Làm thế nào để không nghiện game – Kết nối gia đình thời Covid (phần 2)
Trong thời gian ở nhà theo chỉ thị giãn cách xã hội của nhà nước, chúng ta có nhiều thời gian rảnh hơn nhưng không biết làm gì cho ý nghĩa, vui vẻ và phát triển được bản thân mình. Điều này khiến chúng ta dễ dàng lao vào những trò chơi game để rồi dần dần trở thành thói quen. Làm thế nào để không nghiện game nữa? Hãy cùng theo dõi chia sẻ của Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến để có những gợi ý phù hợp cho bản thân mình nhé.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG NGHIỆN GAME
Độc giả Minh Vũ (13 tuổi, Hà Nội) gửi câu hỏi tới chương trình:
Chuyên gia cho con hỏi, làm thế nào để không nghiện game ạ? Con biết là chơi nhiều game không tốt nhưng đợt này được nghỉ hè không được đi đâu cả, không được đi bơi, đi chơi với bạn bè, suốt ngày chỉ ở trong nhà thôi, nên con đành chơi game để giết thời gian. Chuyên gia có cách gì chỉ giúp con với ạ?
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Cô chào Minh Vũ. Minh Vũ đang ở lứa tuổi teen và giống như hầu hết các bạn học sinh là đang nghỉ hè và cũng phải ở nhà vì covid. Ở nhà cả ngày, thời gian rảnh rất nhiều, nếu không có một cái gì đó hứng thú để làm thì chúng ta sẽ dễ bị hấp dẫn bởi game.
Game là thứ mà chúng ta càng chơi nhiều thì càng bị cuốn vào nó. Nó khiến cho chúng ta nghĩ nhiều đến nó và muốn chơi nó nhiều hơn. Nếu chúng ta không kiểm soát, không thay đổi thì sẽ dễ dàng trở thành nghiện game. Và bất kể cái gì ở mức độ nghiện đều không tốt.
Bởi nó sẽ chi phối tâm trí, choáng ngợp tâm trí của chúng ta, khiến cho chúng ta dành quá nhiều thời gian và sự quan tâm dành cho nó, khiến cho chúng ta nghĩ đến nó nhiều hơn, tham gia nó mà quên đi những việc khác. Hơn nữa, nghiện game còn ảnh hưởng đến khả năng phản ứng của não bộ với những điều bình thường khác trong cuộc sống. Vì vậy, việc hạn chế chơi game là điều hết sức cần thiết và nên làm, nhất là trong thời kỳ covid như hiện nay.
Nếu như chúng ta không hạn chế việc chơi game ngay khi chúng ta phát hiện ra mình đang bị các trò chơi game hấp dẫn, thu hút và tiếp tục chơi, trở thành nghiện thì sự cai nghiện game là cả vấn đề lớn. Và nếu như cuộc sống hiện tại khiến cho chúng ta không được thoải mái, không được hài lòng thì chúng ta lại càng dễ lao vào cuộc sống ảo trong game.
Vậy, làm thế nào để không nghiện chơi game nữa?
Đầu tiên, bản thân chúng ta phải có kỷ luật trong việc chơi game. Chúng ta phải hiểu được rằng, game không tốt cho tâm trí của chúng ta, không tốt cho trí não, cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Hệ quả của game mang lại là rất bất ổn. Nên game không phải là một điều gì đó xứng đáng để chúng ta dành thời gian cho nó. Do đó, chúng ta cần phải có ý thức kỷ luật, cần ra quyết định rằng mình phải dừng lại. Có thể, một ngày chỉ nên dành khoảng 30 phút để chơi game vui vui thôi, như là một cách để chúng ta giải tỏa stress, giải tỏa tâm lý.
Hãy thay thế game bằng các hoạt động khác có ý nghĩa tích cực, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn. Chúng ta đang chơi game vì chúng ta có quá nhiều thời gian trống và chúng ta không nhìn thấy ý nghĩa từ công việc khác, điều khác trong cuộc sống. Chúng ta chưa biết cách để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp nên chúng ta dễ dàng bị game hấp dẫn. Chơi game khiến cho chúng ta được thỏa mãn cảm xúc một cách dễ dàng và đầy nhàn hạ nên chúng ta càng bị chúng lôi cuốn. Do đó, chúng ta hãy thay thế game bằng những việc khác. Chúng ta có thể làm việc nhà, đọc sách, làm bài tập, học tiếng anh, hay xem các bộ phim hay. Chúng ta có thể xem những bộ phim nổi tiếng được trao giải lớn trên thế giới và ở Việt Nam, những bộ phim mang tính nhân văn, phim hoạt hình của các hãng phim hoạt hình nổi tiếng. Những bộ phim này đều có thông điệp sâu sắc và tuyệt vời về cuộc sống. Nó giúp chúng ta tốt hơn về mặt cảm xúc, trí tuệ, mặt nghị lực. Sau khi xem xong mỗi bộ phim, chúng ta có thể rèn luyện bản thân bằng cách trả lời 2 câu hỏi: “với bộ phim này tôi học được bài học gì” và “tôi rút ra được những kinh nghiệm gì để làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn”. Chúng ta cũng có thể làm tương tự khi đọc sách. Minh Vũ có thể đọc các cuốn sách phát triển bản thân. Với mỗi cuốn sách, mỗi chương sách, hãy dành thời gian để chúng ta viết câu trả lời cho 2 câu hỏi trên. Như vậy, bộ phim chúng ta xem, cuốn sách chúng ta đọc sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Làm việc nhà giúp chúng ta khéo léo hơn, não bộ cũng được kích hoạt trong thời gian làm việc nhà. Minh Vũ có thể ngồi lại cùng bố mẹ và nói rằng “bây giờ con ở nhà cũng nhiều, bố mẹ ở nhà cũng nhiều nên gia đình ta có thể chia việc nhà ra”. Minh Vũ có thể nhận những việc mà mình có khả năng làm hoặc đơn giản là dành thời gian để chăm sóc không gian riêng của mình trở nên sạch sẽ, đẹp đẽ, ngăn nắp hơn. Khi chúng ta làm việc nhà, chúng ta sẽ trở nên khéo léo và não bộ chúng ta cũng được kích hoạt khi chúng ta làm việc nhà. Đừng nghĩ rằng, làm việc nhà là cái gì đấy khó khăn, vất vả và khó chịu. Việc nhà không phải của bất kỳ một ai trong gia đình, nó là việc của tất cả mọi người. Nếu chỉ có một người làm việc nhà thì người đó sẽ rất khó chịu, bực dọc trong người. Trong khi đó, những người khác lại có quá nhiều thời gian rảnh, thừa thãi. Vì vậy, hãy chia ra để mỗi người nhận lãnh một phần trách nhiệm. Bất kỳ ai là thành viên của gia đình đều cần phải làm việc nhà. Và làm việc nhà một cách chủ động sẽ giúp chúng ta bớt đi thời gian chơi game.
Những việc làm tích cực, những điều tốt cần được rèn luyện để trở thành thói quen. Việc đọc sách, xem phim hay, trả lời những câu hỏi về bài học và rút ra kinh nghiệm hay những việc làm tốt khác đều cần thời gian để biến nó trở thành thói quen. Khi đã có thói quen làm những việc tốt rồi, game sẽ không phải là thứ hấp dẫn chúng ta nữa. Các bạn trẻ có thể xây dựng những thói quen tốt của mình dựa trên sở thích, mong muốn, mục tiêu của mình.
Cả nhà cùng tham gia các trò chơi vui vẻ để tăng sự tương tác, kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Các bạn trẻ có thể rủ bố mẹ hay ông bà chơi các trò chơi phát triển não. Ví dụ như các trò chơi có chữ cờ: Cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa, cờ caro, cờ tỷ phú… Hay đơn giản chơi “đố vui”. Trên mạng có rất nhiều câu đó hay, hãy tìm và đố người thân trong gia đình mình.
Như vậy, cái thời gian chúng ta nghỉ dịch, ở nhà cùng nhau sẽ trở nên ý nghĩa hơn. Giảm bớt khoảng thời gian trống, thời gian rảnh khiến chúng ta đang cảm thấy buồn bực, chưa được vui, chưa được thoải mái và không bị hấp dẫn bởi game nữa.
Cảm ơn câu hỏi của Minh Vũ. Chúc con sẽ có những giây phút thật ý nghĩa bên gia đình của mình nhé.
Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Chìa khóa kết nối gia đình thời Covid” dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Tạo nếp sống mới cho gia đình thời Covid – Kết nối gia đình thời Covid (phần 1)
- Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ: Nhận biết và cách xử lý
- Vấn nạn nghiện lô đề: Nguyên nhân và cách giải quyết hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!