Chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo chia sẻ về bạo lực học đường
Bạo lực học đường là một vấn nạn xã hội trong môi trường giáo dục, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và hiện đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết bạo lực học đường
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo:
Bạo lực học đường là vấn nạn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra trên toàn thế giới, thu hút sự quan tâm của mọi người trong xã hội. Nhưng để đưa ra giải pháp mang tính hiệu quả không hề đơn giản vì chúng ta phải căn cứ theo từng trường hợp, từng văn hóa, từng vùng miền.
Với tình hình xã hội hiện tại, vấn nạn bạo lực học đường trở nên tinh vi hơn khi mạng xã hội “lên ngôi”, trẻ nhỏ được tiếp xúc nhiều với điện thoại và những phương tiện truyền thông. Vì vậy, các bậc phụ huynh sẽ không có đủ sự nhìn nhận về tình trạng này.
Bạo lực học đường không chỉ khiến trẻ sợ hãi khi đến trường mà còn để lại dấu ấn về tâm lý cho trẻ lâu dài về sau nếu cha mẹ, giáo viên không phát hiện kịp thời, can thiệp và hỗ trợ sớm. Vì vậy, việc “nhận diện” dấu hiệu bạo lực học đường là điều vô cùng quan trọng.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo, một số dấu hiệu nhận biết dễ nhận thấy nhất có thể kể đến như:
- Tới giờ đi học con trẻ mệt mỏi, than nhức đầu, đau bụng,… muốn lấy lý do nào đó và không muốn đến trường.
- Con trở nên ít nói, lầm lì hơn, ăn uống không ngon miệng.
- Kết quả học tập của con sa sút không rõ nguyên nhân.
- Cha mẹ hỏi con về bạn học, về trường lớp thì con cũng không muốn chia sẻ.
- Trên cơ thể con có nhiều dấu vết lạ trên cơ thể như các vết bầm tím, trầy xước,… mà khi hỏi đến, con ấp úng và không trả lời được.
- Khi đi học về, quần áo của con luôn trong tình trạng xộc xệch, không chỉnh tề.
- Đêm ngủ hay gặp ác mộng, hay khóc, hoặc có những biểu hiện của trầm cảm lo âu.
- Quan sát thấy trẻ có những bức tranh vẽ nội dung liên quan đến bạo lực.
2. Thực trạng về bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ bạo lực học đường và tình trạng đang có dấu hiệu gia tăng. Những vụ bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng về mức độ nguy hiểm cũng như tính chất khó nhận biết.
Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ở một cá nhân, một trường hợp cố định mà đã lan rộng đến môi trường của nhiều trường học và mọi nơi từ nông thôn cho đến thành thị. Về đối tượng của bạo lực học đường cũng có sự đa dạng và phức tạp. Thực trạng này diễn ra tại các cấp bậc từ tiểu học cho đến đại học, đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Theo một số thông tin chính thức của Bộ giáo dục và đào tạo, trung bình một năm học có khoảng 1.600 vụ bạo lực học đường trong phạm vi trong và ở ngoài nhà trường. Cứ khoảng 5.200 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11.000 học sinh lại có 1 em phải nghỉ học vì đánh nhau.
Chuyên gia Ông Thục Bảo chia sẻ:
Việc bắt nạt, đánh hội đồng hay trấn lột là tình trạng xảy ra thường xuyên ở các trường học hiện nay, đặc biệt là các anh chị lớp trên với các em lớp dưới. Các bạn nhỏ có thể hình yếu ớt, nhút nhát cũng là mục tiêu của những trẻ có khuynh hướng thích bắt nạt những người yếu hơn mình.
Đặc biệt, có những trường hợp bạo lực học đường cực kỳ tinh vi, không biểu hiện qua hành động mà biểu hiện qua lời nói. Các bạn học sinh sẽ thu lại thành một nhóm và chỉ trích một cá nhân nào đó về cơ thể, về học tập hay cách ăn mặc,… Nói chung là tìm mọi cách để làm tổn thương đối tượng đó và thường bị bắt nạt dai dẳng trong thời gian dài.
Đặc biệt, những bạn học sinh này sẽ lợi dụng cơ hội (không có thầy cô, không có phụ huynh) để thực hiện hành vi bạo lực học đường, từ đó khiến nạn nhân cảm thấy sợ hãi vì mình luôn bị đưa ra để làm trò tiêu khiển cho các bạn, cảm thấy hoang mang vì không biết tại sao mình lại phải hứng chịu những điều này.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo cũng nói thêm:
Hiện nay, mạng xã hội quá thông dụng nhưng nó cũng là phương tiện cực kỳ nguy hiểm. Nhiều trường hợp trẻ sử dụng những hình ảnh, lời nói hay hành vi như chụp lén hay phê bình mang tính tiêu cực để tập trung vào đối tượng muốn bắt nạt. Trên thực tế trong công việc trị liệu tâm lý, tôi đã từng gặp nhiều bậc phụ huynh đưa con tới trong tình trạng hoang mang, sợ hãi. Khi hỏi tới, trẻ trả lời là chính những người mà mình coi là bạn thân lại tung lên mạng xã hội những hình ảnh không phù hợp với hình thức hăm doạ, đe doạ. Chính điều này đã làm trẻ trở nên căng thẳng, stress, mất ngủ triền miên.
Một vấn đề cũng vô cùng quan trọng mà các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý, đó là tấn công tình dục. Lý do là bởi những có những hình ảnh chụp lén hoặc chụp khi các cặp đôi thể hiện tình cảm, sau đó khi cả hai không còn bên nhau thì một bên sẽ mang hình ảnh đó ra hăm dọa, đe dọa khiến nạn nhân rơi vào trạng thái sợ hãi. Và nếu không can thiệp xử lý sớm, đây cũng là mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống bình thường của trẻ. Tệ nhất là trường hợp trẻ tuyệt vọng, dễ dẫn đến những hành vi và quyết định tiêu cực.
3. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo:
Nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường đầu tiên chúng ta có thể nhận biết, đó chính là lứa tuổi học trò mong muốn tự khẳng định bản thân, muốn được ghi nhận, muốn được công nhận và được yêu thương. Đặc biệt, trẻ cần sự thấu hiểu, thông thái của cha mẹ. Giai đoạn này, trẻ không cần được dạy bảo, chỉ dẫn như học sinh lớp 1, lớp 2 mà phụ huynh cần có sự hiểu biết cũng như cư xử phù hợp với tâm lý của con.
Khi có sự ứng xử phù hợp, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chia sẻ cùng cha mẹ hơn, có thể nói lên những điều mà mình mong muốn. Nếu được giải tỏa thì các con sẽ không còn bị ức chế, cha mẹ sẽ là người đáng tin cậy để các con chia sẻ. Đặc biệt, thời gian mà các bậc phụ huynh dành cho con cái là điều vô cùng cần thiết, bởi chỉ khi có điều này, cha mẹ mới bắt được nhịp thay đổi của các con mỗi ngày, kịp thời phát hiện nếu con gặp vấn đề nào đó ở trường lớp.
Ví dụ, trong bữa ăn gia đình mỗi buổi tối, cha mẹ sẽ nhìn thấy con ăn có ngon miệng không? Con có vui vẻ kể chuyện trường lớp, bạn bè hay không? Nếu con không vui vẻ mà chỉ ủ rũ, ăn cho qua, chỉ muốn ở trong phòng, không muốn nói chuyện với ai thì các bậc phụ huynh sẽ biết con đang không ổn và mình cần tiếp cận, nói chuyện với con.
4. Hậu quả của bạo lực học đường
Về hậu quả của bạo lực học đường, chuyên gia Ông Thục Bảo có một vài chia sẻ:
Ở góc độ của một chuyên gia tâm lý trị liệu, tôi nhận định bạo lực học đường gây ra ám ảnh tâm lý nghiêm trọng cho trẻ. Nó không chỉ đơn giản dừng lại ở việc trẻ sợ hãi đến trường, giảm sức học mà nó còn trở thành một dấu ấn, trẻ sẽ thiếu tự tin khi trưởng thành. Bạo lực học đường không chỉ đơn giản là trẻ bị tách riêng ra khỏi tập thể mà còn nghiêm trọng hơn thế rất nhiều, trẻ sẽ mất đi động lực cố gắng, hoài nghi bản thân và tự đặt những câu hỏi như: Mình có đủ giỏi không? Mình có đủ tốt không? Mình có xứng đáng được mọi người yêu mến không? Và chính điều này sẽ ngăn trở sự phát huy tài năng và chất lượng cuộc sống khi trẻ trưởng thành.
Như vậy có thể thấy rằng, bạo lực học đường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về cơ thể và tinh thần. Trẻ trải qua những tổn hại về cơ thể như bị chấn thương, đau đớn, tổn hại sức khỏe. Ngoài ra, những vấn đề về xã hội, cảm xúc và ảnh hưởng đến học tập.
Tính đến thời điểm hiện tại, không ít những trẻ bị bạo lực học đường gặp phải các vấn đề như:
- Trẻ có những biểu hiện như xuất hiện cảm giác buồn chán, cô đơn.
- Thay đổi giấc ngủ, mất ngủ, ăn uống không ngon miệng.
- Mất hứng thú trong các hoạt động trước kia trẻ từng thích.
- Sức khoẻ không ổn định, thường xuyên ốm vặt.
- Kết quả học tập ở trường giảm sút, điểm kém và có thể hay nghỉ học hơn.
- Ý tưởng tự sát xuất hiện do trầm cảm, lo âu, stress, căng thẳng đặc biệt tăng nếu không được sự hỗ trợ chia sẻ từ cha mẹ người thân và bạn bè.
5. Giải pháp cho bạo lực học đường
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo:
Vì bạo lực học đường là một vấn đề chung của toàn xã hội, nên để giải quyết được sẽ cần vai trò của cha mẹ, giáo viên và nhà trường, bản thân học sinh. Quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho các con. Để phòng tránh bạo lực học đường, điều đầu tiên là các bậc phụ huynh nên trang bị cho con những kiến thức, những kỹ năng để con ứng phó khi mình gặp những tình huống xấu.
Ví dụ, cha mẹ cần xây dựng văn hoá gia đình là văn hoá chia sẻ, văn hoá có những bữa ăn cùng nhau. Như vậy, phụ huynh đã tạo được niềm tin cho con của mình, khi con có những vấn đề với bạn bè hay gặp chuyện trên trường lớp cũng sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Như vậy, cha mẹ sẽ đánh giá được đây có phải là mâu thuẫn bạn bè đơn thuần hay không? Hay đâu là những dấu hiệu của bạo lực học đường? Từ đó cha mẹ sẽ biết nên đồng hành và hỗ trợ con như thế nào cho phù hợp, giúp con biết cách tự vệ.
Nhà trường cũng cần đồng hành cùng phụ huynh để cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng mềm. Đây là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm, có nhiều sự biến đổi về tâm sinh lý nên ngoài kiến thức hàn lâm, nhà trường và gia đình cần giúp con biết cách để trở thành một người tử tế, phải giao tiếp văn minh và lịch sự như thế nào? Hiện tại, một số trường học có những khóa học kỹ năng sống rất hay, giúp con rèn luyện kỹ năng mềm để trở thành một người văn minh.
Chuyên gia Ông Thục Bảo cũng nói thêm:
Và bên cạnh đó, tâm lý học đường cũng cực kỳ quan trọng, đây là nơi mà các con có thể chia sẻ, có thể đến để gặp các chuyên gia, nơi mà các con có thể nói những thứ mà không thể nói cùng cha mẹ. Đây là điều mà gia đình và nhà trường nên quan tâm, bởi nó đáp ứng kịp thời khi con có một điều gì đó bức bối, con không biết phải nói với ai thì con có một nơi để chia sẻ. Thì ngay lúc đó con được giải toả, ngay lúc đó con biết được mình không cô đơn, mình vẫn được lắng nghe và bảo vệ.
Tuy nhiên, để đi xa và làm tốt hơn nữa, chúng ta vẫn cần đến gia đình. Bởi gia đình chính là nền tảng để con biết được rằng, mình được lắng nghe, được bảo vệ và được chia sẻ, từ đó con sẽ tự tin để trưởng thành, phù hợp với lứa tuổi, hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống.
Khi phát hiện ra con bạn đang bị bạo lực học đường, cha mẹ không nên xem nhẹ, coi điều đó là chuyện của con trẻ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh cần phải nói chuyện với con, để biết điều gì thực sự xảy ra, để có những bước giải quyết tiếp theo. Cha mẹ cần cho trẻ thấy là bạn luôn đồng hành cùng con và trẻ không cần thiết phải phản ứng lại như những gì mà các bạn hoặc anh chị ở trường lớp đã làm với mình.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo dành cho các bậc phụ huynh:
Khi con có dấu hiệu của bạo lực học đường, cha mẹ cần đưa con đến những trung tâm tâm lý trị liệu. Tại đây các chuyên gia có kiến thức và chuyên môn sẽ giúp con xây dựng niềm tin nội tại, từ đó biết cách ứng xử phù hợp để bảo vệ chính bản thân mình.
Bạo lực học đường là vấn nạn đáng lo ngại hiện nay, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của những trẻ bị bắt nạn mà còn khiến môi trường giáo dục mất đi sự tích cực, lành mạnh vốn có. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo đã mang đến những kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Và đừng quên, để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự chung tay của cả các em học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội!
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!