7 cách nói chuyện với người trầm cảm để sớm vượt qua

“Tôi luôn ở bên bạn”, “chúng mình cùng trò chuyện nhé” hay ” bạn đã làm tốt rồi” đều là những câu nói có thể an ủi trái tim đầy tổn thương của những người trầm cảm. Khi nói chuyện với với người trầm cảm bạn cần phải thực sự kiên trì để có thể kết nối và hướng người bệnh đến những điều tích cực lạc quan phía trước. Chính sự ấm áp của những người bên cạnh sẽ sưởi ấm được trái tim lạnh giá tưởng chừng như không còn sự sống của các bệnh nhân trầm cảm.

Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp họ sớm vượt qua

Thật khó để nói chính xác một nguyên nhân khiến những người trầm cảm lại cảm thấy tuyệt vọng đến như thế. Có những chuyện tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt nhưng lại chẳng thể chia sẻ với ai nên tất cả cứ tích tụ dần trong tâm trí, trở thành một loại độc tố lây lan đi khắp cơ thể, gặm nhấm hết cả hạnh phúc của người bệnh. Cuộc sống này khi không có nụ cười, khi không còn cảm nhận được sự hạnh phúc thì thật sự sẽ rất đáng sợ.

Cách nói chuyện với người trầm cảm
Khi nói chuyện với người trầm cảm bạn cần thực sự chân thành và kiên trì

Thực tế thì chúng ta không nên tùy tiện khuyên nhủ hay tư vấn cho người bị trầm cảm nếu không có chuyên môn bởi tâm trí họ lúc này cực kỳ nhạy cảm. Đôi khi những điều bạn làm chỉ muốn tốt cho họ nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy rằng bản thân họ là gánh nặng, thật đáng thương.

Tuy nhiên nếu bạn vẫn cứ bỏ mặc, vẫn cứ im lặng thì lại chẳng thể nào giúp người bệnh thoát khỏi giai đoạn khó khăn này. Trị liệu tâm lý dù có hiệu quả nhưng chẳng thể nào thực hiện suốt đời. Chính sự chủ động, ấm áp, lạc quan tươi sáng của những người thân, bạn bè xung quanh sẽ là sợi dây dẫn lối cho người bệnh trầm cảm trở lại với cuộc sống hạnh phúc của mình.

Vậy nên nói chuyện với người trầm cảm thế nào để giúp họ cải thiện bệnh?

1. Hãy nói rằng “Cậu rất quan trọng!”

Vì sao người bị trầm cảm lại muốn kết thúc cuộc đời của mình? Chính bởi vì họ cảm thấy rằng mình thật sự cô đơn, không ai cần mình, mình là một người vô dụng, là gánh nặng của người khác. Họ luôn tự trách bản thân mình, tự dằn vặt và cứ đắm chìm trong suy nghĩ đó không thoát ra được. Đến một thời điểm nào đó khi những dòng chữ này đã lấp đầy trong tâm trí thì những người trầm cảm sẽ chọn cách kết thúc cuộc đời mình.

Khi nói chuyện với người trầm cảm, hãy luôn nói rằng họ thật quan trọng. Hãy thử gợi ý về những kỷ niệm của cả hai để biết rằng đối với bạn, họ đóng một vai trò như thế nào. Hãy chỉ ra rằng, nếu không có họ thì ngôi nhà này thiếu đi một người chăm sóc, chiếc mũ kia sẽ chẳng còn được ra ngoài tắm nắng, những bông hoa kia sẽ chẳng còn ai tươi nước mỗi ngày.

Và đặc biệt, “cậu quan trọng với chính bản thân của cậu, chứ không nhất thiết là một ai khác. Ở những năm tháng trước, cậu đã phải khó khăn đến nhường nào, thế nhưng hiện tại cậu vẫn đang ở đây, điều ấy đã chứng minh cho vũ trụ thấy cậu rất đặc biệt, rất quan trọng. Hãy luôn tự hào vì chính bản thân mình, bởi bản thân chính cậu luôn là điều quan trọng nhất.”

2. Chân thành và ấm áp

Hãy nói chuyện với người mắc bệnh một cách chân thành và ấm áp. Thực tế chúng ta thường nghĩ rằng khi nói chuyện với người trầm cảm phải thật lạc quan, phải tích cực, phải luôn chọc người đó cười. Tuy nhiên đừng nên đeo cho mình một lớp mặt nạ không phải mình khi trò chuyện với người trầm cảm, cố gắng nói thật nhiều hay cố gắng an ủi họ. Bản thân người trầm cảm rất nhạy cảm, họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra bạn chỉ đang giả vờ để giúp đỡ họ mà thôi.

chân thành khi nói chuyện với người trầm cảm
Đôi khi chỉ cần bạn chấp nhận lắng nghe cũng đủ để người bệnh cảm thấy được an ủi

Tích cực và vui vẻ là điều rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn bạn cần thực sự chân thành nếu muốn giúp đỡ người bị trầm cảm. Đôi khi bạn cũng chẳng cần nói gì mà chỉ cần ngồi bên cạnh và lắng nghe những tâm tư, cảm xúc của họ, chỉ vậy thôi cũng đủ để xoa dịu trái tim đang nặng trĩu những nỗi buồn. Chẳng cần nói gì, chỉ cần bên nhau đủ.

Mặt khác bạn cũng chẳng nhất thiết phải nói rằng “mình yêu cậu”, “mình nhớ cậu” mới là yêu thương và quan tâm. Thay vào đó hãy nói hỏi rằng ” hôm nay cậu ổn chứ”; ” trời lạnh rồi cậu nhớ mặc ấm vào nhé”. Yêu thương thực sự thì không cần những lời nói hoa mỹ mà được biểu lộ qua sự chân thành.

3. “Cậu không cô đơn vì mình luôn ở đây !”

Con người luôn có nhu cầu trò chuyện và chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Chính bởi nhu cầu này không được thực hiện nên cơ thể mới tích tụ đầy những “chất độc” xấu xí ăn mòn hết những điều hạnh phúc bên trong. Và cũng bởi không thể – không muốn chia sẻ với ai nên họ mới cảm thấy cô hơn hoặc ngược lại, vì cô đơn nên họ không thể chia sẻ cảm xúc với ai.

nói chuyện với người yêu bị trầm cảm
Hãy nói “Em không cô đơn vì anh luôn ở đây” với người yêu khi họ bị trầm cảm để khiến họ tin tưởng và trải lòng nhiều hơn với bạn, nhờ vậy họ sẽ không chịu đựng một mình và bi quan lạc lối.

Do đó khi nói chuyện với người trầm cảm hãy để họ biết “cậu không cô đơn vì luôn có mình ở đây, bất cứ khi nào”. Chỉ cần họ chủ động mở lòng thì bạn hãy sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe và chia sẻ với những cảm xúc khó nói của người bệnh. Bạn có thể thực hiện điều này bằng những cách như trả lời cuộc gọi, trả lời tin nhắn ngay khi người bạn đó nhắn tới.

Bạn cũng có thể dành tặng cho những người bệnh trầm cảm một món quà đặc biệt nào đó, chẳng hạn như một chiếc móc chìa khóa để chứng tỏ rằng bản thân bạn luôn đồng hành bên cạnh. Lời nói cần luôn đi đôi với hành động với thực sự chứng minh được tấm chân tình mà bạn thực sự muốn dành cho họ.

4. Hãy nói rằng “Hôm nay cậu đã làm tốt rồi”

Đôi khi điều những người trầm cảm muốn chẳng có gì to tát, chỉ là mong muốn được một lần công nhận. Bản thân họ luôn tự hỏi rằng vì sao những điều xui xẻo, những thứ xấu xí luôn đến với bản thân mình. Vì sao mình đã cố gắng rất nhiều những vẫn chẳng thành công. Vì sao mình đã cố gắng vui vẻ, cố gắng cười nhưng trái tim vẫn cảm thấy nặng trĩu như đang chứa hàng nghìn bao cát?

Khi nói chuyện với người trầm cảm đừng bao giờ nói rằng “cố lên” ” cậu phải cố gắng vui vẻ lên” bởi điều này sẽ chỉ giống như bạn đang xé toạc vết thương của họ ra vậy. Họ đã phải cố gắng đến chừng nào thì bây giờ mới tuyệt vọng như thế. Việc bạn nói rằng họ cần – phải – cố – gắng sẽ khiến bản thân họ cảm rằng mình thực sự là kẻ thất bại, vô dụng mà thôi.

Chỉ cần một câu nói ” ngày hôm nay cậu đã làm tốt rồi” cũng thực sự có thể trái tim đang rơi xuống vực thẳm của những người bị trầm cảm. Bạn cũng có thể chỉ rằng ngày hôm nay họ đã thay đổi tốt hơn ngày hôm qua như thế nào thay vì chỉ nói bâng quơ. Chẳng hạn “hôm nay cậu đã cười nhiều hơn hôm qua 3 lần đấy!”.

5. Hãy nói về “ngày mai”

Khi nói chuyện với người bị trầm cảm, hãy nói nhiều hơn về ngày mai. Ví dụ: “Ngày mai trời rất đẹp, cậu muốn ra ngoài cùng mình chứ?”. “Ngày mai” giống như một sợi dây hy vọng có thể kéo một người đang muốn tự tử muốn ở lại với cuộc đời này lâu hơn một chút. “Hy vọng” chính là những điều tốt đẹp mà bản thân chúng ta mong muốn ở tương lai vì vậy hãy kéo nó gần hơn bằng “ngày mai”. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng ngày mai sẽ là một ngày tốt đẹp hơn hay sao.

nói chuyện với người trầm cảm
Ngày mai sẽ luôn đẹp hơn hôm nay nên thật đáng tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ nó

Bạn không nên dùng một khoảng thời gian không xác định với người bị trầm cảm. Chẳng hạn nói rằng “hôm nào trời nắng đẹp thì mình đi dạo”. “Hôm nào” là một thời điểm không xác định, thậm chí vô vọng giống như cuộc sống hiện tại của họ vậy, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, chẳng biết bao giờ sẽ khỏi bệnh và là một thứ hy vọng xa vời. Điều này sẽ làm họ cảm thấy tồi tệ hơn.

Trong khi đó ngày mai là khoảng thời gian xác định. “Sống thêm một ngày để đi chơi sẽ không sao đâu”, có thể rằng họ sẽ nghĩ thế, và tất nhiên bạn sẽ kéo dài thêm cuộc sống của họ được 1 ngày. Đôi khi chỉ cần 1 cần một câu nói cũng có thể làm thay đổi cuộc sống của một người và bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó bằng sự chân thành của chính mình.

Và tất nhiên, quan trọng nhất là bạn cần phải thực hiện điều đã nói bởi chỉ cần 1 lần thất hứa thì sẽ rất khó để kết nối lại với người bệnh một lần nữa . Kể cả khi trời mưa bạn cũng cần phải có mặt. Chẳng phải trời mưa cũng vô cùng lãng mạn và ngọt ngào gấp trời nắng rất nhiều lần đúng không nào?

6. Hướng mọi vấn đề theo khía cạnh tích cực hơn

Tích cực lạc quan không có nghĩa là bạn phải hài hước, phải chọc cười mà chỉ cần bạn không nhìn nhận nó theo một góc nhìn tiêu cực. Chẳng hạn khi thấy trời mưa chúng ta thường than vãn rằng ” trời mưa u ám quá”; “trời mưa thật buồn chán”. Tuy nhiên bản thân người bị trầm cảm đã đang cảm thấy u ám gấp hàng nghìn lần bầu trời lúc này và bạn không cần xếp thêm một mảnh ghép tiêu cực vào nữa.

Do đó, thay vì nói như vậy thì bạn có thể nói rằng “trời mưa sẽ ngủ rất ngon” hay” mưa thì cây lá sẽ tốt tươi hơn”. Hai câu nói mang hoàn toàn hai sắc thái khác nhau, không cần phải hài hước nhưng chúng ta vẫn thấy được sự tích cực, lạc quan trong đó. Bản thân bạn cần phải tích cực thì khi nói chuyện với người trầm cảm mới lan truyền được năng lượng này sang cho người bệnh.

7. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân khi nói chuyện với người trầm cảm

Vì sao người trầm cảm cần phải gặp gỡ bác sĩ tâm thần hay các chuyên gia tâm lý mới có thể khỏi bệnh? Không chỉ bởi họ có chuyên môn cao, có thể chia sẻ giúp đỡ cho những bệnh nhân này mà còn bởi tâm lý của họ vững, họ biết cách chăm sóc đời sống tinh thần để không ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực.

nói chuyện với người trầm cảm
Muốn giúp đỡ người trầm cảm thì bạn cũng cần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình

Niềm vui thì dễ lây lan nhưng sự tiêu cực có thể lan truyền mạnh gấp nhiều lần. Kể cả những người tích cực, hài hước, vui vẻ nhưng nếu không biết cách thì hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi sự u ám, tiêu cực của người trầm cảm. Thực tế rất nhiều gia đình hay người có bạn bè bị trầm cảm đều cho biết, bản thân khi giúp đỡ người bị trầm cảm cũng cảm thấy bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự u ám, nặng nề của bệnh nhân.

Chính vì thế mà nếu không có chuyên môn, chỉ điều trị tại nhà thì rất khó để chấm dứt trầm cảm được. Bản thân gia đình và bạn bè nếu thực sự muốn giúp đỡ những người bị trầm cảm lâu dài thì cần chăm sóc cả sức khỏe tinh thần của bản thân nhiều hơn. Một số phương pháp có thể giúp ích cho bạn như

  • Trao đổi với các bác sĩ tâm lý để hiểu rõ hơn về cách chăm sóc và giúp đỡ người trầm cảm thay vì cứ cố gắng loay hoay không biết làm cách nào
  • Dành thời gian thư giãn tinh thần thông qua các hoạt động giải trí, đọc sách
  • Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày, tránh suy nghĩ về các vấn đề tiêu cực quá nhiều
  • Luyện tập thể dục thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt là yoga để thanh lọc tâm trí. Hãy rủ rê người trầm cảm cùng tập luyện
  • Đồng cảm không có nghĩa là bạn đặt mình hoàn toàn vào cảm xúc tiêu cực của người trầm cảm mà nên nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và tìm ra cách giúp đỡ họ
  • Luôn đặt ra ranh giới lành mạnh, dành thời gian để chăm sóc bản thân mình bởi chỉ khi bạn khỏe mạnh thì mới có thể giúp đỡ được những người khác

Những câu không nên nói với người mắc bệnh trầm cảm

Bên cạnh những câu nói tích cực tạo động lực cho người trầm cảm, giúp họ sớm vượt qua bệnh tật và chữa lành tâm hồn, có một số câu nói tối kị không được nói nếu muốn xoa dịu họ. Những câu nói không có chiều hướng tích cực, không đặt tâm mình vào câu nói đều có thể làm tổn thương thêm tâm hồn mong manh của người trầm cảm, thậm chí là khiến tinh thần họ tệ hơn.

những câu không nên nói với người trầm cảm
Bạn không những cần học cách nói những câu động viên, khích lệ tinh thần bệnh nhân trầm cảm mà còn phải biết tránh những câu “sát muối vào tim” khiến tinh thần của họ tồi tệ hơn.

Những câu không nên nói với người trầm cảm khi trò chuyện là:

  • “Bạn sẽ ổn thôi” hay “Mọi thứ sẽ qua thôi”: Nhiều người thường động viên ai đó bằng những câu nói như vậy. Tuy nhiên, nó thực sự sáo rỗng khi nói với những người trầm cảm khi họ không thể nghĩ tích cực về một tương lai tốt đẹp. Ngược lại, những câu này sẽ gợi nhắc về tương lai và khiến người trầm cảm có nhiều suy nghĩ bi quan, tiêu cực hơn.
  • “Mình hiểu mà, mình cũng từng như bạn”: là câu nói mà chúng ta vẫn nghĩ là đang đồng cảm với đối phương. Song, nếu đó là một người trầm cảm thì bạn không nên nói vậy. Bởi vì họ sẽ nhầm tưởng triệu chứng trầm cảm là bình thường và có xu hướng không muốn tiếp nhận điều trị từ sớm.
  • “Cố gắng hơn nữa đi”: Nếu bạn nghĩ dùng câu này với những người trầm cảm để động viên họ thì bạn nên dừng ngay lại. Với một người trầm cảm thường hay bi quan, tiêu cực, nếu nghe câu này thường sẽ tự trách bản thân làm chưa tốt và ngày càng tuyệt vọng về bản thân hơn.
  • “Mình thấy bạn luôn vui vẻ mà, có buồn chút nào đâu”: Đây là một câu nói thể hiện thái độ ngạc nhiên hoặc nghi ngờ đối phương có mắc trầm cảm hay không. Thông thường, có nhiều người trầm cảm không muốn bộc lộ cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài mà che giấu bằng sự vui vẻ, hạnh phúc (trầm cảm cười). Vì vậy, đừng nghĩ chuyện trầm cảm là đơn giản mà thể hiện thái độ bỡn cợt, đùa giỡn với họ.
  • “Còn nhiều người khổ hơn” hoặc “Do bạn nghĩ quá lên thôi”:  Những vấn đề tiêu cực mà người trầm cảm đang phải trải nhiều khi được xem là bình thường đối với nhiều người. Nhưng đối với bệnh nhân, những vấn đề thực sự rất kinh khủng và tồi tệ. Nếu bạn có thái độ phủ nhận vấn đề hoặc bình thường hóa chúng, người trầm cảm sẽ càng cảm thấy bản thân tồi tệ, khiến tình trạng càng thêm nghiêm trọng.

Nói chuyện với người trầm cảm chưa bao giờ là một điều dễ dàng, kể cả với những người có chuyên môn đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc kết nối để người bệnh mở lòng và chia sẻ. Chính sự ấm áp, chân thành của bạn là liều thuốc xoa dịu những tổn thương để đưa người bệnh tìm lại ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *