Con ở nhà thời covid, học gì, chơi gì cho vui và bổ ích?

4.9/5 - (66 bình chọn)

Trong thời gian có dịch bệnh hoặc nghỉ hè, các bạn học sinh và mầm non được ở nhà. Có rất nhiều vấn đề phát sinh khiến chúng ta cảm thấy đau đầu, không biết xử lý thế nào: Các con nghịch ngợm, làm nhà bừa bộn, ồn ào, phải làm thế nào? Không biết nên cho con chơi gì, học gì để vừa bổ ích lại vui? Rèn con học như thế nào? Mời các bạn cùng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến nhé.

Độc giả Đặng Mai Chi (33 tuổi, Hà Nội) gửi câu hỏi đến chương trình:

Chào chuyên gia, em có 2 bé học cấp 1 phải nghỉ dịch ở nhà. Em cũng được cho làm việc tại nhà nên cũng có thời gian chăm các con. Em thấy đây là một cơ hội rất tốt để gần gũi các con. Nhưng ngoài việc kèm học, vừa học vừa chơi thì cũng không biết làm gì tiếp theo vì nghỉ dịch thì các hoạt động ngoại khóa hoạt động thể thao cũng phải dừng lại, dù có sân chơi chung ở chung cư khá rộng rãi, thoáng mát nhưng em cũng hạn chế không cho ra ngoài, ở nhà phòng dịch. Nhưng em thấy các con ở nhà cả ngày cũng thừa năng lượng nên lúc thì nghịch ngợm, bừa bộn rồi bị mắng ngồi một chỗ nhìn ủ rũ cũng thương rồi không biết phải làm sao?

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến

Cảm ơn câu hỏi của bạn! Hải Yến cũng có 2 bạn nhỏ trong độ tuổi cấp 1. Bạn thứ hai là con trai đang học lớp 2. Bạn ấy khá là nghịch ngợm, Hải Yến hay nói vui là “tăng động”, tức là bạn bé không ngồi yên một chỗ. Và vợ chồng Hải Yến phải chấp nhận bản thể của bạn ấy và cho phép bạn ấy nhảy nhót, cho phép bạn ấy bừa bộn một chút.

Bạn nhỏ nhà Hải Yến rất thích bóng đá nên lúc nào chân bạn ấy cũng dính quả bóng. Ngay cả khi bạn ấy tráng bát, bạn ấy cũng đã quả bóng vào theo trong bếp. Và trong khi đang tráng bát lại đưa chân hẩy quả bóng một cái cho đỡ ngứa chân mới chịu. Bạn ấy dùng cả cái giỏ để đựng đồ giặt của cả nhà để chơi đá bóng. Dùng nó làm đích để ném bóng, đá bóng vào đó. Trước khi sáng tạo ra cái giỏ để chơi như thế, bạn ấy còn dùng ảnh treo tường của bố mẹ để làm đích để nhắm đá bóng.

– Mẹ hỏi: “Con ơi, con đá bóng mà con cứ làm thế nào mà đá khung ảnh của mẹ thế”.
– Bạn bé trả lời: “Con cố tình đá vào mà. Cầu thủ đá phải có gôn, đá bóng phải có đích chứ, nên con nhắm vào nó mà”.
– Bố nghe nói thế cũng bảo: “Thế thì siêu, nhắm mà nó trúng thì siêu rồi còn gì nữa”.

Gia đình Hải Yến đã mất không ít thời gian để bảo được bạn ấy là chuyển sang một cái đích khác. Thế cái giỏ để quần áo của mình là được bạn ấy trưng dụng để chơi đá bóng. Thỉnh thoảng bạn ấy còn nhào lộn trên ghế, trên giường, thậm chí là mang cả bóng lên trên giường của mẹ để đá.

– Mẹ: “Sao con lại đá trên giường của mẹ”.
– Bạn bé: “Giường của mẹ êm, chẳng may con trượt ngã nó lại không đau mà giường của mẹ lại rộng hơn giường của con, nên là con ném bóng, con đá bóng trên giường của mẹ sướng hơn”.

Nếu chúng ta cấm con tất cả những hoạt động mà con thích thì nó sẽ rất là tù túng. Và bạn Mai Chi cũng nhìn thấy những điều đó ở con bạn mà, nên mẹ phải chấp nhận thôi, mẹ chấp nhận được bao nhiêu thì con sẽ thoải mái bấy nhiêu. Vậy nên, mình đôi khi phải chấp nhận những điều đó và mình cũng có những điều kiện với các bạn ấy.

“OK, khung giờ này là giờ của con, con làm cái này, làm cái kia mẹ chấp nhận, nhưng con phải giữ gìn cho mẹ khung ảnh của mẹ, cốc chén của mẹ này…”. Và bây giờ là khung ảnh bạn ấy cũng giữ gìn cho Hải Yến rồi. Điều quan trọng là chúng ta phải cùng ngồi lại với nhau và tạo ra những nguyên tắc chung.

Xem thêm: 5 Nguyên tắc tạo nếp sống mới trong gia đình

Ví dụ: Giờ này là giờ cả nhà cùng dọn nhà chẳng hạn. Cho nên cứ đến giờ này là cả nhà cùng dọn nhà và cái gì con bày thì con nên ưu tiên dọn trước. Thứ nhất là ai bày người ấy dọn. Thứ 2 là mình bày ra khu vực riêng của người khác thì mình phải ưu tiên dọn chỗ đó trước. Vậy nên, cứ cái gì con bày là con phải dọn và con bày chỗ của mẹ là con phải ưu tiên dọn chỗ của mẹ dọn trước, bởi vì đó là không gian riêng của mẹ, rồi sau mới dọn đến chỗ của con.

Như vậy, mình đã tạo ra một quy tắc cho tất cả các thành viên trong gia đình, cứ đến giờ đó là các bạn nhỏ và bố mẹ phải dọn nhà. Và chuyện các bạn ấy bừa bộn cũng trở nên thoải mái, dễ dàng hơn.

Hiện tại, các bạn ấy ở nhà rất nhiều, các bạn ấy không thích tham gia vào các chương trình học hè. Hải Yến đã đề nghị các bạn ấy học một môn, môn này vừa học vừa chơi được, là học tiếng anh. Hải Yến có một cuốn sách từ vựng, mỗi từ vựng sẽ có một hình ảnh minh họa. Yêu cầu của Hải Yến là hai chị em mỗi ngày học 15 từ vựng tiếng anh, không cần thuộc (nói là không cần thuộc để các bạn ấy thoải mái học hành, nhưng một cách vô thức các bạn ấy sẽ tự thuộc). Với mỗi từ, dùng điện thoại tra từ xem họ đọc thế nào nghe và đọc theo 21 lần. Tiếp theo đọc 21 lần nữa mà không cần nghe. Đọc xong rồi viết, viết xong thì vẽ. Vẽ bằng tay phải, rồi vẽ bằng tay trái nữa, không cần đẹp, chỉ cần mô phỏng lại hình ảnh thôi.

trẻ học tiếng anh

Nghỉ hè, nghỉ dịch bệnh, trẻ học gì, chơi gì cho vui và bổ ích?

Tất nhiên là lúc đầu các bạn ấy thực hiện cũng chưa hề dễ chút nào, ngày được 3 từ, ngày được 5 từ, dần dần lên 10 từ nhưng rất lâu sau mới lên đến 15 từ. Để bạn em đạt được 15 từ, Hải Yến phải giao nhiệm vụ cho bạn chị kèm cặp bạn em, vì bạn chị học nhanh và trách nhiệm hơn. Khi mà các bạn ấy chưa hoàn thành được nhiệm vụ 15 từ thì cho bạn ấy một cái thời hạn nhất định. Đến ngày cuối cùng nếu chưa hoàn thành sẽ bị phạt. Và các bạn cũng phải đưa ra thời gian phải hoàn thành việc học trong ngày là lúc nào. Nếu không thực hiện đầy đủ sẽ bị phạt như thế nào? Tất nhiên, trước khi áp dụng thưởng phạt, mình phải thỏa thuận với các bạn ấy trước. Ví dụ, nếu không hoàn thành, mẹ sẽ cắt thời gian xem điện thoại tự do trong ngày của cả hai bạn, ở nhà Hải Yến, thời gian này là 45 phút mỗi ngày. Như vậy, chị hay em không hoàn thành thì cả 2 chị em cũng không được xem. Vì thế mà các bạn ấy sẽ có trách nhiệm bảo ban nhau học hành hơn.

Việc đưa ra bất cứ quy tắc gì cũng cần phải dựa trên sự phù hợp với gia đình mình, sự phù hợp với tính cách, bản thể của các bạn trẻ con và mọi thỏa thuận đều cần được thông qua các bạn nhỏ. Hải Yến tin rằng, cách tốt nhất để tương tác với các bạn nhỏ hiệu quả là chúng ta phải suy nghĩ mọi việc một cách tích cực và thiện chí, chúng ta chú tâm vào việc tu sửa bản thân và chịu trách nhiệm với mọi chuyện mà mình đưa ra. Như vậy, chúng ta sẽ dần dần tìm được ra phương án phù hợp với gia đình của mình. Hãy biết chấp nhận. Nếu chúng ta cứ yêu cầu sự ý thức quá, kỷ luật quá, hoàn thiện quá từ các bạn nhỏ trong khi bản thân cũng chưa làm gương tốt, chưa chịu trách nhiệm tốt thì nó có thể đánh mất niềm tin với cha mẹ ở trẻ.

Giống như câu chuyện của một khách hàng mà Hải Yến đã chia sẻ. Bố mẹ cứ cấm con xem điện thoại, cấm con xem tivi nhưng bố mẹ lại là người sử dụng nhiều nhất, đắm chìm trong những bộ phim. Chính điều đó làm các con tò mò và thích xem hơn. Các bạn nhỏ tầm 9-10 tuổi thích xem phim lắm, vì các nhân vật trong phim họ tạo ra rất cuốn hút, nó làm chúng ta cứ muốn xem cho hết, xem kết cục nó thế nào. Nhà Hải Yến, các bộ phim người lớn thì Hải Yến sẽ giải thích với các con, đó là phim họ sản xuất cho người lớn xem, các con chưa đủ tuổi. Vợ chồng Hải Yến cũng không xem tivi bao giờ. Nhưng khi cho con về nhà với ông bà, ông bà xem thì chúng ta phải chấp nhận. Bởi đó là cái thứ giải trí của ông bà, ông bà cũng không có việc gì làm khác cả. Nhưng khi về nhà mình, mọi thứ lại trở về quy củ như bình thường và các bạn ấy chấp nhận điều đó một cách rất tự nhiên và không khó chịu, không bực bội, không mè nheo gì cả.

Trẻ chơi điện thoại

Vợ chồng Hải Yến không xem tivi nhưng lại dùng nhiều điện thoại, vì công việc mà. Nên Hải yến cho phép các bạn ấy được sử dụng điện thoại tự do mỗi ngày 45 phút. Và ông xã Hải Yến rành về công nghệ nên sẽ đảm nhận nhiệm vụ quản lý xem các con xem cái gì? Đó là điều cần thiết, chúng ta phải xem lại lịch sử của con xem, xem có gì đó không phù hợp, cái gì đó không ổn, ảnh hưởng đến đạo đức, tâm trí của con, chúng ta cần ngồi lại nói chuyện với con, cho con hiểu được vì sao nó không tốt để con dừng việc đó lại.

Và các bạn nhỏ nhà Hải Yến cũng không phải lúc nào cũng xem 45 phút đâu, có những ngày kiểm tra, xem đến vài tiếng cơ. Vợ chồng Hải Yến cũng phải thay nhau nói chuyện với con. Lúc nhẹ nhàng, mềm mỏng, lúc thì cứng rắn. Khi nói chuyện đủ rồi thì sẽ đưa ra quy định. Quy định là cần thiết.

Vậy nên, chúng ta luôn luôn phải có quan sát, tương tác với nhau để thấy cần phải điều chỉnh cái gì. Vì tình huống Covid là rất mới, trước giờ chưa có nên chúng ta phải điều chỉnh và cũng phải cần có thời gian thích nghi dần dần. Điều quan trọng là chủ đích mong muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn để chúng ta xây dựng một gia đình yên ổn hơn, hòa hợp hơn, thiện chí, tôn trọng tất cả các thành viên. Như vậy, dần dần chúng ta sẽ tìm ra tiếng nói, giải pháp chung.

Chúng ta cũng cần biết yêu thương hơn, biết tha thứ một cách dễ dàng hơn, biết chấp nhận những thành viên khác theo con người bản thể của họ hơn. Con mình nó bày, nó nghịch, thích vận động đôi khi nó là bản năng, bản thể tự nhiên của con người. Nếu như mình sinh ra các bạn trẻ như vậy và để cho bản năng ấy nó phát triển thì mình cũng là người có trách nhiệm. Đừng quá vội để mà uốn một cái cây bị cong như thế nó dễ bị gãy. Chúng ta phải rất từ từ và xuất phát từ trách nhiệm của mình là đồng hành. Không chỉ là dạy dỗ không mà là đồng hành, có dạy dỗ linh hoạt, có uốn nắn, có cứng rắn, có cái mềm mại, có nguyên tắc cố định song cũng có điều mình phải lùi bước để đạt được cái mong muốn, mục tiêu lâu dài để mình đạt được mục tiêu xây dựng gia đình, giúp đỡ, đồng hành các con.

Đó cũng là cách để chúng ta quan sát con mình tốt hơn trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta phải ở nhà nhiều như thế này. Và các bé năng động thường là thông minh nên chúng ta có thể tổ chức nhiều trò chơi cho các bạn ấy hoặc cho cả gia đình. Đơn giản, chúng ta lên mạng search hoặc sáng tạo ra trò chơi phù hợp. Ví dụ, các trò chơi cờ kích thích sự tư duy của các bạn nhỏ rất tốt như cờ vua, cờ tướng, cờ caro… hoặc sử dụng một số app tiếng anh, cho con nghe các bài hát phù hợp.

Chúng ta có thể tận dụng tất cả mọi thứ và chia khung giờ ra. Bố mẹ ngồi lại quan sát nhịp sinh học của các con, giờ sinh hoạt của các con và làm thế nào đấy để tạo cho các con các khung giờ sinh hoạt, để các con nhìn và thực hiện theo. Khi mình đã ghi ra rồi thì bố mẹ cũng không cần thiết phải để tâm từng giây từng phút mà thỉnh thoảng nhắc các con “giờ nào việc nấy con nhé”. Như thế, các con sẽ tự nhìn vào khung giờ để thực hiện, chúng ta phải nhắc nhở các bạn ấy, và đương nhiên mình cũng là người “giờ nào việc nấy khi ở nhà”.

Nếu mình không làm được thì mình không nên bắt các con. Bởi vì, vô thức của các con sẽ tự nhìn nhận và đánh giá. Và nếu mình nói nhưng mình không làm thì tự mình đã làm mất đi niềm tin của các con. Càng lớn các con sẽ càng thể hiện rõ ràng, các con không có nể, ko có phục, không trọng thông tin mà chúng ta đưa ra. Vì vậy, chúng ta đưa ra điều gì thì hãy làm gương cho con trước tiên đã.

Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Chìa khóa kết nối gia đình thời Covid” dưới đây.

https://www.youtube.com/watch?v=bxBfoWg8xow

Có thể bạn quan tâm: 

Làm thế nào để không nghiện game khi ở nhà thời covid

Giáo dục giới tính cho con như thế nào và khi nào nên bắt đầu?

4.9/5 - (66 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *