Làm sao để vượt qua nỗi đau khi mất người thân yêu
Cuộc sống vốn dĩ vô thường. Có sinh thì có tử, có hợp thì có tan. Sinh ly tử biệt vốn đã trở thành một quy luật của tạo hóa. Dù biết là như vậy nhưng nỗi đau khi mất đi người thân không dễ gì làm chúng ta nguôi ngoai dù nó đến bất ngờ hay đã chuẩn bị tinh thần trước. Làm sao để vượt qua nỗi đau khi mất người thân? Và khi nào nên tìm gặp chuyên gia tâm lý? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ hữu ích từ chuyên gia tâm lý nhé.
5 giai đoạn cảm xúc khi mất đi người thân yêu
Kubler Ross, một nhà tâm lý học đã dành phần lớn cuộc đời mình để làm việc với các bệnh nhân mắc bệnh nan y, đã đưa ra 5 giai đoạn cảm xúc mà con người thường trải qua khi mất đi người thân yêu. Mặc dù nó không phải ai cũng trải qua đủ và tuân theo các giai đoạn này nhưng chúng cũng có ích khi bạn muốn soi chiếu tình trạng của mình và muốn vượt qua nỗi đau này.
- Chối bỏ: Bạn bị sốc trước sự ra đi của người thân, bạn phủ nhận nó, cảm giác như chết lặng đi. Ở giai đoạn này, bạn có xu hướng gặm nhấm nỗi đau hoặc làm cho mình bận rộn để tạm thời quên đi những đau buồn đó.
- Giận dữ, đổ lỗi: Bạn bắt đầu trở nên giận dữ, bạn đổ lỗi cho ai đó về sự ra đi của người thân, thậm chí là tức giận với cả người đã bỏ bạn mà đi. Chúng làm bạn cảm thấy thoải mái hơn, cảm thấy vơi đi một phần đau. Nhưng khi bạn không còn muốn đổ lỗi, nỗi đau lại trở lại.
- Thương lượng, trả giá: Bạn mặc cả với nỗi đau, mặc cả với người đã khuất, rằng bạn có thể làm một người tốt hơn để họ quay trở lại với bạn. Tuy lời hứa trong những lúc đau buồn như vậy thường khó giữ, khó thực hiện nhưng nó làm bạn cảm thấy thoải mái hơn, bình tĩnh hơn.
- Trầm cảm, buồn bã: Bạn bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn đầy tiêu cực. Mọi thứ xung quanh đều trở nên vô nghĩa, bạn cảm thấy kiệt quệ và khổ sở. Trong giai đoạn này, bạn có thể quên đi sự chăm sóc cho bản thân mình như ngủ quá ít/quá nhiều, ăn quá ít hoặc quá nhiều, lãnh đạm với những điều xung quanh.
- Chấp nhận: Bạn bắt đầu chấp nhận thực tế rằng người thân yêu của bạn đã không còn trên đời nữa, không có cách nào quay lại với bạn nữa. Bạn nhận ra bạn phải tiếp tục sống. Bạn bắt đầu tìm sự an yên bên trong nội tâm. Những ký ức tươi đẹp về bạn và người đã khuất có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn thay vì tổn thương. Và bạn bắt đầu tìm kiếm những mối quan hệ mới.
Tùy vào hoàn cảnh của từng người mà các giai đoạn sẽ trải qua nhanh hay chậm. Giai đoạn số 5 là giai đoạn chấp nhận thực tế và biết cách vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị mắc kẹt ở một giai đoạn nào đó quá lâu và rơi vào tình trạng trầm cảm, cần có sự hỗ trợ của gia đình, bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý.
Làm sao để vượt qua nỗi đau khi mất người thân?
Sau sự ra đi của người thân, bạn nên dành cho mình một khoảng thời gian hợp lý để vượt qua nỗi mất mát này. Hãy chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Nó không phải là sự ích kỷ khi người thân yêu của bạn mới ra đi mà là quá trình giúp bạn vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân. Người thân yêu của bạn sẽ vui hơn khi biết bạn không vì chìm đắm trong nỗi đau mà làm hại bản thân mình.
Dưới đây là một số việc bạn nên làm để giúp bạn vượt nỗi đau mất người thân yêu tốt hơn:
- Duy trì những thói quen, nếp sống thường nhật: Ăn uống đủ 3 bữa, luyện tập thể dục thể thao giúp bạn thoải mái hơn, ngủ đủ 7 tiếng/đêm.
- Tránh xa các chất kích thích như bia, rượu, nó chỉ làm bạn cảm thấy tội lỗi và đau đớn hơn mà thôi.
- Hãy tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm trước kia với người đã khuất.
- Đừng kìm nén đau buồn, hãy khóc khi bạn muốn khóc. Đừng quá lo lắng khi bạn cảm thấy sự hiện diện của một bài hát, của một vật kỷ niệm hay một địa điểm khiến nỗi buồn của bạn trỗi dậy. Sau một thời gian, bạn sẽ cảm thấy khá hơn.
- Chia sẻ nỗi đau với một người thân, bạn bè khác. Hãy nói chuyện với họ để vơi đi nỗi đau buồn.
- Bạn có thể viết nhật ký, chúng sẽ giúp bạn vơi bớt đi nỗi buồn.
- Bạn có thể tham gia lớp dạy kỹ năng gì đó mà bạn yêu thích như nấu ăn, làm bánh, yoga, nhảy…
Khi nào bạn nên gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ?
Nếu nỗi đau mất đi người thân vượt quá sức chịu đựng của bạn hoặc nó trở thành trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ sớm.
Một số biểu hiện cho thấy nỗi đau từ sự ra đi của người thân đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn:
- Bạn khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường.
- Bạn luôn cảm thấy ray rứt lương tâm và đổ lỗi cho bản thân về sự ra đi của người bạn thương yêu.
- Bạn không biết mục đích sống của mình để làm gì.
- Bạn không muốn hòa nhập với các hoạt động của xã hội, tổ chức, gia đình.
- Bạn cảm thấy không thể tiếp tục sống được nữa, có ý muốn tự làm hại bản thân, thậm chí là tự sát.
Nỗi đau buồn có những biểu hiện khá giống với trầm cảm khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Dưới đây là một số biểu hiện khác biệt của trầm cảm so với nỗi đau khi mất đi người thân.
- Thời gian biểu hiện cảm xúc tiêu cực: Người bị trầm cảm thường lúc nào cũng cảm thấy tinh thần đi xuống. Nhưng người đau buồn tâm trạng có thể biến động, thay đổi theo từng đợt. Thường họ sẽ đau buồn khi nghĩ về người đã khuất hoặc có ai đó gợi nhớ về những điều liên quan đến người đó.
- Cách trân trọng bản thân: Người bị trầm cảm thường chán ghét bản thân mình, thấy mình không xứng đáng. Nhưng người đau buồn không như vậy.
- Ảo giác: Những người bị trầm cảm có thể bị ảo giác. Họ có thể nghe thấy, nhìn thấy hoặc tin vào âm thanh/cảnh vật hay điều gì đó không có thật.
- Chấp nhận sự hỗ trợ: Những người bị trầm cảm thường sống tách biệt với xã hội, thậm chí xa lánh những người thân. Nhưng người đau buồn lại thể hiện khác, họ có thể né tránh các hoạt động bên ngoài xã hội nhưng họ vẫn nhận sự giúp đỡ từ những người thân, bạn bè mà họ yêu thương.
Nếu bạn không biết phải làm sao để vượt qua nỗi đau khi mất người thân hoặc có những biểu hiện trầm trọng trên đây, bạn có thể đặt lịch tham vấn với các chuyên gia tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Chia sẻ 8 cách vượt qua nỗi đau khi mất người thân
- Đừng sống vì người khác quá nhiều để rồi đánh mất bản thân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!