Giáo dục giới tính cho con như thế nào và khi nào nên bắt đầu?

Chìa khóa đồng hành cùng con ở lứa tuổi mầm non (phần 3)

Giáo dục giới tính cho con như thế nào và khi nào nên bắt đầu?

Câu 4: Chào chuyên gia, em có con gái 3 tuổi và đang rất quan tâm đến việc giáo dục giới tính cũng như phòng vệ trước người lạ cho con. Mặc dù em đã tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng internet nhưng em cảm thấy việc răn đe thực sự không hiệu quả vì tuổi này các bé rất ham chơi và thích thứ lạ. Vậy có cách nào để các bé có thể hiểu và làm theo không ạ và độ tuổi nào là phù hợp để giáo dục giới tính cho con? (FB Hải Nguyễn gửi câu hỏi tới chương trình).

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ: 

Hải Yến nhớ là khi con của mình ở độ tuổi mầm non, có bài hát tên “Năm ngón tay xinh” dạy các bạn nhỏ bảo vệ cơ thể, bảo vệ các vùng bikini và cách ứng xử trong các mối quan hệ. Ví dụ như với ngón tay bố mẹ có thể ôm hôn, với bạn bè thì có thể nắm tay và người lạ thì như thế nào. Bố mẹ có thể dạy con bằng bài hát đó. Nếu các bạn ấy hát nhiều bài hát đó từ lúc 2-3 tuổi thì các bạn ấy sẽ hình thành một mô thức suy nghĩ và các bạn phản ứng hành vi của mình theo hướng dẫn của bài hát đó. Bố mẹ hãy cùng hát với con thật nhiều lần, sau đó các bạn ấy sẽ có nhu cầu tìm hiểu giới tính và hành vi thể hiện yêu thương.

Khi nào chúng ta nên chia sẻ giáo dục giới tính cho trẻ? Đối với quan điểm của Hải Yến thì không có một lứa tuổi cụ thể nào cả, hãy chia sẻ với con bất cứ khi nào con xuất hiện nhu cầu. Chúng ta có thể dựa vào bài học đơn giản gắn với chương trình mầm non của con. Trong trường trình mầm non của con sẽ có những bài học về cơ thể người, bài học về tình yêu thương. Các phụ huynh theo dõi sát chương trình học của con ở trên lớp và để củng cố thêm kiến thức cho con ở nhà. Như vậy, con sẽ hiểu vấn đề sâu sắc hơn và con có thể trao đổi với chúng ta thêm các vấn đề con còn thắc mắc, còn chưa hiểu. Từ đó, sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ được suy nghĩ, cách tư duy của con.

Những bài học ở trường mầm non là câu chuyện bắt nguồn, là cái dễ nhất để chúng ta chia sẻ cùng con về giáo dục giới tính, giúp chúng ta hiểu nhu cầu của con và con cũng có thể phát sinh thêm những điều tò mò khác. Và khi con tò mò điều gì, hay giúp con giải quyết sự tò mò ấy. Tò mò là một điều tự nhiên của con người. Khi những vấn đề tò mò được giải đáp, con người ta sẽ bình an với nó. Và sau này, chúng ta sẽ đối diện với vấn đề đó một cách sáng suốt và tỉnh thức.

Nếu như sự tò mò phát sinh mà không được giải đáp, sự tò mò sẽ lớn dần trong tâm trí chúng ta. Nếu người lớn đe dọa rằng, điều ấy là xấu lắm, xấu hổ lắm, các bạn nhỏ sẽ không dám chia sẻ gì với chúng ta nữa nhưng các bạn nhỏ sẽ vẫn tò mò, rồi lén lút tìm hiểu. Khi các bạn nhỏ tự tìm hiểu mà không được chỉ dẫn đúng cách, có thể con sẽ có những hành động chưa đúng, chưa phù hợp, thậm chí có thể gây hệ quả lớn sau này.

Vậy nên, ngay khi các con tò mò rất nhỏ, chúng ta hãy thẳng thắn chia sẻ với các con và chia sẻ sự thật.

giáo dục giới tính cho con

Thực ra, trước kia Hải Yến đã từng đào tạo kỹ năng sống cho các bạn trẻ con mầm non. Việc chia sẻ sự thật cho các con là nguyên tắc. Ví dụ, con hỏi là “mẹ sinh con ra như thế nào”? Hải Yến sinh mổ nên Hải Yến cho con xem luôn vết mổ. “Khi mẹ sinh con ra thì bác sĩ dùng một con dao rạch ở vết mổ này và đưa con ra. Song đây là cách sinh mổ, không phải cách sinh tự nhiên. Nếu sinh tự nhiên thì mẹ sinh bằng cái đường mà bình thường mà một người con gái đi tè”.

Lúc đó con cũng chưa hiểu lắm. Hải Yến đã tìm một clip trên mạng người ta mô phỏng bằng hoạt họa 4D về cách sinh nở và cho con xem luôn. Khi bạn ấy đã hiểu hết rồi thì bạn ấy sẽ không bao giờ thắc mắc nữa. Bạn nhỏ nhà Hải Yến xem xong, hiểu ra vấn đề và tự nhiên bạn ấy thương mẹ. Bạn ấy bảo rằng: “Như thế thì đau đúng không mẹ”. Hải Yến nói rằng: “Đúng rồi, khi người phụ nữ sinh con rất đau đớn và người ta còn nói là bước qua cửa tử, có thể mất máu rồi bị đau như con nhìn thấy trong clip ấy. Nhưng vì sao biết là đau nhưng những người mẹ vẫn sinh con. Bởi vì đối với một con người, con cái là một điều vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng và vô cùng tuyệt vời. Trước khi con sinh ra mẹ đâu có biết con tuyệt vời như thế này, nhưng mà mẹ hiểu chắc chắn là sẽ có một thiên thần đến với mẹ và những chuyện như thế này nó trở thành nhỏ bé để đánh đổi có con. Mẹ không thấy đau, bởi hạnh phúc của mẹ khi có con nó lớn vô cùng. Đến bây giờ mẹ vẫn rất tự hào về lựa chọn đấy, bởi vì cuộc sống của mẹ bây giờ thực sự sang trang mới, quá nhiều điều hạnh phúc với con nên là một ngày đau đớn như vậy mẹ thấy là quá xứng đáng”. Nghe thấy mẹ nói như vậy, trong lòng con sẽ rất tự hào khi mình được sinh ra.

Thực ra, ngày trước bà ngoại Hải Yến nói là “em con sinh ra bằng đường nách, còn con thì sinh ra ở lòng bàn chân”. Vì ngày đấy Hải Yến khá bướng, chưa có ngoan bằng em nên mẹ nói vậy là muốn tránh việc mô tả và muốn răn đe mình là mình đang bướng đấy. Song cái đó là không phải là sự thật. Và khi lớn lên, mình bắt đầu láng máng biết sự thật thì trong suy nghĩ của mình bắt đầu có mâu thuẫn (mâu thuẫn nội tâm). Mình bắt đầu suy nghĩ rằng mẹ mình nói dối hay là cô giáo nói không đúng. Từ đó, trong tâm trí mình sẽ hình thành mâu thuẫn nội tâm, có cảm xúc nghi ngờ. Đó là những cảm xúc chưa được tốt. Và đâu đó sợ không dám chia sẻ với mẹ hoặc là không dám tranh cãi với cô giáo (hay người khác) nữa. Bởi vì, mẹ mình truyền thông cho mình một thông tin khác và cô giáo dạy khác. Vậy, cô đúng hay mẹ đúng. Trong lúc bối rối đấy, bản thân mình sẽ có rất nhiều điều thắc mắc nhưng không dám hỏi. Vì nếu như là cô đúng thì mẹ sai, nếu mẹ đúng thì cô sai. Trong khi cả mẹ và cô đều là thần tượng của mình.

Vì vậy, hãy cho các con biết sự thật cộng với ý nghĩa, giá trị mà mình muốn con được thấu hiểu và tạo lập niềm tin tích cực cho con. Thậm chí là hai bạn nhỏ nhà Hải Yến ở lứa tuổi mầm non, các bạn ấy rất thích có thêm em. Vì các bạn nhỏ cảm nhận được rằng, càng có thêm anh em thì mình càng được yêu thương và không hề có sự ganh tị nào cả. Các bạn hãy cho con cách nghĩ, cách tư duy tích cực như vậy. Xin chúc cho các gia đình luôn ngập tràn tình yêu thương.

Có thể bạn quan tâm: 

Cha mẹ nóng tính, hay chửi bới ảnh hưởng đến con cái như thế nào?

Câu 5: Chào chuyên gia, vợ tôi có tật hay phàn nàn và nóng tính, nhiều lúc cô ấy có chuyện gì không vừa lòng là sẵn sàng gác đũa chửi bới giữa bữa cơm. Ngoài chuyện đó ra thì cô ấy là người rất đảm đang, rất vun vén và cũng chiều chuộng chồng con nên tôi luôn nhẫn nhịn cô ấy. Nhưng tôi đang lo lắng rằng cô ấy cứ nói những lời lẽ khó nghe đó trước mặt các con sẽ ảnh hưởng đến chúng khi mà chúng đang lớn dần và hiểu hết những gì đã được nghe. Tôi làm thế nào để thay đổi được điều này? (Anh Bùi Minh Tuệ, 33 tuổi, Bắc Giang)

Chuyên gia Hải Yến chia sẻ:

Xin cảm ơn câu hỏi của một ông bố tuyệt vời. Chính xác như anh nghĩ. Khi những người thân thiết xung quanh con giao tiếp bằng những ngôn từ chưa được tích cực đều ảnh hưởng tới con, nhất là ở độ tuổi mầm non.

mẹ nóng tính, chửi mắng con

Vậy, điều gì khiến cho chúng ta có một cái mô thức hành vi, một thói quen hay một lối mòn trong suy nghĩ, hành động, hoặc là bị dễ dàng bật lên những cảm xúc chưa được tích cực khi mà chúng ta trưởng thành? Gốc rễ của nó bắt nguồn từ những ngôn từ, những sự kiện mà chúng ta được chứng kiến ở giai đoạn mầm non, hay những cảm xúc mà chúng ta được khởi lên, được trải nghiệm trong độ tuổi mầm non. Đó chính là những cái nguyên nhân gốc rễ để hình thành nên cách nghĩ, hành vi và cách phản ứng cảm xúc khi chúng ta lớn lên, chúng ta chứng kiến sự kiện tương tự.

Vì vậy, như người thầy của Hải Yến chia sẻ, nếu chúng ta nuôi dạy các bạn trẻ con trong một môi trường tích cực mà ở đó con được nuôi dạy hoàn toàn với tình yêu thương; Con không bị vướng chấp vào những cảm xúc, trải nghiệm tiêu cực, không bị trải nghiệm những điều khiến cho con bị giới hạn niềm tin hay suy nghĩ tiêu cực; Hay không bị nghe những ngôi từ thiếu tích cực (những ngôn từ nó thiếu đi “ái ngữ” ở trong đó) thì các con lớn lên ắt sẽ trở thành một thiên tài, trở thành một con người mạnh mẽ, dũng cảm, sáng tạo và các bạn sẽ có niềm tin rất lớn vào cuộc sống, vào mục tiêu và khả năng của mình và chuyển hóa chúng thành khả năng hành động tuyệt vời.

Do đó, nếu như người lớn chúng ta sử dụng những ngôn từ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các bạn trẻ con, nhất là ở lứa tuổi mầm non. Đặc biệt là trong vai trò là người mẹ, người bố, những ngôn từ mà cha mẹ nói sẽ có khả năng ảnh hưởng đến các con nhiều nhất trong số những người sống xung quanh các con.

Vì vậy, người lớn cần phải cẩn trọng ngôn từ. Làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều đó?

Giải pháp đầu tiên, anh có thể tìm tới các chuyên gia tâm lý trị liệu để chuyên gia thực hiện tư vấn và có một chương trình huấn luyện để trở thành những người biết sử dụng những ái ngữ, biết sử dụng những ngôn từ tích cực và làm chủ được cảm xúc của mình.

Nó là những chương trình mà Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam thiết kế để huấn luyện chúng ta thay đổi cái mô thức suy nghĩ, mô thức hành vi, mô thức ngôn từ, mô thức cảm xúc để chúng ta có thể trở thành một con người tích cực với ngôn từ tích cực, suy nghĩ tích cực và hành vi tích cực phù hợp với hoàn cảnh của mình để giúp cho chính chúng ta và các con đạt được những mục tiêu trong cuộc sống, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giải pháp thứ 2 là anh chị hoàn toàn có thể cùng nhau đọc những cuốn sách về nuôi dạy con. Hiện nay sách về nuôi dạy con ở trên thị trường có rất nhiều. Ví dụ:

  • Những từ mà bố mẹ không nên nói với con;
  • Hãy để cho con được ốm;
  • Đồng hành với con theo kiểu người Nhật;
  • Đồng hành với con theo kiểu Do Thái;
  • Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương;
  • Em muốn đến Harvard học kinh tế;
  • Mẹ Việt cùng con bước tới toàn cầu.

Đó là những cuốn sách tường thuật lại quá trình nuôi con rất thành công. Mình đọc để học hỏi những nhiều điều hay và áp dụng phù hợp với gia đình mình.

Giải pháp thứ 3 là tham gia các khóa học làm cha, làm mẹ. Đó có thể là chương trình online hoặc chương trình offline.

Bản thân Hải Yến đã đọc rất nhiều sách về dạy con, tham gia nhiều chương trình huấn luyện đào tạo con người và khai phá tiềm năng con người cùng một số chương trình, khóa học khác nữa. Nhưng quan trọng hơn là mình trải nghiệm, mình áp dụng những điều mình học được trong quá trình nuôi dạy con. Tuy Hải Yến đã học rất nhiều và đâu đó được gọi là chuyên gia nhưng có những lúc mình vẫn chưa quản trị tốt được cảm xúc của mình. Thỉnh thoảng Hải Yến vẫn khởi lên cái kỳ vọng với con cái, có những lúc vẫn hơi cáu với con nhưng mình phải học cách quan sát được chính mình, nhìn nhận và sửa sai sớm nhất có thể.

Có một lần Hải Yến đang tập trung vào công việc gì đó mà quên mất đó là khung giờ mình dành cho con, chơi với con. Khi mình đang tập trung suy nghĩ, đang tập trung để giải quyết vấn đề như vậy, con lại đến bảo mình chơi với con thì mình cũng cáu, cũng gắt lên với con. Ngay lập tức, con Hải Yến tập trung nhìn thẳng vào mắt của mẹ (đây là thành quả của một quá trình huấn luyện con). Nó như một nguồn năng lượng gửi đến cho mình và mình giật mình nhận ra là vừa rồi mình chưa đúng với con. Ngay lập tức, Hải Yến xin lỗi con: “mẹ xin lỗi con, mẹ vừa làm điều đấy chưa đúng với con nhưng mà mẹ xin con khoảng 2-3 phút thôi, để mẹ giải quyết xong cái công việc ấy đã rồi mẹ sẽ bù lại giờ cho con, bù hẳn cho con 5 phút”. Thế là bạn nhỏ đồng ý và đi ra, bạn ấy tôn trọng cái 2-3 phút đó của mình.

Làm cha mẹ thì không thể tránh được những lúc sai, nhưng khi nhận ra, ngay lập tức mình phải thừa nhận rằng mình chưa đúng với con và con sẽ thấy mình được tôn trọng. Và mình có lỗi thì mình phải xin lỗi, phải chuộc lỗi. Các bạn ấy đang cần mẹ chơi với các bạn ấy, mình phải cho các bạn ấy biết mong muốn, nhu cầu của mình (xin 2-3 phút giải quyết công việc của mình) và bù cho các bạn ấy 5 phút. Như vậy, các con thấy mình đang “được” thì các bạn ấy dễ dàng tha thứ cho mình hơn.

Và Hải Yến cũng hay áp dụng 4 câu nói trong phương pháp ho’oponopono của người Hawaii cổ thường dùng để chữa lành những tổn thương là:

“Tôi xin lỗi bạn! Làm ơn hãy tha lỗi cho tôi! Tôi cảm ơn bạn! Tôi yêu bạn!”

Hải Yến thường xuyên áp dụng với các con khi mà mình làm điều gì đó chưa đúng với các con. Như vậy, các bạn nhỏ sẽ được xoa dịu, sự gắn kết giữa con cái và cha mẹ trở nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy, đôi khi xảy ra sự cố là để chúng ta nhận bài học, chúng ta trưởng thành hơn và làm cho chúng ta có những điều tuyệt vời hơn từ cái kinh nghiệm đó. Có những lúc bạn nhỏ nhà Hải Yến còn nói rằng, “ồ không sao mẹ, có lỗi là một chuyện, nhưng mà biết sửa lỗi lại là một điều quan trọng hơn”. Và sau này bạn ấy lớn lên bạn ấy sẽ là người sẵn sàng nhận lỗi và sửa lỗi lỗi khi mà bạn ấy làm điều gì có lỗi với ai đó.

Vì vậy, nếu chúng ta nhỡ may làm những điều không đúng với con, hãy biết cách quan sát mình và sửa đổi điều đó, tìm cách chuộc lỗi với các con. Chúng ta hãy thẳng thắn với con, hãy dám nhận lỗi với con. Đó là điều mà bố mẹ có thể làm.

Nếu như mẹ nói quá nhiều điều chưa tích cực với con, sử dụng quá nhiều ngôn từ, cảm xúc chưa tích cực với con, hãy bắt đầu nhận thức và chia sẻ với con. Chúng ta có thể nói như này: “Mẹ nhận ra điều đó, mẹ thấy rằng nó không ổn nên bây giờ mẹ bắt đầu rèn luyện, mẹ cần phải sửa đổi thì con hãy giúp mẹ”. Hãy cầu cứu sự giúp đỡ của các bạn ấy và các bạn đấy sẽ trở thành người đồng hành cực kỳ tuyệt vời để giúp chúng ta rèn luyện được những điều đó.

Vậy thưa ông bố tuyệt vời, anh có thể chia sẻ với vợ những thông tin này hoặc cho vợ xem video chia sẻ của Hải Yến. Sau đó, hai vợ chồng cùng ngồi lại và tìm phương pháp phù hợp. Hoặc là anh cảm thấy bản thân chưa dễ nói chuyện với chị, anh có thể tìm cách đưa chị đến Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam để các chuyên gia đồng hành cùng anh chị.

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *