Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ: Nhận biết và cách xử lý

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng sự kết hợp giữa rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm) với các hành vi chống đối, xâm phạm, hung hăng, bạo lực,… Trẻ mắc chứng bệnh này thường gặp phải rắc rối ở trường học và tham gia vào các tệ nạn xã hội.

rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc
Rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc là một trong những dạng rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ nhỏ

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc (mã bệnh F92 theo ICD – 10) là một trong những dạng của rối loạn tâm lý thường gặp. Chứng bệnh này gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên với đặc trưng là sự kết hợp giữa các rối loạn cảm xúc (khí sắc) như trầm cảm, lo âu, hưng cảm cùng với hành vi chống đối xã hội, khiêu khích, xâm phạm quyền lợi của người khác, hành vi hung hăng, bạo lực, cố ý làm phiền mọi người,…

Bệnh lý này được chẩn đoán khi trẻ đáp ứng đủ các tiêu chí về rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi ở trẻ em. So với các rối loạn đơn thuần, rối loạn hỗn hợp phức tạp hơn về căn nguyên, biểu hiện nhập nhằng, chồng chéo nên gây ra rất nhiều khó khăn và thách thức khi chẩn đoán, điều trị.

Sự rối loạn về cảm xúc, hành vi ở trẻ nhỏ có thể đi kèm với nhận thức lệch lạc và méo mó. Hội chứng này thường có liên quan đến di truyền và tổn thương tâm lý. Nếu không được điều trị, các rối loạn này sẽ đi theo trẻ đến giai đoạn trưởng thành và gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Thậm chí trẻ có thể khởi phát các hành vi đe dọa đến tính mạng người khác và trở thành mối nguy hiểm của xã hội.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nhận biết rối loạn hỗn hợp cảm xúc, hành vi ở trẻ nhỏ

Rối loạn hỗn hợp cảm xúc và hành vi ở trẻ nhỏ đặc trưng bởi sự bất thường cả về hành động và tâm trạng, cảm xúc. Mức độ triệu chứng có sự khác biệt tùy theo từng trường hợp. Trong đó, trẻ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh cần được điều trị nội trú để tránh những tình huống đáng tiếc.

Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc
Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc thường có những hành vi chống đối như ăn cắp vặt, gây hấn, đánh nhau với bạn học,…

Các triệu chứng nhận biết rối loạn hỗ hợp cảm xúc và hành vi ở trẻ nhỏ:

  • Trẻ có các hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người khác và luôn thực hiện các hành vi để đạt mục đích của bản thân mà không quan tâm đến việc có thể gây tổn hại đến những người xung quanh.
  • Cách cư xử hung hãn, bạo lực với bạn bè đồng trang lứa, đồ vật và có xu hướng chống đối người lớn.
  • Một số trẻ thường xuyên có những hành vi vi phạm các nguyên tắc, quy định như ăn cắp vặt, chửi rủa thô tục, lừa dối người khác, phá hủy tài sản, gây hấn, đánh nhau,…
  • Thích thách thức người khác, không bao giờ nhận lỗi về bản thân, đổ lỗi cho người khác trong mọi tình huống, giữ cảm xúc tức giận, cáu kỉnh và thù hận.
  • Bên cạnh rối loạn hành vi, trẻ cũng có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như lo âu, căng thẳng, phiền muộn, cảm thấy bản thân vô dụng bi quan và tiêu cực về tương lai.
  • Rối loạn cảm xúc đi kèm với các triệu chứng thể chất như khả năng ghi nhớ kém, hiệu suất học tập giảm, trẻ trở nên lầm lì, ít nói, chán ăn hoặc ăn uống quá nhiều, giảm các hoạt động thể chất, đau đầu, rối loạn tiêu hóa,…
  • Trẻ có thể thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất gây nghiện,…
  • Cố tình thực hiện những hành vi mà bố mẹ cấm đoán như sao nhãng việc học, chơi game, đi chơi qua đêm, bỏ nhà ra đi, trốn học, đua xe máy,… Thậm chí một số trẻ còn có các hành vi tình dục trước tuổi.

Các biểu hiện này lặp đi lặp lại và xảy ra trong ít nhất 6 tháng. Rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn các triệu chứng kể trên bắt nguồn từ sự nổi loạn của trẻ khi mới đến trường hoặc khi đang trong thời kỳ dậy thì. Sự nhầm lẫn này khiến bố mẹ trở nên khắt khe với con cái, có xu hướng la mắng, quát nạt và dùng đòn roi để dạy dỗ. Tuy nhiên, đối với sự nghiêm khắc và cấm đoán của phụ huynh, trẻ thường có xu hướng thách thức, chống đối và cố tình vi phạm.

Nguyên nhân gây rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc ở trẻ em

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 14% ở Hàn Quốc và 21% ở Mỹ) với tỷ lệ cao hơn ở thành thị và gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới. Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc là kết quả do sự giáo dục và môi trường sống. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các yếu tố nội sinh sẵn có.

Các nguyên nhân gây rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em:

1. Bất thường trong bộ não

Hành vi, cảm xúc của mỗi cá thể được chi phối bởi amygdalae (hạch hạnh nhân) và hippocampus (hồi hải mã). Ở những người bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc, cấu trúc và chức năng của các cơ quan trên có sự bất thường. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng có nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh không ổn định. Tất cả những yếu tố này tạo ra sự rối loạn về khía cạnh cảm xúc và hành vi.

Mỗi tế bào trong cơ thể được quy định bởi gen nên các rối loạn tâm lý nói chung và rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc nói riêng đều có khả năng di truyền. Đa phần trẻ mắc chứng bệnh này đều có bố mẹ hoặc anh chị ruột gặp phải các rối loạn tâm lý.

2. Tổn thương tâm lý từ gia đình

Ở trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc, các chuyên gia nhận thấy tổn thương tâm lý trầm trọng và đa phần đều bắt nguồn từ gia đình. Cụ thể, trẻ mắc chứng bệnh này thường sống trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên có các hành vi bạo lực, ngược đãi và thậm chí bị ghẻ lạnh trong chính ngôi nhà của mình.

Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc
Tổn thương tâm lý bắt nguồn từ gia đình là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi cảm xúc

Vì không nhận đủ tình yêu nên trẻ có xu hướng phát sinh những hành vi chống đối để khiêu khích, thách thức và thu hút sự chú ý. Tuy nhiên ẩn sâu bên trong vẫn là tâm hồn bị tổn thương với cảm xúc buồn chán, bi quan, lo lắng, đau khổ, cảm thấy bản thân vô dụng và đáng ghét. Ngoài ra, trẻ cũng có thể học những hành vi, phản ứng bất thường của bố mẹ và dần dần hình thành những rối loạn về mặt cảm xúc, hành vi.

3. Ảnh hưởng từ xã hội

Ngoài những tác động từ gia đình, chứng rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ cũng có thể là hệ quả do phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm đồi trụy, trường hợp thường xuyên có các vụ đánh nhau, gây gổ, trẻ kết bạn với những nhóm trẻ em hư hỏng,… Những yếu tố này đều góp phần dẫn đến sự chống đối và hung hăng trong hành vi. Vì không được thấu hiểu và bị mắng nhiếc thường xuyên, trẻ dần hình thành những rối loạn về mặt cảm xúc.

4. Áp lực từ việc học, cuộc sống

Trong một số trường hợp, rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc có thể là hệ quả do áp lực từ việc học và cuộc sống. Những tình huống căng thẳng thường ngày như áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, cha mẹ thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm,… đều gây ra áp lực đối với trẻ.

Vì thiếu kinh nghiệm sống và không có người chia sẻ, động viên, trẻ có thể phản ứng bằng cách chống đối, bạo lực, gây hấn và cố tình vi phạm những điều bố mẹ, nhà trường cấm đoán. Song song với các hành vi xâm phạm và chống đối là cảm xúc buồn chán, bi quan, tiêu cực về tương lai, cảm thấy không có ai yêu thương bản thân và luôn nhận thấy bản thân là người vô dụng.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên tương tự như các rối loạn tâm lý khác, rối loạn hỗn hợp hành vi là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể.

Rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc ở trẻ có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em gây ra rất nhiều ảnh hưởng và hệ lụy. Cụ thể, chứng bệnh này khiến trẻ không chú trọng việc học, dần tách rời với gia đình, bạn bè và khó khăn trong thiết lập các mối quan hệ thân thiết. Ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn chán, phiền muộn,… cũng khiến trẻ có xu hướng tự cô lập, hay cáu kỉnh và tức giận với những người xung quanh.

Các hành vi đập phá, gây hấn và bạo lực có thể khiến trẻ gặp nhiều phiền toái trong trường học và thường xuyên bị bố mẹ cấm đoán, trách phạt. Tuy nhiên, với trẻ mắc chứng bệnh này, những phản ứng tiêu cực từ những người xung quanh sẽ khiến trẻ trở nên nổi loạn, hay gây gổ, tức giận, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc
Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc có xu hướng hút thuốc lá, dùng chất gây nghiện và lạm dụng rượu bia

Nếu không được điều trị, trẻ bắt đầu lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh bằng cách uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng chất gây nghiện, phá hoại các công trình công cộng, gây phiền toái cho những người xung quanh,… Một số trẻ còn có thể hình thành nhân cách bất thường do rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc kéo dài.

Cách điều trị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc ở trẻ em

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em cần được điều trị sớm để phòng ngừa các ảnh hưởng và tình huống đáng tiếc. Trước tiên, trẻ sẽ được đánh giá tâm lý, khám sức khỏe tổng quát và khai thác tiền sử cá nhân, gia đình để xác định vấn đề sức khỏe đang gặp phải.

Hiện tại, phương pháp chính trong điều trị bệnh lý này là trị liệu tâm lý. Trường hợp trẻ có những biểu hiện rối loạn cảm xúc trầm trọng sẽ được dùng thêm thuốc để nâng cao tâm trạng và tăng sự hợp tác trong quá trình trị liệu. Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, gia đình và nhà trường cũng cần có sự quan tâm để trẻ bình ổn tâm lý và nhanh chóng trở lại cuộc sống như trước.

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là giải pháp tối ưu đối với chứng rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc ở trẻ nhỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ để giao tiếp với trẻ. Thông qua trị liệu tâm lý, bác sĩ sẽ hiểu rõ về cảm xúc, nhận thức và tìm ra gốc rễ của những hành vi bất thường. Dần dần, bác sĩ sẽ tạo ra các kích thích tương ứng để điều chỉnh cảm xúc và hành vi không phù hợp.

Trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc

Trị liệu tâm lý thường mất nhiều thời gian thực hiện và đôi khi bị kéo dài do trẻ không hợp tác trong quá trình trị liệu. Do đó ngoài hình thức trị liệu cá nhân, bác sĩ cũng sẽ cho trẻ trị liệu theo nhóm và gia đình. Phương pháp này có thể cải thiện cả những rối loạn về hành vi và cảm xúc. Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để hòa nhập với bạn bè, giải tỏa căng thẳng và phiền muộn trong cuộc sống.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc được dùng để cải thiện các triệu chứng về mặt cảm xúc ở trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc. Trong đó, lựa chọn ưu tiên là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Ngoài ra, tùy theo mức độ đáp ứng và độ tuổi của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc khác.

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
  • Thuốc an thần, giải lo âu

Sử dụng thuốc cho trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với người trưởng thành. Do đó, phụ huynh cần được hướng dẫn về cách nhận biết tác dụng phụ của thuốc để kịp thời thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất.

3. Sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường

Đối với hội chứng rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc ở trẻ, sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh các phương pháp chuyên sâu. Đây đều là những môi trường trẻ tiếp xúc hằng ngày nên tác động không nhỏ đến cảm xúc, tư duy, nhận thức và hành vi.

Đối với nhà trường, phụ huynh cần trao đổi với thầy cô giáo để đảm bảo trẻ được giáo dục trong môi trường lành mạnh, không có bạo lực và các hành vi xấu như hút thuốc, sử dụng chất kích thích,… Nếu cần thiết, có thể chuyển trường cho trẻ nhưng cần khéo léo để tránh phản ứng chống đối.

rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc
Sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc

Gia đình cần có sự quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của con trẻ. Tuyệt đối không la mắng hay đánh trẻ khi phạm phải lỗi lầm. Thay vào đó, nên lắng nghe và phân tích để trẻ hiểu rõ bản chất của vấn đề. Bên cạnh đó, có thể khuyến khích trẻ thực hiện các hành vi đúng đắn thông qua lời nói mang tính chất khích lệ.

Trẻ mắc chứng bệnh này rất nhạy cảm với những phản ứng tiêu cực. Do đó, sự mềm mỏng và quan tâm từ gia đình chính là “liều thuốc” hữu hiệu nhất giúp trẻ cải thiện những rối loạn về mặt cảm xúc và hành vi. Đặc biệt, gia đình cần tạo cho trẻ cảm giác hạnh phúc, đủ đầy, tránh tuyệt đối những hành vi bạo lực và xung đột.

Phòng ngừa rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ

Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ có căn nguyên phức tạp và hiện nay có nhiều điểm chưa rõ ràng. Chính vì vậy, gần như không có biện pháp phòng ngừa bệnh lý này hoàn toàn. Tuy nhiên, phụ huynh có thể hạn chế nguy cơ phát triển chứng bệnh này ở trẻ bằng cách xây dựng cho trẻ môi trường sống lành mạnh.

Một số biện pháp hỗ trợ phòng ngừa rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em:

  • Xây dựng cho trẻ gia đình hạnh phúc, không bạo lực và xung đột. Nếu có mâu thuẫn, phụ huynh cần tìm cách giải quyết phù hợp để đảm bảo trẻ không bị tổn thương tâm lý. Trong trường hợp cần thiết, nên cho trẻ trị liệu tâm lý ngay sau khi bố mẹ li dị để chữa lành tổn thương trong thời gian sớm nhất.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với nhóm bạn xấu và cần giáo dục từ sớm để hiểu rõ các hành vi tốt – xấu. Tuy nhiên khi giáo dục, cần tránh sự cấm đoán cực đoan và vô lý. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần xây dựng mối quan hệ thân thiết để trẻ sẵn sàng chia sẻ cảm xúc và bày tỏ quan điểm.
  • Hướng trẻ đến cuộc sống tích cực và lạc quan. Tránh để trẻ tiếp xúc với văn phòng phẩm, phim ảnh có nội dung chính là bạo lực, tình dục, chiến tranh,… Nên cho trẻ đọc các loại sách phù hợp với độ tuổi nhằm nuôi dưỡng tâm hồn và giúp trẻ trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
  • Thường xuyên quan tâm đến việc học và các mối quan hệ của trẻ. Cha mẹ cũng cần chia sẻ áp lực với con cái, không ép buộc con cái học tập quá mức và phải đạt thành tích cao.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn hỗn hợp hành vi, cảm xúc ở trẻ em là một dạng rối loạn tâm lý thường gặp và tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng ngày một tăng lên. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần có sự quan tâm để có thể phát hiện sớm những bất thường ở trẻ nhỏ. Tránh tình trạng cấm đoán quá mức, thường xuyên trách cứ và mắng nhiếc khiến trẻ rơi vào trạng thái lo âu, buồn bã và bi quan.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Bình luận

  1. Trần Thanh Phong says: Trả lời

    Rất hay. Xin cảm ơn!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *