Quy tắc cần ghi nhớ để duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân
Để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững thực sự không dễ dàng. Vì vậy, cả hai nên trang bị những quy tắc để có thể duy trì mối quan hệ vợ chồng lâu dài. Những bí quyết này sẽ giúp cả hai tìm thấy ý nghĩa của hôn nhân và có cơ hội trải qua những cung bậc cảm xúc đặc biệt với nửa kia của mình.
12 Quy tắc duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân cần nắm rõ
Khác với lúc còn yêu nhau, cuộc sống hôn nhân không còn nhiều hành động lãng mạn hay những lời nói ngọt ngào, mơ mộng. Hôn nhân đòi hỏi ở cả hai nhiều hơn tình yêu. Đây cũng là lý do vì sao không phải cặp đôi nào cũng hạnh phúc khi kết hôn mặc dù đều rất yêu thương nhau.
Từ trước đến nay, việc giữ gìn và duy trì mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp đã là điều khó khăn. Bởi ai cũng có chính kiến và quan điểm sống riêng nên không tránh khỏi mâu thuẫn và xung đột khi cùng chung sống. Trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, mối quan hệ vợ chồng ngày càng có nhiều vấn đề phức tạp hơn.
Để duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân, đòi hỏi phải có sự cố gắng từ cả hai phía. Nếu như trước đây, vai trò này được đặt nặng cho nữ giới thì trong cuộc sống hiện đại, nam giới và nữ giới đều có vị thế ngang bằng và trách nhiệm như nhau.
Duy trì mối quan hệ vợ chồng không chỉ giúp cả hai hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân mà còn tạo cho con cái môi trường phát triển lành mạnh. Nhìn tổng quát hơn, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra một xã hội hạnh phúc và vững mạnh. Trước thực trạng tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng tăng cao, việc trang bị những bí quyết để giữ gìn cuộc sống hôn nhân là điều vô cùng cần thiết.
Dưới đây là 12 quy tắc các cặp đôi cần nhớ để duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân:
1. Giữ sự chung thủy với bạn đời
Sự chung thủy là yếu tố tiên quyết để có thể duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Khi đã chắc chắn về một mối quan hệ và quyết định tiến xa hơn, cả hai phải đảm bảo bản thân không bị cám dỗ bởi những thứ phù phiếm bên ngoài. Bởi hơn tất thảy, sự phản bội dù là ngoại tình trong tư tưởng cũng chính là “bản án tử” cho hôn nhân.
Thủy chung là điều bắt buộc đối với cả người vợ và người chồng. Cả hai cần giữ tình cảm trước sau như một và không bị lung lay trước mọi sự cám dỗ. Sự thủy chung giúp cả hai hướng đến cùng mục đích đó chính là xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm. Trong khi đó, nếu một trong hai người mất đi sự chung thủy, không khí gia đình sẽ trở nên nguội lạnh và ngột ngạt.
Không ít người nhắm mắt bỏ qua việc vợ/ chồng phản bội để giữ mái ấm đủ đầy bố và mẹ cho con cái. Tuy nhiên, những vết rạn nứt đã xuất hiện sẽ không bao giờ lành lại được và mối quan hệ vợ chồng chỉ còn là danh xưng trên giấy tờ. Vì vậy, nếu đã quyết định kết hôn, hãy chắc chắn bản thân chung thủy trước sau như một.
2. Tôn trọng đối phương trong mọi hoàn cảnh
Không chỉ riêng trong mối quan hệ vợ chồng, tôn trọng là nguyên tắc quan trọng để xây dựng và duy trì tất cả các mối quan hệ. Luôn dành sự tôn trọng cho bạn đời sẽ giúp mối quan hệ của cả hai luôn tốt đẹp, thể hiện rõ sự bản thân trân trọng đối phương cũng như cuộc hôn nhân này.
Tôn trọng không phải là điều gì quá lớn lao mà được thể hiện qua từng khía cạnh nhỏ trong cuộc sống. Vợ chồng tôn trọng nhau sẽ luôn hỏi ý kiến của đối phương khi đưa ra quyết định, coi trọng lời hứa, chừng mực trong lời nói, thái độ, cách ứng xử,…
Thực tế, rất nhiều phụ nữ Việt không nhận được sự tôn trọng từ bạn đời – nhất là những người làm công việc nội trợ hoặc thu nhập thấp hơn chồng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là quan niệm trọng nam khinh nữ có từ xa xưa. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, thiếu tôn trọng lẫn nhau sớm muộn cũng sẽ dẫn đến rạn nứt và đổ vỡ.
3. Luôn thành thật với nhau
Sự thành thật cũng là điều quan trọng không kém để duy trì mối quan hệ vợ chồng. Hôn nhân là sự gắn kết chặt chẽ giữa hai con người và điều này đòi hỏi cả hai phải thành thật với nhau về tất cả những khía cạnh trong cuộc sống.
Sẽ thế nào nếu một trong hai biết được người kia đang có những bí mật không chia sẻ cùng bản thân. Không giống với những mối quan hệ khác, giữa vợ và chồng không nên có bí mật. Thành thật ngay từ đầu sẽ giúp cả hai thấu hiểu, cùng nhau chia sẻ và đồng cảm. Trong khi thói quen che giấu sẽ khiến cho mối quan hệ thường xuyên gặp phải cãi vã, xung đột và về lâu dài sẽ gây sứt mẻ tình cảm.
4. Dành cho nhau sự tin tưởng
Trong mối quan hệ vợ chồng, sự tin tưởng là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Tin tưởng giúp cả hai vượt qua mọi cám dỗ, đồng hành trước những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Sự tin tưởng cũng giúp gắn kết các cặp vợ chồng và xây dựng mối quan hệ vững chãi trước những sóng gió của cuộc đời.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, sự tin tưởng cũng là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, ở mối quan hệ vợ chồng, niềm tin cần phải được đặt ở vị trí cao hơn. Đây cũng là lý do bản thân mỗi người cần phải tìm hiểu kỹ về đối phương trước khi quyết định gắn kết lâu dài.
5. Học cách chia sẻ và lắng nghe
Chia sẻ, lắng nghe là quy tắc các cặp đôi cần nhớ để duy trì mối quan hệ vợ chồng lâu dài. Trong thời gian đầu, cả hai sẽ rất hòa thuận trong cuộc sống và luôn luôn chia sẻ với nhau vô số vấn đề. Tuy nhiên sau một thời gian, nhiều cặp vợ chồng ít dành thời gian trò chuyện và chia sẻ vì quá bận rộn. Dần dần cả hai không bày tỏ cảm xúc và can thiệp vào cuộc sống của đối phương.
Vợ chồng không chỉ chia sẻ với nhau những vấn đề chung như chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ, xây nhà cửa,… mà còn phải trao đổi với nhau về công việc, bạn bè và những mối quan hệ xung quanh. Hiểu rõ về đối phương sẽ giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn và luôn có lòng tin với vợ/ chồng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chia sẻ và lắng nghe luôn luôn phải song hành. Khi một trong hai người có nhu cầu chia sẻ thì người còn lại phải lắng nghe. Thói quen này sẽ giúp cả hai giải quyết mâu thuẫn trong gia đình một cách nhẹ nhàng và ổn thỏa thay vì gay gắt với nhau bằng những lời nói nặng nề.
6. Nhường nhịn – Bí quyết để duy trì mối quan hệ vợ chồng
Nhường nhịn là bí quyết mà các cặp đôi cần phải nắm rõ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Khi chung sống, những va chạm thường ngày sẽ trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn và xung đột. Trong một số trường hợp, một trong hai người phải nhường nhịn để người còn lại bình tâm và có cơ hội suy nghĩ thấu đáo về mọi chuyện.
Nếu cả hai cùng lên tiếng để bảo vệ quan điểm, xung đột có thể lên đến đỉnh điểm. Khi nóng giận, cả hai rất dễ gây tổn thương nhau bằng những từ ngữ nặng nề, thậm chí một số người không thể kiềm chế mà có các hành vi đập phá và bạo lực. Những câu nói, hành vi khi nóng giận có thể đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Vì thế, trong đời sống hôn nhân, sự nhường nhịn là điều không thể thiếu.
Tuy nhiên, nhường nhịn không phải là sự thấp kém hơn về mặt địa vị. Khi cả hai đã lấy lại bình tĩnh, nên cùng nhau trò chuyện để tìm ra giải pháp và đánh giá lại những điểm còn thiếu sót của bản thân. Ngoài ra, sự nhường nhịn là quy tắc cả hai người đều phải ghi nhớ chứ không riêng gì người vợ.
7. Chấp nhận sự khác biệt
Giữa vợ và chồng đòi hỏi sự chân thật, tin tưởng và thủy chung. Tuy nhiên, cả hai người phải học cách chấp nhận sự khác biệt của đối phương thay vì ép buộc đối phương phải thay đổi để phù hợp với bản thân. Khi chung sống, những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, sở thích của cả hai có thể không đồng điệu. Đôi khi tình trạng này có thể gây ra một số phiền toái trong cuộc sống và vô tình là nguyên nhân của các cuộc cãi vã.
Trong trường hợp này, cả hai cần phải nhận thức được đâu là thói quen tiêu cực cần thay đổi và đâu là sự khác biệt. Chúng ta không thể ép buộc người khác theo ý muốn của bản thân dù đó là vợ, chồng hay là con cái. Thay vì yêu cầu người khác thay đổi, hãy chấp nhận sự khác biệt và cả hai phía nên điều chỉnh bản thân để dung hòa lẫn nhau.
Với những người có cá tính mạnh, việc bị yêu cầu thay đổi theo ý muốn của người khác là điều nhạy cảm. Hơn nữa, sự khác biệt tạo nên điểm đặc biệt của mỗi người và điều này cần được tôn trọng, chấp nhận.
Nếu cả hai không có cùng sở thích, nên dành cho đối phương khoảng thời gian để có thể thực hiện sở thích của mình. Để tránh những mâu thuẫn trong mối quan hệ hôn nhân, hãy chắc chắn đã tìm hiểu thật kỹ đối phương trước khi đi xa hơn. Bởi trong nhiều trường hợp, khác biệt quá lớn cũng là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân phải chấm dứt.
8. Giải quyết vấn đề thay vì bỏ qua
Nhiều cặp vợ chồng có xu hướng im lặng và bỏ qua những vấn đề mâu thuẫn để tránh xung đột trong gia đình. Tuy nhiên, những vấn đề chưa được giải quyết sẽ khiến cho cuộc sống vợ chồng trở nên xa cách và thiếu sự liên kết.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, các cặp vợ chồng thường xuyên tranh cãi giải quyết tốt các mâu thuẫn và duy trì mối quan hệ bền vững hơn so với những cặp đôi im lặng nhưng không xử lý vấn đề.
Im lặng khi cả hai đang nóng giận là điều cần thiết để lấy lại sự bình tĩnh và tránh những câu nói gây tổn thương nhau. Tuy nhiên, mâu thuẫn cần được giải quyết để cả hai không giữ sự khó chịu trong lòng. Giải quyết mâu thuẫn cũng giúp cho cả hai cùng nhìn nhận lại bản thân và nhận ra những điểm còn thiếu sót.
9. Luôn duy trì sự kết nối với bạn đời
Hôn nhân là sợi dây ràng buộc, kết nối giữa hai con người. Giữa vợ và chồng luôn có sự kết nối vô hình về cả tinh thần, thể chất và những giá trị vật chất. Duy trì sự kết nối chính là quy tắc quan trọng mà nhiều cặp đôi bỏ qua khi xây dựng cuộc sống hôn nhân.
Sự kết nối được thể hiện thông qua việc chia sẻ bằng lời nói, hành động, trách nhiệm và luôn dành thời gian cho gia đình mặc dù công việc có bận rộn như thế nào. Thực tế, nhiều người mải mê với công việc để cải thiện cuộc sống và mong muốn vợ con được đủ đầy, ấm no. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của một trong hai người sẽ khiến cho gia đình mất đi ý nghĩa thực sự.
Giống như những mối quan hệ khác, mối quan hệ vợ chồng cần phải được vun đắp và giữ gìn. Vì thế, nếu quá bận rộn với công việc, vợ chồng có thể trở nên xa cách và cả hai gần như không có sự thấu hiểu, chia sẻ.
10. Tinh thần trách nhiệm
Ngoài tình yêu, hôn nhân còn cần sự thấu hiểu và trách nhiệm. Nếu như ở giai đoạn yêu đương, cả hai toàn tâm toàn ý dành cho nhau những thứ tốt đẹp nhất thì khi bước vào cuộc sống hôn nhân, cả hai phải có trách nhiệm với hai bên gia đình và con cái.
Cuộc sống hôn nhân đòi hỏi rất nhiều thứ từ tài chính cho đến sự thấu hiểu, sẻ chia và tin tưởng. Trong đó, tinh thần trách nhiệm cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trách nhiệm giúp cả hai học cách vun vén gia đình, tích cóp để lo lắng cho tương lai, biết dành thời gian cho gia đình và cùng chia sẻ gánh nặng khi nuôi dạy con cái.
Trong gia đình, mỗi người sẽ có một vai trò riêng và trách nhiệm của cả hai là ngang bằng. Người chồng cần tránh việc phó thác mọi việc trong gia đình và nuôi dạy con cái cho vợ. Ngoài ra, vợ cũng cần hỗ trợ chồng trong việc để tạo nguồn tài chính ổn định để lo lắng cho tương lai.
11. Có các quy tắc chung giữa hai vợ chồng
Ngoài việc đặt ra quy tắc cho con cái, hai vợ chồng cũng nên có quy tắc chung để cùng thực hiện. Quy tắc nên được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận giữa vợ và chồng để đảm bảo cả hai cùng tự nguyện thực hiện.
Tùy vào vấn đề, cả hai có thể xây dựng quy tắc để phân chia công việc nhà, đưa đón con cái, chăm sóc gia đình hai bên và xử lý một số vấn đề gia đình. Nếu cả hai thường xuyên bất đồng ý kiến, hãy đặt ra quy tắc để đảm bảo cuộc cãi vã không vượt qua giới hạn và gây tổn thương cho đối phương.
12. Tôn trọng và yêu thương chính mình
Bên cạnh việc vun đắp và xây dựng gia đình, bạn cũng đừng quên tôn trọng và yêu thương chính mình. Thực tế, không ít người chấp nhận hy sinh nhiều thứ và nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc. Tuy nhiên, sự nhún nhường sẽ khiến đối phương quên mất trách nhiệm của bản thân đối với gia đình.
Hôn nhân có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người nhưng điều này không phải là tất cả. Ngoài hôn nhân, bạn còn có các dự định, đam mê riêng và những mối quan hệ khác. Bên cạnh thời gian dành cho gia đình, bạn nên dành chút ít thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn và có cơ hội để phát triển bản thân.
Duy trì mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp, bền vững là điều không hề dễ dàng. Hy vọng qua 10 quy tắc được tổng hợp trong bài viết, các cặp vợ chồng đã có thêm kinh nghiệm để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Mỗi gia đình sẽ gặp phải những vấn đề khác, nếu cần thiết cả hai nên tư vấn tâm lý để hòa giải mối quan hệ.
Tham khảo thêm:
- 7 Cách giúp bạn thoát khỏi ngoại tình tư tưởng giữ hạnh phúc gia đình
- Gia đình không toàn vẹn ảnh hưởng tâm lý trẻ thế nào?
- Stress vì xung đột gia đình và lời khuyên giúp bạn vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!