Tâm lý trị liệu: Các liệu pháp phổ biến và ưu nhược điểm

Tâm lý trị liệu là phương pháp sử dụng nhiều kỹ thuật tâm lý để điều trị các rối loạn tâm thần và những triệu chứng cơ thể có liên quan. Thông qua điều chỉnh cảm xúc, thay đổi nhận thức, hành vi và nhân cách, phương pháp này giúp người bệnh thích nghi tốt hơn trong cuộc sống.

Tâm lý trị liệu là gì
Tâm lý trị liệu là phương pháp bao gồm một hệ thống kỹ thuật trị liệu được thực hiện nhằm thay đổi cảm xúc, hành vi, nhân cách,…

Tâm lý trị liệu là gì?

Tâm lý trị liệu (Psychotherapy) là phương pháp điều trị bao gồm một hệ thống các kỹ thuật được thực hiện nhằm cải thiện các vấn đề về cảm xúc, nhận thức và hành vi. Thông qua các kỹ thuật khác nhau, tâm lý trị liệu có thể giải quyết nhiều vấn đề về mặt tâm lý, từ đó thay đổi dần hành vi và lối sống.

Trị liệu tâm lý được thực hiện thông qua giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ (tiếp xúc qua ánh mắt, mỉm cười, các điệu bộ bằng tay, gật đầu, biểu cảm khuôn mặt,…). Mỗi cuộc trị liệu thường có ít nhất một chuyên gia trị liệu và 1 thân chủ (người bệnh). Tùy theo vấn đề tâm lý, quá trình trị liệu có thể kéo dài khoảng 21 buổi hoặc hơn.

Nhìn chung, tâm lý trị liệu tác động đến nhân cách một cách tích cực, giúp bản thân mỗi người trở nên chín chắn, trưởng thành, có tư duy và cách nhìn nhận đúng đắn. Ngoài ra, phương pháp này còn trang bị cho người bệnh các kỹ năng xã hội, giao tiếp và một số kỹ thuật thư giãn để có thể đối phó với stress và những khó khăn trong cuộc sống.

Vai trò của tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị các rối loạn tâm thần. Hiện nay, phương pháp này còn được ứng dụng trong chẩn đoán và phối hợp với nhiều chuyên ngành khác.

1. Trợ giúp trong chẩn đoán

Trước đây, tâm lý trị liệu chủ yếu được ứng dụng trong điều trị. Tuy nhiên, chuyên gia nhận thấy rằng, sự đáp ứng với các biện pháp tâm lý cũng có vai trò trong chẩn đoán những rối loạn tâm thần. Do đó trong một số trường hợp, tâm lý trị liệu sẽ được thực hiện để chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.

2. Trợ giúp trong quá trình điều trị

Điều trị là mục tiêu chính của tâm lý trị liệu. Thông qua sự tương tác giữa chuyên gia và người bệnh, những vướng mắc về mặt tâm lý sẽ được giải quyết. Đồng thời điều chỉnh dần những rối loạn về mặt cảm xúc, nhận thức, nhân cách và hành vi. Qua đó thúc đẩy sức khỏe tâm thần, ổn định tâm lý và duy trì chất lượng cuộc sống.

khái niệm trị liệu tâm lý là gì
Trị liệu tâm lý là phương pháp có vai trò quan trọng trong điều trị các rối loạn tâm thần

Tâm lý trị liệu được thực hiện với những mục tiêu chính sau:

  • Gia tăng khả năng thấu hiểu, từ đó người bệnh có thể nhận thức đúng đắn về bản thân, chấp nhận các vấn đề đang gặp phải để có sự hợp tác trong quá trình trị liệu
  • Giúp người bệnh tự tìm ra giải pháp để thay đổi cảm xúc, nhận thức và các hành vi lệch lạc, không phù hợp với xã hội
  • Tìm kiếm các giải pháp cho các xung đột trong mối quan hệ cá nhân và xã hội
  • Giúp bản thân người bệnh tăng các kỹ năng để có thể đối mặt và ứng phó với những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó cải thiện nhân cách và nâng cao giá trị bản thân.
  • Cuối cùng, nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần và thể chất cho chính người bệnh

Để đạt được những mục tiêu trên, tiến trình trị liệu tâm lý phải trải qua các bước cơ bản như:

  • Trước tiên, cần tạo mối quan hệ tương tác có tính trị liệu
  • Giải tỏa các cảm xúc của người bệnh
  • Xây dựng sự thấu hiểu
  • Cuối cùng, tác động đến người bệnh để định hình lại cảm xúc
  • Kết thúc trị liệu

3. Hỗ trợ trong nhiều chuyên ngành khác

Hiện nay, tâm lý trị liệu không chỉ gói gọn trong phạm vi tâm thần học mà đã được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành khác như xã hội học, tư pháp, giáo dục,…

Các liệu pháp tâm lý phổ biến hiện nay

Hiện nay, có nhiều liệu pháp tâm lý được ứng dụng lâm sàng. Trong đó, phổ biến nhất là các liệu pháp sau:

1. Liệu pháp hành vi (Behavior therapy)

Liệu pháp hành vi là một trong những liệu pháp tâm lý ra đời đầu tiên. Liệu pháp này chủ yếu điều trị thông qua các hành vi/ hành động có thể quan sát được. Đồng thời không quan tâm đến cảm xúc, tư duy và nhận thức.

khái niệm trị liệu tâm lý là gì
Liệu pháp hành vi (Behavior therapy) tạo ra các kích thích nhằm điều chỉnh những hành vi tiêu cực ở bệnh nhân

Nguyên lý chung của liệu pháp hành vi là tạo ra các kích thích bằng hành động để thiết lập các phản xạ có điều kiện. Bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần thường có các hành vi không phù hợp/ dị thường. Chính vì vậy, các chuyên gia sẽ lựa chọn kích thích phù hợp để giúp người bệnh hình thành những hành vi phù hợp với xã hội.

2. Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy)

Liệu pháp nhận thức/ trị liệu nhận thức là liệu pháp tâm lý được phát triển bởi Bác sĩ Aaron T. Beck – chuyên gia tâm thần học người Mỹ vào năm 1960. Liệu pháp này dựa trên quan niệm cảm xúc của mỗi người bị chi phối bởi nhận thức và suy nghĩ. Do đó, việc thay đổi nhận thức có thể giải tỏa cảm xúc và vướng mắc tâm lý của người bệnh.

khái niệm trị liệu tâm lý là gì
Liệu pháp nhận thức tác động đến cách nhìn nhận của người bệnh nhằm điều chỉnh các rối loạn về tâm lý và hành vi

Khác với liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức tập trung vào suy nghĩ, giao tiếp và cả hành động. Thông qua thay đổi suy nghĩ và nhận thức, bản thân người bệnh sẽ có những thay đổi về cảm xúc và có những hành động đúng đắn hơn.

Liệu pháp này được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách và đặc biệt có hiệu quả trong điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất kích thích.

3. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy) là liệu pháp tâm lý được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp này được thực hiện nhằm giúp người bệnh nhận thức được các suy nghĩ và hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc.

CBT tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ/ nhận thức tiêu cực gây ra trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Thông qua liệu pháp này, người bệnh sẽ có suy nghĩ khách quan, thực tế và giảm bớt những hành vi lệch lạc làm gia tăng mức độ trầm trọng của các rối loạn tâm thần.

khái niệm trị liệu tâm lý là gì
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là liệu pháp trị liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

Ngoài ra, liệu pháp hành vi nhận thức còn giúp người bệnh hiểu rõ hành vi, suy nghĩ của người khác, từ đó giảm các hoạt động không phù hợp với xã hội. Liệu pháp này còn hướng dẫn người bệnh cách sử dụng kỹ năng để đối phó với những tình huống căng thẳng. Đồng thời tạo động lực để nâng cao giá trị bản thân và mang đến sự tự tin, lạc quan trong cuộc sống.

Liệu pháp nhận thức hành vi mang lại hiệu quả đối với hầu hết các rối loạn tâm thần – đặc biệt là những bệnh lý khởi phát hoặc có liên quan đến yếu tố nhân cách.

4. Liệu pháp phân tâm/ phân tích tâm lý( Psychoanalytic therapy)

Liệu pháp phân tâm (Psychoanalytic therapy) là liệu pháp tâm lý tập trung khơi gợi những cảm xúc, suy nghĩ vô thức hoặc những cảm xúc bị vùi sâu trong tâm lý của người bệnh với mục đích phô diễn những cảm xúc và trải nghiệm kìm nén (thường là thời thơ ấu). Thông qua trải nghiệm được chứng kiến, chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của những sự kiện trong quá khứ đối với suy nghĩ, hành vi và các mối quan hệ xã hội.

Liệu pháp phân tâm được áp dụng trong điều trị rối loạn nhân cách, trầm cảm, sang chấn tâm lý, rối loạn lưỡng cực,… Liệu pháp này có thể cải thiện triệu chứng ở 77% bệnh nhân. Đồng thời có thể giải quyết các vấn đề của cá nhân và hỗ trợ người bệnh duy trì cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn.

5. Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy)

Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy) được thực hiện dựa trên quan niệm cá nhân là một thành phần của hệ thống. Tác động thay đổi hệ thống (thường là gia đình) có thể cải thiện tình trạng bệnh lý của cá nhân người bệnh. Liệu pháp này thường được thực hiện theo cặp (vợ chồng), gia đình, nhóm và tổ chức.

tâm lý trị liệu psychotherapy là gì
Liệu pháp hệ thống (Systemic Psychotherapy) thường được thực hiện theo cặp, nhóm/ tổ chức và gia đình

Thông qua tương tác giữa các thành viên trong gia đình, nhóm và tổ chức, những cảm xúc đau khổ, lo âu, căng thẳng và các xung đột sẽ dần được tháo bỏ. Liệu pháp hệ thống cũng giúp mọi người hiểu rõ những gì bệnh nhân phải đối mặt, từ đó có sự chia sẻ và hỗ trợ để quá trình trị liệu mang đến kết quả tối ưu. Ngoài ra, liệu pháp hệ thống cũng được cân nhắc với các rối loạn tâm thần có tính chất gia đình.

6. Liệu pháp nhân văn (Humanistic Therapy)

Liệu pháp nhân văn là một trong những phương pháp tiếp cận sức khỏe tâm thần. Liệu pháp này được thực hiện dựa trên quan niệm mỗi cá thể đều có cái nhìn riêng đối với những khía cạnh và vấn đề trong cuộc sống. Thế giới quan sẽ chi phối hành vi, nhân cách và suy nghĩ của mỗi người. Chính vì vậy, mỗi cá thể đều có những đặc điểm tính cách, nhận thức,… hoàn toàn khác biệt.

Liệu pháp nhân văn giúp người bệnh đánh giá đúng bản thân và mức độ của những tình huống/ sự việc trong cuộc sống. Liệu pháp này giúp người bệnh phát triển, tự tin về giá trị bản thân và vượt qua những phê bình, chỉ trích từ những người xung quanh.

Khác với liệu pháp phân tâm, liệu pháp nhân văn tập trung vào cuộc sống hiện tại của người bệnh thay vì khơi gợi những trải nghiệm và cảm xúc trong quá khứ. Liệu pháp này được ứng dụng để điều trị rối loạn hoảng sợ, lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách và các rối loạn có liên quan đến lạm dụng chất gây nghiện.

7. Các liệu pháp hỗ trợ/ bổ sung

Ngoài những liệu pháp trên, tâm lý trị liệu còn bao gồm một số liệu pháp hỗ trợ/ bổ sung như:

tâm lý trị liệu psychotherapy là gì
Thiền định đã được chứng minh là một liệu pháp hỗ trợ trong trị liệu tâm lý
  • Lao động liệu pháp
  • Thở dưỡng sinh
  • Âm nhạc trị liệu
  • Liệu pháp tâm kịch
  • Thiền định

Các hình thức trị liệu tâm lý

Có nhiều cách phân chia hình thức trị liệu tâm lý như gián tiếp – trực tiếp, theo mục đích của trị liệu, theo dạng hoạt động (trò chuyện, nghệ thuật, hành vi, trò chơi),… Nội dung sau sẽ đề cập đến các hình thức trị liệu tâm lý được phân chia theo phạm vi trị liệu.

1. Trị liệu cá nhân

Trị liệu cá nhân là hình thức trị liệu phổ biến nhất hiện nay. Cuộc trị liệu chỉ bao gồm chuyên gia và một người bệnh. Trị liệu cá nhân thích hợp với những bệnh nhân yêu cầu cao tính riêng tư và không thoải mái chia sẻ vấn đề của bản thân với đối tượng thứ 3.

2. Trị liệu nhóm/ gia đình

Trị liệu nhóm/ gia đình được thực hiện bởi chuyên gia và một nhóm người (bao gồm bệnh nhân và những người bệnh khác hoặc bệnh nhân và những người thân trong gia đình). Trong trị liệu nhóm, mọi người có thể trao đổi, nêu ra ý kiến cá nhân, tìm kiếm sự đồng cảm va hỗ trợ từ những người xung quanh.

tâm lý trị liệu psychotherapy là gì
Trị liệu tâm lý theo nhóm/ gia đình giúp người bệnh thoải mái khi bộc lộ cảm xúc và tăng tính thích nghi với xã hội

Những người bị rối loạn tâm thần thường có đồng điệu về suy nghĩ nên mức độ thấu hiểu sẽ cao hơn so với người khỏe mạnh. Do đó, trị liệu nhóm giúp người bệnh có sự tin tưởng nhất định và thoải mái khi bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.

Trong trường hợp rối loạn tâm thần có tính chất gia đình, trị liệu gia đình cũng sẽ được cân nhắc. Việc tác động đến những thành viên trong gia đình sẽ giúp người bệnh thay đổi dần suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Trị liệu gia đình cũng là một phần của liệu pháp hệ thống.

Ưu nhược điểm của tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là một phần tất yếu trong điều trị các rối loạn tâm thần. Đa phần các trường hợp trị liệu tâm lý đều phải có sự hỗ trợ của thuốc để nâng cảm xúc và tăng hiệu quả điều trị. Từ đó giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và bình thường hóa cuộc sống. Bên cạnh những mặt tích cực, tâm lý trị liệu cũng có những hạn chế nhất định.

Ưu điểm của tâm lý trị liệu:

  • Giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc, bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc kìm nén
  • Giúp bản thân người bệnh tự tìm được giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống
  • Hướng dẫn người bệnh các kỹ năng để dễ dàng hòa nhập với xã hội, nhận thức đúng giá trị của bản thân và tạo động lực học tập nhằm nâng cao năng lực, gia tăng sự tự tin.
  • Sau khi trị liệu, bệnh nhân biết cách kiểm soát stress và có kỹ năng đối phó với những áp lực, khó khăn trong cuộc sống
  • Hướng bệnh nhân đến những suy nghĩ tích cực, hình thành lối sống khoa học và sống có mục tiêu
  • Tâm lý trị liệu cũng có thể cải thiện triệu chứng thể chất do các rối loạn tâm thần gây ra. Ngoài ra, các nghiên cứu được thực hiện cũng cho thấy, phương pháp này có thể giảm cytokine gây viêm trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính đáng kể.
  • Vì không sử dụng thuốc nên phương pháp này có độ an toàn cao và phù hợp với tất cả mọi đối tượng.

Nhược điểm của tâm lý trị liệu:

  • Nhiều trường hợp phải thực hiện song song với điều trị dược lý để mang lại kết quả cao nhất
  • Chỉ mang lại hiệu quả khi có sự hợp tác từ bệnh nhân. Do đó, trị liệu tâm lý gần như không thể thực hiện ở những trường hợp bệnh quá nặng.
  • Kết quả của trị liệu tâm lý cũng phụ thuộc vào chuyên môn của nhà trị liệu.

Lưu ý: Trị liệu tâm lý khác với tư vấn/ tham vấn tâm lý. Cụ thể, trong tư vấn tâm lý, chuyên gia chỉ đưa ra các phương án để người yêu cầu tư vấn có thể lựa chọn nhằm đánh giá hoặc giải quyết vấn đề đang gặp phải.

Trị liệu tâm lý là liệu pháp quan trọng trong điều trị các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách,… Với nhiều lợi ích mang lại, phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, trị liệu tâm lý chỉ thực sự mang lại hiệu quả tích cực khi được thực hiện bởi các chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *