Tạo nếp sống mới cho gia đình thời Covid – Kết nối gia đình thời Covid (phần 1)
Làm thế nào để kết nối gia đình thời Covid, hòa hợp các mối quan hệ trong mùa dịch bệnh covid khi mà các con được nghỉ học, cha mẹ làm việc ở nhà và ông bà cũng chỉ ở nhà. Mỗi người có những áp lực, nhu cầu hay câu chuyện của riêng mình. Làm thế nào để chúng ta tạo ra không khí ấm áp, hạnh phúc trong một căn nhà nhiều thế hệ sống chung như vậy? Hãy cùng nghe chia sẻ từ Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến nhé.
TẠO NẾP SỐNG MỚI CHO GIA ĐÌNH TRONG THỜI COVID
Bạn Lê Lan Hương, 32 tuổi, TP Hồ Chí Minh gửi câu hỏi đến chuyên gia:
“Chào chuyên gia, gia đình tôi đang phải cách ly tại nhà. Riêng việc phải chịu áp lực công việc tại nhà, nỗi lo về sức khỏe dịch bệnh đã khiến chúng tôi không được vui vẻ thoải mái. Thêm vào đó là việc phải quanh quẩn trong nhà với diện tích chật hẹp của ngôi nhà cùng 3 thế hệ. Trên thì phải để ý sắc mặt của ông bà, dưới thì phải quản con ăn học, chồng thì lười nhác việc nhà, cả ngày chỉ ngồi một chỗ mà nhà cửa rất bừa bộn. Tôi thấy cuộc sống rất bí bách, nhiều lúc muốn được đi làm thì không phải ở nhà như thế này. Nhưng tôi lại cảm thấy sợ hãi, như vậy có phải bản thân tôi không đủ yêu thương gia đình hay không?”
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Trong tình hình Covid như hiện nay, Hải Yến nghĩ rằng, tình huống của gia đình bạn cũng đang là vấn đề của nhiều gia đình khác. Bởi thực trạng dịch bệnh covid như hiện nay, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các tỉnh miền Nam, chúng ta đang phải hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập, và việc đến cơ quan cũng bị hạn chế nhiều hơn nên hầu hết mọi người đang ở nhà rất nhiều. Bố mẹ làm ở nhà hoặc nghỉ ở nhà, các con nghỉ học ở nhà và và đương nhiên ông bà cũng ở nhà.
Như vậy, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc sống mới. Thay vì bố mẹ phải đi làm, các con đi học thì giờ đây hầu như thời gian trong ngày chúng ta ở nhà với nhau.
Trước kia, chúng ta đi làm cả ngày nên ngày nghỉ cuối tuần là thời gian chúng ta nghỉ ngơi, xả stress nên chúng ta thường sinh hoạt tự do một chút. Chúng ta chơi điện thoại, máy tính nhiều hơn, sống bừa bộn một chút, phóng túng một chút, ngủ dậy muộn để cho mình được tự do thoải mái mà không ép buộc mình phải tuân theo một quy củ nguyên tắc nào cả. Đấy là chúng ta đã hình thành một nguyên tắc, một thói quen khi ở nhà như vậy.
Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh covid hoành hành, chúng ta ở nhà thường xuyên. Không phải chỉ là ngày thứ 7, chủ nhật nữa mà là hàng ngày, là hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Vậy, nếu như chúng ta đều coi mỗi ngày ở nhà là một ngày nghỉ để xả stress, để sống không có kỷ luật, nguyên tắc như trước kia thì việc có người này nhìn người kia với ánh mắt không được dễ chịu là chuyện bình thường. Nó giống như việc chúng ta làm việc ở cơ quan, góc làm việc của chúng ta ngăn nắp nhưng đồng nghiệp thì bừa bộn. Điều này làm cho chúng ta có gì đó không thoải mái, cảm thấy “ngứa mắt”.
Song chúng ta cũng cần thông cảm cho đối phương vì họ đã có thói quen và được lập trình ở nhà thì sẽ hành động như vậy rồi. Và chúng ta cũng chưa ở nhà cùng với nhau nhiều như vậy để nhìn ra vấn đề và có những thói quen, nguyên tắc phù hợp để giữ cho không khí gia đình được vui vẻ, thoải mái. Để thay đổi một thói quen, chúng ta cần thời gian để thay đổi và hình thành thói quen mới phù hợp với hoàn cảnh mới.
Với câu hỏi của bạn Lan Hương, dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình, Hải Yến kiến nghị một phương án để thay đổi thói quen sinh hoạt gia đình như sau:
Thứ nhất, tạo ra một bản thỏa thuận như một nguyên tắc chung cho cả gia đình và được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình. Tất cả gia đình cùng ngồi lại với nhau, từ ông bà, bố mẹ cho đến các con, cả gia đình cùng bàn bạc để soạn thảo ra một thỏa thuận, quy định chung và ban hành cho tất cả mọi người cùng thực hiện. Nó giống như một bản hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, ai sẽ phụ trách công việc gì, thời gian nào thì làm việc gì, cần cư xử ra làm sao… Và khi các thành viên đã ký kết, đã đồng thuận, tự nhiên chúng ta lại dễ dàng thực hiện một cách kỷ luật và dễ dàng hơn là bị ai đó bắt buộc làm một điều gì đó. Con cái chúng ta cũng vậy. Các bạn nhỏ cũng cần được thống nhất, được bàn bạc (gọi là làm bạn rồi bàn đấy ạ). Và khi các bạn ấy được bàn bạc và xác quyết rằng các bạn ấy đồng ý với điều đó thì các bạn ấy lại dễ dàng thực hiện một cách tự nguyện, vui vẻ.
Thứ hai, sắp xếp thời gian làm việc, học tập và sinh hoạt chung ở nhà một cách hợp lý. Mặc dù chúng ta ở nhà do Covid nhưng bố mẹ vẫn phải làm việc, con cái vẫn cần phải học hành. Để phù hợp, chúng ta có thể để ra quy định khung giờ bố mẹ làm việc thì con cái sẽ học hành. Ngoài khung giờ đó ra, chúng ta nên dành những khoảng thời gian nhất định để cùng làm việc nhà hoặc vui chơi giải trí với nhau. Ví dụ như khung giờ nào là khung giờ nấu cơm và những ai sẽ tham gia việc nấu cơm. Nếu mẹ đã nấu cơm rồi thì ai là người rửa bát. Chúng ta cần có những thỏa thuận cụ thể như vậy, ai làm việc gì và vào giờ nào. Như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng công việc của từng thành viên và tạo ra quy tắc phù hợp.
Thứ ba, giữ gìn không gian chung và tôn trọng không gian riêng. Trong bản thỏa thuận, chúng ta nên phân chia rõ ràng về không gian chung và không gian riêng. Ở không gian chung, tất cả các thành viên trong gia đình cần phải giữ gìn và xây dựng không gian sinh hoạt chung, không để bừa bộn, lấy cái gì ở đâu, dùng xong cất vào đó. Còn không gian riêng của mỗi người thì được phép bày biện tự do, bừa một chút. Ví dụ, không gian riêng của bố có thể là giường ngủ, không gian riêng của con có thể là góc học tập. Như vậy, mọi người trong gia đình sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đỡ cuồng chân, cuồng tay hay cảm thấy quá gò bó khi ở nhà. Tương tự như vậy, chúng ta có thể đưa ra quy định về thời gian riêng cho các thành viên trong gia đình. Khi đó chúng ta không làm việc, không học tập, không làm việc nhà hay cũng không vui chơi cùng nhau mà sinh hoạt theo sở thích của mỗi người.
Thứ 4, nếu có bức xúc, vấn đề khúc mắc, chúng ta cần đối thoại trực tiếp với nhau để giải tỏa khúc mắc, nghi ngờ, không nên giữ trong lòng. Bạn Lan Hương đang cảm thấy rất bức xúc về việc chồng khá lười và thường xuyên ôm cái điện thoại, không có làm việc nhà. Có thể bình thường, chồng Lan đi làm từ sáng đến tối, về nhà rất là mệt nên bạn thông cảm và không bắt chồng làm việc nhà. Nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, chồng bạn vẫn phải làm việc ở nhà, công việc vẫn phải đảm bảo mà trước giờ lại không có thói quen làm việc nhà nên bạn cần bình tĩnh để nói chuyện với chồng, để xóa bỏ những nghi hoặc trong lòng. Nếu bạn cứ ấm ức ở trong lòng nhưng không nói thẳng với chồng mà lại đem chuyện để nói với ai đó, kiểu “nói sau lưng” thì khó chịu của bạn không hề được giải tỏa một chút nào cả. Có thể, chồng bạn lướt facebook, zalo để làm việc chứ không phải để chơi như mình nghĩ.
Thứ năm, hãy cho bản thân và các thành viên trong gia đình có thời gian để làm quen với quy định mới, cùng nhắc nhở và hỗ trợ nhau thực hiện một cách kỷ luật. Dù chúng ta đã ra văn bản rồi nhưng nó vẫn là cái rất mới và cả gia đình cần thời gian để rèn luyện. Đừng quá cứng nhắc, không phải nói kỷ luật như thế này rồi ngày mai thực hiện 100%. Hãy cho chúng ta cơ hội để trưởng thành dần, thích ứng dần và làm cho nó từng bước tốt hơn mỗi ngày. Vì vậy, cho phép người khác sai và huấn luyện mình kỷ luật hơn
Đó là một gợi ý của Hải Yến để giúp bạn Lan Hương cũng như nhiều gia đình khác bắt đầu thực hiện một nếp sống mới tại gia đình của mình ở thời covid, giúp tất cả các thành viên được thoải mái hơn, kết nối với nhau nhiều hơn, thấu hiểu và hòa hợp hơn.
Xin cảm ơn câu hỏi của bạn!
XÂY DỰNG QUY TẮC GIA ĐÌNH DỰA TRÊN TÂM THẾ CỞI MỞ, TÍCH CỰC VÀ THIỆN CHÍ
Độc giả Trần Mộc Miên (29 tuổi, Đồng Nai) gửi câu hỏi đến chuyên gia:
Chào chuyên gia, thời gian này nghỉ dịch ở nhà nhiều em muốn gần gũi với gia đình hơn nhưng không biết phải làm bắt đầu thế nào? Bố em lớn tuổi và đã về hưu rồi, mẹ thì càng ngày càng khó tính, như ông nói là “nói nhiều”. Bình thường em cũng đi làm suốt nên ông bà ở nhà phàn nàn nhau em cũng không để ý. Nghĩ lớn tuổi vậy rồi nói nhiều chỉ thêm mệt mà không biết cải thiện cho bố mẹ như thế nào? Chuyên gia có thể gợi ý cho em gỡ rối vấn đề này không?
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Chào bạn Mộc Miên. Bình thường, ông bà ở nhà, chúng ta đi làm, con cái đi học nên chúng ta không để ý, không chứng kiến nên không biết những điều đó. Có thể ông bà ở nhà với nhau bình thường đã hay như thế rồi. Song bây giờ chúng ta ở nhà nhiều nên mới được chứng kiến nhiều hơn và nhận ra rằng mẹ hay nói nhiều, bố hay phàn nàn.
Thêm vào đó, các cháu không đi học khiến cho ông bà phải để ý đến các cháu nhiều hơn, chăm sóc chúng nhiều hơn. Điều này khiến cho ông bà phải bỏ đi một số thói quen, thú vui nào đó. Ví dụ như giao lưu với bạn bè, ngồi cafe, đánh cờ. Song do dịch bệnh mà tất cả chúng ta phải ở nhà, ông bà cũng mất đi những thú vui của mình khiến cho tâm trạng không được thoải mái và đâu đó có sự bó buộc trong chính ngôi nhà của mình. Bởi vậy:
Trước tiên, chúng ta phải thông cảm cho ông bà.
Thứ hai, như Hải Yến đã chia sẻ ở câu hỏi của bạn Lan Hương, để xử lý một vấn đề gì đó, chúng ta cần phải đưa ra các thỏa thuận, quy định chung. Giống như đất nước phải có pháp luật. Giống như luật giao thông, cứ gặp đèn đỏ là chúng ta phải dừng, mặc dù có thể là lúc đó không có ai đi lại, chúng ta cảm thấy quá an toàn và chúng ta vượt đèn đỏ thì chúng ta vẫn bị phạt, vì đó là luật rồi. Và trong gia đình cũng vậy, chúng ta cũng nên xây dựng quy định để tất cả mọi người cùng nhìn vào và thực hiện.
Thứ ba, hãy cho ông bà thấy được vai trò lớn của mình trong gia đình. Một khi đã đưa ra luật lệ thì việc quan trọng nhất là “người lớn làm gương cho người nhỏ” nên người lớn chúng ta cần thực hiện nghiêm túc luật đó. Bởi vậy, khi đưa ra một quy tắc chung nào đó mà có ông bà tham gia, chúng ta hãy cho ông bà thấy được vai trò của ông bà trong việc tham gia và thực hiện nghiêm túc các quy tắc đó. Hãy nói với ông bà rằng, con cần làm gương cho con của con, ông bà cần làm gương cho con và cho các cháu nữa.
Thứ tư, xây dựng quy tắc trong gia đình dưới lắng nghe, thỏa thuận và đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình. Các nhà tâm lý, những người mà đang nghiên cứu khoa học tâm trí hay các chuyên gia của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, đều hiểu rằng con người chúng ta không ai muốn mình bị bắt ép phải làm thế này, phải làm thế kia cả và khi bị yêu cầu, bị bắt ép thì chúng ta thường có xu hướng phản ứng theo chiều hướng ngược lại. Hơn nữa, ông bà còn là cha mẹ của chúng ta, là người bề trên trong gia đình. Bởi vậy, không dễ dàng gì ông bà sẽ nghe theo những yêu cầu, đề nghị một cách bắt buộc và thiếu tế nhị của con cháu. Do đó, chúng ta không thể ra lệnh hay phản đối ông bà theo kiểu “mẹ nói ít thôi”. Để ông bà thực hiện một cách tự nguyện các quy tắc ứng xử, những quy tắc giao tiếp giữa ông bà với nhau, giữa ông bà và con cái, giữa ông bà và các cháu, chúng ta cần có sự lắng nghe ý kiến, bàn bạc, thảo luận và đồng ý của cả gia đình (bao gồm các bạn nhỏ).
Thứ năm, việc xây dựng quy tắc trong gia đình cần có tâm thế cởi mở, tích cực và thiện chí. Chúng ta xây dựng quy tắc gia đình vì sự kết nối các thành viên, sự hòa hợp trong gia đình, hướng tới không khí vui vẻ, hướng tới tình yêu thương, sự thấu hiểu và hướng tới xây dựng tổ ấm gia đình. Bởi vậy, một lần nữa, Hải Yến khẳng định sự bàn bạc, thỏa thuận và đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình là cần thiết. Hơn nữa, tất cả mọi người cần thời gian để thay đổi, để tạo thành thói quen tốt và chúng ta cần hỗ trợ nhau để rèn luyện. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, thời gian chúng ta ở bên nhau ít hơn. Một ngày có 24 tiếng, 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng để làm việc ở cơ quan và thời gian sinh hoạt cá nhân, di chuyển cũng mất vài tiếng nữa. Do đó, thời gian chúng ta giao lưu, kết nối, gặp gỡ là rất ít. Nhưng khi dịch bệnh, cả ngày ở nhà với nhau suốt cả ngày. Đây là một sự thay đổi lớn nên cuộc sống gia đình đâu đó có những điều chưa phù hợp là hoàn toàn bình thường. Song để đi được cùng nhau, chúng ta cần phải có sự phù hợp của tất cả các thành viên. Giống như là tần số giống nhau hoặc gần giống nhau mới hút nhau, mới có sự thấu hiểu, tương tác tốt được. Cho nên, việc xây dựng quy tắc ứng xử trong gia đình giúp cho mọi người có một cái bản soi chiếu để nhìn và rèn luyện, để chúng ta điều chỉnh bản thân mình phù hợp với tất cả các thành viên còn lại. Như vậy, mới có sự hoàn hợp giữa các thành viên trong gia đình.
Thứ sáu, dịch bệnh là cơ hội tốt để chúng ta hiểu nhau nhiều hơn và giải quyết các khúc mắc với nhau. Trong tình thế bắt buộc chúng ta phải ở nhà với nhau như thế này, có thể sẽ có một thành viên nào đó trong gia đình cảm thấy ở nhà quá tù túng, quá ngột ngạt và chỉ muốn đi chỗ khác. Nhưng không gian nhỏ hẹp không phải là điều khiến cho họ không muốn ở nhà. Lý do thực sự là có những con người khiến cho họ không muốn ở nhà. Điều này có nghĩa là con người với con người chưa có sự phù hợp, sự bất hòa hợp quá lớn, lỗi là ở giao tiếp giữa con người với con người nên cứ nhìn thấy nhau đã cảm thấy như vậy rồi. Bởi vậy, hãy thẳng thắn ngồi lại với nhau, thừa nhận vấn đề và tìm cách để điều chỉnh. Hãy suy nghĩ một cách tích cực rằng, covid là cơ hội để chúng ta ngồi lại với nhau nhiều hơn, để tương tác nhiều hơn. Đặc biệt là các cặp vợ chồng đang có khúc mắc với nhau, hãy cho mình cơ hội để thấu hiểu con người thực sự mà chúng ta gắn bó với nhau cả cuộc đời là người như thế nào. Biết đâu, nó lại là một bước tiến để gia đình chúng ta trở nên tuyệt vời hơn.
Hải yến và các Chuyên gia tâm lý trị liệu NHC Việt Nam vẫn thường nói với nhau rằng, đây là một cơ hội. Cái gì cũng có mặt tích cực của nó nếu như chúng ta chú tâm vào mặt tích cực. Dịch bệnh cũng là một cơ hội để chúng ta tiến lại gần nhau, xích lại gần nhau, thấu hiểu nhau hơn. Và là cơ hội để chúng ta tái thiết lập lại quy tắc hành vi ứng xử trong gia đình, cơ hội để xây dựng gia đình mình thành một tổ ấm. Xin cảm ơn câu hỏi của bạn!
Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Chìa khóa kết nối gia đình thời Covid” dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!