Các phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến hiện nay
Có rất nhiều phương pháp trị liệu tâm lý được ứng dụng trên lâm sàng. Mỗi phương pháp đều có những nguyên tắc, tiến trình trị liệu, đặc điểm, mục tiêu và cách thức thực hiện khác biệt. Chính vì vậy, phương pháp được lựa chọn sẽ dựa trên tính cách, độ tuổi, tình trạng bệnh lý và tín ngưỡng của bệnh nhân.
Các phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến hiện nay
Tâm lý trị liệu là một trong những phương pháp chính đối với điều trị các rối loạn tâm thần. Phương pháp này sử dụng hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ để điều chỉnh những rối loạn về mặt cảm xúc, nhận thức, tư duy và hành vi của người bệnh. Qua đó giúp kiểm soát các bệnh tâm thần và giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cộng đồng.
Hiện nay, có nhiều phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng tùy thuộc vào bệnh lý, tính cách, học vấn và tín ngưỡng của từng bệnh nhân. Một số trường hợp có thể phải kết hợp nhiều liệu pháp để mang lại hiệu quả cao nhất. Dù thực hiện bất cứ phương pháp trị liệu nào, mục đích cuối cùng của tâm lý trị liệu cũng là giúp đỡ bệnh nhân gỡ rối những vướng mắc, giải tỏa cảm xúc và thích ứng với cuộc sống.
Tâm lý trị liệu được chia thành nhiều phương pháp tùy theo nguyên tắc phân loại. Tuy nhiên về tổng quát, phương pháp này bao gồm 4 nhóm kỹ thuật chính:
1. Hướng dẫn chỉ huy (Directive Counseling)
Hướng dẫn chỉ huy là phương pháp trị liệu truyền thống khá đơn giản và có nhiều mặt hạn chế. Phương pháp này được thực hiện thông qua các buổi trò chuyện giữa bệnh nhân và chuyên gia trị liệu. Trong các buổi trò chuyện, chuyên gia sẽ tìm hiểu và giải đáp cho người bệnh các vấn đề gây ra trạng thái lo âu, căng thẳng, buồn chán,…
Hướng dẫn chỉ huy tập trung vào giải quyết nhanh chóng các vấn đề tâm lý nên thích hợp với những trường hợp gặp phải các vấn đề cần được điều trị sớm (thường là các vấn đề có mức độ không quá nghiêm trọng). Để đảm bảo hiệu quả, phương pháp này phải được thực hiện bởi thầy cô, bác sĩ, nhân viên xã hội, mục sư, cha mẹ hoặc bạn bè của người bệnh để đảm bảo người bệnh có sự tin tưởng nhất định.
Hướng dẫn chỉ huy được thực hiện theo những nguyên tắc sau:
- Nhà trị liệu phải nỗ lực tập trung vào vấn đề mà bệnh nhân gặp phải
- Nhà trị liệu phải là người dẫn dắt bệnh nhân và mang lại tinh thần tích cực để bệnh nhân có sự tin tưởng và lắng nghe khi trị liệu.
- Hướng dẫn chỉ huy tập trung vào tư duy/ nhận thức hơn là khía cạnh cảm xúc
Trong phương pháp hướng dẫn chỉ huy, chuyên gia trị liệu sẽ thu thập dữ liệu, sau đó tổng hợp và đưa ra phân tích. Kế tiếp, chuyên gia sẽ đưa ra chẩn đoán về nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề tâm lý và tiên lượng về sự phát triển của vấn đề trong tương lai. Bước cuối cùng, nhà trị liệu sẽ tư vấn cho bệnh nhân các giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đang gặp phải.
Đây là phương pháp trị liệu ngắn hạn nên khá hạn chế khi điều trị lâu dài cho những bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần mãn tính. Cũng chính vì vậy mà phương pháp này chỉ được sử dụng trong những trường hợp gặp phải các vấn đề tâm lý không quá nghiêm trọng.
2. Phương pháp tập trung vào người bệnh (Client Centered Therapy)
Phương pháp tập trung vào người bệnh (Client Centered Therapy) khác với hướng dẫn chỉ huy. Phương pháp này được Nhà tâm lý học Carl Rogers phát triển vào năm 1950 với nguyên lý là tập trung vào bệnh nhân, hoàn toàn không đưa những hướng dẫn hay chỉ huy. Phương pháp tập trung vào người bệnh chủ yếu là lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc để bệnh nhân có thể giải tỏa những phiền muộn và suy nghĩ không thể giãi bày cùng với người khác.
Trong liệu pháp này, nhà trị liệu không đưa ra đánh giá với suy nghĩ/ hành vi của người bệnh. Thay vào đó là thái độ chấp nhận, đồng cảm và giúp bệnh nhân hiểu rõ những phản ứng của bản thân. Phương pháp tập trung vào bệnh nhân được thực hiện với mục tiêu giúp người bệnh hoàn chỉnh hơn về nhân cách, trưởng thành và có thể thích nghi với đời sống một cách dễ dàng.
Vì không đưa ra hướng dẫn hay chỉ huy nên phương pháp lấy người bệnh làm trung tâm cần được thực hiện trong thời gian lâu dài. Phương pháp này hoạt động dựa vào 3 nguyên tắc cơ bản:
- Chuyên gia trị liệu luôn có sự đồng cảm/ đồng lòng với người bệnh
- Người bệnh phải luôn nhận được sự quan tâm tích cực, không gò ép từ chuyên gia trị liệu
- Chuyên gia thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm với người bệnh thay vì đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn
Về bản chất, phương pháp tập trung vào người bệnh đề cao cảm xúc hơn so với trí tuệ/ nhận thức. Do đó, liệu pháp này thích hợp với những trường hợp gặp phải các rối loạn tâm thần do thiếu tình thương và luôn có cảm giác bản thân đơn độc, không nhận được sự chia sẻ và đồng cảm từ những người xung quanh.
3. Phân tâm liệu pháp (Psychoanalytic Therapy)
Phân tâm liệu pháp là phương pháp trị liệu tâm lý được ưa chuộng và ứng dụng rất phổ biến trên lâm sàng. Phương pháp này là kỹ thuật phức tạp và lâu dài được thực hiện nhằm thăm dò các suy nghĩ và cảm xúc vô thức của người bệnh.
Mục tiêu của phân tâm trị liệu là khơi gợi những cảm xúc, ký ức bị kiềm chế (thường là thời thơ ấu) để đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với cảm xúc, hành vi, tư duy và nhân cách hiện tại của người bệnh. Qua đó giúp đỡ bệnh nhân giải quyết những vấn đề tâm lý và dần thích nghi tốt với cuộc sống hiện tại.
Liệu pháp phân tâm được phát triển dựa trên lý thuyết về phân tâm học của Bác sĩ tâm lý học Sigmund Freud. Ông cho rằng, những ý nghĩ và cảm xúc vô thức chính là yếu tố chi phối các nhận thức có ý thức của người bệnh. Do đó, việc khơi gợi những ký ức, trải nghiệm và cảm xúc vô thức sẽ giúp cải thiện các rối loạn tâm lý hiệu quả.
Nhà phân tâm học sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật để có cái nhìn sâu sắc hơn về suy nghĩ, hành vi của bệnh nhân. Trong đó các kỹ thuật thường được áp dụng, bao gồm:
Phân tích mộng (Dream Analysis)
Phân tích mộng là kỹ thuật quan trọng nhất đối với phương pháp phân tâm. Thông qua kỹ thuật này, các nhà trị liệu có thể hiểu rõ được những nguyên nhân vô thức dẫn đến rối loạn tâm lý của bệnh nhân ở hiện tại.
Thông thường sau mỗi giấc mơ, bệnh nhân chỉ có thể nhớ được 1 phần. Nhiệm vụ của các chuyên gia tâm lý là khám phá phần giấc mơ mà bệnh nhân không nhớ rõ bằng cách khảo sát các biểu tượng xuất hiện trong giấc mộng.
Liên tưởng tự do (Free Association)
Liên tưởng tự do Free Association là kỹ thuật chính trong liệu pháp phân tâm nhằm thăm dò các cảm xúc và ham muốn vô thức bị dồn nén ở bệnh nhân. Khi trị liệu, người bệnh sẽ nằm trên giường hoặc ngồi thoải mái trên ghế để tinh thần được tự do liên tưởng. Nhà trị liệu sẽ lắng nghe bệnh nhân kể lại cảm xúc, hình ảnh, ý nghĩ, suy tưởng và ước vọng của bản thân.
Thông qua liên tưởng tự do của người bệnh, những xung đợt bị kiềm chế sẽ dần được khám phá. Qua đó giúp nhà trị liệu hiểu rõ nguồn cơn của cảm xúc, hành vi của bệnh nhân và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Phân tích chống đối (Analysis Of Resistance)
Khi thực hiện kỹ thuật liên tưởng tự do, bệnh nhân có thể có phản ứng chống đối. Phản ứng này khiến cho các cảm xúc, suy nghĩ bị dồn nén bộc lộ rõ rệt và làm cho người bệnh trở nên đau khổ (thường là ác cảm đối với gia đình hoặc những vấn đề liên quan đến đời sống tình dục).
Sự chống đối của bệnh nhân có thể khiến người bệnh giảm sự hợp tác trong quá trình trị liệu. Do đó, mục đích của kỹ thuật này là giúp nhà trị liệu bẻ gãy sự chống đối của người bệnh, đồng thời giúp bệnh nhân có thể đối mặt trực tiếp với những ký ức, cảm xúc bị kìm nén.
Phân tích chuyển di (Analysis Of Transference)
Phân tích chuyển di được thực hiện khi bệnh nhân có phản ứng cảm xúc và đồng hóa chuyên gia trị liệu là một cá nhân trung tâm của cuộc xung đột/ trải nghiệm trong quá khứ. Thông thường, bệnh nhân có xu hướng xem nhà trị liệu là người mà bản thân thương yêu như bạn bè hoặc người thân trong gia đình.
Người bệnh có những cảm xúc trái chiều đối với nhà trị liệu. Đôi khi thể hiện sự thán phục, lòng thương nhưng cũng có khi biểu lộ ác cảm và cảm giác ganh tỵ.
Sự di chuyển cảm xúc là một phần tất yếu của công tác điều trị và đồng thời cũng là giai đoạn quan trọng nhất. Nhiệm vụ của nhà trị liệu là phải giải thích để bệnh nhân hiểu rõ nguồn gốc của các cảm xúc này. Ngoài ra, liệu pháp phân tâm còn bao gồm phê bình phép trị liệu phân tâm học và phép trị liệu thái độ hành vi.
4. Các phương pháp trị liệu tâm lý khác
Ngoài 3 phương pháp trị liệu tâm lý chính, một số kỹ thuật khác cũng được thực hiện trong tâm lý trị liệu như:
Tâm lý kịch (Psychodrama)
Psychodrama (Tâm lý kịch) được thực hiện với mục đích là khuyến khích người bệnh biểu hiện sự rối loạn cảm xúc của bản thân. Khi bắt đầu, nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân phác họa hoàn cảnh và các phụ tá sẽ tham gia đóng vai có nhiệm vụ trợ giúp bệnh nhân. Điều kiện khi diễn kịch là bệnh nhân phải đóng vai một cách tự nhiên như bản thân trong đời sống thật để thể hiện sự lo âu, cảm xúc, suy nghĩ và những ước vọng bị kiềm chế một cách chân thực nhất.
Hoàn cảnh được phác họa trong tâm lý kịch sẽ tạo sự an toàn cho bệnh nhân, khác xa với mối nguy hiểm từ những tình huống thực tế. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn cảm xúc của bản thân và có sự thích nghi tốt hơn nếu những tình huống/ hoàn cảnh này lặp lại trong đời sống thực.
Trò chơi liệu pháp (Play Therapy)
Trò chơi liệu pháp thường được áp dụng để điều trị các rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ. Với kỹ thuật này, bác sĩ có thể sử dụng hình thức trị liệu cá nhân hoặc nhóm với mục đích giúp bệnh nhân biểu hiện rõ những cảm xúc bị kiềm chế thông qua các kỹ thuật chuyên sâu.
Trong liệu pháp trò chơi, trẻ sẽ tự chơi đùa với các trò chơi được nhà trị liệu hướng dẫn mà không bị khiển trách, hắt hủi hay phê bình. Hình thức trò chơi được áp dụng phổ biến nhất là trò chơi hình nhân (chơi búp bê). Thông qua hoạt động vui chơi của trẻ, nhà trị liệu có thể hiểu rõ khao khát của trẻ về gia đình, bạn bè và xã hội.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể hủy hoại thân thể của búp bê hay cũng có những hành vi trừng phạt do trẻ đồng hóa búp bê là người thân hoặc bạn bè mà trẻ có ác cảm. Khi hiểu rõ cảm xúc và mong muốn của trẻ, nhiệm vụ của nhà trị liệu là huấn dụ để trẻ thay đổi thái độ và hành vi thông qua trò chơi.
Trò chơi trị liệu cũng có thể được áp dụng trong trị liệu cho thanh thiếu niên và người trưởng thành. Ở những lứa tuổi này, các hoạt động như hội họa, điêu khắc sẽ được khuyến khích nhằm giúp bệnh nhân thả lỏng các cảm xúc tiêu cực và hình thành suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.
Thôi miên (Hypnosis)
Nhắc đến thôi miên, nhiều người tỏ ra nghi ngại về kỹ thuật này. Trên thực tế, thôi miên chỉ là trạng thái ám thị mà nhà thực nghiệm gây ra đối với bệnh nhân (phải có sự hợp tác, tình nguyện của người bệnh). Khi thôi miên, người bệnh sẽ tập trung suy nghĩ về những hoàn cảnh thật/ tưởng tượng mà nhà trị liệu gợi nhắc đến.
Ban đầu, nhà trị liệu sẽ nói về những sự việc/ tình huống có thật để tạo lòng tin. Sau khi đi vào trạng thái ám thị mạnh hơn, nhà trị liệu sẽ khiến bệnh nhân tin vào sự việc tưởng tượng có tính chất phi lí. Mục tiêu của thôi miên là loại bỏ cảm xúc đau đớn, buồn khổ và giảm các triệu chứng rối loạn thể chất do ảnh hưởng của các bệnh tâm thần. Hiện nay, kỹ thuật thôi miên được chấp nhận trong tâm lý trị liệu nhưng ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trị liệu nhóm (Group Therapy)
Trị liệu nhóm là phương pháp trị liệu tâm lý ngày càng được sử dụng rộng rãi. Phương pháp này là một phần của liệu pháp hệ thống (sử dụng quan niệm mỗi cá nhân là một phần của hệ thống). Trị liệu nhóm được thực hiện theo từng nhóm bệnh nhân hoặc bệnh nhân – người thân. Tùy theo từng trường hợp, các nhà trị liệu sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp.
Trên lâm sàng, trị liệu nhóm mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với trị liệu cá nhân. Hơn nữa, phương pháp này giúp bản thân người bệnh dễ dàng hòa nhập và thích nghi tốt với cộng đồng. Ngoài ra, trị liệu nhóm giúp người xung quanh hiểu rõ về cảm xúc, phản ứng, thái độ và hành vi của người bệnh. Từ đó giảm các phản ứng tiêu cực như la hét, khiển trách,…
Phân tích trạng thái nửa tỉnh nửa mê (Narcoanalysis)
Trong phương pháp phân tích trạng thái nửa tỉnh nửa mê (Narcoanalysis), bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng Barbiture có tác dụng nhanh và ngắn để gây ra trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Phương pháp này thường được sử dụng thay thế cho kỹ thuật thôi miên vì dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhà trị liệu sẽ sử dụng lời nói để bệnh nhân bộc lộc thẳng thắn những suy nghĩ, cảm xúc và các kinh nghiệm đau thương của bản thân. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong điều trị các căng thẳng về cảm xúc ngay khi triệu chứng vừa khởi phát.
Liệu pháp tâm lý có rất nhiều phương pháp khác nhau với nguyên lý, đặc điểm và cách thức thực hiện hoàn toàn khác biệt. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân đã hiểu rõ hơn về những phương pháp trị liệu phổ biến và an tâm khi can thiệp điều trị.
Tham khảo thêm:
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
- Rối loạn lo âu xã hội là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!