Mầm sống: Khi áp lực học tập đẩy con trẻ đến bờ vực

Con trẻ là những mầm sống tương lai của xã hội, là hy vọng của thế giới ngày mai. Thế nhưng, có một thực trạng đáng buồn là những mầm sống này đang dần héo úa, bị tổn thương, vùi dập bởi áp lực học tập, áp lực từ chính cha mẹ, thầy cô và xã hội. Đặc biệt, qua video “Mầm sống” của Trung tâm Tâm Lý Trị Liệu NHC được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây, đã cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về vấn đề áp lực học tập đang đè nặng lên vai con trẻ.

Áp lực học tập khiến con trẻ chịu nhiều tổn thương

Trẻ em là mầm sống là tương lai của đất nước, mầm xanh thì cây mới vững, búp xanh thì lá mới tươi tốt. Thế nhưng, những mầm sống non nớt ấy giờ đây phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nghiêm trọng trong quá trình trưởng thành. Đặc biệt là vấn đề áp lực học tập, sự áp đặt, kỳ vọng quá mức của phụ huynh và xã hội.

Áp lực điểm số, áp lực tự sự kỳ vọng của ba mẹ thầy cô, áp lực từ chương trình học khiến trẻ mệt mỏi, gục ngã
Áp lực điểm số, áp lực tự sự kỳ vọng của ba mẹ thầy cô, áp lực từ chương trình học khiến trẻ mệt mỏi, gục ngã

Có một sự thật áp lực học tập hiện nay ở trẻ em nặng nề hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Rất ít trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa, rất ít trẻ được kết nối với ba mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm. Ngay từ độ tuổi mầm non, trẻ đã phải liên tục tiếp xúc với các chương trình học khác nhau. Trẻ độ tuổi tiểu học, trung học thì chương trình học lại càng nặng, rất nhiều trẻ suốt ngày phải đi học hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa.

Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện ở một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội của Bệnh viện Nhi trung ương, có 38% trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, 33% trẻ có biểu hiện stress và 26,1% trẻ có dấu hiệu trầm cảm.

Trong khi đó, một nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 421 học sinh THPT của thành phố Thủ Đức, cho thấy có 35.9% trẻ chịu áp lực học tập mức độ nhẹ, 30.6% trẻ chịu áp lực học tập mức trung bình và 33.5% trẻ chịu áp lực học tập nghiêm trọng. Trong đó, những trẻ chịu áp lực học tập nặng có tỷ lệ lo âu cao gấp 3.79% thông thường.

Theo UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), tại Việt Nam, có khoảng 8 – 29% trẻ trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trẻ nhận được hỗ trợ điều trị.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có liên tiếp nhiều vụ học sinh tự tử vì áp lực học tập, áp lực từ cha mẹ khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa không thôi. Điển hình là vụ tự tử của một em nam sinh (sinh năm 2006) trường chuyên Amsterdam Hà Nội, em đã tự tử vì chịu nhiều áp lực từ học tập nhưng không được cảm thông, động viên từ bố mẹ.

Đã có rất nhiều vụ trẻ tự tử vì áp lực học tập
Đã có rất nhiều vụ trẻ tự tử vì áp lực học tập lại không được cha mẹ động viên, thấu hiểu

Theo TTO (tuổi trẻ online), vào tháng 5 năm 2024, tại thành phố Đà Nẵng có một cháu trai lớp 6 nhảy lầu từ tầng 6 chung cư xuống, nguyên nhân là do cháu bị áp lực học tập lại bị rầy la nên nghĩ quẩn. Cũng tháng 5 năm 2024, theo TPO (tiền phong online) tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc nữ sinh 19 tuổi nhảy lầu tự tử, nạn nhân có biểu hiện trầm cảm, có để lại tin nhắn cho biết tự tử vì áp lực học tập.

Hoặc mới đây thôi, khi vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024, rất nhiều em suy sụp khi bị cha mẹ mắng nhiếc, tỏ ra thất vọng khi bản thân không đạt được kỳ vọng của phụ huynh dù đã cố gắng học ngày học đêm. Tình trạng này xảy ra rất nhiều, rất phổ biến, trở thành gánh nặng tâm lý, là gút mắc lớn trong lòng khiến các em căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm.

Mầm sống tương lai chính là con trẻ

Trẻ em là mầm sống, là những hạt giống cần được ươm mầm phát triển. Con trẻ là những mầm xanh cần được chăm chút, bảo vệ, nuôi dưỡng, xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trẻ có thể phải đối mặt với áp lực, khó khăn, thách thức để trưởng thành nhưng cần có sự động viên, hỗ trợ, có điểm tựa vững chắc về mặt tinh thần để phát triển.

Tâm hồn trẻ thơ non nớt, mẫn cảm và dễ tổn thương, những tổn thương trong tuổi thơ có thể trở thành vết sẹo, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trẻ. Chúng ta thường cho rằng thế hệ trẻ ngày nay là “thế hệ bông tuyết”, quá mong manh, dễ vỡ và chịu áp lực kém. Thế nhưng, cần hiểu rằng, áp lực tinh thần của thế hệ trẻ hiện nay nặng nề hơn thế hệ trước rất nhiều, bao gồm áp lực học tập, áp lực xã hội, chuyển đổi số, thiếu kết nối với người thân gia đình.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, kế thừa trách nhiệm phát triển xã hội, kết nối cộng đồng. Cần đặc biệt quan tâm đến tương lai của trẻ. Tuy nhiên, sự quan tâm không chỉ nên dừng lại ở sức khỏe thể chất, đời sống vật chất mà còn cần chú ý đến đời sống tinh thần và tôn trọng nhu cầu, mong muốn của trẻ.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Chỉ khi trẻ được hạnh phúc, được phát triển lành mạnh, đúng cách thì trẻ mới có những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai. Việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ là một vấn đề quan trọng. Trẻ cần được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Bao gồm môi trường sống an toàn, lành mạnh, được tôn trọng, lắng nghe và có sự phản hồi trước ý kiến, nguyện vọng của trẻ.

Để mầm sống xanh tươi, vươn mình mạnh mẽ

Tương lai thuộc về trẻ em, con trẻ là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Để những mầm sống của chúng ta được khỏe mạnh, ngày càng vươn cao, phát triển thì cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc chăm sóc, tạo điều kiện cho trẻ phát triển không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trẻ cần có một tuổi thơ hạnh phúc để phát triển tốt trong tương lai
Trẻ cần có một tuổi thơ hạnh phúc để phát triển tốt trong tương lai

Trẻ cần có một tuổi thơ với đầy ắp những ký ức đẹp đẽ, trẻ cũng cần được quan tâm về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần, được tôn trọng, lắng nghe và hỗ trợ. Để làm được điều này, chúng ta nên:

Dạy trẻ đúng cách

Những mầm sống chỉ xanh tươi, phát triển mạnh mẽ khi chúng được chăm bón đúng cách. Cũng giống như trẻ em, khi được chăm sóc, nuôi dạy đúng cách, trẻ mới có nền tảng vững vàng để phát triển. Để dạy con, trước hết chúng ta cần trở thành tấm gương để con noi theo, hành vi của con cái chính là sự phản chiếu của cha mẹ.

Có thể giúp con trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, có kỷ luật bằng cách:

  • Dạy trẻ những điều không nên làm và những điều nên làm
  • Hướng dẫn trẻ sửa sai đúng cách, tìm hiểu lý do con phạm sai lầm, trò chuyện cùng con và cho chúng biết chúng cần phải xử lý như thế nào đối với tình huống tương tự
  • Gia tăng kết nối cùng con bằng cách thường tâm sự, lắng nghe, trở thành người bạn đồng hành của trẻ
  • Đưa ra các quy tắc ứng xử có sự thống nhất giữa ba mẹ và con cái, đặc biệt chú trọng đến cảm xúc của trẻ.
  • Trước khi đưa ra yêu cầu hoặc hướng dẫn với trẻ, hãy dành thời gian để trẻ được thực sự kết nối với bạn bằng cách giao tiếp ngang tầm mắt hoặc ôm vỗ về con.

Tôn trọng nhu cầu, mong muốn và ý kiến của trẻ

Chúng ta luôn cố gắng làm những điều tốt nhất cho trẻ nhưng lại không quan tâm rằng trẻ có thật sự cần những điều ấy không. Có những gia đình, cha mẹ làm việc quần quật nỗ lực không ngừng, cho con học này học kia. Khi kết quả học tập của trẻ không tốt, lại tỏ ra thất vọng, hụt hẫng, mắng nhiếc, chê bai trẻ có việc học cũng làm không xong hay so sánh trẻ với bạn này, bạn kia.

Thế nhưng, chúng ta lại không hề quan tâm đến tâm trạng, nhu cầu hay cảm xúc của trẻ. Đôi khi, trẻ chỉ mong nghe được lời yêu thương, động viên từ cha mẹ. Được khích lệ tinh thần bằng ánh mắt yêu thương, bằng cái ôm ấm áp hay những cuộc trò chuyện đơn giản trong bữa cơm hàng ngày.

Làm bạn cùng con

Dạy dỗ con là cả một quá trình, để dạy dỗ trở, cha mẹ cần biết cách làm bạn cùng con để hỗ trợ con tốt nhất trong quá trình phát triển. Để làm bạn cùng con, hãy đặt con ngang hàng để nói chuyện, không áp đặt cái nhìn của người lớn và bắt trẻ phải suy nghĩ, tư duy giống mình. Hãy dùng cách suy nghĩ của con để phân tích tâm lý của trẻ.

Hãy trở thành những người bạn thực sự của trẻ để hiểu và dạy trẻ đúng cách
Hãy trở thành những người bạn thực sự của trẻ để hiểu và dạy trẻ đúng cách

Nên dành thời gian để trò chuyện, làm bạn cùng con, tương tác với con qua trò chơi, các hoạt động hằng ngày. Chú ý đến tâm lý của trẻ theo độ tuổi, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi dậy thì. Trẻ ở độ tuổi nào cũng cần được yêu thương, chia sẻ. Khi được yêu thương đúng cách, điểm tựa của chúng là cha mẹ, gia đình, từ đó con sẽ vững vàng hơn trước sóng gió.

Đừng áp đặt và tạo áp lực học tập cho trẻ

Rất nhiều cha mẹ đều hiểu, trẻ đang gặp áp lực nghiêm trọng trong học tập. Chương trình học quá nặng, cải cách thường xuyên, áp lực xã hội quá lớn khiến trẻ học từ thứ 2 đến thứ bảy, học từ sáng đến tối, hoàn toàn không có thời gian để trẻ nghỉ ngơi, thư giãn đừng nói đến việc trẻ có thời gian vui chơi, tận hưởng tuổi thơ.

Vì thế, chúng ta hãy vạch kế hoạch, tạo điều kiện để con được phát triển, phát huy năng lực bản thân. Luôn động viên, khuyến khích để trẻ nỗ lực cố gắng. Ngưng áp đặt, tạo áp lực, gánh nặng hay thao túng tâm lý, khiến trẻ cảm thấy mình nỗ lực học tập là để làm vui lòng mẹ cha.

Những lời khuyên trong việc nuôi dạy con trẻ

Mỗi trẻ đều sẽ có cách phát triển khác nhau, không trẻ nào giống trẻ nào. Các con là những phiên bản riêng biệt, cần tôn trọng sự khác biệt của trẻ. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, bạn có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây:

  • Trẻ cần được rèn luyện kỹ năng sống tự lập, tự mình làm việc của mình, không che chở, bảo bọc trẻ quá mức
  • Đừng mang những cảm xúc tồi tệ, những chuyện không vui về nhà và trút giận lên con trẻ
  • Đừng đổ lỗi cho con trẻ, vì con mà bạn phải cố gắng, nỗ lực
  • Đừng bao giờ nói với con rằng “con không thể làm được việc đó”, hãy khích lệ, dạy trẻ phương pháp vượt qua thách thức
  • Cha mẹ cần làm gương cho trẻ, hãy xin lỗi con và dạy con biết nói xin lỗi khi phạm sai lầm.

Chung tay ươm mầm sống tương lai

Chúng ta thường quan tâm nhiều đến đời sống vật chất mà ít chú trọng đến tinh thần và cảm xúc của trẻ. Tổn thương tinh thần là một tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Để trẻ em – những mầm sống của tương lai phát triển tốt đẹp, cần có sự chung tay của cộng đồng.

Cần có sự chung ta của gia đình, nhà trường, xã hội và hỗ trợ của chuyên gia để những mầm sống được vươn mình mạnh mẽ
Cần có sự chung ta của gia đình, nhà trường, xã hội và hỗ trợ của chuyên gia để những mầm sống được vươn mình mạnh mẽ

Sự chung tay của cộng đồng từ gia đình, nhà trường đến xã hội sẽ giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện, có cơ hội mở ra những chân trời mới, thay vì dùng cả quãng đời để chữa lành những tổn thương thời thơ ấu. Hãy nhớ rằng “đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ“.

Dạy trẻ, quan tâm trẻ đúng cách, con sẽ phát triển mạnh mẽ, có đòn bẩy để vươn xa hơn trong tương lai. Đối với những trường hợp dạy con sai cách, những tổn thương đã xuất hiện, chúng ta cần kịp thời phát hiện và sửa đổi. Những mầm sống đang dần héo úa cần được chăm sóc kịp thời.

Đối với những đứa trẻ tổn thương, sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ là hết sức cần thiết. Những tổn thương tinh thần nếu không được xoa dịu sẽ trở thành sẹo, thành nỗi nhức nhối âm ỉ trong tâm hồn trẻ. Việc xoa dịu tổn thương của trẻ cần có sự phối hợp giữa chuyên gia tâm lý, gia đình, nhà trường và những người xung quanh trẻ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *