rất là xuất sắc. Bạn em nhìn từng chữ theo lời chị đọc và nhớ theo kiểu “chữ đấy đọc như thế nào”. Vậy nên, bạn em bước vào lớp 1 là chữ gì cũng biết, sách đọc rất nhanh nhưng không biết đánh vần. Ví dụ chữ “yêu” nhìn thấy đọc luôn được là “yêu” nhưng không biết đánh vần “y-ê-u-yêu”.
Sau khi mình quan sát con như vậy, mình sẽ có khả năng nhìn nhận ưu-nhược điểm của con. Bạn em nhà Hải Yến có khả năng nhớ rất là tốt, chụp chữ rất là tốt, bạn ấy thông minh. Song mình cũng hiểu được nguyên nhân khiến cho con mình biết chữ và bạn ấy biết chữ rồi thì mình phải tìm phương án đồng hành phù hợp với con mình, chứ không phải bạn ấy biết chữ rồi thì lớp 1 mình không cần quan tâm bạn ấy nữa. Hải Yến luôn nói là “con ơi, con nhớ được chữ này rồi nhưng con chưa đánh vần, con tập đánh vần cho mẹ xem nào?” Việc này giúp bạn ấy hiểu rằng, bạn ấy biết chữ là nhờ có chị nhưng bạn ấy vẫn phải học để hiểu cách đánh vần, ghép chữ.
Vì bạn ấy đọc rất nhanh nên viết cũng rất nhanh. Nhiều hôm phụ huynh hỏi trên group của lớp là “hôm nay cô cho chép đoạn này mà con không chép kịp, có mẹ nào con chép kịp thì gửi cho xin”, nhưng thực sự Hải Yến không dám gửi, vì con mình viết rất là nhanh và sợ làm bố mẹ hoang mang.
Và quả thực là việc bạn em biết chữ trước ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn ấy. Mặc dù đã chuẩn bị lên lớp 3 rồi nhưng Hải Yến vẫn đang trong quá trình dạy bạn ý tập trung và phản xạ ở trên lớp.
Hè năm nay, Hải Yến vẫn hỏi các con rằng: “Hè các bạn học online đấy, các con có muốn học không”. Bạn chị bảo là “Con không học, mọi năm con cũng không học hè mà con vẫn là tinh hoa của trường ấy thôi”. Còn bạn em bảo rằng: “Con không là tinh hoa nhưng con không thích làm tinh hoa, con chỉ thích làm cầu thủ bóng đá thôi nên con không thích học hè”. Và vợ chồng Hải Yến tôn trọng quyền lựa chọn của các bạn ấy. Khi bước vào năm học mới, Hải Yến sẽ nói với con rằng: “Các bạn đã dành cả hè để học trước chương trình rồi, vậy thì mỗi ngày con hãy dành 1-2 tiếng học thật nghiêm túc để đuổi kịp các bạn nhé”. Tất nhiên là vợ chồng Hải Yến cũng sẽ dành cho con 1 tiếng vào buổi tối để học cùng con.
Vậy nên, việc nuôi dạy các bạn ấy phải tùy thuộc vào khả năng, tình trạng, tố chất, bản thể của các bạn ấy để huấn luyện một cách phù hợp với từng bạn. Và phụ huynh cũng nên đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con cũng như tôn trọng con quyền lựa chọn của con.
Để có được những chiến lược phù hợp, cha mẹ phải học cách quan sát con mình. Làm thế nào để học được cách quan sát và thấu hiểu con? Đầu tiên, các bạn phải học cách quan sát chính mình, thấu hiểu chính mình. Sau đó, với một mô thức như vậy, chúng ta sẽ học cách quan sát con, vợ/chồng để thấu hiểu và tạo nên những mối quan hệ, những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống gia đình. Đây cũng là cách mà các chuyên gia của Trung tâm NHC Việt Nam chia sẻ với khách hàng của mình.
Vậy là Hải Yến vừa chia sẻ một câu chuyện nho nhỏ đến bạn Bích Hạnh, mong rằng từ câu chuyện này, vợ chồng bạn có thể đưa ra quyết định là có nên cho con học trước hay không? Còn việc muốn con phát triển là mong cầu hoàn toàn chính đáng của bố mẹ. Sự mong cầu này mà giúp con phát triển hết khả năng của mình thì đó là điều quá tuyệt vời. Song nếu mong cầu đó tạo ra những điều khiến cho mình không có quản trị được cảm xúc, dễ khiến cho mình bật lên những cảm xúc tiêu cực thì mong cầu đó lại trở thành không hợp lý. Mong cầu cho con tốt nhưng mình phải làm thế nào đấy cho các con thực sự được sống trong môi trường tích cực, cảm xúc của mình và các con luôn luôn được nuôi dưỡng ở trong môi trường tích cực. Đó mới là điều tốt. Nếu không, nó lại trở thành tình yêu thương không có phù hợp, một tình yêu thương có kỳ vọng, có điều kiện.
Thưa các bạn, ranh giới giữa việc yêu con đúng cách và yêu con có kỳ vọng đôi khi nó rất mong manh. Ngay cả Hải Yến bây giờ vẫn cứ phải rèn luyện để cho mình thực sự “tỉnh thức” trong việc nuôi con. Hải Yến cũng mong rằng, mỗi ngày chúng ta sẽ rèn luyện để chúng ta thực sự yêu thương con của mình mà không có điều kiện, yêu thương hoàn toàn vô điều kiện.
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn Bích Hạnh. Chúc gia đình bạn luôn luôn hạnh phúc và tràn ngập tiếng cười!
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!