10 điều con mong muốn nhất ở bố mẹ, nghe để hiểu con trẻ

Có nhiều điều con cái mong muốn ở bố mẹ nhưng không dám bày tỏ. Người lớn cũng không chủ động lắng nghe để thấu hiểu trẻ. Những yếu tố này khiến các bậc phụ huynh và con cái dần trở nên xa cách, gây ra nhiều mâu thuẫn không đáng có.

Vì sao con cái và bố mẹ không thấu hiểu nhau?

Sự khác biệt thế hệ, khác biệt trong quan điểm, kinh nghiệm sống tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Những lý do này khiến đôi bên không thấu hiểu được suy nghĩ và hành vi của nhau.

điều con mong muốn nhất ở bố mẹ
Bố mẹ và con cái không thấu hiểu nhau do khác biệt tư tưởng thế hệ

Thế hệ của bố mẹ có hoàn cảnh xã hội, văn hóa, kinh tế khác biệt so với thế hệ con cái. Nó tạo nên khoảng cách về suy nghĩ và cách tiếp cận cuộc sống của đôi bên. Người lớn dựa trên kinh nghiệm của bản thân để hình thành quan điểm và cách giáo dục. Nhưng chúng lại không phù hợp với con cái. Thực tế, có nhiều phụ huynh có tư tưởng tiến bộ nhưng phần lớn vẫn giữ một số tư tưởng cố hữu xung đột với tư tưởng hiện đại.

Mặt khác, con cái trong giai đoạn thanh thiếu niên luôn muốn trở nên độc lập nên có quan điểm và sở thích riêng biệt, nhưng luôn vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Dưới góc nhìn của bố mẹ, hành vi và suy nghĩ của trẻ nguy hiểm, không phù hợp. Chính điều này làm con thấy người lớn không thấu hiểu, không tôn trọng quan điểm của mình.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tạo ra rào cản. Con cái tiếp xúc và hòa nhập với công nghệ nhanh chóng hơn so với bố mẹ. Điều này khiến việc giao tiếp và tiếp nhận thông tin của đôi bên có sự chênh lệch.

10 điều con mong muốn nhất ở bố mẹ

Những điều con cái mong muốn ở bố mẹ khi không được bày tỏ sẽ tạo nên bức tường vô hình, ngăn cản sự hiểu biết và gắn kết của 2 bên. Do đó, việc tìm hiểu những mong mỏi và suy nghĩ của trẻ là vô cùng quan trọng.

1. Lắng nghe và thấu hiểu

Cuộc sống ngày càng phức tạp, ngày càng áp lực khiến trẻ có nhiều điều hoang mang muốn chia sẻ. Tuy nhiên con lo sợ điều mình nói ra sẽ không được lắng nghe, sợ bị la mắng, ngăn cấm lựa chọn của mình. Nên trẻ chọn cách im lặng, nhưng trong thâm tâm vẫn mong được thấu hiểu.

điều con cái mong muốn ở bố mẹ
Mong muốn của con là được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu mọi cảm xúc của mình

Lắng nghe còn là sự thấu hiểu về cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Lúc chia sẻ vấn đề, con còn muốn cảm nhận được sự quan tâm thực sự. Ví dụ khi nói về niềm đam mê với môn toán, thay vì chỉ gật đầu hoặc đưa ra lời khuyên sáo rỗng, người lớn nên hỏi sâu hơn về lý do trẻ thích. Hãy thể hiện sự quan tâm đến hứng thú và quá trình học của con.

Thấu hiểu còn là việc nhận ra những điều không được nói. Một đứa trẻ có thể không trực tiếp nói ra việc mình bị bạn bè bắt nạt nhưng hành vi, ánh mắt, sự thay đổi là minh chứng rõ nhất. Lắng nghe và thấu hiểu làm các con cảm nhận được yêu thương, trân trọng, tin tưởng để chia sẻ mà không sợ bị phán xét, hiểu lầm.

2. Tôn trọng và không áp đặt

Con cái không phải là công cụ, là vật sở hữu để hoàn thành ước mơ dang dở của bố mẹ. Sự tôn trọng giúp trẻ tự tin, độc lập và tự hào khi được đánh giá dựa trên giá trị cá nhân. Khi được bố mẹ tôn trọng quyết định và quan điểm, trẻ sẽ tự xây dựng lòng tự trọng và tự tin của bản thân.

Nếu con cái có niềm đam mê nghệ thuật thì thay vì áp đặt, bố mẹ nên tôn trọng và khuyến khích trẻ theo đuổi. Phụ huynh nên hỗ trợ khi cần thiết, tạo động lực cho con theo đuổi ước mơ. Có như vậy, trẻ mới có không gian để khám phá và phát triển theo cách riêng. Mỗi đứa trẻ đều có sở thích và mục tiêu riêng biệt cần được tôn trọng.

Sự áp đặt và kỳ vọng vô lý của bố mẹ ít nhiều sẽ khiến trẻ con bị tổn thương. Do đó người lớn nên tôn trọng quyết định của con cái. Hãy dạy trẻ cách chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

3. Được đối xử công bằng

Sự công bằng tuyệt đối trong tình cảm là điều không thể. Tuy nhiên, bố mẹ cần đối xử công bằng nhất định với con cái. Việc trọng nam khinh nữ, đứa thương đứa ghét đều khiến trẻ tổn thương.

Chỉ khi bố mẹ công bằng, anh chị em trong nhà mới yêu thương, quý mến và giúp đỡ nhau. Thiên vị không chỉ khiến anh chị em thù ghét nhau, mà còn khiến con cái thù ghét bố mẹ. Anh chị không bắt nạt em. Em cũng không được hỗn hào, xúc phạm anh chị. Đối xử công bằng là một trong những điều con cái mong muốn ở bố mẹ.

con cái mong muốn gì ở bố mẹ
Sự thiên vị con cái là điều trẻ không muốn bố mẹ đối xử với mình

Hãy khuyến khích tất cả tham gia vào công việc gia đình, không phân biệt giới tính. Điều này giúp con cái phát triển ý thức về bình đẳng giới và tôn trọng lẫn nhau.

Sự công bằng cũng giúp việc xử lý mâu thuẫn dễ dàng hơn. Khi anh chị em trong nhà có mâu thuẫn, người sai sẽ phải chịu phạt. Bố mẹ không thiên vị ai, cũng không đổ oan cho ai. Đó là yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ gia đình bền chặt. Con cái cảm thấy được tôn trọng và anh chị em đoàn kết, yêu thương nhau.

4. Sự bảo vệ và tình yêu thương

Sự bảo vệ diễn ra khi trẻ muốn bố mẹ bảo vệ khi mình bị bắt nạt, muốn người lớn đứng về phía bản thân. Có nhiều trường hợp con bị bắt nạt nhưng bố mẹ không chú ý và luôn nghĩ trẻ là người sai mà không nghe giải thích. Trong vô tình, họ chẳng những không bảo vệ bé, mà còn tiếp tay cho kẻ bạo hành con mình.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn lấy danh nghĩa tình yêu và sự bảo vệ để kiểm soát con cái. Đây không phải là điều trẻ mong muốn mà trái lại bé muốn một không gian tự do thể hiện tình cảm và ý kiến riêng.

Sự bảo vệ đúng đắn là việc thấu hiểu, lắng nghe, hỗ trợ tinh thần cho con. Bố mẹ cần đảm bảo rằng trẻ không cảm thấy cô đơn, bất ổn tinh thần. Ngoài ra, bảo vệ còn gồm cả việc bảo vệ tình cảm và quan hệ gia đình. Bố mẹ tạo ra không khí gia đình ấm áp, yêu thương, bình đẳng sẽ bảo vệ trẻ em khỏi nhiều suy nghĩ tiêu cực.

5. Không so sánh con cái với người khác

Không ai thích bản thân bị so sánh với người khác. Tương tự, con cái cũng không hy vọng bố mẹ luôn hạ thấp bản thân bằng cách so sánh mình với “con nhà người ta”.

Mục đích ban đầu của việc so sánh có thể mang ý tốt khi mà người lớn muốn trẻ thay đổi suy nghĩ, có ý chí và cố gắng hơn. Tuy nhiên, việc so sánh quá nhiều sẽ gây phản ứng ngược.

Không so sánh mình với người khác là điều con cái mong muốn ở bố mẹ. Bởi việc so sánh làm bé áp lực, mất tự tin và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần. Nếu người lớn không áp đặt áp lực so sánh, trẻ cũng phát triển sở thích và mục tiêu riêng. Các con không cần phải ép bản thân học thứ mình không thích, theo đuổi điều mình không muốn.

điều con cái mong chờ ở cha mẹ
Việc so sánh con cái với người khác làm trẻ bị tổn thương khó nói

Mỗi trẻ đều có những ưu khuyết điểm riêng như người giỏi về tư duy logic, có trẻ lại khéo tay, có bé lại có năng khiếu nghệ thuật. Trẻ mong bố mẹ hãy nhìn vào những ưu điểm, những cố gắng của mình. Chỉ khi được tôn trọng, con cái mới tôn trọng lại phụ huynh. Điều con mong muốn là bố mẹ không so sánh, chấp nhận trẻ với toàn bộ ưu điểm và khuyết điểm.

6. Gia đình êm ấm, không có bạo hành

Gia đình êm ấm, yêu thương nhau, không có bạo lực là một trong những điều con cái mong muốn ở bố mẹ. Những đứa trẻ bị bạo hành lời nói, bạo hành thể xác đều chịu tổn thương nghiêm trọng khi trưởng thành.

Bố mẹ nên làm gương cho con bằng cách không sử dụng bạo lực trong cuộc sống. Hãy dạy các bé cách lắng nghe ý kiến của người khác. Điều đó giúp con cái phát triển kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn.

Không có thói hư tật xấu trong gia đình giúp con cái học được giá trị của tôn trọng và đạo đức. Bố mẹ có trách nhiệm đưa ra giáo dục và quy tắc trong gia đình để hướng dẫn trẻ về việc đúng và sai, tốt và xấu.

Khi gia đình êm ấm, bố mẹ không có thói hư tật xấu, con cái lại càng có cơ hội phát triển một cách khỏe mạnh hơn. Trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ tích cực, không bị bóp méo nhận thức.

7. Thể hiện tình cảm trực tiếp với con

Với những người có tính cách nghiêm khắc, hướng nội thì việc thể hiện tình cảm trực tiếp không dễ dàng. Nhiều bậc phụ huynh yêu thương con, nhưng lại không biết cách bày tỏ. Do đó, ước muốn bố mẹ thể hiện tình cảm trực tiếp cũng là điều con cái mong mỏi.

Khi bố mẹ bày tỏ tình cảm bằng cách ôm, hôn, nói lời yêu thương thì con cái cảm thấy được quý trọng. Điều này xây dựng nên sự tự tin và tạo ra môi trường an lành cho sự phát triển của trẻ.

điều trẻ mong muốn ở cha mẹ
Con cái luôn mong bố mẹ thể hiện tình yêu thương trực tiếp với bé

Ngoài ra, con cái cũng phát triển khả năng giao tiếp. Việc bố mẹ thoải mái thể hiện cảm xúc sẽ giúp trẻ học cách quản lý cảm xúc một cách lành mạnh. Hành vi này cũng giúp xây dựng kết nối đáng tin cậy giữa bố mẹ và con cái. Trẻ biết lời chia sẻ của mình được lắng nghe và hồi đáp sẽ tự động tìm kiếm sự hỗ trợ từ phụ huynh nhiều hơn.

8. Luôn tin tưởng con

Niềm tin của bố mẹ là món quà vô giá mà con cái luôn khao khát. Đôi khi, chỉ một câu động viên như “Bố mẹ tin con” có thể tiếp thêm sức mạnh để trẻ vượt qua thử thách khó khăn. Ngược lại, nếu phải đối mặt với sự hoài nghi, con dễ cảm thấy lạc lối và mất đi động lực cố gắng.

Lòng tin không chỉ là lời nói, mà còn nằm trong cách người lớn lắng nghe và thấu hiểu con. Khi phụ huynh sẵn sàng tin tưởng vào quyết định và nỗ lực của con, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và tự tin hơn vào bản thân. Có như vậy, con mới mạnh mẽ tiến về phía trước và không ngừng hoàn thiện chính mình.

Thấu hiểu rằng không phải lúc nào con cũng đúng, nhưng bố mẹ vẫn có thể đồng hành và trao cơ hội để bé sửa sai. Đừng phán xét, hãy cho con thấy rằng lòng tin của phụ huynh không dễ bị đánh mất. Nhờ đó, trẻ sẽ nỗ lực xây dựng lại niềm tin và trân trọng cơ hội mà bố mẹ đã dành cho mình.

9. Không trách mắng con trước mặt người ngoài

La mắng con nơi đông người không chỉ gây tổn thương lòng tự trọng mà còn khiến trẻ trở nên xa cách và không còn tin tưởng bố mẹ. Lời chỉ trích công khai làm trẻ thấy xấu hổ, tự ti và thậm chí tránh né bạn bè. Phụ huynh nên chọn cách giải thích, dạy dỗ riêng tư để trẻ hiểu lỗi sai mà không phải chịu tổn thương không cần thiết.

Sự nhạy cảm của trẻ em bị đánh giá thấp nhưng chỉ cần một lần bị trách mắng trước mặt người ngoài sẽ để lại vết thương lòng khó phai. Bố mẹ nên nhẹ nhàng hướng dẫn và phân tích cái đúng, cái sai lúc riêng tư. Đó là cách giữ gìn sự tôn trọng để con dễ dàng tiếp thu hơn.

con mong muốn điều gì ở cha mẹ nhất
Trách mắng con trước mặt người khác là điều bé không muốn phải trải qua

Một lời trách mắng trước mặt người khác còn làm trẻ cảm thấy bị hạ thấp giá trị bản thân. Trong khi đó, nếu xử lý vấn đề một cách tế nhị, các bé sẽ cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm từ bố mẹ. Đó là cách dạy dỗ hiệu quả hơn nhiều so với việc làm tổn thương con ngay trước mặt người khác.

10. Dành thời gian chơi với con

Việc kết nối giữa bố mẹ và con cái đòi hỏi sự hiện diện thật sự trong từng khoảnh khắc. Những lần phụ huynh dành thời gian chơi cùng con, dù chỉ là một buổi trò chuyện đơn giản, luôn để lại trong trẻ kỷ niệm ấm áp, quý giá. Thế nhưng, khi những phút giây đó trở nên thưa thớt, cảm giác xa cách và lạc lõng dần xuất hiện.

Có những lúc con chỉ mong được bố mẹ lắng nghe mà không bị gián đoạn bởi công việc hay lo toan thường nhật. Những khoảnh khắc nhỏ cùng nhau ăn bữa cơm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ cho trẻ. Chính sự gần gũi và thấu hiểu này không chỉ gắn kết gia đình mà còn giúp con tự tin hơn trong cuộc sống.

Khi tất cả những vất vả của cuộc sống lắng xuống, điều con mong muốn nhất ở bố mẹ là có thể cùng nhau ngồi lại, sẻ chia và cười nói như những người bạn. Sự gắn kết và tình yêu chân thành sẽ là sức mạnh lớn nhất cho cả con và phụ huynh vượt qua mọi thăng trầm trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *