Vì sao vợ chồng hay khẩu nghiệp với nhau?
Vì sao vợ chồng hay khẩu nghiệp với nhau? Vì sao những lúc cáu giận, thất vọng, chúng ta lại tuôn ra những lời nói cay độc với người “đầu gối tay ấp” của mình? Có cách nào có thể cải thiện được vấn đề này, mời các bạn tham khảo bài viết này nhé.
Thói quen khẩu nghiệp đến từ đâu?
Những lời nói khẩu nghiệp thường có thể xuất phát từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Có thể bạn đã từng sống trong gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi nhau, sử dụng những ngôn từ cay độc, tục tĩu với nhau. Hoặc cũng có thể bạn đã từng sống trong một môi trường tiêu cực tương tự trong quá khứ (ví dụ như chợ chẳng hạn). Hoặc có thể những lời nói, những hành vi này bạn học được từ chính người bạn đời của mình.
Việc bạn thường xuyên tiếp xúc với những trải nghiệm như vậy đã khiến chúng in sâu vào trong tiềm thức của bạn. Và khi tâm trạng bạn không tốt, bạn tức giận, cáu gắt, mất tự chủ, hành động của bạn sẽ tuân theo tiềm thức. Lúc đó, bạn sẽ sử dụng cách thức của bạn đã từng được “trải nghiệm” trong quá khứ để tranh cãi, phân đo thắng thua với người bạn đời.
Có thể lúc đầu chỉ là những suy nghĩ, cảm xúc xấu trong đầu bạn. Khi suy nghĩ lớn dần sẽ trở thành hành động. Khi hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành tính cách. Bạn sẽ không chỉ khẩu nghiệp với người bạn đời của mình mà còn có thể thực hiện nó với các mối quan hệ xung quanh cuộc sống của bạn như con cái, đồng nghiệp, người thân trong gia đình…
Điều này tạo ra những mối quan hệ xấu với người xung quanh, đặc biệt là với những người thân trong gia đình. Hành động của bạn có thể đang “vẽ đường” cho con học theo và tương lai, cuộc sống của con có thể giống như bạn bây giờ. Thói quen khẩu nghiệp còn khiến những người thân xung quanh bạn bị tổn thương, đẩy họ xa bạn hơn mỗi ngày và những cuộc chia ly có thể xảy ra trong tương lai.
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động;
Gieo hành động, gặt thói quen;
Gieo thói quen, gặt tính cách;
Gieo tính cách, gặt số phận.”
(Samuel Smiles)
Người ta thường nói “gieo nhân nào thì gặt quả đấy”. Nếu bạn thường xuyên giao những hạt giống “tiêu cực”, cuộc sống của bạn sẽ đầy những điều tiêu cực. Muốn gặt “quả ngọt” hãy gieo “nghiệp lành”.
Vậy làm sao vợ chồng không khẩu nghiệp với nhau?
Cuộc sống vợ chồng không thể tránh những khúc mắc, rắc rối xảy ra. Nhưng đối xử với nhau như thế nào là quyền lựa chọn của chúng ta, đừng đổ lỗi tại hoàn cảnh. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn thay đổi thói quen khẩu nghiệp với bạn đời của mình:
Suy nghĩ thay đổi, lời nói thay đổi
Khẩu nghiệp xuất phát từ suy nghĩ. Muốn sửa lời nói phải sửa từ suy nghĩ trước. Hãy điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực theo hướng tích cực, trong sáng, hướng thiện và có chiều sâu. Thói quen khẩu nghiệp đã hằn sâu trong tiềm thức của bạn. Do đó, việc thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực không thể chỉ thực hiện trong vài ngày hay vài tuần có thể thay đổi được thói quen của bạn. Bạn phải điều chỉnh nó dần dần và thường xuyên. Hãy nghĩ đến lợi ích của việc thay đổi, nó có lợi như thế nào cho cả gia đình và công việc của bạn.
Tôn trọng sự khác biệt nam, nữ
Nếu bạn từng đọc cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, bạn có thể thấy, giữa đàn ông và đàn bà có cách bộc lộ, hành động, ngôn ngữ và cách giải quyết vấn đề khác nhau trong cuộc sống (bao gồm cả tình yêu và hôn nhân). Đàn ông thường giữ kín bí mật trong khi phụ nữ lại rất thích bày tỏ. Đàn ông được miêu tả giống như sợi dây cao su trong khi phụ nữ lại được ví với những con sóng.
Cuốn sách này không chỉ giúp bạn đọc hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ mà còn chỉ cho bạn cách giải quyết bất đồng và giữ gìn tình yêu của mình. Đây là một cuốn sách nổi tiếng với lượng bán rất lớn vào những năm 1990. Nếu cuộc sống hôn nhân hay tình yêu của bạn đang gặp vấn đề, hãy tìm đọc nó nhé.
Quan sát nhiều hơn và đừng đòi hỏi người khác phải thay đổi theo ý mình
Trước hôn nhân, đàn ông và phụ nữ được sinh ra và lớn lên trong hai gia đình khác nhau. Nề nếp, kinh tế, cách nuôi dạy con, ký ức và những trải nghiệm khác nhau hình thành nên những hệ thống tư duy, suy nghĩ, cảm xúc và hành động khác nhau. Bởi vậy, đừng cố gắng bắt một nửa kia phải thay đổi cho giống với mình, phù hợp với mình.
Việc quan sát sẽ giúp bạn hiểu người bạn đời của mình, hiểu những người thân xung quanh mình để tìm ra cách tương tác phù hợp với gia đình mình. Khi hiểu nhau hơn, hai vợ chồng có thể ngồi nói chuyện, chia sẻ với nhau để tìm cách giải quyết những bất đồng đang tồn tại trong gia đình mình.
Quan sát chính mình và tự sửa chữa
Khi bạn học được cách quan sát chính mình, nhìn nhận và soi xét những suy nghĩ, hành động của mình, bạn sẽ biết mình sai đúng như thế nào, biết “xin lỗi” và tự sửa chữa. Điều này không phải ai cũng làm được nhưng nếu bạn làm được, chính con người bạn và cuộc sống của bạn sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.
Yêu thương bạn đời bằng tình yêu vô điều kiện
Tình yêu vô điều kiện có thể hiểu là một tình yêu không mong cầu, không kỳ vọng điều gì vào nửa kia. Tức là cho đi mà không mong cầu được nhận lại.
Tất nhiên, bạn cũng phải yêu thương bản thân mình vô điều kiện. Đừng để người khác trà đạp lên bản thân mình. Và hãy học cách tha thứ nhiều hơn để lòng mình được nhẹ nhõm.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một hệ thống các kỹ năng “ngôn ngữ” được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý, giúp con người cải thiện, giải tỏa và chữa lành những vấn đề khúc mắc liên quan đến tâm lý con người như hòa hợp các mối quan hệ, tìm điểm cân bằng trong cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, stress… hay các vấn đề tâm bệnh khó giải quyết như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ – khó ngủ.
Nếu bạn không thể thay đổi những thói quen, khó hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt, không thể chữa lành những tổn thương từ chuyện vợ chồng hay khẩu nghiệp. Bạn có thể tìm gặp các chuyên gia tâm lý trị liệu, họ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!