Chìa khóa vượt qua sang chấn tâm lý bằng tư duy, niềm tin tích cực và tương hỗ (phần 1)
Thế nào là tư duy, niềm tin tích cực và tương hỗ giúp chúng ta vượt qua những sang chấn tâm lý trong thời kỳ covid hay những giai đoạn, những sự kiện khó khăn khác trong cuộc sống của mình. Hãy cùng nghe chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ nhé.
Hiện nay, chúng ta đang cùng nhau vượt qua thời kỳ covid, một thời kỳ có rất nhiều biến động, khiến cho nền kinh tế, khiến cho chính trị xã hội, học tập, công tác , làm việc… tất cả mọi thứ đều thay đổi rất nhiều. Một sự thay đổi mà có lẽ bất kỳ một ai trong chúng ta cũng chưa bao giờ nghĩ tới trong quá khứ. Vậy nên, có nhiều điều chúng ta chưa thích nghi được, chúng ta chưa thấy quen và rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, thậm chí là trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu… mà các chuyên gia tâm lý trị liệu gọi chung là trạng thái sang chấn tâm lý.
Chính vì vậy, Tạp chí Tâm lý học đã kết hợp với Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã thực hiện một chuỗi chương trình để giúp cho mọi người vượt qua được những sang chấn tâm lý trong thời kỳ covid hoặc những sang chấn tâm lý ở bất kỳ một giai đoạn nào trong cuộc sống của bạn. Ngoài ra, các phương pháp, cách thức mà chuyên gia Hải Yến còn giúp bạn đạt được những thành công trong cuộc sống.
Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ đến các bạn về cách vượt qua sang chấn tâm lý bằng tư duy, niềm tin, tích cực và tương hỗ.
Bạn Lan Anh (33 tuổi, Bình Dương) gửi câu hỏi đến chương trình:
Chuyên gia có thể giải thích thêm về tương hỗ không? Việc thay đổi tư duy của một người không hề dễ dàng, chuyên gia có phương pháp nào để người nhà giúp một người có tâm lý tiêu cực thay đổi tốt hơn không?
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Tư duy và niềm tin có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chúng ta, ảnh hưởng trực tiếp tới cách hành xử của chúng ta hàng ngày.
Chúng ta thường nghe câu nói “cái gì có ở trong đầu thì có ở trên tay”. Vậy cái gì ở trong đầu chúng ta? Đó là tư duy, niềm tin, mục tiêu, ước mơ của chúng ta. Nếu ước mơ, mục tiêu của chúng ta hiện rõ trong đầu và ngày ngày chúng ta hành động vì mục tiêu, vì ước mơ đó, chúng ta sẽ nắm giữ chúng trong tay sớm thôi. Còn tư duy và niềm tin có ảnh hưởng, chi phối một cách rất vô hình nhưng rất lớn tới cách chúng ta thực hiện các hành vi, suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc, cách chúng ta có cảm xúc, cách chúng ta làm việc, cách chúng ta hành động. Bạn là một người như thế nào? Là người tràn đầy năng lượng, kỷ luật hay là một người hay trì hoãn, hay chán nản. Tất cả những điều đó đều bị ảnh hưởng rất lớn từ hệ tư duy và niềm tin, đặc biệt là tư duy và niềm tin gốc rễ.
Trong tâm trí chúng ta có ý thức và tiềm thức. Ý thức có sự chủ định, có quyền ra quyết định và mệnh lệnh cho tiềm thức nhưng ý thức chỉ chiếm tới 10% tâm trí. Tiềm thức là người thực hiện những quyết định, yêu cầu của ý thức. Những gì ý thức ghi nhận, nhấn mạnh và thực hiện nhiều lần sẽ đi sâu vào tiềm thức của chúng ta. Giống như việc hàng ngày chúng ta đi làm vậy, cung đường hàng ngày chúng ta đi sẽ được đưa vào trong tiềm thức và chúng ta đến cơ quan theo một lối mòn một cách rất vô thức, không có chủ định.
Tiềm thức được ví như một cái mảnh đất màu mỡ. Mọi điều mà chúng ta có hôm nay là từ điều mà chúng ta đã gieo trồng từ ý thức trong quá khứ. Và mọi thứ chúng ta có trong tương lai là những gì chúng ta đang gieo trồng trong ngày hôm nay. Tư duy và niềm tin gốc rễ cũng chính là tiềm thức của chúng ta, chính là hệ những điều mà chúng ta cài đặt bên trong của mình.
Khi nào ở bên trong chúng ta còn tồn tại những mâu thuẫn nội tâm, những tư duy, niềm tin mang tính tiêu cực, không tin tưởng vào chính mình, không có sự hướng tới, khi đó chúng ta chưa dễ dàng để huy động nguồn động lực bên ngoài, kể cả nội động lực ở bên trong chúng ta cũng rất khó để bật lên.
Vậy, chúng ta hiểu rằng, khi nào bên trong chúng ta còn tồn tại mâu thuẫn nội tâm, niềm tin và tuy duy chưa được tích cực và tương hỗ, khi đó tiềm thức của chúng ta chưa hưởng ứng những ước mơ, những khát khao của bạn.
Vậy giải quyết mâu thuẫn nội tâm chính là một trong những chìa khóa để tiềm thức và cả vũ trụ này hưởng ứng tới mục tiêu của chúng ta. Làm thế nào để giải quyết những mâu thuẫn nội tâm? Chính là chúng ta thiết lập các niềm tin, tư duy ở bên trong đảm bảo hai yếu tố: Tích cực và tương hỗ.
Vậy thế nào là tư duy, niềm tin tương hỗ?
Tương hỗ là một kiểu quan hệ mà hai bên cùng có lợi. Tương hỗ với niềm tin và tư duy của con người là mục tiêu, lý tưởng, khát khao, những điều mà chúng ta mong muốn. Nếu tư duy, niềm tin của chúng ta tương hỗ với ước mơ thì chúng ta sẽ đạt được ước mơ đó. Tuy nhiên, nếu niềm tin và tư duy không tương hỗ với ước mơ sẽ tạo thành những mâu thuẫn nội tâm và khó đạt được ước mơ đó.
Tư duy và niềm tin tương hỗ của chúng ta chính là những điều khiến chúng ta dễ dàng nảy lên cảm xúc, hành động, lời nói một cách vô hình (không có ý thức) trước một sự kiện nào đó. Nó nảy lên nhanh đến mức chúng ta chưa kịp dùng ý thức để suy nghĩ, lập luận, nó nhanh như tốc độ ánh sáng. Hay nói cách khác nó là những phản ứng cảm xúc, mô thức hành vi được cài đặt, lập trình bên trong chúng ta để hành động trước một sự kiện vậy.
Và hãy nhớ rằng, hệ niềm tin tư duy cũng chính là những điều đã được cài đặt ở bên trong mô thức, ở sâu trong vùng tiềm thức (vô thức) của chúng ta. Bởi vậy, những niềm tin tư duy có tính tương hỗ cho mục tiêu, lý tưởng, ước mơ của bạn sẽ tạo động lực, sự hào hứng, tạo cho bạn những điều dễ dàng và khao khát hơn, dễ dàng bùng cháy hơn với ước mơ của bạn.
Ví dụ, chúng ta có mục tiêu là trở thành triệu phú đô la, hay là mục tiêu trở thành một người sở hữu tòa nhà, công trình vĩ đại, lớn lao nào đó, nói chung là trở thành một người giàu có, nắm giữ những tài sản lớn. Nhưng bên trong con người của chúng ta lại có tư duy rằng, người giàu là những người xấu, người giàu là những người tham lam, ích kỷ.
Những tư duy, niềm tin này có thể đến từ rất nhiều câu chuyện cổ tích, tác phẩm văn học mà bạn đã từng học hồi nhỏ. Ở đó, có những nhân vật là người giàu có như địa chủ, ông quan có nhiều tính cách không tốt như tham lam, ích kỷ, xấu xa… Và nếu chúng ta tập trung vào khía cạnh người giàu là những người xấu một cách vô tình hay hữu ý, ý niệm này sẽ trở thành một tư duy, niềm tin ở bên trong bạn. Nghĩa là bên trong con người bạn tin rằng, người giàu là những kẻ xấu, tham lam, ích kỷ mưu mô… Hoặc là một trải nghiệm thực tế nào đó trong cuộc sống khiến mình thấy rằng, người giàu là người xấu. Bên cạnh đó, bạn cũng mong muốn là mình là một người tốt, bạn được giáo dục để trở thành một người tốt.
Và sau này khi mình lớn lên, mình đặt mục tiêu trở thành người giàu có, một người tự do về tài chính nhưng niềm tin bên trong bạn lại không phù hợp, không tương hỗ với ước mơ này. Mình khao khát trở thành một người giàu nhưng niềm tin, tư duy sâu thẳm ở tiềm thức của chính mình lại cho rằng, người giàu là một người xấu. Hơn nữa, nó cũng mẫu thuẫn với mong muốn trở thành một người tốt của mình. Đây gọi là mâu thuẫn nội tâm. Và nó có thể trở thành lý do để mình cứ làm mãi, làm mãi nhưng không đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Và nếu bên trong chúng ta có quá nhiều mâu thuẫn nội tâm, hoặc mâu thuẫn quá sâu sắc, nó có thể tạo ra những vấn đề tâm lý cần phải giải quyết.
Thế nào là tư duy, niềm tin tích cực?
Tư duy, niềm tin tích cực là những tư duy, niềm tin hướng tới mục tiêu (ước mơ, khát khao, mong muốn) một cách phù hợp và quan trọng hơn nữa là tư duy, niềm tin đó giúp bạn tạo ra năng lượng tích cực, cảm xúc tích cực.
Nếu viết những tư duy, niềm tin tích cực ra thành câu chữ, nó phải là những ngôn từ tích cực, ngôn từ hướng tới, những mỹ từ mà chúng miêu tả chính xác những điều bạn muốn, mang lại cho bạn động lực, mang lại cho bạn niềm vui và cảm giác muốn hành động.
Ví dụ. Các bạn có thể thấy rất nhiều cuốn sách, nhà diễn giả, những người nổi tiếng nói rằng “thất bại là mẹ thành công”. Hải Yến và các bạn cùng phân tích câu nói này để xem thế nào là tích cực, thế nào là tương hỗ.
Nếu một người đang thất bại, đã từng thất bại và được một người nào đó mà họ tin tưởng, ngưỡng mộ, chia sẻ với họ câu nói này, người thất bại sẽ được động viên, an ủi khiến họ nhận ra rằng: “Ồ, đây là một trải nghiệm, một bài học mà từ đó giúp cho chúng ta thành công hơn”. Trong trường hợp này, câu nói “thất bại là mẹ thành công” thể hiện điều tích cực với những gì người thất bại đang trải qua.
Nhưng nếu chúng ta nói câu này với các bạn nhỏ, những bạn chưa biết gì về thất bại, chưa biết buồn đau, thất vọng, các bạn nhỏ nghe nhiều sẽ được cài đặt một niềm tin rằng: “thất bại là mẹ thành công”. Nghĩa là có mẹ thì mới có con và mẹ là người được sinh ra trước, tức là thất bại phải có trước thì mới có thành công, thất bại đẻ ra thành công. Nếu như các bạn nhỏ được cài đặt niềm tin sâu sắc này trong tâm trí, lớn lên các bạn sẽ có niềm tin trong vô thức rằng, các bạn phải thất bại nhiều lần thì mới có thể đạt được thành công. Và nó làm một niềm tin không tích cực với trẻ nhỏ, các bạn mầm non, các bạn nhi đồng.
Bởi vậy, niềm tin, tư duy này không tích cực với các bạn nhỏ. Và tư duy tích cực và tương hỗ với các bạn nhỏ phải là thành công nối tiếp thành công, thành công tạo ra thành công, thành công nhỏ tạo ra thành công lớn, thành công đẻ ra thành công. Với hướng tư duy như vậy, các bạn nhỏ sẽ tự nhìn nhận và hành động khác.
Vì vậy, mỗi niềm tin, tư duy sẽ là sự tương hỗ, sự phù hợp với những lứa tuổi, đối tượng và trường hợp khác nhau. Với trẻ con, chúng ta cần cài đặt cho con những niềm tin, tư duy gốc rễ khác. Với người lớn, chúng ta cần gỡ bỏ, xóa bỏ những tư duy, niềm tin tiêu cực, chữa lành cho những tổn thương ở bên trong do những trải nghiệm tổn thương ở trong quá khứ và cài đặt cho họ cái niềm tin, tư duy gốc rễ khác phù hợp với họ. Đó cái sự tương hỗ và phù hợp là như vậy. Còn sự tích cực, chúng ta chắc chắn phải sử dụng ngôn từ tích cực, mang lại cho các bạn ấy cảm xúc tích cực thì nó mới mang lại hiệu quả tích cực.
Việc thay đổi tư duy, niềm tin của một người là không hề dễ dàng
Chính xác là việc thay đổi tư duy, niềm tin của một người nào đó là không hề dễ dàng bởi vì nó đã là tư duy, niềm tin ăn sâu vào trong tâm trí của người ta. Bởi vậy, để thay đổi những điều này cần phải có kỹ năng, kiến thức chuyên môn và thời gian. Nếu như người nhà muốn đồng hành (người đồng hành) để thay đổi niềm tin, tư duy tiêu cực của người thân nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng như các chuyên gia, người đồng hành phải có sự kiên trì. Bởi vì:
Thứ nhất, bản thân người đồng hành phải có sự nghiên cứu học tập để phát triển bản thân mình. Từ đó, người đồng hành có những phương pháp phù hợp để dẫn dắt, đồng hành, hỗ trợ với những người đang có niềm tin sai lệch, những người có tư duy sai lệch mà người đồng hành muốn thay đổi.
Thứ hai, bạn cần phải phát triển bản thân mình trước để bạn trở thành một người hiểu về tư duy và niềm tin tích cực, tương hỗ và bản thân bạn cũng là người có tư duy và niềm rất tích cực, tương hỗ.
Thứ ba, bạn phải là người có thái độ rất yêu thương, rất kiên trì ở bên người nhà của mình để đồng hành và giúp đỡ họ. Để thay đổi những niềm tin, tư duy đã ăn sâu vào một con người, nó là cả một hành trình lớn.
Trong thời gian dịch bệnh, cả Hà Nội và Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam ra mắt một chương trình Trị liệu ngắn hạn giải tỏa tâm lý mùa dịch bệnh để hỗ trợ khách hàng giải tỏa các vấn đề tâm lý có tính cấp bách của mình ở trong thời kỳ covid trong vòng một tuần với 6 giờ trị liệu. Để đưa ra kết luận rằng, suy nghĩ của một người là chưa đúng đắn, chưa tương hỗ hay thực sự là tiêu cực, chúng ta cần phải nhìn thấy rõ suy nghĩ của họ như thế nào, bên trong ra sao với với một sự kiện, hiện tượng nào đó. Và trong 6 giờ đó, các chuyên gia sẽ giúp bạn thấy rõ được những cái tư duy, những niềm tin đâu đó sai lệch ở mình, ở người thân của mình. Từ đó, giúp chúng ta có giải pháp để cài đặt những tư duy, niềm tin tích cực và tương hỗ bên trong con người mình, để nó hỗ trợ chúng ta vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, vượt qua sang chấn tâm lý mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời.
Xin cám ơn câu hỏi của bạn Lan Anh!
Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Vượt qua sang chấn tâm lý bằng tư duy, niềm tin tích cực và tương hỗ” dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!