10 Nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái

5/5 - (1 bình chọn)

Trong những năm trở lại đây, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang trở nên gay gắt bởi sự tác động của nhiều yếu tố như giáo dục, xã hội, công nghệ. Những bất đồng quan điểm thế hệ đã gây ra những đứt gãy vô hình làm tổn thương đến tình cảm của cả hai phía. 

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa con cái và cha mẹ

Lý do tạo ra khoảng cách giữa con cái và cha mẹ

Gia đình, cha mẹ chính là nơi gắn bó và có mối quan hệ mật thiết nhất đối với mỗi trẻ nhỏ. Từ khi vừa mới chào đời trẻ đã được chăm sóc và nuôi dạy bởi chính tình yêu thương, bao bọc của cha mẹ. Đặc biệt, khi còn nhỏ trẻ sẽ rất ngoan ngoãn, vâng lời người lớn và thể hiện tình cảm nhiều hơn với những người thân thiết của mình.

Tuy nhiên, sau khi trẻ bắt đầu lớn lên, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì, vị thành niên trẻ sẽ bắt đầu có những suy nghĩ riêng biệt, hình thành tính cách cá nhân và có những quan điểm của bản thân. Lúc này cha mẹ cần phải khéo léo hơn trong việc nuôi dạy con cái. Vì nếu cứ cứng nhắc giữ lối tư duy cũ sẽ rất dễ hình thành khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.

Trong thực tế, giữa hai thế hệ cha mẹ và con cái tồn tại nhiều sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng và quan niệm sống. Những sự xung đột thế hệ có thể vô tình tạo ra một khoảng cách lớn trong mối quan hệ tình cảm gia đình, đôi lúc còn có thể làm tổn thương đến cả hai phía.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng, nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách này đó chính là sự ngang bướng, không hiểu chuyện của con cái hoặc do con kết giao với những người bạn không tốt. Tuy vậy, trong thực tế, lý do dẫn đến tình trạng này lại phần lớn nghiêng về các bậc làm cha làm mẹ. Để hiểu hơn về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo một số lý do dưới đây:

1. Không dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với nhau

Đây có thể là nguyên nhân phổ biến tạo ra những khoảng cách vô hình giữa con cái và cha mẹ. Ngày nay xã hội đang ngày càng phát triển, cha mẹ cũng phải bận rộn với cuộc sống mưu sinh, con cái cũng cần phải dành thời gian để học tập. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh còn đem công việc về nhà để làm cho đến tận tối khuya.

Chính vì thế mà hầu hết thời gian của các thành viên đều dành cho những sinh hoạt bên ngoài xã hội. Điều này khiến cho cả hai phía không có được nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với nhau. Khi con cái thấy cha mẹ quá bận rộn cũng sẽ có xu hướng ngại chia sẻ hoặc những lần muốn tâm sự lại bị cha mẹ phớt lờ, không quan tâm hoặc thậm chí là trách mắng.

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Sự thờ ơ, vô tâm của cha mẹ chính lý do làm gia tăng khoảng cách với con cái

Đặc biệt là những trẻ đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn nếu cha mẹ quá vô tâm. Tình trạng này cứ liên tục kéo dài sẽ khiến trẻ dễ bị tổn thương hoặc trẻ sẽ dần muốn tách biệt với gia đình và chia sẻ nhiều hơn với bạn bè. Lâu dần cha mẹ sẽ không còn biết được những tâm tư, tình cảm của trẻ và cả hai sẽ dần xa cách hơn.

Ngoài ra, ngày nay trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ, mạng xã hội. Có đôi lúc cả gia đình chỉ dành sự chú ý đến những chiếc smartphone mà quên đi những cuộc hội thoại, trò chuyện, tâm sự với nhau. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân lớn khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng trở nên rộng hơn.

2. Cha mẹ quản lý, xâm phạm quá nhiều vào cuộc sống của con

Sự quản lý quá chặt chẽ và nghiêm khắc của các bậc phụ huynh đôi lúc cũng có thể là nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa hai thế hệ. Trong mắt các bậc làm cha làm mẹ thì con cái của mình luôn còn bé bỏng, dại khờ, chưa đủ hiểu biết và nhận thức để có thể tự lập trong cuộc sống.

Vì thế họ luôn muốn che chở, bảo bọc cho những đứa con của mình. Tuy nhiên, nếu tình yêu thương được thể hiện một cách quá mức thì có thể trở thành rào chắn vô hình khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và muốn tách ra khỏi đó.

Một số bậc phụ huynh do sợ con bị tổn thương hoặc gặp phải thất bại trong cuộc sống nên luôn quản lý, kiểm soát con cái quá mức. Thay vì luôn động viên, ủng hộ con thì cha mẹ lại có nhiều xu hướng phản đối, cấm cản hoặc thậm chí là đe dọa với mong muốn con tránh xa những điều tồi tệ.

Tuy nhiên, việc quản lý, xâm phạm quá mức vào quyền riêng tư của trẻ sẽ dễ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt. Lúc này trẻ sẽ bắt đầu có xu hướng muốn đề phòng, giữ khoảng cách với cha mẹ, ít trò chuyện, tâm sự về những chuyện riêng tư hoặc những vấn đề khó khăn đang gặp phải.

3. Sự thiên vị giữa con cái trong gia đình

Nếu giữa hai thế hệ nảy sinh khoảng cách thì các bậc phụ huynh nên xem xét lại liệu tình cảm đã được san sẻ đều giữa các con. Việc ghen ghét, ganh đua giữa con cả và con thứ luôn là vấn đề mà nhiều bậc làm cha làm mẹ phải đau đầu. Thái độ thiên vị của cha mẹ có thể khiến cho trẻ bị tổn thương và buồn chán trong chính mái ấm gia đình của mình.

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Nếu gia đình có sự thiên vị giữa các con sẽ khiến cho trẻ dễ xa cách với cha mẹ

Tình trạng này sẽ thường xảy ra đối với những trường hợp có từ 2 con trở lên. Khi đứa con đầu tiên đang chiếm trọn vẹn tình yêu thương từ cha mẹ thì đứa con thứ lại xuất hiện và chiếm đi một phần lớn sự nuông chiều đó. Điều này có thể khiến cho nhiều đứa trẻ cảm thấy sốc và dần nảy sinh lòng ganh tỵ, chán ghét đứa em của mình.

Đặc biệt là ở nước ta, các bậc phụ huynh thường có xu hướng cưng chiều đứa con nhỏ nhất của mình và luôn dạy con lớn rằng phải nhường nhịn em. Tuy nhiên, bất kì đứa trẻ nào cũng muốn có được nhiều sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ. Chỉ cần những cử chỉ, hành động thiên vị nhỏ cũng đủ khiến cho các con cảm thấy cha mẹ không còn thương mình nữa và dần muốn gia cách gia đình.

4. Thường xuyên so sánh con với người khác

Việc thường xuyên so sánh con với người khác không chỉ hạ thấp lòng tự trọng của con mà còn có thể tạo ra khoảng cách lớn giữa cha mẹ và con cái. Hầu hết các bậc phụ huynh luôn mong muốn con cái mình đạt được những thành tích tiêu biểu và thành công trong cuộc sống.

Đặc biệt là cha mẹ ở Việt Nam thường xuyên có thói quen so sánh con mình với những đứa trẻ khác, liên tục sử dụng câu nói “con nhà người ta…” để giáo dục con của mình. Tuy nhiên, đây không phải là một cách hiệu quả để giúp con có thể phát triển và cố gắng nhiều hơn.

Ngược lại nếu trẻ thường xuyên bị so sánh với những người xung quanh thì sẽ nảy sinh sự tự ti, cho rằng bản thân vô dụng và yếu kém. Lâu dần trẻ sẽ không còn nhiều hứng thú để trao đổi với cha mẹ, muốn tìm cách tránh mặt hoặc không trò chuyện với họ vì tâm lý lo sợ họ sẽ tiếp tục so sánh mình. Từ đó khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng bị gia tăng.

5. Cha mẹ luôn cho rằng mình đúng

Trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh thì con cái luôn là những đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên. Chính vì thế họ thường có xu hướng cho rằng những ý kiến, suy nghĩ của con là sai trái, con cần phải nghe theo lời cha mẹ, những định hướng của cha mẹ luôn đúng và tốt cho con. Ví dụ như trong bất kì cuộc tranh cãi nào xảy ra thì con cái cũng không được cãi lại và luôn phải nói lời xin lỗi với cha mẹ.

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Con cái sẽ dần tách biệt nếu cha mẹ luôn tự cho mình đúng

Tuy nhiên, dù là trẻ em thì các em vẫn có những quan điểm và suy nghĩ của riêng mình, không phải bất cứ hành động, việc làm gì của trẻ đều là sai trái và ngược lại cha mẹ cũng sẽ có lúc phạm phải sai lầm. Việc cứ cố gắng cho rằng mình đúng sẽ khiến cho con dễ bị uất ức và dần không còn tin tưởng vào cha mẹ nữa.

Trong mắt con cái, những hành động, lời nói đó chính là sự bất công, áp đặt. Về lâu dần trẻ sẽ không còn muốn giải thích hay biện hộ cho chính mình, trẻ sẽ có xu hướng im lặng trong mọi tình huống và dần trở nên tách biệt, xa cách với cha mẹ vì cho rằng họ hoàn toàn không thể thấu hiểu cho mình.

6. Bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ

Sự bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ chính là lý do lớn nhất để tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi lẽ thế hệ 5x, 6x của cha mẹ là thời kì kinh tế bao cấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nó hoàn toàn khác với môi trường hiện đại và có nhiều lợi ích như giới trẻ hiện nay.

Do đó, khi đã từng trải qua những năm tháng khổ cực và vất vả khiến cho cha mẹ muốn bao bọc cho con cái ở “vùng an toàn”. Tuy nhiên, thế hệ sau này lại muốn thoát khỏi đó và tìm kiếm cho mình những trải nghiệm mới mẻ. Điều này cũng được nhìn thấy rất nhiều trong các trường hợp lựa chọn trường đại học, nghề nghiệp.

Các bậc phụ huynh luôn muốn con học những trường danh tiếng với những nghề như bác sĩ, giáo viên, công an, kinh tế,…Tuy nhiên, có một số bạn trẻ lại muốn thử sức với những đam mê về nghệ thuật hoặc những hướng đi khác. Điều này khiến cho cha mẹ và con cái nảy sinh những sự bất đồng và liên tục xảy ra mâu thuẫn.

Trong thực tế những định hướng của cha mẹ không sai bởi họ đều muốn con cái có được một nghề nghiệp ổn định và có được cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, những điều đó cũng cần phải dựa trên ước mơ và sở thích của trẻ. Bởi lúc này trẻ đã xác định được những điều mình thích và mong muốn có được, do đó cha mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến riêng của con.

7. Cha mẹ không giữ lời hứa với con cái

Thông thường, để giúp con có thêm nhiều động lực và hứng thú đối với học tập hoặc bất kì công việc nào đó nên cha mẹ thường đưa ra những lời hứa. Tuy nhiên, có thể vì công việc quá bận rộn hoặc vì các nguyên nhân nào đó mà cha mẹ lại không thể thực hiện được lời hứa của mình. Điều này nếu cứ liên tục xảy ra cũng có thể là lý do khiến cho con cái và cha mẹ nảy sinh khoảng cách.

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Không giữ lời hứa với con sẽ khiến con dần mất niềm tin vào cha mẹ

Cũng bởi bất kì đứa trẻ nào cũng xem trọng những lời hứa, trẻ sẽ nhớ rất lâu về những gì cha mẹ đã hứa hẹn và mong chờ điều đó mỗi ngày. Do đó, nếu như cha mẹ thường xuyên thất hứa với con sẽ khiến con cảm thấy không còn sự tin tưởng, không muốn chia sẻ hoặc có tâm lý xa cách với cha mẹ của mình.

8. Thường xuyên chỉ trích, chửi mắng con trong mọi tình huống

Hiện nay có rất nhiều các bậc phụ huynh sử dụng những lời chửi mắng, chỉ trích để giáo dục và răn đe con cái khi con phạm phải sai lầm hoặc thậm chí là trong mọi tình huống. Khi con cái thực hiện bất kì việc gì đó khiến cha mẹ chưa hài lòng thì phản ứng đầu tiên của họ đó chính là trách móc, sử dụng những lời nói chê bai, mắng chửi thậm tệ với con của mình.

Việc liên tục sử dụng những lời nói chửi mắng, chỉ trích con cái không thể làm cho con trở nên tốt hơn mà thậm chí còn khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi, tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Tình trạng này nếu thường xuyên xảy ra, ngay cả những khi trẻ không phạm sai lầm thì có thể khiến trẻ cảm thấy chán ghét cha mẹ, có nhiều xu hướng muốn giữ khoảng cách và tách biệt khỏi người lớn.

9. Cha mẹ liên tục nhắc về công lao và sự hi sinh của mình

Nhiều bậc phụ huynh thường xuyên kể về những sự hi sinh và công lao to lớn của mình đối với con cái. Họ dùng điều này để nói với con bản thân đã vất vả nuôi con khôn lớn và trưởng thành vì thế con cần phải có nghĩa vụ chăm sóc và nghe lời cha mẹ. Tuy nhiên, đôi lúc việc này lại gây ra những tác dụng ngược lại so với mong muốn của các bậc phụ huynh.

Khoảng Cách Giữa Con Cái Và Cha Mẹ
Cha mẹ liên tục than vãn về sự hi sinh chỉ khiến cho con cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi.

Con cái sẽ cho rằng đó là lý do để cha mẹ ép buộc mình phải thực hiện những điều mà họ cho là đúng. Từ đó trẻ sẽ có nhiều xu hướng muốn xa rời với cha mẹ, không còn muốn tâm sự hay chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống vì lo sợ cha mẹ lại sẽ kể về những công lao của mình. Đồng thời, việc liên tục than vãn về những sự hi sinh của bản thân dành cho con cái sẽ càng khiến con cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và nặng nề.

10. Luôn thể hiện quyền uy trước mặt con

Lúc con còn nhỏ, cha mẹ thường thể hiện uy quyền trước mặt con để có thể chỉnh đốn và răn đe con hiệu quả. Lúc này trẻ vẫn chưa đủ hiểu biết về thế giới bên ngoài, hầu hết thời gian của trẻ đều ở cạnh cha mẹ nên trẻ sẽ rất nghe lời và ngoan ngoãn làm theo những điều mà người lớn dạy bảo.

Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ được tiếp xúc với nhiều điều thú vị và cũng có được nhận thức về cuộc sống. Lúc này trẻ luôn muốn cha mẹ đối xử với mình như một người trưởng thành và tôn trọng ý kiến riêng của mình. Vì thế, nếu cha mẹ tiếp tục thể hiện quyền uy của mình trước mặt con cái sẽ khiến con cảm thấy không thoải mái, ngột ngạt và mệt mỏi.

Nhiều trường hợp trẻ còn thể hiện sự chống đối, phản kháng dữ dội nếu cha mẹ luôn cố gắng ép buộc, khiển trách. Vì thế cha mẹ cũng nên hiểu rằng, các con không cần một “người chủ” để ra lệnh và quyết định cuộc sống của mình mà điều các con cần đó chính là một “người bạn” để cùng tâm sự, san sẻ và sát cánh bên con.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Thông tin bài viết này đã giúp cho bạn đọc hiểu được một số nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Để có thể hàn gắn tốt được mối quan hệ này thì cần phải có sự cố gắng và thấu hiểu từ hai cả hai phía.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *