Nguy cơ sang chấn tâm lý trong thời điểm dịch Covid (Vượt qua sang chấn tâm lý thời Covid phần 1)

Sang chấn tâm lý thời Covid là vấn đề mà bất kỳ ai trong số chúng ta đều có thể gặp phải. Có thể là những bạn học sinh, sinh viên đang đi học, những người đi làm hay thậm chí là các cô chú đã ở tuổi về hưu.

Dịch bệnh khiến công việc, học hành, kinh tế bị ảnh hưởng dẫn tới tâm lý không ổn định. Và chính những vấn đề tâm lý đó khi biến thành hành động có thể gây tổn thương cho người khác, qua đó gây thêm những bất ổn tâm lý cho cả hai.

Độc giả Minh Nguyễn (32 tuổi, Hồ Chí Minh) gửi câu hỏi đến chương trình:

Chào chuyên gia, chuyên gia có thể chia sẻ thêm về định nghĩa sang chấn tâm lý và cách nhận biết người bị mắc chứng đó không? Nguy cơ mắc sang chấn tâm lý trong thời điểm dịch có thể đến từ đâu? Nếu phát hiện ra người thân có biểu hiện như vậy thì nên làm gì?

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:

Thực ra sang chấn tâm lý là một hiện tượng, biểu hiện cho thấy tâm lý của chúng ta đâu đó có sự bất ổn, mất cân bằng về cảm xúc. Khi đó, chúng ta dễ trở thành những người nóng tính.

Chẳng hạn như trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra. Việc chúng ta quản trị cảm xúc của mình để có hành vi ứng xử, cách tương tác hài hòa, phù hợp với mọi người xung quanh, đặc biệt là môi trường gia đình, càng không dễ dàng. Bản thân không quản trị được cảm xúc và có thể dễ dàng bật lên những cảm xúc tiêu cực một cách thường xuyên. Kèm theo cảm xúc thiếu tích cực đó là những hành vi, lời nói, biểu hiện ra bên ngoài đâu đó chưa có sự phù hợp.

Ở đây, yếu tố cảm xúc là nguyên nhân tác động đến hành vi của chúng ta trước một sự kiện, vấn đề trong cuộc sống. Bởi vậy, việc chúng ta không quản trị được cảm xúc của mình là một điều chưa được tốt. Khi tâm lý thường xuyên bất ổn như vậy gọi là sang chấn tâm lý.

Sang chấn tâm lý được hình thành như thế nào?

Nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý hiện tại là từ những trải nghiệm trong quá khứ. Trong quá trình sinh ra và lớn lên, có thể chúng ta đã trải qua rất nhiều sự kiện, ký ức không được tích cực kèm theo đó là những cảm xúc không tích cực. Mỗi sự kiện, mỗi cảm xúc đó được dồn lại, tích tụ lại. Điều này giống như chúng ta có một chiếc cốc đựng những giọt cảm xúc tiêu cực và chúng ta sẽ nhỏ thêm vào đó một giọt nước mỗi khi trải qua sự kiện gây ra cảm xúc tiêu cực.

Lúc đầu, chiếc cốc rỗng. Khi chúng ta trải qua một vài sự kiện nho nhỏ trong đời khiến chúng ta có cảm xúc tiêu cực, khó chịu, chiếc cốc có thêm một giọt nước nhỏ. Chỉ có một giọt nước thôi nên hầu hết mọi người sẽ thấy không thành vấn đề và ba mẹ chúng ta cũng nghĩ vậy. Trong quá trình lớn lên, chúng ta có thể sẽ trải qua nhiều sự kiện, ký ức như vậy, những ký ức, trải nghiệm trong quá khứ mà khiến cho bạn có những cảm xúc tiêu cực hay những cái niềm tin giới hạn hoặc là mâu thuẫn nội tâm.

Và những giọt nước lại được đổ thêm vào khiến cho cốc dần dần nhiều nước lên. Và đến một lúc nào đó, chúng ta nhìn thấy rõ ràng tâm lý của mình hoặc tâm lý của một ai đó xung quanh mình có gì đó bất ổn nghĩa là lúc đó chiếc cốc đã đầy những giọt nước được tích tụ từ những cảm xúc, những trải nghiệm không được tốt. Và khi vấn đề tâm lý hoặc sang chấn tâm lý bị “nở rộ” thì cốc nước đã đầy và sắp tràn ly, thậm chí là đã tràn ly, và con người phải thừa nhận rằng mình đang gặp vấn đề tâm lý và cần có giải pháp sớm.

Họ có thể tự xử lý khi khả năng tâm lý, bản lĩnh của con người bên trong của họ đủ mạnh mẽ. Họ cũng có thể cần tới người thân xung quanh, những người trong gia đình, những người bạn thân hỗ trợ để vượt qua sự cố tâm lý hay những sang chấn tâm lý đó. Trong trường hợp không có những người thân bên cạnh đồng hành và mình cũng không tự vượt qua được, giải pháp tốt hơn là liên hệ với các chuyên gia tâm lý trị liệu. Đó là một giải pháp nhanh nhất, dễ dàng nhất để họ có cơ hội vượt qua những sang chấn tâm lý khi mà tâm lý của họ đang ở trạng thái giọt nước tràn ly.

sang chấn tâm lý

“Tổ kiến hổng thì sụt toang đê vỡ” – Tất cả những hành động, lời nói, cảm xúc của cha mẹ đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con

Người Việt Nam có câu rất quen thuộc là “tổ kiến hổng thì sụt toang đê vỡ”. Tức là con kiến nhỏ có thể khiến một chiếc đê vững chãi, đứng chắn bão, chắn lũ, bị sập. Bởi vì, những con kiến đến làm tổ, mỗi ngày một lớn dần lên. Khi tổ kiến càng lớn thì khiến cho đê càng bị rỗng bên trong, từng ngày từng ngày trở nên yếu dần và sập lúc nào không hay, mặc dù hình dáng đê vẫn như rất vững trãi. Vấn đề tâm lý của con người cũng vậy.

Trong thời kỳ Covid, những người bố, người mẹ đang ở nhà với con cần phải thực sự ý thức được vấn đề này. Ý thức được câu chuyện “tổ kiến hổng làm sụt toang đê vỡ”. Ý thức những thứ mà chúng ta gieo trồng với con mình trong từng khoảnh khắc, từng giây, từng phút, chứ không phải từng ngày, bằng từng lời nói, từng cử chỉ, từng ánh mắt… Từng thứ, từng thứ một có thể đều là con kiến đó.

Tất cả mọi hành động cư xử hàng ngày của phụ huynh đều có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của các con. Những điều chúng ta làm khiến con có những cảm xúc tiêu cực chính là một tác động, một giọt nước đổ vào chiếc cốc tiêu cực của con. Khi con của chúng ta còn nhỏ, cái cốc có thể còn đang rỗng. Nhưng nếu mỗi ngày chúng ta cứ đổ thêm vài giọt nước thì chiếc cốc rỗng cũng sẽ rất nhanh đầy. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải thốt lên “trời ơi, sao mà nó bướng thế? Nó hay cáu hay khóc…”. Con bắt đầu phát ra những ngôn từ không ổn, thích tìm tới những hành động mang lại cảm giác được giải tỏa tâm lý bên trong như quá quậy phá, hoặc có những hành vi không kiểm soát được. Bởi vì, con đã vô tình bị chính những người thân trong gia đình của mình, đặc biệt là bố mẹ, nhỏ những giọt nước vào cốc đó. Chính vì vậy, những người thân trong gia đình của con cần phải nhận lãnh trách nghiệm này.

Chúng ta cần phải cân bằng cảm xúc của chính mình và hỗ trợ những người lớn xung quanh như cha mẹ, anh chị em, vợ/chồng sống chung trong gia đình được giải tỏa tâm lý, được thư giãn. Có như vậy, những giọt nước mới không đổ thêm vào chiếc cốc của con nữa. Chúng ta cần tìm cách thả lỏng, chữa lành để những giọt nước trong cốc được bốc hơi một cách nhẹ nhàng. Khi chiếc cốc trở về trạng thái rỗng, tâm lý sẽ được ổn định.

Tóm lại, những bất ổn trong tâm lý hay sang chấn tâm lý có nguồn gốc từ những sự kiện rất xa trong quá khứ. Nó bắt nguồn từ những trải nghiệm khiến cho con người có những cảm xúc tiêu cực, niềm tin giới hạn, sự bối rối, mâu thuẫn nội tâm. Và khi nào chúng ta bắt đầu thực hiện một thói quen xấu nào đó (mà chúng ta đang có hiện nay), khi đó sang chấn tâm lý sẽ bắt đầu được khởi tạo.

Đến một lúc nào đó, cuộc đời chúng ta có nhiều áp lực, có nhiều vấn đề căng thẳng đến cùng một lúc, giống như dịch bệnh Covid bây giờ, chúng ta bị áp lực nhiều hơn mỗi ngày và khi đạt đến giới hạn chịu đựng của chúng ta, vấn đề tâm lý sẽ “bùng nổ” giống như một quả bom.

Nên làm gì khi người thân bị sang chấn tâm lý?

Khi người thân cảm thấy mình có vấn đề về tâm lý, có thể chúng ta sẽ đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Sau khi làm những bài test hoặc trải qua một cuộc nói chuyện, bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể kết luận rằng người thân đang mắc rối loạn lo âu, lưỡng cực, hưng cảm, rối loạn cảm xúc, trầm cảm… Khi đó, chúng ta cần phải làm gì?

Người đồng hành bình an

Nếu như người thân của bạn gặp vấn đề vấn đề về tâm lý, thậm chí là trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, mà bạn có thể đồng hành cùng họ một cách bình an thì những vấn đề tâm lý không phải là chuyện quá lớn.

Một người đồng hành bình an có thể giúp cho họ tháo gỡ vấn đề tâm lý. Sự cải thiện vấn đề của họ còn phụ thuộc vào khả năng đánh giá, nhìn nhận, đồng cảm và đồng hành của bạn ở mức độ nào? Ví dụ như Hải Yến có thể ngồi cà phê với bạn bè một cách thoải mái, vui vẻ trong khi con mình đang ngồi quậy phá, đá bóng ở bàn bên cạnh. Nhưng khả năng chịu đựng, cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người là khác nhau. Vậy nên, không phải mẹ nào cũng có thể bình an ngồi cà phê với bạn bè trong tình huống như vậy và cũng có thể có người bên cạnh mình không thể chịu được mà thốt lên rằng “Ôi, thật là khó chịu”.

Trong thời kỳ covid, chúng ta có thể phải ở nhà với nhau nhiều hơn trong một không gian hẹp, mỗi người đều có những điều chưa thoải mái, chưa quen. Và nếu như bạn không biết cân bằng cảm xúc mà bật lên những lời nói, hành động, cảm xúc thể hiện sự tiêu cực với người thân, ngay cả khi chúng ta chỉ thể hiện gián tiếp, bạn có thể trở thành nguyên nhân khiến họ tổn thương và sang chấn tâm lý hơn. Và khi vấn đề tâm lý của họ nặng hơn, bạn cũng có thể bị đẩy vào tình trạng không thể chịu đựng nổi gây ra sang chấn tâm lý ở chính mình.

Vì vậy hãy quan sát cảm xúc của chính mình và người thân để có những giải pháp phù hợp nhất, cách đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho người thân của mình. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc đọc sách, xem tài liệu để có thêm kiến thức giúp bạn đồng hành tốt hơn.

Nếu như bạn cảm thấy sốt ruột cho vấn đề của người thân hoặc không biết làm thế nào, không có đủ thời gian để học theo những hướng dẫn, phương pháp có trong sách, tài liệu, bạn có thể tham gia một chương trình huấn luyện đào tạo, hoặc gặp một chuyên gia tâm lý trị liệu.

Yêu thương vô điều kiện, bỏ qua những kỳ vọng và nhận trách nhiệm về mình

Chúng ta cần biết rằng là một người thân của mình có vấn đề về tâm lý thì chúng ta phải là người đầu tiên nhận trách nhiệm, hỗ trợ và đồng hành cùng họ. Dù bạn có kiếm ra rất nhiều tiền, dù bạn có trả tiền cho các chuyên gia tâm lý trị liệu để họ đồng hành cùng người thân thì hãy nhớ rằng bạn và những người thân trong gia đình mới là những người có thể và có trách nhiệm 100% với họ.

Hải Yến thường nói với các bậc phụ huynh rằng: “Gia đình làm nền tảng, nhà trường là bồi đắp, và xã hội bổ sung”. Vậy nên, các chuyên gia hay Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam có vai trò như nhà trường, là bồi đắp, còn phần nền tảng là từ phía gia đình giúp họ vượt qua sang chấn tâm lý.

chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến

Hãy yêu thương đúng cách, đặc biệt trong thời kỳ Covid như thế này, hãy giảm đi những kỳ vọng với họ. Hãy luôn mang ý niệm rằng người thân của mình vui và hạnh phúc là điều quan trọng đầu tiên. Những thành tích, những biểu hiện, những kỳ vọng về họ hãy đặt qua một bên. Điều này không chỉ giúp bạn giảm được những áp lực từ kỳ vọng mang tới mà còn giúp họ không bị những kỳ vọng đó làm căng thẳng, áp lực thêm.

Đây là một cái chìa khóa để có thể giải tỏa được sang chấn tâm lý. Nếu chúng ta, những người làm cha, làm mẹ, ông bà có thể giữ được ý niệm là mọi người càng vui càng tốt thì chúng ta sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời khi ở bên nhau mùa covid.

Có thể bạn quan tâm: 

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *