17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả

5/5 - (3 bình chọn)

Để đối phó với căng thẳng thần kinh, bạn có thể áp dụng một số cách giảm stress đơn giản như hít thở sâu, massage, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên,… Các biện pháp này giúp giải tỏa trạng thái căng thẳng quá độ và những cảm xúc tiêu cực khác một cách hiệu quả.

17 Cách giảm stress, căng thẳng mang lại hiệu quả nhanh chóng

Stress – căng thẳng thần kinh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Về mặt tích cực, stress thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng để bản thân hoàn thành tốt các nhiệm vụ và thử thách. Đồng thời cải thiện khả năng tập trung và gia tăng hiệu suất học tập – lao động.

Ngoài những lợi ích kể trên, căng thẳng cũng gây ra không ít tác động tiêu cực đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không được kiểm soát, tình trạng có thể kéo dài gây ra hàng loạt các rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực) và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Stress còn gia tăng mâu thuẫn và làm xấu đi các mối quan hệ xã hội, cá nhân.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Stress là phản ứng sinh lý trước những áp lực và thay đổi từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể quản lý căng thẳng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là 17 cách giảm stress hiệu quả bạn đọc có thể tham khảo và cân nhắc áp dụng:

1. Ngủ đủ giấc

Chất lượng giấc ngủ tỷ lệ thuận với sức khỏe tinh thần và thể chất. Thời gian ngủ là thời điểm để các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo các tế bào hư tổn. Với những người bị căng thẳng, ngủ đủ 7 giờ/ đêm giúp xoa dịu các cảm xúc tiêu cực, mang lại cảm giác sảng khoái và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào.

Ngủ không đủ giấc, ngủ muộn và mất ngủ đều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần – đặc biệt là với những người đang bị stress và gặp phải các rối loạn tâm thần. Chất lượng giấc ngủ kém làm giảm chức năng của não bộ và gia tăng sự bất thường trong các hoạt động. Vì vậy, cách đơn giản nhất để giảm stress – căng thẳng là đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ đêm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dành 30 phút cho giấc ngủ trưa để não bộ có thời gian nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng cho những giờ làm việc vào buổi chiều. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đối với não bộ, ngủ đủ giấc còn nâng cao hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe thể chất hiệu quả.

cách giảm stress hiệu quả
Ngủ đủ giấc giúp xoa dịu tâm trạng và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, buồn phiền,…

2. Kỹ thuật hít thở sâu thư giãn

Kỹ thuật hít thở sâu thư giãn là mẹo giảm stress đơn giản và hiệu quả. Bạn có thể áp dụng cách này khi đang căng thẳng quá mức, tức giận, bực dọc,… Bằng cách bổ sung oxy cho cơ thể, kỹ thuật hít thở sâu giúp thư giãn tâm trí, tăng tuần hoàn máu và giảm tình trạng mệt mỏi. Ngoài ra, hít thở sâu còn giúp tăng mức độ tập trung và minh mẫn khi làm việc.

Hướng dẫn kỹ thuật hít thở sâu thư giãn đúng cách:

  • Ngồi thẳng lưng,thư giãn và phình bụng để giải tỏa căng thẳng
  • Sau đó, đặt 1 tay lên ngực và 1 tay ở bụng để cảm nhận được sự di chuyển của luồng hơi khi hít thở
  • Hít thở sâu, chậm và căng bụng lên. Lúc này, tay sẽ cảm nhận được chuyển động của luồng hơi bởi sự giãn nở của cơ hoành và lồng ngực.
  • Nín thở và đếm đến 6
  • Thở ra nhẹ nhàng và đếm đến 7
  • Khi hơi thở được giải phóng hoàn toàn, bạn nên lặp lại khoảng 10 – 15 lần để tĩnh tâm và giải tỏa căng thẳng

Kỹ thuật hít thở sâu thư giãn không chỉ tốt cho tâm trạng mà còn hỗ trợ cải thiện chức năng hô hấp. Cách này mang lại hiệu quả tức thì nên bạn có thể áp dụng vào những tình huống căng thẳng như trước khi phỏng vấn, phát biểu trước đám đông,…

3. Sử dụng trà thảo mộc

Sử dụng trà thảo mộc có thể xoa dịu tinh thần, giảm stress và cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Mùi thơm từ các loại thảo mộc sẽ kích thích khứu giác, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương và mang đến cảm giác thư thái, thoải mái. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin trong các thảo mộc còn có tác dụng an dịu thần kinh.

Hiện tại, hiệu quả giảm căng thẳng của các loại trà thảo mộc đã được chứng minh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể sử dụng hằng ngày để kiểm soát stress. Tuy nhiên, cần chú ý đặc tính của từng loại trà để sử dụng vào thời điểm thích hợp.

cách giảm stress hiệu quả
Sử dụng một số loại trà thảo mộc là cách giảm stress hiệu quả và đơn giản
  • Các loại trà nên uống trước khi đi ngủ: Trà nghệ, trà hoa cúc, trà lạc tiên, trà tía tô, trà hoa hồng, trà hà thủ ô,…
  • Các loại trà nên uống vào ban ngày: Chủ yếu là các loại trà có chứa caffeine giúp tăng sự tỉnh táo khi làm việc như trà bạc hà, trà xanh, trà đen,…

4. Ngồi thiền – Cách giảm stress hiệu quả

Ngồi thiền đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, đặc biệt có thể hỗ trợ cải thiện stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Thiền là hình thức luyện tập cho tâm trí có nguồn gốc từ triết học Ấn Độ cổ đại, rất phổ biến trong Đạo Phật và bộ môn yoga. Với những tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể nói chung và tinh thần nói riêng, ngồi thiền đã được ứng dụng như một liệu pháp hỗ trợ trong điều trị các vấn đề về tâm lý.

Thiền là trạng thái tinh khiết nhất với sự tập trung cao độ về ý thức vũ trụ, tâm trí hoàn toàn không bị chi phối bởi những phiền muộn và lo lắng trong cuộc sống thực tại. Chính vì vậy sau khi ngồi thiền, tâm trí sẽ trở nên an tĩnh, yên bình và các cảm xúc tiêu cực cũng sẽ được đẩy lùi.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả khi thiền định, bạn cần phải ngồi thiền đúng cách. Nếu không có kinh nghiệm, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia để được hỗ trợ. Việc tự ngồi thiền thông qua hướng dẫn trên internet có thể không chính xác và không mang lại những lợi ích như mong đợi.

5. Nghe nhạc

Nghe nhạc là một trong những cách giảm stress – căng thẳng vô cùng đơn giản và hiệu quả. Theo nghiên cứu của Trường Đại học khoa học Sussex – Mỹ, trạng thái căng thẳng giảm đi khoảng 61% sau khi nghe nhạc khoảng 6 phút. Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy, âm nhạc giúp thư giãn não bộ, điều hòa huyết áp, nhịp tim và giảm bớt các hormone được bài tiết dưới tác động của stress.

cách giảm stress hiệu quả
Nghe nhạc giúp giải tỏa tâm trạng và giảm sản xuất các hormone liên quan đến stress

Mọi người thường có xu hướng nghe những bản nhạc mà mình yêu thích. Tuy nhiên để giảm căng thẳng, bạn nên lựa chọn nhạc không lời có giai điệu âm dịu và du dương. Nhịp điệu chậm rãi sẽ giúp thư giãn tâm trí tốt hơn, đồng thời điều chỉnh lại tâm trạng và cải thiện các triệu chứng thể chất do căng thẳng gây ra.

Bạn có thể nghe nhạc giữa giờ làm việc, khi tắm, tập thể dục, sau khi thức dậy hoặc tối trước khi ngủ. Nên chú ý thời điểm để cân chỉnh âm lượng phù hợp, tránh kích thích não bộ quá mức dẫn đến giảm sự tập trung, mất ngủ và thậm chí là đau đầu.

6. Giảm stress bằng cách suy nghĩ tích cực

Suy nghĩ tiêu cực là nguyên nhân làm gia tăng stress và nhiều vấn đề tâm lý khác. Thống kê cho thấy, những người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh thường có xu hướng cầu toàn, yêu cầu quá cao/ khắt khe với bản thân và luôn có cái nhìn tiêu cực với những sai sót mà bản thân gây ra. Những suy nghĩ này vô tình tạo tâm lý lo âu và căng thẳng quá mức.

Tập suy nghĩ tích cực là biện pháp hữu hiệu giúp giảm stress và những phiền muộn trong cuộc sống. Biện pháp này có thể giải phóng những áp lực vô hình, mang đến nguồn năng lượng dồi dào và sự thoải mái khi học tập – làm việc.

Một số cách giúp bạn có suy nghĩ tiêu cực hơn:

  • Hiểu rõ suy nghĩ tích cực mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần
  • Viết nhật ký để có thể đánh giá sự tiêu cực, lệch lạc trong suy nghĩ của bản thân
  • Cải thiện năng lực của bản thân để suy nghĩ trở nên tích cực hơn và gia tăng sự tự tin trong cuộc sống
  • Xây dựng tinh thần sống lạc quan và bắt đầu suy nghĩ tích cực từ những vấn đề nhỏ nhất
  • Kiểm soát các tác động có thể gây ra sự tiêu cực (mạng xã hội, những câu chuyện có tính chất bi quan,…). Thay vào đó, nên tìm hiểu những câu chuyện truyền cảm hứng để nạp năng lượng tích cực và có thêm động lực nhằm nâng cao năng lực của bản thân.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi suy nghĩ về việc bản thân phải trở thành người cầu toàn và loại bỏ yêu cầu cao vượt quá khả năng

Thực tế cho thấy, những người có tinh thần sống lạc quan và suy nghĩ tích cực rất ít khi gặp những vướng mắc về mặt tâm lý. Ngược lại, suy nghĩ tiêu cực gây ra áp lực “vô hình” khiến cơ thể nặng nề, tâm trí không được thoải mái và căng thẳng.

7. Trò chuyện với bạn bè, người thân

Trò chuyện với bạn bè, người thân về những khó khăn, phiền muộn trong cuộc sống cũng có thể giảm đi sự lo lắng quá mức. Khi phải đối diện với áp lực, cơ thể sẽ tăng sản xuất các hormone dẫn đến hồi hộp, bồn chồn, tăng nhịp tim, đau đầu,…

cách giảm stress hiệu quả
Sự chia sẻ, động viên từ người thân và bạn bè chính là “liều thuốc” tự nhiên giúp giảm stress hiệu quả

Những tác động này khiến bạn có xu hướng đánh giá sự việc nghiêm trọng hơn so với mức độ, gây ra trạng thái căng thẳng quá mức, mệt mỏi, buồn chán và vô vọng. Chia sẻ kịp thời với những người xung quanh về các vấn đề mà bản thân gặp phải sẽ giúp bạn có đánh giá khách quan hơn và nhận được những lời khuyên hữu ích.

8. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ ăn dư đạm, nhiều chất béo và đường làm gia tăng nguy cơ căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không hợp lý còn ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và sức khỏe thể chất. Bên cạnh các biện pháp kể trên, bạn cũng có thể giảm stress – căng thẳng bằng cách xây dựng thực đơn khoa học.

Chế độ dinh dưỡng giúp giảm căng thẳng hiệu quả:

  • Hạn chế sử dụng carbohydrate đã qua tinh chế. Thay vào đó, nên dùng ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, gạo nguyên cám,… để cân bằng giữa tinh bột, chất xơ và khoáng chất.
  • Tránh sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, thức ăn nhanh. Bên cạnh đó, nên hạn chế dùng đường tinh luyện và thay thế bằng các chất tạo ngọt tự nhiên như mật ong, các loại trái cây, cỏ ngọt,…
  • Tăng cường chất xơ để cải thiện hệ tiêu hóa và giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do stress gây ra.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, các loại củ và một số loại thảo mộc chứa nhiều hợp chất thực vật để chống oxy hóa, giảm căng thẳng và đẩy nhanh tốc độ tái tạo các tế bào thần kinh. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn (probiotic).
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất béo lành mạnh – đặc biệt là Omega 3. Các nghiên cứu cho thấy, axit béo này làm tăng chất dẫn truyền thần kinh serotonin và điều chỉnh các hormone liên quan đến stress như cortisol, adrenalin,… Omega 3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, bơ và nhiều loại thực phẩm khác.
  • Cân đối dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, đảm bảo ăn đủ 3 bữa và cung cấp đủ calo tùy theo cường độ vận động.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày, có thể bổ sung thêm nước khoáng, nước ép từ rau củ và trái cây tươi bên cạnh nước lọc.

9. Massage thư giãn

Massage là hình thức trị liệu sử dụng tay để xoa bóp và day ấn vào các cơ, huyệt vị. Phương pháp này giúp thư giãn cơ bắp, thúc đẩy tuần hoàn máu và mang đến cảm giác thoải mái. Đối với những người bị căng thẳng thần kinh, nên massage ở vùng đầu và cổ vai gáy để giảm đau nhức, đồng thời giải phóng các phiền muộn và lo âu trong cuộc sống.

cách giảm căng thẳng thần kinh
Massage là liệu pháp thư giãn an toàn, hiệu quả có thể áp dụng ngay tại nhà

Nếu có nhu cầu massage chuyên sâu, bạn có thể đến các spa chuyên về massage thư giãn. Hoặc có thể nhờ người thân/ bạn bè xoa bóp theo hướng dẫn trên internet. Hầu hết các động tác massage tại nhà đều khá đơn giản và dễ thực hiện. Để tăng hiệu quả, nên kết hợp với tinh dầu, đá cuội, thảo dược và muối đá hồng.

10. Liệu pháp mùi hương

Liệu pháp mùi hương là cách giảm stress hiệu quả được nhiều người áp dụng. Liệu pháp này sử dụng các tinh dầu có mùi thơm để kích thích não bộ thông qua khứu giác. Khi cảm nhận được các hương thơm tự nhiên, não bộ sẽ tăng sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh giúp mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái.

Bạn có thể cho tinh dầu vào máy khuếch tán hoặc cho vào nước tắm, trộn với dầu nền để massage và chăm sóc da. Mỗi mùi hương đều có những tác dụng và đặc điểm riêng. Với các mùi hương nhẹ nhàng, dịu ngọt và ấm cúng như tinh dầu hoa hồng, hoa cúc, tinh dầu quế, vỏ cam, hoa lài,… bạn nên sử dụng vào buổi tối để mang đến cảm giác thư giãn và tĩnh tâm. Từ đó giải tỏa căng thẳng và cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ hiệu quả.

Trong khi đó với những tinh dầu có mùi mạnh và the mát như bạc hà, húng quế, tràm trà, bạn nên sử dụng vào buổi sáng hoặc bất cứ thời điểm nào trong ngày để kích thích sự hưng phấn. Qua đó tăng mức độ tập trung, giảm uể oải và buồn ngủ khi học tập – làm việc. Ngoài ra, sử dụng tinh dầu còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng hiệu quả thư giãn cơ khi tắm nước ấm hoặc khi massage.

11. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục được biết đến với tác dụng tăng độ dẻo dai của xương khớp, đốt cháy mỡ thừa và nâng cao sức khỏe tổng thể. Với những người làm việc căng thẳng, hoạt động thể chất còn là “liều thuốc”giảm stress tự nhiên và an toàn.

Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm các triệu chứng thể chất do stress gây ra như đau vai gáy, đau nhức lưng, mỏi gối, đau đầu, khó tiêu, chướng bụng,… Ngoài ra khi vận động, não bộ sẽ tăng cường sản xuất serotonin và dopamin có khả năng cải thiện tâm trạng, mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.

cách giảm căng thẳng thần kinh
Tập thể dục thường xuyên giúp gia tăng sức khỏe thể chất và cải thiện các cảm xúc tiêu cực do stress gây ra

Hoạt động thể thao còn tăng cường hoạt động của tim, phổi, qua đó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ thể và điều hòa nhịp tim, huyết áp. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện hình thể, giảm mỡ thừa và mang đến sự tự tin trong các cuộc gặp gỡ.

Ngoài những lợi ích kể trên, thể thao còn có những tác động tích cực khác đối với cơ thể. Do đó ngay cả khi không bị căng thẳng thần kinh, bạn vẫn nên tập thể dục mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần/ tuần.

12. Giảm căng thẳng bằng cách chơi với thú cưng

Nếu yêu thích động vật, bạn nên cân nhắc nuôi thú cưng để có thêm người bạn đồng hành trong cuộc sống. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thú cưng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần – đặc biệt là với những người ở một mình và không có nhiều mối quan hệ xã hội.

Cụ thể, chơi đùa với thú cưng kích thích não bộ sản sinh endorphin, serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, mang đến cảm giác vui vẻ và thoải mái. Ngoài ra, vuốt ve động vật còn giúp giảm lượng hormone cortisol từ tuyến thượng thận. Khi hormone này được kiểm soát, các cảm xúc và hành vi tiêu cực do stress gây ra sẽ giảm đi đáng kể.

Với nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, có thể khẳng định vai trò của thú cưng đối với trị liệu tâm lý cho người bị căng thẳng, rối loạn lo âu và trầm cảm. Khoảng thời gian chơi đùa với thú cưng sẽ giúp bạn giải tỏa những áp lực trong cuộc sống và nạp lại nguồn năng lượng tích cực để đối mặt với những khó khăn phía trước.

13. Đi du lịch

Đi du lịch không chỉ thỏa đam mê khám phá mà còn là cách giảm stress hữu hiệu. Di chuyển đến những vùng đất mới giúp kích thích khả năng khám phá, tìm hiểu và có thời gian tận hưởng sau những chuỗi ngày làm việc căng thẳng.

cách giảm căng thẳng thần kinh
Đi du lịch cũng là cách để giải tỏa căng thẳng sau những người làm việc mệt mỏi

Rời xa nơi sinh sống, làm việc sẽ giúp bạn thoát khỏi lịch trình cứng nhắc, mang đến nguồn năng lượng tích cực và tinh thần lạc quan. Không chỉ giúp giảm stress, đi du lịch còn là cách rèn luyện kỹ năng xã hội, tăng tính thích nghi với môi trường mới, cải thiện sự linh hoạt và nhạy bén. Những kỹ năng này đều hỗ trợ ít nhiều vào cuộc sống và giúp bạn giải quyết những khó khăn trong công việc một cách dễ dàng hơn.

Một lợi ích khác của việc đi du lịch mà nhiều người không ngờ đến là cải thiện chất lượng giấc ngủ. Sau một dài khám phá và di chuyển khá nhiều, cơ thể sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ và có giấc ngủ sâu hơn. Nhờ vậy sau một chuyến đi du lịch, bạn có thể nạp lại nguồn năng lượng để trở lại guồng quanh cuộc sống.

14. Dành thời gian nấu ăn

Một cách giảm stress hiệu quả khác mà bạn có thể áp dụng là chuẩn bị món ăn cho những người thân yêu hoặc tìm tòi thực hiện các công thức mới. Khi nấu ăn, não bộ sẽ tập trung hoàn toàn vào việc chế biến và cân chỉnh gia vị sao cho phù hợp. Do đó, bạn có thể hạn chế thời gian suy nghĩ về những vấn đề tiêu cực và bi quan.

Khi được thưởng thức các món ăn ngon do đích thân mình chế biến, những lo âu và phiền muộn gần như tan biến. Nếu sống chung với gia đình, giây phút mọi người quây quần bên nhau sẽ mang đến cảm giác hạnh phúc và ấm cúng. Những điều tưởng chừng như rất nhỏ này cũng góp phần cải thiện đời sống tinh thần, giúp bạn quản lý stress và căng thẳng hiệu quả.

15. Chia sẻ công việc với người khác

Ôm đồm quá nhiều công việc gây ra tình trạng quá tải chính là nguồn cơn dẫn đến căng thẳng thần kinh. Thay vì giải quyết công việc một mình, hãy chia sẻ với tất cả mọi người xung quanh.

Điều này sẽ giúp công việc nhanh chóng được hoàn thành và mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu khối lượng công việc quá lớn, bạn nên sắp xếp thứ tự quan trọng của từng mục để có thể hoàn thành tốt, tránh làm việc không hiệu quả dẫn đến nhiều sai sót.

Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ việc nhà với bạn đời và những người thân trong gia đình để có thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ từ những người xung quanh cũng sẽ xoa dịu những căng thẳng và lo âu trong cuộc sống.

16. Quản lý thời gian, tài chính

Tài chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến stress ở người trưởng thành. Ngoài lý do thu nhập thấp, việc quản lý tiền bạc không đúng cách cũng chính là yếu tố gia tăng căng thẳng thần kinh. Vì vậy để kiểm soát căng thẳng, bạn cần học cách quản lý tài chính.

Tùy theo thu nhập, bạn có thể chia số tiền thành nhiều phần khác nhau để dễ dàng kiểm soát. Đặc biệt, phải có kế hoạch về số tiền cần chi tiêu vào những vấn đề cần thiết (tiền thuê nhà, ăn uống, điện, nước,…) và luôn có một khoản tiền để dành cố định.

cách giảm căng thẳng thần kinh
Học cách quản lý thời gian và tiền bạc là “chìa khóa” giúp kiểm soát và phòng ngừa stress

Bên cạnh đó, bạn cũng nên học cách quản lý thời gian. Sắp xếp công việc và các hoạt động một cách khoa học sẽ giúp bạn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đủ giấc. Trong trường hợp có quá nhiều việc phải thực hiện, hãy ưu tiên những việc quan trọng, giảm bớt những việc làm không cần thiết và chia đều khối lượng công việc cho tất cả các ngày trong tuần.

Quản lý thời gian, tài chính hiệu quả giúp kiểm soát và phòng ngừa stress triệt để. Ngoài ra, biện pháp này còn hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo nền tảng tài chính vững chắc.

17. Giảm thời gian sử dụng mạng xã hội

Mạng xã hội là phương tiện gắn kết mọi người. Tuy nhiên bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Việc tiếp xúc với quá nhiều với những thông tin và hình ảnh trên mạng sẽ khiến cho bản thân đặt ra yêu cầu quá cao và cầu toàn.

Hơn nữa, mạng xã hội rất dễ gây nghiện. Nhiều người có thể bỏ hàng giờ đồng hồ cho việc sử dụng điện thoại và chăm chút cho trang cá nhân. Trên thực tế, tình trạng này không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn hình thành những mong đợi xa rời thực tế và áp đặt bản thân với những yêu cầu khắt khe nhất.

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu về tác hại của mạng xã hội đã được thực hiện. Hầu hết tất cả đều cho thấy, dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội gây ra tâm lý căng thẳng, rối loạn lo âu và có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, nghiện mạng xã hội quá mức còn gây mất ngủ, giảm thị lực,… Vì vậy để kiểm soát căng thẳng, bạn nên giảm thời gian sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trên đây là 17 cách giảm stress – căng thẳng hiệu quả. Những biện pháp này góp phần đẩy lùi stress, cải thiện tâm trạng và nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên trong trường hợp căng thẳng kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được điều trị y tế.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (3 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *