Stress là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách thoát khỏi

Stress (căng thẳng) là phản ứng xảy ra khi cơ thể cố gắng vượt qua áp lực và thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống. Đôi khi, căng thẳng tác động tích cực đến hiệu suất lao động – học tập và tạo động lực để hoàn thành thử thách. Tuy nhiên, đa phần stress đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Stress là gì
Stress là trạng thái căng thẳng gặp phải khi cơ thể phải thích nghi với những thay đổi/ vượt qua áp lực trong cuộc sống

Stress là gì?

Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh xảy ra khi cơ thể phải chịu áp lực hoặc cố gắng thích nghi với các yếu tố từ bên trong hoặc bên ngoài. Các tác nhân gây ra phản ứng này được gọi là tác nhân gây stress. Triệu chứng của nó rất đa dạng bao gồm các biểu hiện về mặt cảm xúc, tinh thần, hành vi và thể chất.

Khi gặp phải stress, cơ thể sẽ tăng sản xuất một số loại hormone dẫn đến những thay đổi về thể chất và tinh thần. Các triệu chứng của stress sẽ phụ thuộc vào mức độ căng thẳng và ngưỡng chịu đựng stress của mỗi cá thể. Đa phần stress đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống. Tuy nhiên trong một số trường hợp, stress kích thích khả năng học tập, lao động và cải thiện mức độ tập trung.

Stress có thể xảy ra trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Bên cạnh những ảnh hưởng về chất lượng cuộc sống, căng thẳng kéo dài được xem là yếu tố/ nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Thống kê vào năm 2017 cho thấy, khoảng 15% dân số nước ta mắc các rối loạn có liên quan đến stress.

Nguyên nhân gây ra stress – căng thẳng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra stress, trong đó chủ yếu bắt nguồn từ tài chính, công việc, nuôi dạy con cái và các mối quan hệ gia đình – xã hội. Tuy nhiên, sự hình thành stress còn phụ thuộc vào tính cách, kinh nghiệm sống của mỗi cá thể.

Dưới đây là một số tác nhân gây stress thường gặp:

1. Sang chấn tâm lý gây căng thẳng kéo dài

Sang chấn tâm lý là nguyên nhân gây stress thường gặp nhất. Những sự kiện mang tính chất thay đổi có thể gây tổn thương tâm lý dẫn đến trạng thái căng thẳng thần kinh. Tùy theo ngưỡng chịu đựng stress của từng cá thể, căng thẳng có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng.

nguyên nhân gây ra stress là gì
Phụ nữ sau khi sinh có nguy cơ stress cao do bị tổn thương tâm lý từ việc sinh nở, mất con,…

Các sang chấn tâm lý có thể dẫn đến stress bao gồm:

  • Mất mát người thân (mất con, bạn đời, người thân qua đời,…)
  • Tù tội
  • Hôn nhân tan vỡ hoặc cha mẹ li dị
  • Sinh nở
  • Áp lực tài chính (không đủ tài chính để chăm sóc con cái, người thân mắc bệnh nặng, thất nghiệp, nợ nần,…)
  • Thay đổi môi trường sinh sống, đổi công việc, chuyển trường
  • Và nhiều sự kiện khác

2. Stress do ảnh hưởng của lối sống không lành mạnh

Ngoài sang chấn tâm lý, lối sống không lành mạnh cũng có thể gia tăng nguy cơ stress:

  • Chế độ ăn nhiều đường, dầu mỡ, chất béo, dư đạm có thể tăng căng thẳng thần kinh.
  • Ngủ quá nhiều, thiếu ngủ, ngủ không đúng giờ, đủ giấc
  • Lười vận động
  • Thường xuyên sử dụng cà phê, đồ uống chứa cồn, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích
  • Làm việc và học tập quá 8 giờ/ ngày

3. Ảnh hưởng từ những người xung quanh (tương tác xã hội)

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, căng thẳng thần kinh có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của những người xung quanh. Cụ thể, cảm xúc và hành vi tiêu cực của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp phần nào ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Về lâu dài, các cảm xúc tiêu cực sẽ tích tụ tạo ra phản ứng căng thẳng.

nguyên nhân gây stress là những gì
Tình trạng bắt nạn, lên án, mâu thuẫn,… từ những người xung quanh có thể là tác nhân gây stress

Ngoài ra, sự lên án, mâu thuẫn, trách cứ, bắt nạt,… từ những người xung quanh cũng chính là tác nhân gây căng thẳng quá độ. Nếu kéo dài, stress có thể tiến triển mãn tính và gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.

4. Sự ảnh hưởng của công nghệ

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị căng thẳng thần kinh tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng đáng kể của công nghệ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, não bộ gia tăng dopamin (chất tạo ra tâm trạng vui vẻ và thoải mái) khi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, dopamin rất dễ gây nghiện.

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người phụ thuộc vào điện thoại thông minh hay cụ thể là mạng xã hội. Việc phụ thuộc vào công nghệ quá mức dẫn đến tình trạng giảm chất lượng cuộc sống.

Hơn nữa, việc tiếp nhận quá nhiều hình ảnh và thông tin từ mạng xã hội cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của não bộ. Nghiện mạng xã hội làm mất nhiều thời gian trong cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến khoảng thời gian nghỉ ngơi, gây lười vận động,… Những tác động tiêu cực này đều góp phần hình thành stress và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

5. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, stress cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân, yếu tố khác như:

  • Ảnh hưởng từ môi trường (nóng bức, ồn ào, cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ, không gian chật chội,…)
  • Các quy tắc, giới hạn trong nhà trường, công ty
  • Những phiền toái hằng ngày như xe, máy tính hư hỏng thường xuyên,… cũng có thể gây ra stress
  • Độc thoại tiêu cực (tự trách bản thân, suy nghĩ bi quan, phân tích theo chiều hướng xấu,…) cũng gia tăng nguy cơ căng thẳng thần kinh
  • Đối mặt với những tình huống khó có hướng giải quyết thỏa đáng (bản thân có suy nghĩ cứng nhắc đi ngược lại với mọi người, xem xét mọi vấn đề theo ý mình và không nhận được ủng hộ/ tán thành, có những mong đợi không thực tế,…)
  • Những người có tính cách cầu toàn và tham công tiếc việc có nguy cơ stress cao hơn so với người có đặc điểm tính cách khác
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, mắc các bệnh rối loạn miễn dịch, các bệnh da liễu mãn tính, hội chứng tiền mãn kinh,…

Ngoài ra, stress cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân không được đề cập trong bài viết. Thực tế, tác nhân gây stress không có sự đồng nhất ở mọi cá thể. Mỗi cá nhân đều có cách nhìn nhận, tư duy và phản ứng khác nhau với mọi sự kiện/ tình huống trong cuộc sống. Trong đó, những người thiếu kinh nghiệm sống có ngưỡng chịu đựng stress thấp hơn nên căng thẳng có xu hướng xảy ra thường xuyên và kéo dài.

Dấu hiệu của stress như thế nào?

Stress có dấu hiệu rất đa dạng và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trong đó, tâm thần và cảm xúc là nhóm triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Sau đó, xuất hiện các phản ứng thể chất do cơ thể đáp ứng với stress.

1. Biểu hiện về mặt cảm xúc

Stress làm tăng sự nhạy cảm về mặt cảm xúc. Trong thời gian căng thẳng, các cảm xúc dễ bùng phát khi có tác động với mức độ cao hơn so với bình thường:

dấu hiệu nhận biết stress
Căng thẳng quá mức khiến cơ thể trở nên nhạy cảm, dễ xúc động và có thể bật khóc không rõ nguyên do
  • Dễ khóc, nhạy cảm và có thể bật khóc mà không rõ nguyên nhân
  • Thiếu kiên nhẫn
  • Tính tình cáu gắt, bực dọc
  • Thay đổi cảm xúc liên tục
  • Hờ hững, thờ ơ
  • Bối rối, lo âu
  • Có thể nổi cơn thịnh nộ khi có tác động
  • Không chăm chút cho ngoại hình như trước
  • Buông thả vệ sinh cá nhân (lười tắm gội, thay quần áo, dọn dẹp nhà cửa,…)

2. Triệu chứng tâm thần

Stress còn gây ra một số triệu chứng tâm thần như:

  • Giảm trí nhớ
  • Giảm độ tập trung
  • Sợ hãi
  • Lú lẫn
  • Mất phương hướng
  • Khó khăn khi đưa ra quyết định
  • Quan sát và đánh giá mọi việc bằng con mắt bi quan, tiêu cực
  • Khả năng phán đoán kém
  • Có thể gặp ác mộng và có cảm giác tội lỗi

Các triệu chứng tâm thần do stress thường nghiêm trọng hơn ở người cao tuổi và phụ nữ sau khi sinh, tiền mãn kinh (do ảnh hưởng của sự sụt giảm hormone).

3. Các biểu hiện hành vi

Ngoài các biểu hiện về mặt cảm xúc và tâm thần, stress còn đặc trưng bởi các hành vi sau:

biểu hiện của stress
Căng thẳng thần kinh gây ra một số hành vi như sử dung nhiều rượu bia, hút thuốc lá, rối loạn ăn uống,…
  • Thay đổi thói quen ăn uống (ăn quá nhiều hoặc quá ít)
  • Uống rượu bia nhiều
  • Hút thuốc lá
  • Luôn trong trạng thái lo lắng, bồn chồn
  • Có xu hướng cắn móng tay
  • Dáng đi lờ đờ, thẫn thờ và hay ngáp (do buồn ngủ quá mức)
  • Chứng nghi bệnh (rối loạn lo âu sợ bệnh tật)

4. Các triệu chứng thể chất

Hệ thống nội tiết là cơ quan chịu trách nhiệm đáp ứng với stress. Khi có phản ứng căng thẳng, vùng hạ đồi (cơ quan chịu trách nhiệm chi phối cảm xúc) sẽ truyền tín hiệu đến não bộ. Tín hiệu sẽ kích hoạt các cơ quan nội tiết như tuyến yên, tuyến thượng thận dẫn đến sự bài tiết các hormone như testosterone, adrenaline (epinephrine), cortisol,…

Do đó ngoài các triệu chứng trên, stress cũng gây ra nhiều triệu chứng thể chất như:

  • Uể oải, giảm năng lượng
  • Co giật mí mắt
  • Nhịp tim chậm, yếu
  • Hồi hộp
  • Thở chậm
  • Run chân tay
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Nhức mỏi – đặc biệt là đau vai gáy
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi tư thế ngủ
  • Rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, đau dạ dày, táo bón, trào ngược, chướng bụng,…)

Các loại stress thường gặp

Stress – căng thẳng được chia thành 6 loại sau:

1. Phản ứng stress cấp tính (Acute Stress)

Stress cấp tính (Acute Stress) xảy ra khi phải chịu sang chấn tâm lý rất mạnh dẫn đến trạng thái hoảng loạn, đau khổ, sợ hãi,… Các tổn thương tâm ý này thường bắt nguồn từ những sự kiện nghiêm trọng như sóng thần, động đất, bị bắt cóc, cái chết đột ngột của người thân, bị cưỡng bức.

stress cấp tính
Phản ứng stress cấp tính (Acute Stress) đặc trưng bởi triệu chứng xảy ra một cách đột ngột và mạnh mẽ

Tổn thương tâm lý nặng dẫn đến khởi phát stress một cách mạnh mẽ và đột ngột được gọi là phản ứng stress cấp tính. Căng thẳng thần kinh cường độ cao và xuất hiện liên tục chính là yếu tố thuận lợi dẫn đến nhiều căn bệnh tâm thần như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm và rối loạn lo âu lan tỏa.

Stress cấp tính đặc trưng bởi 3 triệu chứng là mất đáp ứng cảm xúc (không thể khóc lóc hay thể hiện cảm giác đau khổ bằng biểu cảm), cảm giác tan rã và cảm giác chết lặng. Đi kèm là tình trạng giảm nhận thức với mọi thứ xung quanh.

Các rối loạn này xảy ra trong khoảng vài ngày đến 4 tuần, sau đó tự phục hồi. Tuy nhiệt, một số trường hợp các rối loạn kéo dài có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề tâm lý.

2. Stress mãn tính (Chronic Stress)

Stress mãn tính là tình trạng căng thẳng thần kinh xảy ra trong thời gian dài với triệu chứng mờ nhạt hơn so với stress cấp tính. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp không nhận ra bản thân gặp phải vấn đề này. Thống kê cho thấy, người lao động bằng trí óc là đối tượng có nguy cơ bị stress mãn tính cao.

Áp lực trong công việc, tài chính và cuộc sống gây ức chế hệ thần kinh trung ương dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, uể oải, mất ngủ, khó ngủ,… Vì triệu chứng không quá rõ rệt nên nhiều người lầm tưởng các biểu hiện này xảy ra do làm việc quá độ.

3. Stress tích cực (Eustress)

Stress tích cực là dạng stress mang đến những tác động tích cực như kích thích bản thân vượt qua những thử thách, nhiệm vụ khó khăn, thôi thúc khả năng nhận thức, tập trung và tạo động lực khi học tập – làm việc.

stress tích cực
Stress tích cực (Eustress) tạo động lực để hoàn thành thử thách/ nhiệm vụ và tăng mức độ tập trung khi làm việc

Đây là một dạng căng thẳng ngắn hạn xảy ra trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp, stress cũng có thể kéo dài, xảy ra thường xuyên và phát triển thành các dạng căng thẳng khác.

4. Stress tiêu cực (Distress)

Đa phần các trường hợp stress đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Căng thẳng kéo dài tác động không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm thần. Stress tiêu cực có thể xảy ra cấp tính trong vài ngày đến vài tuần nhưng cũng có thể tiến triển mãn tính với triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng đến nhiều năm.

Đặc trưng của stress tiêu cực là gây ra cảm giác khó chịu, đau khổ, buồn bã, mệt mỏi, uể oải, chán chường và giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh quá mức cũng kích thích phản ứng gây hấn, cáu gắt và bực dọc trước những sự việc/ tình huống trong cuộc sống.

5. Hyperstress

Hyperstress là dạng căng thẳng xảy ra khi cơ thể phải chịu áp lực quá khả năng dẫn đến quá tải và làm việc quá sức. Những người gặp dạng stress này rất dễ bùng nổ các cảm xúc mạnh mẽ chỉ với những tác động nhỏ.

Hyperstress có thể xảy ra ngắn hạn hoặc dài hạn nhưng đều ảnh hưởng đến các khía cạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, dạng căng thẳng này làm tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ cá nhân.

6. Hypostress

Hypostress là dạng căng thẳng ngược lại với Hyperstress. Hypostress xảy ra ở những người có cuộc sống buồn chán, không có thách thức hay nhiệm vụ cần phải cố gắng. Loại căng thẳng này không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và cuộc sống nếu xảy ra ngắn hạn. Tuy nhiên nếu kéo dài, Hypostress có thể ảnh hưởng đến động lực, mục tiêu sống, giảm hiệu suất lao động và tác động không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.

Stress và những ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống

Stress – căng thẳng được biết đến với những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên trong một số trường hợp, stress mang đến nguồn năng lượng và động lực để hoàn thành các nhiệm vụ, công việc và tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống cá nhân. Khi có tác động tích cực đối với cuộc sống, các cảm xúc tiêu cực và những ảnh hưởng của stress về mặt thể chất sẽ được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, những trường hợp không thích nghi với các tác động của stress gây ra những bệnh rối loạn về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, học tập và sức khỏe thể chất. Hiện nay, có rất nhiều bằng chứng cho thấy, stress kéo dài chính là nguyên nhân gây trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều căn bệnh tâm thần khác.

ảnh hưởng của stress là gì?
Stress kéo dài là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu

Một số ảnh hưởng do stress gây ra:

  • Tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm và làm nghiêm trọng các bệnh tâm thần sẵn có
  • Kích thích bùng phát triệu chứng của các bệnh mãn tính như hen suyễn, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm mũi dị ứng,…
  • Tăng nguy cơ béo phì do tăng cortisol – hormone làm gia tăng đường huyết và tăng tích trữ mỡ ở vòng 2
  • Dẫn đến chứng đau nửa đầu và nhiều bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh Alzheimer, rối loạn giấc ngủ,…
  • Gia tăng biến cố tim mạch, đẩy nhanh tốc độ lão hóa và giảm tuổi thọ

Stress là vấn đề thường gặp trong cuộc sống và có thể xảy ra rất nhiều lần trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều có thể thích nghi với những tác động của stress sau một thời gian nhất định. Ngược lại, những trường hợp stress kéo dài sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng cả về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Mối liên hệ giữa stress và trầm cảm

Có mối liên hệ mật thiết giữa stress và trầm cảm. Stress, căng thẳng mãn tính là nguyên nhân gây ra những bệnh lý liên quan đến căng thẳng, bao gồm cả trầm cảm. Các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng đều chứng minh rằng, sự gia tăng hormone căng thẳng góp phần đáng kể vào việc thay đổi các hành vi liên quan đến trầm cảm.

Giáo sư, Tiến sĩ Carol Landau (Đại học Brown) cho rằng, mối quan hệ giữa stress và trầm cảm là mối quan hệ hai chiều. Nghĩa là stress có thể gây ra trầm cảm, đồng thời trầm cảm cũng khiến tình trạng stress trở nên nghiêm trọng, tồi tệ hơn. Trầm cảm khiến một người trở nên cô đơn, chán nản, làm tăng mức độ căng thẳng ở một người.

Biện pháp chẩn đoán stress

Mỗi người có mỗi cách phản ứng với tác nhân kích thích khác nhau. Việc chẩn đoán stress là một thách thức đối với chuyên gia, bác sĩ. Thông thường, để chẩn đoán stress, bác sĩ sẽ sử dụng công cụ đo phản ứng căng thẳng thông qua các kỹ thuật sinh lý, các biện pháp sinh hóa và các bảng câu hỏi.

Stress có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

  • Phân tích biến thiên nhịp tim
  • Điện não đồ (EEG) đo sóng não
  • Xét nghiệm nội tiết tố cortisol và adrenalin
  • Thang đo căng thẳng cảm nhận (PSS)

Cách điều trị, giải tỏa stress hiệu quả

Stress là phản ứng rất thường gặp trong cuộc sống trước những áp lực và tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Bên cạnh những tác động tích cực, căng thẳng cũng gây ra không ít ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, trang bị những kỹ năng quản lý stress – căng thẳng là vô cùng cần thiết.

Có nhiều cách kiểm soát stress. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả, cần lựa chọn biện pháp phù hợp với bản thân. Hầu hết những trường hợp bị căng thẳng thần kinh đều có thể tự cải thiện nhưng một số trường hợp có thể phải điều trị y tế.

1. Thay đổi suy nghĩ của bản thân

Những áp lực trong cuộc sống là yếu tố thúc đẩy hiệu suất lao động, học tập, đồng thời là động lực để nâng cao năng lực của bản thân và rèn luyện tính cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, những người có ít kinh nghiệm sống và tính chất cầu toàn rất dễ bị stress trước những áp lực/ khó khăn.

Chính vì vậy, thay đổi suy nghĩ của bản thân là bước quan trọng nhất trong quản lý căng thẳng:

  • Điều chỉnh lại suy nghĩ: Thay đổi suy nghĩ, đánh giá về tình huống/ sự việc diễn ra trong cuộc sống phần nào có thể giảm cảm giác căng thẳng quá mức. Bởi sự tiêu cực, bi quan và cầu toàn trong suy nghĩ chính là yếu tố gia tăng áp lực dẫn đến stress và nhiều rối loạn tâm thần khác.
  • Suy nghĩ tích cực: Sau khi điều chỉnh cách nhìn nhận, hãy học cách suy nghĩ tích cực. Đầu tiên, phải bỏ qua sự yếu kém của bản thân, cảm giác thất bại và chán nản. Thay vào đó, tập trung phát triển các thế mạnh sẵn có, tìm kiếm những cơ hội mới để nâng cao năng lực và lấy lại sự tự tin.

Thay đổi suy nghĩ có thể giảm sự căng thẳng quá mức – đặc biệt là trong quá trình học tập và làm việc.

2. Tổ chức lối sống khoa học

Xây dựng lối sống khoa học là biện pháp kiểm soát stress hiệu quả. Ngoài ra, tổ chức lại lối sống còn giúp nâng cao sức khỏe thể chất và đảm bảo hiệu suất học tập – lao động.

ăn uống lành mạnh giảm stress
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học phần nào có thể quản lý stress và nâng cao sức khỏe thể chất

Cách xây dựng lối sống khoa học giúp quản lý căng thẳng:

  • Quản lý thời gian: Cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý với ưu tiên là những vấn đề cần phải thực hiện, sau đó phân bố thời gian cho những việc ít quan trọng hơn và cắt bỏ thời gian cho những hoạt động vô bổ. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Học cách từ chối trước những yêu cầu không chính đáng từ người khác cũng là cách giảm căng thẳng hiệu quả.
  • Cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi: Vào những thời điểm khối lượng công việc quá nhiều, cần lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo giải quyết công việc hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động khác.
  • Giảm suy nghĩ về những vấn đề gây ra sự phiền muộn (tài chính, mối quan hệ cá nhân,…). Thay vào đó hãy dành thời gian cho những hoạt động có ý nghĩa như học tập, vẽ tranh, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây.
  • Kiêng đồ ăn chứa nhiều đường, chất béo, thức ăn đóng hộp,… Tăng cường rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và axit béo lành mạnh. Đồng thời cần đảm bảo uống đủ 2 lít nước, ăn đúng giờ và cân đối khối lượng thức ăn trong mỗi bữa.
  • Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá và hạn chế dùng quá nhiều đồ uống chứa caffeine.
  • Đảm bảo ngủ từ 7 – 8 giờ/ ngày và có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Tập thể dục 30 phút mỗi ngày hoặc ít nhất là 3 lần/ tuần để nâng cao sức khỏe thể chất. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm căng thẳng và tăng cường hoạt động của não bộ.
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời vui chơi, giải trí nhằm giảm stress, mệt mỏi, làm dịu căng thẳng, thư giãn cơ và cải thiện tốt giấc ngủ.

3. Áp dụng các biện pháp thư giãn

Có rất nhiều biện pháp thư giãn có thể giảm căng thẳng thần kinh. Các biện pháp này giúp làm dịu tâm trí, giảm căng cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

cách giải tỏa stress tại nhà
Có thể ngồi thiền, xoa bóp, nghe nhạc, đọc sách,… để giải tỏa căng thẳng và kiểm soát stress

Các biện pháp thư giãn giúp giải tỏa stress hiệu quả:

  • Kỹ thuật thở sâu để giảm căng thẳng
  • Ngồi thiền
  • Xoa bóp bằng tinh dầu
  • Tắm nước ấm
  • Sử dụng thảo dược có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà lạc tiên,…
  • Viết nhật ký
  • Dành thời gian chơi với thú cưng
  • Vẽ tranh
  • Nghe nhạc, đọc sách hoặc thực hiện bất cứ hoạt động lành mạnh nào tùy theo sở thích

4. Điều trị y tế cho chứng stress

Thông thường, stress có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh suy nghĩ, tổ chức lại lối sống và áp dụng các kỹ thuật thư giãn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cần phải điều trị y tế để kiểm soát căng thẳng và phòng ngừa các rối loạn tâm thần liên quan đến stress.

điều trị stress
Nếu bạn gặp rắc rối với viẹc từ kiểm soát stress, hãy tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Điều trị y tế cho stress – căng thẳng có khá nhiều lựa chọn như:

  • Tham vấn và trị liệu tâm lý
  • Sử dụng thuốc (thuốc kháng histamine H1, thuốc an thần, viên uống từ thảo dược, thuốc bổ thần kinh,…)
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Châm cứu

5. Học cách chia sẻ với người khác

Căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm,… thường gặp ở những người không có thói quen chia sẻ. Khi gặp phải các vấn đề và áp lực trong cuộc sống, chia sẻ chính là “liều thuốc” giúp giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực.

Hơn nữa, những lời khuyên từ người thân/ bạn bè cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về sự việc/ tình huống. Qua đó giảm sự phiền muộn và bi quan về những áp lực trong cuộc sống.

cách làm giảm stress
Học cách chia sẻ những phiền muộn trong cuộc sống với người khác để giải tỏa căng thẳng thần kinh

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải lựa chọn người thân thiết để chia sẻ những phiền muộn của bản thân. Trong trường hợp không tìm kiếm được người đáng tin cậy, có thể tham vấn tâm lý để giải tỏa cảm xúc, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Phòng ngừa stress bằng cách nào?

Mỗi người đều phải đối diện với stress ở nhiều mức độ khác nhau. Bên cạnh những tác động tích cực, đa phần căng thẳng đều gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể – nhất là trong trường hợp stress kéo dài.

Mặc dù không thể kiểm soát những áp lực trong cuộc sống nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa stress bằng một số biện pháp sau:

  • Duy trì lối sống khoa học và lành mạnh.
  • Lên kế hoạch chi tiết để giải quyết những vấn đề trong công việc – học tập một cách hiệu quả, hạn chế tình trạng chậm trễ và giảm tối đa những sai sót không đáng có
  • Không nên quá cầu toàn, tập suy nghĩ tích cực và ngưng việc trách móc về những điểm yếu, lỗi lầm của bản thân
  • Chia sẻ với bạn bè, người thân những vấn đề, mối bận tâm trong cuộc sống.
  • Quản lý chi tiêu một cách khoa học cũng là biện pháp phòng ngừa stress hiệu quả.
  • Chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái với người thân để có thời gian chăm sóc bản thân.

Các câu hỏi thường gặp về Stress

Căng thẳng là một phần của cuộc sống, sẽ không có gì đáng ngại nếu thỉnh thoảng cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy căng thẳng quá mức, không thể thư giãn thì đây là một vấn đề nghiêm trọng, bạn cần tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến stress bao gồm:

1. Stress kéo dài bao lâu? Có thể tự hết không?

Stress có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc dài hạn tùy thuộc vào vấn đề mà bạn gặp phải và phương pháp, kỹ thuật mà bạn sử dụng để đối phó với căng thẳng. Stress không thể biến mất hoàn toàn nếu bạn không tự điều chỉnh suy nghĩ, lối sống của bản thân.

2. Stress có nguy hiểm không?

Stress sẽ nguy hiểm nếu không được giải tỏa hoặc quản lý tốt. Bạn rất có thể sẽ bị rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc các bệnh lý liên quan đến tim mạch nếu căng thẳng kéo dài không được giải quyết.

3. Stress có chữa được không?

Rất khó để nói rằng có thể chữa khỏi hoàn toàn stress. Vì đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước căng thẳng. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát, làm giảm stress bằng các kỹ thuật quản lý và đối phó với căng thẳng.

Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh rất thường gặp. Chủ động tìm hiểu về stress sẽ giúp bạn đọc biết cách phòng ngừa và có các biện pháp đối phó khi gặp phải. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ để kiểm soát stress hiệu quả, tránh để căng thẳng kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tài liệu tham khảo: 

  • Healthline: https://www.healthline.com/health/stress/stress-measurement#expected-stress-levels
  • Cleveland Clinic: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11874-stress
  • Verywell mind: https://www.verywellmind.com/stress-and-health-3145086
  • Medical News Today: https://www.medicalnewstoday.com/articles/145855
5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *