Chia sẻ 8 cách vượt qua nỗi đau khi mất người thân
Để có thể vượt qua được nỗi đau mất người thân không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bạn cũng không thể mãi vùi mình vào những cảm xúc tiêu cực mà quên cố gắng cho cuộc sống hiện tại của bản thân.
Các cảm xúc khi đối diện với nỗi đau mất người thân
Mất đi những người thân yêu là điều mà không ai mong muốn, cũng chính là một trong những nỗi đau khổ và khó khăn lớn nhất mà con người phải đối diện. Cũng bởi quy luật của cuộc sống là vậy, bạn không thể thay đổi và cố gắng níu giữ một ai bên cạnh mình mãi mãi.
Đôi lúc khi phải chứng kiến sự ra đi của một người thân thiết, nhất là sự ra đi quá đột ngột sẽ làm cho chúng ta cảm thấy choáng ngợp, không thể tin vào sự thật. Lúc này không chỉ tâm trạng trở nên hỗn loạn mà cả việc ăn uống, sinh hoạt, lý trí cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đau buồn, chán nản là điều không thể tránh khỏi khi bạn đối mặt với một sự mất mát quá lớn. Cho dù bạn là người mạnh mẽ đến đâu nhưng cũng sẽ có những lúc trở nên yếu mềm và khó đối diện với sự thật. Thông thường, khi đón nhận tin người thân qua đời, chúng ta sẽ phải trải qua hàng loạt các cảm xúc như sau:
1. Nỗi buồn khi mất người thân
Dường như trạng thái tâm lý đầu tiên và phổ biến nhất của nhiều người khi nhận tin người thân mất đó chính là cảm giác buồn bã, nỗi đau có thể xuất hiện ngay lập tức khi bạn ý thức được sự ra đi của một ai đó. Lúc này bạn có thể òa khóc, đầu óc trống rỗng, không thể tiếp tục tập trung vào bất cứ việc gì.
Cảm giác đau buồn có thể lan tỏa khắp cơ thể, nó được thể hiện về cả mặt cảm xúc và cả thể chất. Nhiều người sẽ muốn được yên tĩnh, ở một mình để hồi ức lại những kỉ niệm với người đã mất. Thậm chí cũng có một số trường hợp do quá xúc động nên dẫn đến việc ngất xỉu.
2. Phẫn nộ
Sau giai đoạn buồn bã, suy sụp thì nhiều người sẽ có xu hướng bộc lộ cảm xúc dữ dội, họ bắt đầu trách móc, gào thét, phản ứng quá mức. Đặc biệt là các trường hợp cái chết của người thân là kết quả các hành động sai lầm mà người khác tạo ra. Trong tình huống này sẽ dễ hiểu khi bạn tỏ ra giận dữ, cáu gắt và nóng nảy, ngay cả khi đó chỉ là tai nạn và không ai mong muốn điều đó xảy ra.
Tuy vậy, trong một số trường hợp cái chết diễn ra một cách tự nhiên và theo quy luật của cuộc sống thì nhiều người vẫn có xu hướng tức giận, phẫn nộ, trách móc cuộc sống bất công với người thân của họ. Hoặc họ cũng có thể tự khiển trách chính mình vì đã không bảo vệ được người thân. Sau khi thể hiện sự nóng giận, bực tức của mình thì nỗi đau lại một lần nữa xuất hiện và càng trở nên sâu sắc hơn.
3. Hối hận khi mất đi người thân
Sau khi trải qua cảm giác buồn bã, phẫn nộ thì nhiều người sẽ có xu hướng tự oán trách bản thân. Đôi lúc họ cho rằng cái chết của ai đó là do sự bất cẩn của họ, do họ không biết quan tâm, chăm sóc đối phương. Hoặc cũng có thể là do sự hối hận về việc không dành nhiều thời gian để ở bên cạnh người đó, chưa nói và thể hiện hết tình cảm mà mình dành cho họ.
Tuy nhiên, cũng có một số người bắt đầu tự trấn an và thương lượng với bản thân bằng cách suy nghĩ về những điều tích cực, những kỉ niệm đẹp. Điều này có thể diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và giúp cho họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn phần nào.
Nếu lúc này tâm trí có thể ổn định, chủ động hơn sẽ giúp họ dễ dàng vượt qua được nỗi đau mất người thân. Nhưng ngược lại, khi bạn buông xuôi mọi thứ sẽ khiến cho trạng thái tâm lý bắt đầu diễn biến phức tạp hơn, thậm chí có thể phát triển thành các rối loạn tâm thần.
4. Chấp nhận nỗi mất mát
Sau khi trải qua hàng loạt các cảm xúc giằng xé trong nội tâm thì cuối cùng sẽ là sự chấp nhận. Sau một khoảng thời gian dài, tâm trạng của bạn cũng đã dần ổn định hơn, bạn bắt đầu quay lại nhịp sống bình thường và thôi không nhắc đến quá nhiều về quá khứ và những kỉ niệm.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn quên đi người thân đã mất hoặc không còn nhớ đến sự kiện đau buồn. Nhưng đây là một bước ngoặt mới và bạn cũng đã dần chấp nhận sự vắng mặt của người đó đối với cuộc sống và không còn cảm giác buồn bã, u sầu như trước.
Những cảm xúc trên đây không chỉ xuất hiện khi bạn mất người thân mà nó còn có thể tồn tại đối với các sự kiện đau buồn khác, chẳng hạn như chia tay người yêu, phải chia xa người bạn thân lâu năm,…Cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì hãy nhớ rằng đây cũng chỉ là những cảm xúc bình thường của hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, bạn không nên để cảm xúc lấn át bản thân và khiến cho bạn dần bị chôn vùi bởi những suy nghĩ tiêu cực. Lúc này hãy tự cho phép bản thân được thể hiện cảm xúc của mình và giải phóng chúng một cách phù hợp để có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống của chính mình.
Làm cách nào để vượt qua nỗi đau mất người thân?
Mất đi người thân là một điều vô cùng đau đớn đối với mỗi con người. Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều thứ chúng ta không thể làm chủ và cũng không thể thay đổi nó theo đúng mong muốn của mình. Do đó, cách tốt nhất là bạn phải làm chủ bản thân, biết cách kiểm soát cảm xúc và mạnh mẽ vượt qua nỗi đau mất người thân để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Nếu đang phải đối mặt với sự mất mát quá lớn này thì bạn cũng có thể tham khảo qua một số cách giúp bạn nhanh chóng ổn định cảm xúc và cân bằng lại cuộc sống.
1. Thoải mái thể hiện cảm xúc
Nếu cảm thấy đau buồn, tuyệt vọng thì bạn hãy thoải mái thể hiện cảm xúc của mình. Việc cố gắng che giấu đi những nỗi đau trong lòng càng khiến cho trái tim của bạn trở nên vụn vỡ và đau khổ gấp nghìn lần. Vì thế hãy thể hiện nó ra bên ngoài, bạn có thể khóc lóc, la hét, giận dữ, oán trách và cho phép bản thân được cảm nhận sự mất mát bởi nỗi buồn nào cũng có giá trị của riêng nó.
Bạn không phải là người máy và việc thể hiện cảm xúc là một việc vô cùng tử tế với chính bản thân. Các chuyên gia cũng cho biết rằng, bộc lộ cảm xúc của chính mình là bước đầu tiên và cần thiết để bạn có thể vượt qua được nỗi đau mất người thân.
Những người thoải mái với cảm xúc của bản thân sẽ dễ dàng vượt qua nỗi đau hơn với những người cố gắng kiềm chế và cất giấu nó. Ngược lại, khi cảm xúc bị dồn nén sẽ khiến tâm trạng càng trở nên nặng nề, bạn sẽ dần bị chi phối bởi nó và sẽ không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
2. Tìm kiếm sự động viên
Khi người thân của bạn ra đi không có nghĩa là xung quanh bạn không còn ai bên cạnh. Có rất nhiều người sẽ dành sự yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Vì vậy đừng cố gắng chống chọi với mọi thứ một mình. Hãy tâm sự và chia sẻ nỗi buồn với những ai thực sự quan tâm bạn. Điều quan trọng là bạn cần nói ra hết các cảm xúc hiện tại của mình và sau đó sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Hãy tìm kiếm những người bạn hoặc những người thân thiết trong gia đình để bày tỏ về nỗi đau mà bạn đang gánh chịu. Khi những cảm xúc của bạn được lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Đồng thời, những người xung quanh cũng sẽ dành cho bạn nhiều lời an ủi, động viên để tinh thần trở nên phấn chấn và ổn định hơn.
3. Đừng cô lập bản thân
Có một số người mỗi khi đau khổ, tuyệt vọng, buồn tủi sẽ có xu hướng muốn ở một mình và tự cô lập bản thân. Họ nghĩ rằng việc ở một mình sẽ giúp cho tâm trạng ở nên tốt hơn, hạn chế được các tác động bên ngoài. Tuy nhiên, điều này chỉ hữu hiệu khi bạn áp dụng nó trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu cứ duy trì việc này trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần sẽ khiến cho tâm trạng của bạn càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, hãy cố gắng bước chân ra ngoài, hít thở bầu không khí trong lành, gặp gỡ một số bạn bè, người thân để tâm trạng dần trở nên ổn định hơn.
4. Dành thời gian để nghỉ ngơi
Sự đau buồn, chán nản do mất đi một người thân thiết sẽ khiến cho cơ thể của bạn bị suy kiệt về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Do đó, để có thể vượt qua được nỗi đau này thì cách tốt nhất là bạn nên dành một ít thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và phục hồi sức khỏe hợp lý.
Trong thời gian này bạn sẽ nhìn nhận được rõ hơn về mọi thứ xung quanh. Những tổn thương tâm lý cũng sẽ dần được chữa lành. Nếu nỗi đau mất người thân quá lớn đối với bạn thì bạn cũng có thể tạm gác lại công việc trong khoảng vài ngày để đi du lịch, chăm sóc bản thân và trải nghiệm cuộc sống.
Thời gian cũng chính là liều thuốc hữu hiệu giúp bạn chữa lành những tổn thương tâm hồn. Vì thế, hãy chắc chắn rằng khi bạn quay trở lại với nhịp sống bình thường cũng là lúc tâm trạng bạn đã được ổn định hơn.
5. Viết nhật ký để vượt qua nỗi đau mất người thân
Viết ra những cảm xúc của bản thân lên trang giấy cũng là cách giúp bạn ổn định tâm trạng và mau chóng vượt qua được nỗi đau mất người thân. Hãy bắt đầu ghi lại những kỉ niệm, suy nghĩ của bạn về người đã mất để có thể theo dõi được những thay đổi về mặt cảm xúc của bản thân, từ đó bạn cũng biết cách điều chỉnh chúng tốt hơn.
Khi đọc lại những dòng tâm sự của chính mình bạn cũng sẽ phần nào biết được sự thay đổi của nỗi đau qua từng tuần, từng tháng. Sau khi đọc lại những dòng cảm xúc của mình bạn cũng có thể tự trấn an và an ủi bản thân, tự động viên rằng mình đã cải thiện và ổn hơn sau mỗi ngày.
6. Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh
Khi tâm trạng trở nên bất ổn chắc hẳn mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày của bạn cũng sẽ bị đảo lộn. Tuy nhiên, nếu bạn cứ phó mặc cho những thói quen xấu sẽ càng khiến cho cơ thể dần trở nên suy kiệt, tâm trạng không thể ổn định và nhiều khả năng phát triển thành các vấn đề sức khỏe tâm lý nặng nề hơn, điển hình là trầm cảm.
Vì thế, cách tốt nhất để bạn vượt qua nỗi đau mất người thân và nhanh chóng vực dậy tinh thần là xây dựng cho mình một lối sinh hoạt lành mạnh. Bạn cần phải đảm bảo được chế độ ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, không lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
Bên cạnh đó cũng cần vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, tập luyện các bài tập thiền, yoga, đi bộ, chạy bộ cũng giúp bạn cải thiện tốt tâm trạng. Song song với đó thì giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn cần duy trì giấc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và không nên thức khuya.
7. Tìm kiếm niềm vui mới trong cuộc sống
Để vượt qua được nỗi đau mất người thân và mau chóng cân bằng lại cuộc sống thì bạn nên tìm kiếm cho mình một niềm vui mới. Những niềm vui nhỏ bé đôi lúc cũng sẽ là liều thuốc tốt để xoa dịu đi những sự tổn thương, đau khổ bên trong bạn. Điều này có vai trò rất lớn đối với nguy cơ khiến bạn rơi vào những khủng hoảng tâm lý, trầm cảm sau khi mất người thân.
Bạn có thể tham gia vào các hoạt động ngoài trời theo sở thích, đăng kí một lớp dạy vẽ, ca hát, nhảy múa, làm những điều có ý nghĩa như hiến máu, hiến tóc, làm tình nguyện viên, tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện, các buổi từ thiện cộng đồng. Đồng thời cần phải tránh xa các thông tin tiêu cực, những hoạt động vô nghĩa để không làm tâm trạng trở nên tồi tệ hơn.
8. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Nếu những nỗi đau, cú sốc tâm lý sau khi người thân qua đời cứ kéo dài liên tục và bạn không có cách nào để vượt qua nó thì hãy cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Việc trò chuyện với chuyên gia sẽ giúp bạn tháo gỡ được những khúc mắc trong lòng, dần chấp nhận và thoát khỏi nỗi đau giằng xé vì sự ra đi vội vàng của người thân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý còn hướng dẫn bạn cách cân bằng và kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, biết cách đối mặt và xử lý với những tình huống căng thẳng, tiêu cực trong cuộc sống. Đồng thời, quá trình này còn hỗ trợ ngăn chặn tốt nguy cơ phát triển thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, loạn thần cấp,…
Bài viết trên đây đã gợi ý cho bạn một số cách để vượt qua được nỗi đau mất người thân. Hi vọng bạn đọc sẽ thật mạnh mẽ để vực dậy tinh thần và hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Vợ Chồng Quyết Định Ly Hôn: Thời Điểm Nào Phù Hợp?
- Sợ Tiếp Xúc Với Người Lạ Là Biểu Hiện Của Bệnh Gì?
- Mẹo Giúp Bạn Vượt Qua Áp Lực Từ Gia Đình
- Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu: Biểu Hiện Và Cách Ứng Phó
Cám ơn