La mắng con cái thường xuyên ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ?
Khi con phạm phải sai lầm nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng la mắng, quát nạt hoặc thậm chí là sử dụng những lời nói thô bạo, đe dọa nhằm muốn con trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái không thể thúc đẩy con phát triển tốt mà ngược lại còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.
Tác hại của việc thường xuyên la mắng con cái
Trong thực tế, không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, bởi đôi lúc trẻ con sẽ có những hành vi nghịch ngợm, quậy phá, làm ồn ào hoặc phạm phải một lỗi sai nào đó. Cha mẹ không thể bắt ép con phải ngồi yên một chỗ hoặc có những hành động giống như người lớn. Việc con chơi giỡn, đùa nghịch, phá phách, tìm tòi là chuyện rất bình thường và xuất hiện ở mọi đứa trẻ.
Chính vì thế mà đôi khi cả những ông bố bà mẹ kiên nhẫn nhất cũng sẽ có lúc không thể kìm chế mà quát mắng, la hét với con của mình. Đặc biệt là trong cuộc sống quá bận rộn ngày nay, người lớn phải đối mặt với rất nhiều các khó khăn, thử thức và hàng loạt các áp lực đến từ công việc, gia đình, các mối quan hệ. Vì vậy mà việc cha mẹ la mắng, chửi bới con cái rất khó tránh khỏi, thậm chí nó lại xuất hiện với tần suất liên tục.
Tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Dubai (DFWC) cũng đã từng tiến hành khảo sát về vấn đề này và nhận thấy có đến 1/4 số trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng cha mẹ la mắng, quát nạt một cách bạo lực và trẻ luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi ở nhà. Trong số đó có khoảng 8% trẻ chia sẻ rằng điều này thường xuyên xảy ra với chúng.
Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng việc la hét, dọa nạt con cái là “vũ khí” lợi hại nhất để con có thể sửa chữa sai lầm và không tiếp tục quậy phá nữa. Tuy nhiên, cách giáo dục này lại không mang lại hiệu quả tốt cho trẻ nhỏ. Người đứng đầu các cuộc nghiên cứu của Quỹ DFWC – bà Aisha Al Midfa khuyên rằng, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng quá nhiều việc la mắng con cái. Cũng bởi hành vi này không gây ra hậu quả ngay trước mắt nhưng những tác động tiêu cực của nó về mặt tâm lý sẽ kéo dài và rất khó cải thiện.
Đồng tình với quan niệm này, Tiến sĩ Deema Sihweil – nhà tâm lý học lâm sàng của Viện nghiên cứu về các mối quan hệ con người Dubai (HRI) cũng đưa ra kết luận rằng “Việc la hét, quát mắng, chỉ mặt trẻ chắc chắn sẽ gây ra những tác động rất xấu đến tình trạng tâm lý của chúng”.
Tiến sĩ cũng chia sẻ thêm: “Việc la hét, quát mắng trẻ diễn ra thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, mất ngủ, chậm phát triển, ngoài ra cũng sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi, học tập, giao tiếp xã hội, tình cảm hay kỹ năng phản ứng và vượt qua những thử thách trong cuộc sống”.
Sau đây là một số tác hại nghiêm trọng về mặt tâm lý của trẻ nếu cha mẹ thường xuyên la mắng.
1. Thói quen la mắng sẽ “giết” chết sự sáng tạo của trẻ
Các nhà khoa học đã từng tiến hành một vài nghiên cứu về việc con cái thường xuyên bị cha mẹ la mắng và nhận thấy rằng IQ của những đứa trẻ này bị tác động một cách tiêu cực. Các chuyên gia cho biết rằng, nếu trẻ em liên tục phải đối diện với những lời quát mắng, la hét của cha mẹ sẽ có kích thước não nhỏ hơn so với những bạn thường xuyên nghe được những lời động viên, khen ngợi.
Việc này sẽ khiến cho trẻ không thể phát triển tốt trí thông minh, thiếu đi sự sáng tạo, nhạy bén. Cũng bởi kích thước của não có mối quan hệ rất mật thiết với sự phát triển của trí tuệ. Nếu não có kích thước nhỏ so với mức bình thường chứng tỏ chỉ số IQ của họ bị thấp kém, làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý thông tin.
Bên cạnh đó, một đứa trẻ nếu thường xuyên gánh chịu những lời quát mắng, la rầy của cha mẹ thì rất khó phát huy sự sáng tạo bởi chúng sẽ luôn sống trong sự sợ hãi, lo lắng, thiếu an toàn. Trẻ sẽ không còn đặt niềm tin vào những người xung quanh, đặt biệt là cha mẹ của mình và luôn có tâm lý sợ làm sai, sợ bị trách phạt.
Ngoài ra, trong tâm lý học còn có nhắc đến hiệu ứng gợi ý. Tức là khi cha mẹ thường xuyên la mắng, sử dụng những lời nói phán xét, tiêu cực thì con cũng sẽ có nhiều xu hướng nội tâm hóa những điều đó cho bản thân. Khi cha mẹ luôn chê bai con lười biếng, ngốc nghếch, chậm chạp thì lâu dần con sẽ thực sự biến thành những người như thế.
2. Con cái sẽ trở nên tiêu cực nếu cha mẹ thường xuyên la mắng
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng khi quát mắng, la rầy con cái sẽ giúp con ý thức được những lỗi lầm của mình và ngăn chặn việc tái phạm về sau. Tuy nhiên, ở một số nghiên cứu tâm lý nhận thấy rằng thói quen thường xuyên quát nạt, la mắng con cái của cha mẹ chẳng những không thể giúp con giải quyết tốt vấn đề mà ngược lại còn có thể khiến con cái trở nên tiêu cực, cư xử tồi tệ hơn.
Ở một nghiên cứu được tiến hành trên nhiều gia đình có con trên 13 tuổi nhận thấy rằng, khi cha mẹ thường xuyên quát mắng, trách phạt con cái sẽ khiến chúng có nhiều xu hướng chống đối, thực hiện các hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản thân và những người bên cạnh.
Một số trẻ sau khi trưởng thành sẽ có khả năng sử dụng ngôn ngữ thô bạo để giao tiếp, ứng xử với người khác. Thậm chí khi lập gia đình trẻ cũng sẽ có nhiều xu hướng áp dụng biện pháp giáo dục này đối với con cái của mình.
3. Trẻ sẽ khó kiểm soát cảm xúc
Việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái cũng giống như một cách mà họ thể hiện cơn tức giận và sự mất bình tĩnh của mình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên hiểu rằng bản thân chính là tấm gương để cho con cái có thể học hỏi và noi theo.
Mọi hành vi, thái độ, tính cách của người lớn sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đối với trẻ nhỏ. Vì thế, nếu cha mẹ luôn la hét, chửi mắng con cái trong hầu hết các tình huống sẽ khiến con khó có khả năng khống chế cảm xúc và không có được tính kiên trì, nhẫn nại.
Các nhà tâm lý học cũng từng chia sẻ rằng, những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến các cơn tức giận, cáu gắt hay bị cha mẹ chửi mắng, la hét liên tục sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát cảm xúc của chính mình. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao những đứa trẻ này có nhiều xu hướng la hét, khóc lóc, vùng vẫy, cáu gắt hoặc thậm chí là có xu hướng chống đối khi cha mẹ la rầy, trách phạt.
Nếu tình trạng này không được sớm phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giao tiếp và trưởng thành của trẻ. Những trẻ không có khả năng kiểm soát hành vi, cảm xúc sẽ không thể có được những mối quan hệ lâu dài. Đồng thời cũng sẽ gặp nhiều cản trở trong quá trình tìm kiếm công việc, khó có thể đạt được những thành công như mong đợi.
4. Cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến con không biết yêu quý bản thân
Trong thực tế, việc giáo dục con cái bằng cách la mắng còn để lại nhiều sự ảnh hưởng hơn là đòn roi. Cha mẹ thường xuyên la hét, chửi mắng con cái sẽ khiến cho nhận thức của con bị tác động một cách tiêu cực. Trẻ sẽ cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân, cho rằng mình không có giá trị và rất vô dụng.
Lâu dần trẻ sẽ có xu hướng bỏ bê bản thân, không còn quan tâm đến việc chăm sóc ngoại hình và học theo những lối sống buông thả. Lúc này trẻ sẽ không còn yêu quý bản thân, bắt đầu có những hành vi nổi loạn như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, các chất kích thích hoặc thậm chí là tham gia vào các hoạt động tệ nạn xã hội. Ngoài ra, những lời chỉ trích, phán xét thái quá cũng có thể khiến cho con cái giảm bớt sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với cha mẹ của mình.
5. Trẻ có nguy cơ trầm cảm cao nếu cha mẹ thường xuyên la mắng
Những vết thương trong tâm hồn của những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng, chỉ trích đôi khi phải sử dụng cả đời để có thể chữa lành. Các chuyên gia tâm lý học cũng cho biết rằng đây chính là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến cho nhiều đứa trẻ bị trầm cảm sau khi trưởng thành.
Điều này cũng khá dễ hiểu bởi tâm lý của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khi liên tục bị la hét, trách mắng sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hoảng sợ, lo lắng và vô cùng bất an. Trước những lời nói chỉ trích thô bạo và khắt khe của cha mẹ trẻ có thể bị tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, lâu dần gây ra các vấn đề rối loạn tâm thần nguy hiểm.
Đồng thời những đứa trẻ sinh sống trong môi trường giáo dục đều là những lời chửi mắng, trách phạt bạo lực sẽ dần trở nên khép kín, tách rời với cuộc sống xung quanh. Từ đó, nguy cơ mắc phải các chứng bệnh như trầm cảm, rối loạn nhân cách, tự kỷ, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, cảm xúc càng sẽ được tăng cao.
6. Trẻ sẽ không biết nhận sai và sửa sai
Việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của trẻ, một số trẻ sẽ không còn biết phân định đúng sai và không biết cách sửa chữa sai lầm. Cũng bởi, có nhiều bậc phụ huynh do những áp lực bên ngoài xã hội nên khi về nhà liên tục sử dụng những lời lẽ khó nghe để mắng chửi, la hét với con cái của mình.
Việc chỉ trích, la mắng con chỉ nhằm mục đích giải tỏa các áp lực của bản thân khiến con cảm thấy uất ức và không biết được mình sai ở đâu. Thậm chí ngay cả khi con phạm phải sai lầm, cha mẹ cũng chỉ la hét nhưng không phân tích và cho cho biết được những lỗi sai của bản thân, từ đó trẻ khó có thể phân biệt được điều gì đúng và điều gì sai.
Trẻ sẽ luôn có cảm giác bất kì việc gì mình làm cũng sẽ sai trái, không vừa lòng cha mẹ và sẽ bị cha mẹ trách phạt, đánh mắng. Cũng chính vì thế mà trẻ sinh ra tâm lý sợ sệt, nhút nhát, tự ti, không dám chủ động làm bất kì việc gì. Ngược lại cũng có một số trường hợp trẻ em trở nên bất cần, không còn để tâm đến việc đúng sai và cứ liên tục phạm phải những sai lầm trong cuộc sống.
7. Trẻ sẽ nhút nhát, ngại giao tiếp
Việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái sẽ khiến cho trẻ dễ hình thành những nỗi sợ hãi, bất an về mặt tâm lý. Lâu dần trẻ sẽ trở nên nhút nhát, sợ sệt, không dám thực hiện việc gì hoặc không thể giao tiếp một cách thuận lợi với những người xung quanh, nhất là cha mẹ.
Những đứa trẻ này sẽ có tâm lý bất an, luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh mình không an toàn nên rất ngại việc trò chuyện, giao tiếp và tiếp xúc với mọi thứ bên ngoài. Bên cạnh đó, nếu tình trạng này không được sớm khắc phục và cải thiện tốt sẽ làm ảnh hưởng đến kỹ năng ứng phó của trẻ nhỏ, trẻ không thể tự mình vượt qua được những thách thức trong cuộc sống.
Tìm hiểu thêm: 7 Điều con cái mong muốn ở bố mẹ: Lắng nghe để thấu hiểu con
Làm sao để la mắng con cái đúng cách?
Như đã chia sẻ ở trên, việc thường xuyên la mắng con cái sẽ gây nên những ảnh hưởng nặng nề đối với tâm lý của trẻ. Quát mắng, la hét với con chỉ khiến cho con cảm thấy sợ hãi chứ đây không phải là một cách giáo dục tốt.
Tuy nhiên, trong cuộc sống chắc chắn bạn không thể tránh khỏi những ngày tâm trạng tồi tệ, những áp lực công việc, gia đình, tài chính đè nặng khiến cho tinh thần bị xuống dốc nặng nề. Khi về nhà gặp phải cảnh con cái quậy phá, phạm sai lầm thì việc buông lời mắng chửi là điều rất khó tránh.
Thế nhưng nếu bạn biết cách, bạn sẽ tránh được việc làm tổn thương tâm lý của con, đồng thời còn có thể giúp con trở nên tốt hơn. Cụ thể một số cách hữu hiệu như:
- Chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ, kể cả khi la hét: Điều này thực sự không đề khó nếu bạn học được cách kiềm chế và quản lý cảm xúc của bản thân. Thay vì sử dụng những lời nói thô bạo với con thì bạn hãy thử dùng những lời lẽ nhẹ nhàng hoặc dễ nghe hơn. Ví dụ như thay vì la mắng rằng “Con thật ngu ngốc” thì bạn hãy thử “Cha/ mẹ cảm thấy rất nóng giận khi con không vâng lời”.
- Giải thích cụ thể về lỗi sai của con và lý do bạn tức giận: Khi tức giận bạn hãy cho con cái biết cụ thể nguyên nhân tại sao để con có thể nhận biết lỗi sai của mình và tránh việc tái phạm cho lần sau. Đừng cứ cố gắng la hét mà không nhắc gì về lý do vì sao bạn nổi giận, điều này chỉ khiến cho mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Bạn có thể thử nói rằng “Cha/ mẹ cảm thấy rất buồn vì con không nghe lời”.
- Sẵn sàng nói xin lỗi nếu dùng những lời khó nghe với con: Nếu lỡ mất kiểm soát và nói ra những từ ngữ không hay đối với con thì bạn cũng nên sẵn sàng chủ động nói lời xin lỗi. Điều này không chỉ giúp con giảm bớt những sự tổn thương về tâm lý mà còn là tấm gương sáng để con có thể noi theo. Nhờ đó mà con biết cách nói lời xin lỗi mỗi khi con phạm phải sai lầm.
Tuy nhiên, la mắng con cái không phải là một phương pháp giáo dục hiệu quả, đôi lúc nó có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đến cả tâm lý và thể chất của trẻ. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ cần có sự quan tâm và nuôi dạy phù hợp để có thể thúc đẩy trẻ phát triển tốt về mọi mặt.
Như vậy, bài viết này cũng giúp cho bạn đọc trả lời được cho câu hỏi “La mắng con cái thường xuyên ảnh hưởng thế nào đến tâm lý trẻ?”. Nếu bạn đang là những ông bố bà mẹ thường xuyên lạm dụng việc la mắng với con cái thì nên nhanh chóng thay đổi để hạn chế các ảnh hưởng nghiêm trọng đến con và giúp con phát triển hoàn thiện hơn.
Tham khảo thêm:
- 8 Điều Nên Làm Để Thu Hẹp Khoảng Cách Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
- 10 Nguyên Nhân Tạo Nên Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
- Mâu Thuẫn Giữa Cha Mẹ Và Con Cái: Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
tôi hay bị cha mẹ mắng mỏ khá nhiều khiến cho tôi rất buồn bã đau lòng và muốn cha mẹ hiền hơn không la mắng cho nữa hơn nữa là tôi học rất kém hay bị ăn mắng nữa không biết phải làm sao ???
Ngày nào bố mẹ mình cũng mắng mấy lần. Mới sáng ra mình vừa ngủ dậy, chưa kịp làm gì thì mẹ đã bắt đầu mắng mỏ, từ lúc đấy đến ra khỏi nhà, ôn thi thì mình ko biết làm bài, hỏi bố mẹ một tí thì bố mẹ lại cau có rồi la mắng mình là bài dễ thế mà ko biết làm. Mình rất buồn nhưng khi vừa nói việc này với bố mẹ thì cũng lại bị ăn mắng:((
mẹ mình hay la mắng mình khiến mình mất bình tĩnh toàn nói những lời đe dọa nói thô tục khiến mình nghĩ rằng mình không nên tồn tại thì hơn