Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim: Khơi dậy tiềm năng con người

Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim, khơi dậy tiềm năng con người là nhận diện, thay đổi và kiến tạo niềm tin mới về chính mình. 

Trong những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến định nghĩa “tiềm năng con người” và các phương pháp để khơi dậy, phát triển khả năng tiềm ẩn của con người. Có rất nhiều quan điểm, phương pháp khác nhau xung quanh về chủ đề này.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim.

Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý trị liệu, đã từng hỗ trợ nhiều khách hàng cải thiện các vấn đề tâm lý và giúp họ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim đã chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này.

Tiềm năng con người là gì?

Tiềm năng con người giống như khoáng sản nằm sâu trong lòng đất, chúng ta có thể không nhìn thấy nó nhưng nó có sẵn trong lòng đất. Nếu được khai thác và chế biến, nó sẽ trở thành sản phẩm có giá trị.

Vậy tiềm năng con người là gì?

Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim cho biết: “Tiềm là tiềm ẩn sâu bên trong. Năng là năng lực, tài năng. Tiềm năng của con người là năng lực, tài năng tiềm ẩn bên trong con người. Đó chính là những thế mạnh có sẵn trong con người nhưng bản thân mình chưa biết đến, không nhìn thấy hoặc không biết là có”.

Vậy làm thế nào để chúng ta khơi dậy khả năng tiềm ẩn của bản thân để sống hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống?

Theo chuyên gia Lương Bách Kim, để khơi dậy tiềm năng thì mình phải biết giá trị bản thân đến từ đâu và giá trị của mình đang ở đâu.

Việc khơi dậy tiềm năng con người giống như việc chúng ta nhìn thấy được giá trị và tiềm năng của một tờ tiền, 500k chẳng hạn. Dù nó có bị vò nát, bị dẫm bẩn hay bị xé làm đôi thì nó vẫn có giá trị 500 nghìn đồng. Và nếu như chúng ta biết dùng nó để đầu tư, học hỏi thì nó có thể không chỉ là 500 nghìn giá trị ban đầu nữa, nó có thể mang lại giá trị nhiều hơn thế gấp nhiều lần. Và thực tế có rất nhiều người đã làm được như vậy.

Giá trị bản thân được quyết định bởi yếu tố nào?

Dưới góc nhìn của một nhà trị liệu tâm lý, chuyên gia Lương Bách Kim cho rằng giá trị bản thân được kiến tạo từ những niềm tin và niềm tin xuất phát từ những suy nghĩ (thường xuyên) của mình.

Chẳng hạn như bạn thường nghĩ mình là một người nhanh nhẹn hay một người chậm chạp. Bạn tin rằng chậm chạp thì tốt hay nhanh nhẹn thì tốt. Bạn nghĩ rằng bạn có thể làm gì, không thể làm gì?

Chuyên gia Lương Bách Kim chia sẻ: “Tôi đã từng đồng hành với rất nhiều khách hàng mà họ có niềm tin sâu sắc rằng mình không đủ giỏi, mình không đủ tốt, mình là kẻ vô dụng, không đáng được hưởng những thành quả tốt đẹp trong cuộc sống”.

Những niềm tin ấy xuất phát từ những sự kiện trọng đại trong quá khứ. Có thể họ đã từng nghe chính người thân trong gia đình nói những câu như “ngu lắm”, “ăn gì mà dốt vậy”, “đồ ăn hại”, “không được tích sự gì”… Những câu nói kiểu như vậy đã đánh giá khả năng, giá trị của con người. Bởi vậy, nếu những câu nói đó được nói đi, nói lại nhiều lần, đặc biệt là từ những người thân, thì dần dần nó sẽ ăn sâu vào trong tâm trí trẻ và khiến trẻ có những niềm tin không tốt về bản thân mình.

Khi cáu giận, cha mẹ có xu hướng sử dụng những ngôn từ không tích cực nhiều hơn với con.

Có thể lúc đầu trẻ không hề tin vào những điều đó nhưng dần dần trẻ nhận được rất nhiều lời nói như vậy, trẻ tự soi chiếu mình với người khác (qua những lời so sánh của mọi người) và trẻ bắt đầu nhận thấy rằng hình như mọi người nói đúng. Và bên trong trẻ bắt đầu hình thành những suy nghĩ không tích cực, khi suy nghĩ trở thành lối mòn thì hình thành nên niềm tin.

Những niềm tin không tích cực đó còn được gọi là niềm tin giới hạn, giới hạn khả năng của con người, giới hạn khả năng thấy tiềm năng của chính mình và người khác. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Bởi vậy, giá trị của bản thân được tập hợp từ những niềm tin của chính bạn về bạn, có thể niềm tin đó được tác động từ bên ngoài nhưng hiện tại bạn đã tin vào nó. Và niềm tin được xây dựng từ những suy nghĩ hàng ngày của bạn. Việc tìm kiếm giá trị của bản thân sẽ bắt đầu từ việc nhận diện suy nghĩ, niềm tin về chính mình và có sự điều chỉnh phù hợp.

Nếu bạn nói rằng, bạn luôn nghĩ tốt về bản thân, bạn không thấy bản thân có vấn đề gì cả, vậy thì bạn có thể quan sát góc nhìn của mình về người khác. Những người hay phán xét, so sánh người khác thường cũng sẽ phán xét, so sánh bản thân ở một vài điều nào đó. Nếu ai đó hay đánh giá người khác bằng câu kiểu như “trông có vẻ như là không học giỏi đâu, không nhanh nhẹn đâu” thì chúng ta cũng đang giới hạn tiềm năng của chính mình.

Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng con người?

Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim cho biết chìa khóa đơn giản và ngắn gọn để khơi dậy tiềm năng con người là nhận diện những niềm tin giới hạn, niềm tin không phù hợp và thay đổi niềm tin đó hoặc kiến tạo niềm tin mới tích cực, tương hỗ hơn.

Nhận diện niềm tin

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần nhận diện niềm tin của bản thân mình. Điều này có thể là chưa dễ dàng với những ai thường hướng bản thân ra thế giới bên ngoài nhiều hơn là chăm sóc thế giới nội tâm bên trong của mình. Hoặc đôi khi chúng ta nhận ra nhưng lại không chấp nhận được đó là niềm tin của mình, không chấp nhận được thực tại.

Con người không có ai hoàn hảo cả. Nếu bạn chấp nhận được sự không hoàn hảo của chính mình thì bạn sẽ yêu thương bản thân mình, phát triển bản thân tốt hơn.

Một trong những giải pháp hữu hiệu để chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim giúp khách hàng nhận diện ra niềm tin của họ chính là câu hỏi khai vấn.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim hiện đang làm việc tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Dưới sự đồng hành của chuyên gia, câu hỏi khai vấn sẽ giúp khách hàng tự nhận diện được các vấn đề thực sự của họ là gì, nó đến từ đâu, nguyên nhân là gì, điều mà thực sự mong cầu ẩn dưới vấn đề của họ là gì và và cần phải làm gì.

Điều này giúp khách hàng tự nhận diện, tự cải thiện, phát triển bản thân chứ không phải áp đặt bản thân theo lời khuyên của bất kỳ ai, tất nhiên chuyên gia sẽ là người cung cấp kiến thức, đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ để khách hàng đạt được điều mà họ mong muốn.

Tuy nhiên, nếu bạn không có sự đồng hành của chuyên gia, bạn vẫn có thể tự trò chuyện chính mình thông qua một số câu hỏi dưới đây để nhận diện niềm tin về bản thân:

  • Bạn thấy mình là người như thế nào? Bạn cảm nhận gì về con người chính mình?

Hãy cho phép bản thân được quan sát suy nghĩ, cảm xúc của mình, nhìn sâu vào trong tâm trí mình để cảm nhận con người ở hiện tại.

  • Ngày hôm nay bạn như thế nào? Hiện tại bạn như thế nào? Ngày hôm qua bạn ra sao? Điều gì đã khiến bạn có những cảm xúc, suy nghĩ như vậy?

Khi chúng ta biết được chúng ta đang như thế nào, chúng ta sẽ biết được chúng ta đang ở đâu? Hãy cho phép bản thân được nhìn lại những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống của mình, nhìn lại xem chúng ta đang như thế nào trong cuộc sống mà chúng ta đang có.

  • Có điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn, bạn cảm nhận về những thứ xung quanh như thế nào, cách mà bạn đang đối diện với cuộc sống như thế nào?

Cách bạn nhìn thế giới bên ngoài phản ánh về con người của chính bạn. Nếu bạn trong bạn thực sự vui vẻ thì bên ngoài sẽ thể hiện nó một cách rất tự nhiên. Có những người bên ngoài có vẻ rất vui nhưng chúng ta không thể biết được bên trong họ đang phải đối diện với những vấn đề gì, đang phải nỗ lực như thế nào.

Không ai hiểu mình bằng chính mình. Không ai có thể nhìn thấy người khác nhiều hơn chính mình nhận diện về mình. Đừng đợi người khác nhận xét về bản thân mình. Hãy cứ viết lại những suy nghĩ của mình, lắng nghe chính mình và nhận diện con người của mình.

  • Bạn có niềm tin gì về bản thân? Có ai đó nói gì về bạn mà bạn lại nhận luôn niềm tin đó là chính mình hay bạn cho phép bản thân tin vào điều đó không?
  • Có câu nói nào mà nó đi theo suốt lộ trình cuộc đời của bạn không?
  • Bạn trong niềm tin đó như thế nào? Niềm tin đó giúp gì được cho bạn? Với niềm tin mà mình có, mình thấy tích cực hay không tích cực? Niềm tin đó có ảnh hưởng như thế nào với đời sống của bạn? Điều gì là tốt, điều gì là không tốt?

Niềm tin không có sai, không có đúng. Niềm tin luôn có 2 mặt: Tích cực và không tích cực. Quan trọng là chúng ta đang nhìn vào mặt nào của niềm tin. 

Khi chúng ta nhận diện được đó là niềm tin tích cực thì hãy tiếp tục với niềm tin đó. Khi chúng ta có niềm tin chưa tích cực, chúng ta có thể lựa chọn chuyển đổi nó để thay đổi bản thân hoặc cứ giữ niềm tin đó nếu bạn không muốn thay đổi. Không ai có thể ép bạn lựa chọn. Hãy tìm ra mặt lợi ích của niềm tin đó.

Thay đổi niềm tin

Niềm tin là một cái gì đó rất vô hình nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến thành công và hạnh phúc của con người. Chẳng hạn như ai đó nghĩ rằng mình không thể bơi hay không thể leo núi, hoặc có những người từng có niềm tin rằng mình chỉ có thể làm được những việc chân tay thôi, không làm được công việc văn phòng. Chính những điều đó đã giới hạn khả năng, năng lực của con người, giới hạn sự phát triển cá nhân.

Nhưng khi bạn ra quyết định thay đổi hoặc kiến tạo cho mình một niềm tin mới, chẳng hạn như bạn tin rằng bạn có thể bơi giỏi nếu bạn chăm chỉ luyện tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên hay bạn nghĩ rằng mình có thể làm học tập và trở thành một giáo viên giỏi, khi đó cơ thể bạn sẽ phản ứng theo một cách khác.

Những nỗi sợ cản trở bạn từ niềm tin cũ dần dần nhỏ đi, bạn bắt đầu có suy nghĩ, cảm xúc, hành vi mới theo hướng tích cực và tương hỗ cho niềm tin mới. Có thể bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng mình đang bơi trong làn nước trong xanh, cảm giác thú vị như thế nào, hoặc tìm cho mình một, hai bộ đồ bơi và dành dụm một khoản tiền để thuê huấn luyện viên dạy bơi cho bạn.

Hay có rất nhiều khách hàng sau khi tham dự chương trình leo của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, nơi chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim công tác, đã thay đổi niềm tin về khả năng của bản thân sau hành trình leo núi.

Lúc đầu họ từng nghĩ rằng họ sẽ bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí là họ muốn dừng việc leo núi ngay từ dưới chân núi. Họ có những tiếng nói nhỏ bên trong rằng mình không làm được đâu, có thể có nhiều nguy hiểm đó… hay cơ thể họ có phản ứng như ớn lạnh, cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn… Nhưng khi họ được chuyên gia hướng dẫn thực hiện một số phương pháp lấy năng lượng và thay đổi suy nghĩ, niềm tin thì họ đã hoàn thành mục tiêu leo núi một cách tuyệt vời.

“Bất kỳ niềm tin nào mà chúng ta đang đối diện cũng đều có mặt tốt và mặt xấu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo và điều chỉnh nó để tốt hơn”, chuyên gia Lương Bách Kim chia sẻ.

Vậy nếu bạn đã nhận diện được những niềm tin không tích cực, không tương hỗ, giới hạn khả năng của bản thân mình và bạn đã sẵn sàng thay đổi, bạn có thể làm theo gợi ý sau:

Sử dụng một tờ giấy chia làm 2 cột, cột bên trái viết những niềm tin không phù hợp mà bạn đang muốn thay đổi, cột bên phải viết những niềm tin mới. Niềm tin mới sẽ được viết bằng câu khẳng định, sử dụng ngôn từ tích cực và hướng tới những điều bạn mong muốn, những điều tốt đẹp.

Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về niềm tin cũ, ngay lập tức hãy thay đổi suy nghĩ đó, câu nói đó bằng cách đọc niềm tin mới tương ứng. Trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, bạn hãy đọc bảng niềm tin mới ít nhất 5-7 lần trong vòng ít nhất 3 tháng để thay đổi niềm tin cũ và kiến tạo niềm tin mới.

Tốt hơn nữa, bạn nên rèn luyện cho mình cách sử dụng ngôn từ hướng tới và tích cực trong giao tiếp hàng ngày. Bởi niềm tin được hình thành từ suy nghĩ của bạn, bạn nghĩ thế nào thì cuộc sống của bạn như thế đó. Một suy nghĩ có thể làm thay đổi cả một cuộc đời. Bởi vậy, hãy nuôi dưỡng ngôn từ tích cực trong suy nghĩ, lời nói hàng ngày của bạn để tạo ra những niềm tin mới tích cực và tương hỗ cho bạn nhé.

Tuy nhiên, nếu bạn có những tổn thương tâm lý sâu sắc trong thời thơ ấu, có thể bạn không dễ dàng để thay đổi niềm tin về bản thân, khi đó bạn có thể đồng hành cùng chuyên gia tâm lý trị liệu để được hỗ trợ nhanh chóng và tốt hơn.

Tóm lại, dù niềm tin của chúng ta là tích cực hay tiêu cực thì chúng ta có thể nhận diện, điều chỉnh và kiến tạo mới. Sự kiến tạo đó bắt đầu từ trong suy nghĩ của bạn, trong thế giới quan của bạn, trong tâm trí của bạn. Sau đó, chúng ta mới có thể thể hiện ra bên ngoài. Nếu như chúng ta không tự nhận diện được tiềm năng của chính mình thì rất có thể chúng ta sẽ tin vào những gì người khác nói về chúng ta thay vì chính mình.

Đừng để cho thế giới này bảo bạn là người thế nào, hãy để cho thế giới biết bạn là ai. Và dù bạn là ai, bạn cũng đều có cơ hội chào đón ngày mới, cơ hội để học hỏi, thay đổi và phát triển.

Nếu bạn cần chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim hỗ trợ thêm, bạn có thể liên hệ Hotline: 096 589 8008 hoặc để lại tin nhắn tại đây.

Có thể bạn quan tâm: 

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *