Cách chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y
Chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y cũng là một trong những cách được áp dụng thường xuyên cho người bệnh. Phương pháp này được đánh giá rất cao về độ an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài và đặc biệt là hạn chế được tình trạng tái phát về sau.
Quan niệm trầm cảm theo Đông y
Thực tế, trong Đông y không có bệnh trầm cảm, người ta quy căn bệnh này vào phạm trù chứng uất. Đây được xem là trạng thái rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Các triệu chứng của bệnh có thể khởi phát ở bất cứ đối tượng nào, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rằng tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh sẽ cao hơn so với nam giới và tập trung vào nhóm từ 18 đến 45 tuổi.
Đối với Tây y thì bệnh trầm cảm xuất phát từ việc căng thẳng, stress kéo dài. Còn đối với Đông y thì hội chứng này phát sinh do những nỗi lo âu, buồn phiền, uất ức trong thời gian dài nhưng không có được cách giải quyết, lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của con người, đồng thời làm xuất hiện hàng loạt các triệu chứng bất ổn.
Để nhận biết chứng “uất” trong Y học cổ truyền, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng đặc trưng sau đây:
- Khí sắc trầm buồn, ủ rũ, tuyệt vọng, không có sức sống.
- Thường xuyên cảm thấy lo sợ, bất an, dễ cáu gắt, nóng giận.
- Mất dần hứng thú với những sự kiện, hoạt động xảy ra xung quanh, kể cả những điều mà bản thân đã từng yêu thích.
- Rối loạn ăn uống, thay đổi vị giác đột ngột. Người bệnh có thể chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn quá nhiều.
- Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng hoặc có thể buồn ngủ liên tục, ngủ không kiểm soát.
- Suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy bản thân vô dụng, có lỗi.
- Nghĩ về cái chết, có ý định muốn tự sát.
Cách chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y
Chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y được chia thành 2 cách chính đó là phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc.
- Phương pháp dùng thuốc: Hầu hết những loại thuốc hỗ trợ điều trị trầm cảm đều được lấy từ các loại thảo dược thiên nhiên, chủ yếu là thực hiện theo dạng sắc uống hoặc làm thành cao đơn hoàn tán. Các thầy thuốc sau khi đã tiến hành bắt mạch và thăm khám kỹ lưỡng sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân.
- Phương pháp không dùng thuốc: Ngoài ra, trong Y học cổ truyền còn có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị an toàn như diện chẩn, bấm huyệt, châm cứu, tư vấn, xoa bóp, tập luyện,…
1. Phương pháp không dùng thuốc
Để giúp người bệnh trầm cảm kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh và dần phục hồi sức khỏe, trong Đông y đã áp dụng một số phương pháp không dùng thuốc sau đây:
1.1 Xây dựng kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi phù hợp
Trong thực tế, rất nhiều người đã bị khởi phát bệnh trầm cảm do thói quen làm việc quá sức, thường xuyên chịu nhiều áp lực, căng thẳng và không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, lâu dần dẫn đến tình trạng kiệt sức. Do đó, các thầy thuốc luôn khuyên người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc đi thư giãn ở đâu đó. Trong thời gian nghỉ dưỡng, bệnh nhân cần phải loại bỏ hết những nỗi lo toan trong cuộc sống, tạm gác lại công việc để có được tinh thần thoải mái nhất.
1.2 Tập luyện sức khỏe thể chất và tinh thần
Để có sức khỏe chống lại bệnh tật, bạn cần xây dựng thói quen vận động, tập luyện thể chất mỗi ngày. Người bệnh có thể lựa chọn những môn thể thao đơn giản có thể tập luyện ngay tại nhà như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp,…
Về mặt tinh thần, các chuyên gia thường sẽ hướng dẫn người bệnh phương pháp ngồi thiền để giúp cân bằng được tâm trí. Cũng bởi sức khỏe tinh thần của người bệnh trầm cảm rất quan trọng, khi sức khỏe tinh thần được ổn định và phục hồi sẽ giúp người bệnh ngăn chặn được các suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, mệt mỏi.
1.3 Thiết lập chế độ ăn uống phù hợp
Trong Y học cổ truyền cho rằng, việc ăn uống có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Việc ăn uống được ví như thượng nguồn của dòng chảy năng lượng, khi bạn dung nạp đầy đủ dưỡng chất từ các thực phẩm ăn uống hàng ngày sẽ giúp cho dòng chảy được thuận lợi và suôn sẻ hơn. Ngược lại, khi chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc, gây nên những vấn đề về sức khỏe.
Cũng chính vì thế mà những người bệnh trầm cảm nên chú ý hơn về thực đơn ăn uống của mình. Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có lợi cho não bộ thì người bệnh cũng cần cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đồng thời hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm béo. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện trong quá trình cải thiện bệnh.
1.4 Châm cứu
Đối với những người bệnh trầm cảm mới phát, các triệu chứng còn ở mức nhẹ hoặc vừa thì sẽ được cân nhắc áp dụng phương pháp châm cứu. Khi châm cứu sẽ thúc đẩy não bộ tiết ra nhiều chất dẫn truyền thần kinh cùng một số nội tiết tố. Ngoài ra, châm cứu còn giúp giải tỏa áp lực, căng thẳng rất tốt, làm thay đổi “tình chí” (trạng thái tinh thần), từ đó người bệnh sẽ lạc quan, vui vẻ hơn. Do đó, chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp châm cứu trong Đông y cũng được áp dụng rất phổ biến.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn mang lại một số lợi ích như:
- Bổ thận: Tăng cường sức khỏe toàn thân, gia tăng hệ miễn dịch cho cơ thể
- Kiện tỳ: Giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn, bảo vệ và thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- An thần định chí: Hỗ trợ tốt cho giấc ngủ, làm dịu hệ thần kinh.
1.5 Xoa bóp, bấm huyệt
Phương pháp xoa bóp, bấm huyệt trong Đông y cũng mang lại kết quả rất tốt cho những người bệnh trầm cảm. Mục tiêu chính của cách điều trị này đó chính là tăng cường sinh lực, hồi phục sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, quá trình bấm huyệt cần phải được tiến hành bởi những thầy thuốc có kinh nghiệm mới đảm bảo được tính an toàn.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể học cách tự xoa bóp tại nhà để thực hiện những lúc rảnh rỗi. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt căng thẳng, đau nhức mà bệnh trầm cảm có thể gây ra.
2. Phương pháp sử dụng thuốc
Các bài thuốc điều trị bệnh trầm cảm được áp dụng trong Đông y luôn được đánh giá cao về tính an toàn và hiệu quả. Người bệnh thường sẽ được sử dụng các đơn thuốc với tác dụng giải độc, kiện tỳ, thanh nhiệt, định thần, sơ can, cân bằng âm dương và trấn kinh khai khiếu.
Một số bài thuốc thường được áp dụng cho người bệnh trầm cảm như:
2.1 Bài thuốc số 1
Bài thuốc Đông y này sẽ có tác dụng dưỡng tâm an thần, hoạt huyết khử ứ, thanh nhiệt, định thần, sơ can.
- Nguyên liệu bao gồm: Thiên hoa phấn, trúc nhự, tri mẫu, lao ngưu tử, chi tử, thiên hoa phấn, đại giả thạch, cúc hoa, hoàng bá, mạch môn đông, hoàng cầm, đại hoàng, mông thạch và mang tiêu (ngâm).
- Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị sắc cùng lượng nước vừa phải, sau đó lọc lấy phần nước thuốc để uống hết trong ngày. Người bệnh nên kiên trì thực hiện lâu dài để có được kết quả như mong muốn.
2.2 Bài thuốc số 2
Nếu sử dụng bài thuốc này trong thời gian nhất định sẽ giúp cho người bệnh được an thần, thanh nhiệt, sơ can, hoạt huyết, định thần rất tốt.
- Nguyên liệu bao gồm: Đoạn mẫu lệ, ngọc cát cánh, toan táo nhân, bắc ngũ bị, tử đan sâm, đương quy thân, tế sa nhân, bạch đàn hương.
- Cách thực hiện: Dùng một lượng nước vừa phải để sắc cùng các nguyên liệu trên, sau đó lọc lấy nước để uống hết trong ngày. Hoặc người bệnh có thể tán nhuyễn tất cả nguyên liệu sao đó trộn với mật ong để vo thành từng viên nhỏ.
2.3 Bài thuốc số 3
Bài thuốc này sẽ có tác dụng cải thiện các triệu chứng như khó chịu, mệt mỏi, lo âu, tinh thần bất ổn, bất an, bồn chồn, phiền muộn, suy nhược thần kinh.
Nguyên liệu bao gồm: 5g phục linh, 5g bạch thược, 5g bạch truật, 20g táo nhân, 25g đương quy, 25g hoàng quy, 50g thiên kim tử (tục tùy tử).
Cách thực hiện:
- Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị rửa sạch.
- Sau đó dùng 500ml nước để sắc trên lửa vừa khoảng 30 phút.
- Khi nước cạn còn khoảng 250ml thì tắt bếp, lọc lấy phần nước thuốc.
- Tiếp tục cho nước vào nồi sắc cùng bã thuốc một lần nữa.
- Trộn 2 phần nước thuốc lại với nhau và chia thành nhiều lần uống trong ngày.
2.4 Bài thuốc số 4
Người bệnh trầm cảm xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, chóng mặt, đau đầu, khó ngủ, suy nhược thần kinh sẽ được chỉ định sử dụng bài thuốc này.
Nguyên liệu bao gồm: 25g ngũ vị tử, 25g hạt sen, 25g huyền sâm, 50g thục địa, 50g đương quy, 50g cây kỳ tử, 50g mạch môn, 50g táo nhân. Nếu người bệnh có triệu chứng chóng mặt thì bổ sung thêm 20g nhân sâm, 20g viễn chí và 20g đại liền.
Cách thực hiện:
- Đem tất cả nguyên liệu tán nhỏ thành dạng bột mịn.
- Sau đó trộn cùng với một ít mật ong và vo thành từng viên nhỏ.
- Bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín.
- Mỗi ngày uống theo liều lượng quy định của thầy thuốc.
2.5 Bài thuốc số 5
Đối với những bệnh nhân trầm cảm nhẹ, các triệu chứng ban đầu chưa quá rõ ràng thì có thể sử dụng được bài thuốc này.
- Nguyên liệu bao gồm: 20g viễn chí, 20g địa liền, 20g cam thảo, 20g bạch truật, 20g đương quy, 20g phục linh, 20g nhân sâm, 9g bạch chỉ, 9g táo nhân và 9g cây kỳ tử.
- Cách thực hiện: Đem các vị thuốc sắc cùng với nước và chia thành 3 phần uống hết trong ngày. Người bệnh nên uống thuốc sau bữa ăn để tăng hiệu quả của bài thuốc.
2.6 Bài thuốc số 6
Kiên trì sử dụng bài thuốc này sẽ giúp nâng cao trí nhớ, cải thiện sức khỏe tổng thể, khắc phục tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể do trầm cảm gây nên.
Nguyên liệu bao gồm: 10g xuyên khung, 10g nhân sâm, 15g mạch môn, 15g bạch truật, 20g cây kỳ tử, 20g hoa cúc trắng, 20g phục linh trắng, 20g táo nhân, 20g thục địa, 20g đương quy.
Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu rửa sạch, sắc cùng với lượng nước vừa phải. Sau đó lọc lấy nước thuốc và chia thành 2 phần để uống hết trong ngày.
2.7 Bài thuốc số 7
Bài thuốc này có tác dụng rất tốt đối với những trường hợp mắc phải chứng can khí uất kết – tình chí uất ức. Đặc biệt là những người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đầu óc trống rỗng, chán nản, tuyệt vọng, tinh thần không ổn định, tức ngực, bụng trướng,…
Nguyên liệu bao gồm: 9g thanh bì, 6g uất kim, 9g hương phụ, 6g cam thảo, 6g chỉ thực, 6g sài hồ và 9g thược dược.
Cách thực hiện: Dùng một lượng nước vừa đủ để sắc cùng các nguyên liệu trên. Lọc lấy phần nước thuốc và chia ra 3 lần uống trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm để mang lại hiệu quả tốt nhất.
2.8 Bài thuốc số 8
Những đối tượng bị trầm cảm có biểu hiện như buồn bã, ủ rũ, u uất, hay khóc lóc, thở dài không rõ nguyên nhân, suy nghĩ tiêu cực, không có niềm tin vào cuộc sống sẽ phù hợp với bài thuốc này.
Nguyên liệu bao gồm: 8g toan táo nhân, 12g phục thần, 8g bá tử nhân, 5 quả đại táo, 12g tiểu mạch, 12g cam thảo.
Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống trong một ngày, nên uống thuốc khi còn ấm và uống sau bữa ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2.9 Bài thuốc số 9
Với bài thuốc này, bệnh nhân sẽ được khắc phục các triệu chứng như khó thở, tức ngực, tim đập nhanh, đồng thời cải thiện tình trạng suy nhược tâm thần.
Nguyên liệu bao gồm: thiên môn đông, mạch môn, toan táo nhân, ngũ vị tử, đương quy, thục địa mỗi loại 1.560g, cát cánh, cam thảo, viễn chí, phục linh, nhân sâm, hoàng liên, đan sâm, huyền sâm, xương bồ mỗi loại 780g.
Cách thực hiện:
- Đem tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị đi tán hoặc xay nhuyễn thành dạng bột mịn.
- Sử dụng một ít mật ong để tạo thành các viên tròn nhỏ, mỗi viên nặng khoảng 9g.
- Dùng một lọ thủy tinh có nắp đậy để bảo quản các viên hoàn.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 1 viên.
- Người bệnh nên uống với nước ấm để hiệu quả bài thuốc đạt được như mong muốn.
2.10 Bài thuốc số 10
Bài thuốc này sẽ được kê đơn dành cho những trường hợp bị uất tắc không thông, chứng uất kéo dài.
Nguyên liệu bao gồm: 50ml mật ong, 50g gạo nếp, 15g long nhãn, 20g táo đỏ, 15g hạt sen.
Cách thực hiện:
- Đem các nguyên liệu đi sơ chế, long nhãn ngâm với nước sau đó rửa sạch, táo đỏ tách bỏ phần hạt, gạo nếp vo sạch.
- Sử dụng 1 lít nước sạch để nấu cùng các nguyên liệu trên
- Khi thấy hỗn hợp đã chín, gạo nhừ thành cháo thì cho vào một ít mật ong, khuấy đều.
- Nêm nếm vừa ăn thì tắt bếp.
- Người bệnh nên duy trì ăn mỗi ngày để các triệu chứng trầm cảm mau chóng được cải thiện.
Các bài thuốc Đông y chữa trầm cảm được giới thiệu trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần tìm đến các cơ sở Y học cổ truyền uy tín và chất lượng để được thăm khám cụ thể, từ đó các thầy thuốc sẽ kê đơn thuốc phù hợp với từng trường hợp bệnh khác nhau.
Chữa bệnh trầm cảm bằng Đông y bao lâu có kết quả?
Chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y cần thời gian bao lâu luôn là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Các chuyên gia Y học cổ truyền cũng cho biết rằng, để có thể chữa khỏi căn bệnh quái ác này cần tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trước tiên người bệnh phải hiểu rõ về bệnh tình của mình, nắm được mức độ nghiêm trọng của bản thân.
Nếu có thể sớm phát hiện bệnh ở những giai đoạn đầu tiên thì việc chữa trị sẽ ít tốn thời gian hơn, người bệnh cũng không cần áp dụng quá nhiều các phương pháp khác nhau. Thông thường, các trường hợp trầm cảm nhẹ chỉ cần áp dụng trị liệu tâm lý, nhanh chóng thay đổi lối sống, cách nhìn và thực hiện các phương pháp không dùng thuốc của Đông y cũng có thể nhanh chóng cải thiện được.
Tuy nhiên, các triệu chứng trầm cảm ở giai đoạn đầu thường rất khó nhận biết, người bệnh không có quá nhiều các biểu hiện rõ ràng. Vì thế, nhiều người thường không thể phát hiện được, dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài và chuyển biến thành các giai đoạn nghiêm trọng hơn. Lúc này người bệnh cần phải kiên trì điều trị trong thời gian dài mới có thể phát huy được hết công dụng của những bài thuốc Đông y.
Tóm lại, thời gian điều trị bệnh trầm cảm bằng Đông y còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bệnh, thời gian phát hiện bệnh, ý thức của bệnh nhân, các phương pháp áp dụng,….Tuy nhiên, do các bài thuốc Đông y thường được lấy từ thiên nhiên nên cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bài viết trên đây đã gợi ý cho bạn đọc một số cách chữa trầm cảm theo phương pháp Đông y. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần đến trực tiếp phòng khám Y học cổ truyền để được chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp nhất đối với tình trạng bệnh của mình.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu bị trầm cảm nặng và hướng điều trị
- Bị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có chữa được không?
- Hội chứng ngưng thuốc chống trầm cảm và những lưu ý cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!