Làm thế nào để cha mẹ kết nối với con – Kết nối gia đình thời Covid (phần 3)

Covid đang khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn. Con không được đi học, cha mẹ không được đi làm nhưng nó lại cho chúng ta cơ hội nhận ra nhiều vấn đề trong chính gia đình mình. Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn tình huống đang diễn ra ở một số gia đình có con ở tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên (13 – 19 tuổi).

Khi ở nhà nhiều, cha mẹ mới nhận ra con không muốn nói chuyện, không muốn ăn cơm với cha mẹ, chỉ thích ở trong phòng một mình. Chúng ta tự hỏi điều gì đang diễn ra vậy, làm thế nào để chúng ta có thể bước vào thế giới của con.

Mời các bạn cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến để tìm ra giải pháp phù hợp cho gia đình mình nhé.

Độc giả Đặng Thúy (37 tuổi, Hồ Chí Minh) gửi câu hỏi đến chương trình:

Chào chuyên gia, tôi có con trai đang học đại học, hiện giờ đang học online ở nhà vì dịch bệnh. Bình thường cháu không ở nhà, chỉ về ăn cơm với bố mẹ vào bữa tối, chúng tôi cũng đi làm suốt nên không để ý đến cháu. Đợt này ở nhà thời gian dài, tôi mới thấy cháu toàn ở trong phòng, trừ bữa cơm. Tôi muốn trò chuyện với con nhưng không biết phải làm thế nào, vì sợ phiền và sợ con không thấy thoải mái.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến

Cám ơn câu hỏi của chị Thúy. Đây là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh khi tới Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam thời gian vừa qua. Các vị phụ huynh đưa ra vấn đề và tình huống của gia đình mình và xin các chuyên gia của Trung tâm lời khuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung tâm tâm lý trị liệu NHC có nguyên tắc là không đưa ra lời khuyên. Cách thức làm việc của chúng tôi là dựa vào tình thế thực tế của các bạn và bằng công cụ, phương pháp của chúng tôi để giúp các bạn nhìn ra vấn đề và tự đưa ra giải pháp của mình.

Quay trở lại câu hỏi của chị Thúy, câu hỏi của chị khá chung chung nên Hải Yến sẽ chia sẻ một số câu chuyện thực tế từ các vị khách của Trung tâm. Để có một giải pháp cụ thể hơn trong tình huống của từng cá nhân, cần phải có thêm nhiều nguyên liệu khác như: Gia đình bạn như thế nào, cá tính của mỗi thành viên trong gia đình ra sao hay vấn đề tồn tại của mỗi gia đình khác nhau cũng khiến cho những giải pháp của mỗi gia đình khác nhau.

CÂY KHÔ LÀ BỞI ĐẤT CẰN, NHÌN CÂY SỬA ĐẤT, NHÌN CON SỬA MÌNH

Đầu tiên, Hải Yến chia sẻ đến các bạn câu chuyện của chị khách hàng có con khoảng 15-16 tuổi. Bạn ấy vừa vượt qua tuổi dậy thì và có cá tính rất riêng, có nhu cầu có thế giới riêng của mình. Trong thời gian dịch bệnh covid, bạn ấy ở nhà đóng cửa học nhưng học xong cũng không ra ngoài. Và thậm chí, có nhiều ngày bạn ấy ko muốn ăn cơm với cả gia đình. Và chị cũng nhận ra là tất cả mọi người trong gia đình đều ở nhà trong lúc dịch bệnh nhưng giao tiếp giữa các thành viên lại giảm đi và mỗi người có thế giới riêng của mình. Vậy điều gì đang diễn ra trong gia đình của mình?

Sau khi chia sẻ và trao đổi với các chuyên gia tâm lý của Trung tâm, chị bắt đầu quan sát gia đình mình và nhận ra vấn đề. Bố, mẹ và bà cùng ngồi cùng nhau nhưng mỗi người đều ôm cái điện thoại của riêng mình. Thậm chí, trong giờ ăn cơm, bố cũng luôn để điện thoại ở bên cạnh với lý do là thỉnh thoảng bố có tin nhắn của khách hàng, có công việc cần phải xử lý. Và trong lúc đang ăn, bố cũng dừng lại để trả lời tin nhắn. Khi mẹ nấu cơm, bố cũng ôm điện thoại để nghe nhạc và chơi game. Bà đến chơi vài hôm nhưng lúc nào bà cũng cầm điện thoại trên tay. Bà lên facebook nhiều hơn cả các bạn trẻ. Số lượng bài đăng của bà mỗi ngày còn nhiều hơn cả đội thanh niên.

bố mẹ suốt ngày ôm điện thoại

Buổi tối sau khi ăn xong, 3 người lớn trong nhà, mỗi người cầm một chiếc điện thoại hoặc máy tính. Mẹ và bà đắm chìm vào những bộ phim. Một buổi tối xem hết 3 bộ phim đến 12 giờ mới ngủ. Trong mỗi bộ phim đều có người xấu, người tốt và mọi người đưa những nhân vật trên phim vào câu chuyện ở trong bữa cơm gia đình. Đây là khoảng thời gian mà đông đủ các thành viên của gia đình tụ họp. Nhưng thay vì hỏi han tình hình trò chuyện với nhau vui vẻ thì bà và mẹ lại lôi những chuyện bực tức từ trên phim ảnh vào bữa cơm, nào là “nhân vật này nói tức thế…”, “bực nhân vật kia thế…” rồi nói xấu rất nhiều về các nhân vật.

Khi trẻ nghe những câu chuyện như vậy, điều gì đã đi vào đầu trẻ. Đó là những thông tin xấu, thông điệp xấu, cảm xúc xấu. Và cả gia đình nói chuyện với nhau về nhân vật thứ 3 nào đấy theo chiều hướng tiêu cực, có thể là nhân vật trong phim, có thể là một ai đó ở ngoài đời với sự bức xúc, khó chịu. Và câu chuyện trong bữa cơm gia đình chỉ có vậy thôi, ngoài ra không có gì khác cả. Bởi vậy mà bạn trẻ trong gia đình không thích nghe những thông tin đó. Bạn ấy thấy rằng những thông tin đó không có ý nghĩa gì với mình và mình nghe cảm thấy rất khó chịu.

Thêm nữa, bà với mẹ xem tràn lan rất nhiều bộ phim nhưng khi bạn ấy xem thì lại cấm. Lý do là “xem phim nhiều không tốt”. Điều mâu thuẫn ở đây là người lớn luôn luôn nói “xem phim nhiều là không tốt” nhưng người lớn lại là người xem phim nhiều nhất. Điều này khiến cho lời nói và hành động bất nhất. Bạn trẻ cảm thấy điều này không ổn nhưng không thể cãi được. Tuy không nói được thành lời nhưng tâm trí bạn ấy hiểu, vô thức bạn ấy hiểu “nó không ổn”, “nó không đúng” và bạn ấy mất đi niềm tin với người lớn xung quanh.

Ở trẻ con, nhất là các bạn ở độ tuổi teen, tuổi vị thành niên từ khoảng 13 -14 – 19 tuổi, nếu như các bạn ấy mất niềm tin một cách vô thức như vậy, các bạn ấy cũng vô thức không muốn giao tiếp, không muốn giao lưu nữa. Và khi các bạn trẻ mất niềm tin vào người lớn đồng nghĩa rằng các bạn ấy không tin tưởng để hỏi, tham khảo ý kiến hay chia sẻ. Điều này khiến cho các bạn ấy quay về thế giới của mình, các bạn ấy chỉ muốn một mình hoặc chỉ muốn nói chuyện riêng với bạn bè, những người mà bạn ấy tin tưởng và hiểu mình.

Và nếu như không có nhiều bạn, không có người để giúp mình tìm ra câu trả lời cho những vấn đề, thắc mắc của bạn ấy trong cuộc sống hàng ngày thì các bạn trẻ sẽ tìm cách để quên và tìm cho mình những niềm vui khác. Bởi vậy, mới có sự hấp dẫn từ game hay sự hấp dẫn từ những thứ mà bố mẹ hay cấm đoán con.

Trong một chuyên đề về đồng hành với con ở lứa tuổi dậy thì, Hải Yến đã cũng từng chia sẻ với các bố mẹ rằng “cái gì mà bố mẹ càng cấm thì các bạn ấy lại càng lao vào”. Bởi vì đó là bản năng của con người. Con người chúng ta sinh ra có tính tò mò, nó là điều tự nhiên và mang bản chất tốt. Sự tò mò giúp chúng ta phát huy sự sáng tạo, sự tìm hiểu cuộc sống xung quanh. Và tính tò mò cũng được kích hoạt từ những điều cấm của cha mẹ. Cha mẹ càng cấm thì con càng tò mò, nhất là khi cấm mà không cho các bạn ấy biết rõ lý do “tại sao lại cấm”. Vậy nên, bố mẹ cấm phải chia sẻ với con rằng, nó không tốt là vì điều gì, điều gì khiến nó không tốt, minh chứng cho điều đó như thế nào. Và nếu xem phim là không tốt thì bản thân người lớn cần phải làm gương trước cho con cái trước. Cái thứ lớn nhất, cần nhất khi làm ba mẹ là phải làm gương cho con cái. Miệng suốt ngày nói là “xem phim không tốt” nhưng bản thân lại xem rất nhiều phim, chìm đắm trong phim. Con muốn xem thì lại cấm, rồi con sẽ tò mò “bảo không tốt mà sao bố mẹ lại xem”. Đó là những điều khiến con cái cứ xa dần với chúng ta.

Có một cái câu rất hay mà mỗi chuyên gia của NHC Việt Nam hay những bậc làm cha mẹ từng từng đi học lớp phát triển bản thân, đặc biệt là lớp nuôi dạy con, đều thuộc lòng là: “Cây khô là bởi đất cằn. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.

Nếu con mình có vấn đề gì đó chưa ổn thì điều mình cần làm trước tiên là đặt ra câu hỏi “điều gì từ chính mình khiến con mình như vậy” và “mình có thể làm gì để cải thiện tình hình này”. Hãy bắt đầu từ hành động của mình trước. Đừng đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn hay ép buộc với các bạn trẻ.

Nhiều khi chúng ta thấy con ở trong phòng đóng kín cửa, chúng ta không kiểm soát được con làm gì, cảm thấy bất an và lo lắng, chúng ta hay bắt con ra ngoài phòng khách ngồi. “Đi ra khỏi phòng đi, đi ra ngoài này, đừng có ngồi trong đấy nữa”. Nhưng nếu con ra khỏi phòng ngồi ở phòng khách, mẹ có nói chuyện với con không, mẹ có thể chơi cùng con không, có thể chơi cùng con một ván cơ hay bàn luận về một chuyện gì đó mà bạn ấy thích không? Nếu chúng ta không thể làm bạn với con thì làm sao chúng ta có kết nối được với con. Mình là người sinh ra bạn ấy, đã có quá nhiều thời gian bỏ lỡ để đồng hành với các con rồi. Vậy bây giờ chúng ta phải làm cái gì để thay đổi chứ?

Chúng ta không muốn con cứ ở lì mãi trong phòng, vậy thì ra ngoài phòng khách con làm gì, chơi điện thoại nhiều mẹ cũng nói, vậy mẹ phải hướng dẫn con làm cái gì đó chứ? Mẹ bắt con vào bếp, cùng nấu ăn với mẹ. Con rửa rau mà bị bắn nước ra, mẹ sẽ càu nhàu mắng con. Con nhỡ may cầm cái bát bị vỡ, mẹ cũng càu nhàu. Câu chuyện ở đây là gì, mẹ có nhận ra không? Từ bé đến lớn, con không phải động vào bất cứ việc nhà nào, con chỉ suốt ngày đi học thôi, về nhà mẹ thương, mẹ làm hết rồi. Nhưng giờ mẹ thấy con ở trong phòng nhiều quá thì lôi con ra làm nhưng con chưa làm bao giờ thì con phải tập mới quen việc được chứ, đâu có ai làm tốt cái gì ngay từ đầu. Việc bạn 15-16 tuổi lần đầu học rửa bát sẽ không khác gì bạn 5-6 tuổi học rửa bát cả. Nên bạn ấy làm vỡ hay chưa sạch là chuyện bình thường.

Sau khi hiểu ra những vấn đề của gia đình mình, chị khách bắt đầu tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ vấn đề. Chị ấy bắt đầu hướng dẫn con làm những việc mà xưa nay chưa từng chị hướng dẫn. Con chị năm nay 17 tuổi rồi đấy nhưng phải hướng dẫn con rửa bát, rửa rau, nhặt rau, nhặt rau muống khác nhặt rau ngót… nghe có vẻ thấy nản. Nhưng chính những hành động này sẽ giúp hai mẹ con có thời gian ở bên nhau nhiều hơn, kết nối với con nhiều hơn. Nếu con làm chưa tốt thì lỗi là của mình bởi vì từ xưa đến nay, mình chưa bao giờ dạy con làm việc đó cả và bây giờ mình phải bù đắp cho bạn ấy. Nếu các bậc làm cha, làm mẹ dám thừa nhận những lỗi lầm, những thiếu sót của mình, nhận trách nhiệm về mình, cha mẹ vẫn có thể dạy con 17-18 tuổi, thậm chí là lớn hơn, nhặt rau mà vẫn vui vẻ với nhau. Còn nếu cha mẹ vẫn cứ ôm kỳ vọng, đòi hỏi trước, thì việc nhặt mớ rau hay làm bất kể điều gì cũng không thấy vui. Như vậy, chúng ta làm cái gì với tâm thế như thế nào lại hoàn toàn là trách nhiệm của chúng ta.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHA MẸ BƯỚC VÀO THẾ GIỚI CỦA CON

Hải Yến xin chia sẻ đến chị Thúy một câu chuyện nữa từ một ông bố có con cũng ở tầm tuổi dậy thì. Con không kết nối với cha mẹ, đến bữa cơm bố mẹ gọi con xuống ăn cũng không ăn. Con bảo “bố mẹ ăn trước đi, con còn giở việc, con học bài chưa xong”. Có rất nhiều lý do để con đưa ra và lý do liên quan đến học hành thì bố mẹ lúc nào cũng dễ dàng chấp nhận. Rồi bố mẹ ăn trước, con ăn sau. Sau một vài tuần, điều này trở thành thói quen và ông bố tự nhận ra là quá lâu rồi mình không ăn cơm với con. Con ở nhà thi thoảng đi ra đi vào lấy nước hay lấy cái gì đó để mình nhìn thấy nó, mình gặp nó thôi chứ quá lâu rồi con không nói chuyện gì với mình cả. Bố ở nhà, mẹ ở nhà, con ở nhà nhưng bố mẹ chả nói chuyện gì với con cả, con cũng không ăn cơm cùng mình.

Sau đó, ông bố bắt nó ra ăn cơm “không được, đến giờ ăn cơm là phải ra”. Và đây lại là một tình huống bắt ép con. Hải Yến và các chuyên gia tâm lý tại Trung tâm NHC Việt Nam được học về tâm lý con người. Chúng tôi đều hiểu rõ, con người chúng ta không thích bị bắt ép và chúng ta thường phản kháng lại điều đó. Bạn con phản kháng, “tại sao vài tuần trước bố đồng ý mà giờ bố lại bắt ép? Tại sao? Bố phải cho con lý do chứ? Vài tuần trước, bố là người cho phép mà sao giờ lại không?”. Con ra ăn cơm thì cúi gằm mặt xuống mâm cơm. Ông bố nhìn mặt thấy khó chịu và đập bàn, đập ghế mắng con, chửi con: “mày tự kỷ à, mày trầm cảm à”… Bố nổi nóng, con cũng nổi nóng và tạo thành mâu thuẫn lớn.

Khi ông bố đưa con tới Trung tâm, ông bố đã nói với chúng tôi những điều rất tiêu cực về con như thế này: “Trời ơi thằng kia nó vứt đi rồi. Nó ở nhà mà nó không có bao giờ giúp bố mẹ việc nhà, nó không đụng tay đụng chân vào việc gì cả. Nó vứt đi rồi. Nó suốt ngày ở trong phòng, nó trầm cảm, nó tự kỷ rồi”. Ông bố kết luận một cách rất hùng hồn như vậy.

Sau khi ông bố đến trung tâm và làm việc với Chuyên gia, ông bố bắt đầu nhận ra nhiều điều. Con của bố cũng từng có thời suốt ngày líu lo bên cạnh bố, cũng có lúc nói chuyện rất nhiều, ngồi ở trong lòng bố sờ râu, sờ tóc bố. Vậy điều gì dẫn tới ngày hôm nay?

Và tư tưởng của bố là con lớn rồi, đến tuổi này phải tự biết làm cái này, tự biết làm cái kia… là bố đã sai rồi? Chúng ta vẫn hay nghe ở đâu đó những câu nói rất quen thuộc như “lớn bằng mày bố/mẹ làm được cái này, cái kia rồi đấy…”. Nhưng đó là vì tuổi thơ bố có lao động, bố có làm việc và ông bà để cho bố làm. Bố được tạo điều kiện để làm hoặc là bố ở trong hoàn cảnh buộc phải làm nên bố biết. Nhưng con thì khác. Từ trước đến nay, bố có để cho con làm đâu, rồi đến lúc 18 tuổi, bố bắt con phải biết làm sao được.

Và con hình thành một số thói quen không tốt là do chính bố cho phép. Bố thấy nó không ổn nhưng bố là người làm cho hành vi, thói quen của bạn ấy được hình thành. Vậy nên, bố phải là người phải chịu trách nhiệm giúp bạn ấy sửa chữa.

Ông bố nhận ra mình đã đồng hành với con chưa đúng. Hải Yến nhấn mạnh là đồng hành các bạn nhé, không phải là dạy đâu, đồng hành mới đúng. Chính mình đã làm cho con tàu tuyệt vời đấy đâu đó nó đi lệch đường ray. Con của mình trước kia là một đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát như vậy. Nhưng mình là một trong những yếu tố cực lớn đã tác động đến và nhào nặn ra con của ngày hôm nay. Vậy nên, mình cần phải chịu trách nhiệm với con.

Làm thế nào để cha mẹ kết nối với con? Khi ông bố hiểu được mình cần chịu trách nhiệm với con, ông bố bắt đầu tự đưa ra các giải pháp, tìm cách kết nối. . Vì bố là người hiểu con của bố nhất chứ không phải các chuyên gia. Vậy làm thế nào để kết nối với con? Ông bố bắt đầu nghĩ đến những thứ mà con thích, cá tính của con là gì… Và ông bố hiểu mình phải là người chủ động, người bắt đầu cho sự kết nối trở lại. Bố cần phải là người bắt đầu để làm tan chảy cái tảng băng đó ra, để lấp đầy dần cái hố sâu ngăn cách giữa hai bố con. Bố phải là người mở cửa phòng của con và dắt con đi ra phòng khách chứ không phải ngồi ở phòng khách rồi gào lên bằng những công cụ, quyền lực của mình, bắt con mở cửa phòng và nặng nề bước ra phòng khách.

Ồ đúng, anh mới là người cần phải đứng lên gõ cửa để xin phép bạn ấy đồng ý cho mình bước vào căn phòng và chính mình cũng là người mở cánh cửa đó ra, rồi chính mình là người chìa bàn tay của mình ra để cho con tin tưởng, cho phép mình dắt con đi ra phòng khách chứ không phải ngồi 1 chỗ gào thét như anh đã làm”. Đây là chia sẻ thực tế của ông bố, một vị khách của Trung tâm NHC Việt Nam chứ không phải là lời của chuyên gia nói đâu ạ, Hải Yến chỉ tường thuật lại thôi.

Ông bố nhớ ra rằng, con của mình cũng thích vận động, thích bóng đá. Nên ông bố đã chủ động nói chuyện với con về bóng đá trước để lấy lòng tin từ con. Nếu ngay lập tức rủ con đi chơi, nó không chơi đâu vì nó chưa tin, nó chưa thích. Để nói chuyện được với con về bóng đá nhiều hơn, ông bố phải tự mình nghiên cứu về bóng đó, các cầu thủ, các thông tin nóng trong bóng đá bây giờ là gì? Xong rồi cùng chơi game bóng đá với con và dần dần, tiếp tục khơi lại những thứ có thể làm với con. Những cái này tưởng chừng rất nhỏ song nó lại có sức mạnh kết nối rất lớn.

Và anh khách hàng rất là thấm cái câu “con là khách quý”. Con cái là một món quà với chúng ta chứ không phải là một ai đó tới để bố mẹ đưa ra quá nhiều kỳ vọng, quá nhiều yêu cầu. Con là món quà, là khách quý đến với cuộc đời của chúng ta và nếu chúng ta đối đãi với bạn ấy thật như là một vị khách thì bạn ấy cũng chân quý điều đó và cởi mở trở lại.

Đó là 2 câu chuyện của chính những khách hàng đến với Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam mà Hải Yến muốn chia sẻ đến chị Thúy và các gia đình đang gặp hoàn cảnh tương tự. Mong rằng, nó sẽ giúp các vị phụ huynh tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho gia đình mình.

Nếu muốn cụ thể hơn hoặc nghĩ mai không thông, các bạn có thể gọi điện tới số hotline 096 589 8008 của Trung tâm để được bộ phận chăm sóc khách hàng hỗ trợ kết nối với chuyên gia và đặt lịch để được tham vấn với chuyên gia của Trung tâm.

Với tình hình dịch Covid như hiện nay, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đang thực hiện những buổi chia sẻ, chương trình tham vấn online, thậm chí là chương trình trị liệu giải tỏa tức thời online để giúp khách hàng có thể vượt qua những khủng hoảng về tâm lý, về tinh thần trong thời kỳ covid này.

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn Đặng Thúy!

Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Chìa khóa kết nối gia đình thời Covid” dưới đây.

Có thể bạn quan tâm: 

5/5 - (93 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *