Tinh thần làm việc và văn hóa công sở – Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ
Công sở là nơi mà không ít người trong số chúng ta dành 1/3 thời gian trong ngày của mình để hiện hữu và làm việc. Với một số người, nó là nơi mà họ sáng tạo, cống hiến và nâng cấp bản thân mình. Tuy nhiên, cũng có không ít người thấy rằng công sở là nơi mà họ bước đến đã thấy mệt mỏi, chán nản, chỉ muốn làm cho xong rồi về, cuối tháng nhận lương, không gắn kết với đồng nghiệp, né tránh tham gia những hoạt động chung của công ty,…
Nổi lên trong thời gian gần đây là trào lưu Quiet Quitting – “Âm thầm nghỉ việc”, “âm thầm giảm việc”, “làm việc cầm chừng” đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu.
Trong chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 8” với chủ đề: “Tinh thần làm việc và gắn kết nơi công sở”, chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến đã mang đến những kinh nghiệm, kiến thức, giải pháp dưới góc nhìn khoa học tâm lý và trải nghiệm của một CEO về vấn đề này.
1. Thực trạng về tinh thần làm việc và văn hoá công sở hiện nay
Sau Covid, thói quen và lối sống của toàn xã hội có sự thay đổi đáng kể. Mọi người có xu hướng chú tâm đến chất lượng cuộc sống và muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Họ tin rằng, việc làm vừa đủ sẽ giúp họ tạo sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Ngoài ra, với nguồn nhân lực hiện nay đông đảo tầng lớp gen Z – thế hệ xem trọng sự cân bằng giữa sự phát triển nghề nghiệp lẫn tinh thần, “quiet quitting” lại tiếp tục có xu hướng lan rộng.
Theo báo cáo thường niên của Gallup (2022) về Tình trạng Môi trường Lao động toàn cầu, kết quả thu được cho thấy, chỉ có 21% người lao động cảm thấy gắn bó với công ty và 33% cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại của họ.
Đáng chú ý hơn, 44% người lao động cảm thấy mình luôn bị stress nặng mỗi ngày. Bất kể là căng thẳng do công việc hay cuộc sống thì mức độ căng thẳng của lực lượng lao động hiện nay đang tăng cao kỷ lục. Thậm chí, con số này còn cao hơn cả thời kỳ bùng nổ dịch Covid vào năm 2020 là 43%.
Như vậy có thể thấy rằng, dân công sở đến công ty với tinh thần uể oải, chán nản, mệt mỏi, họ làm cho xong trách nhiệm, ít gắn kết với đồng nghiệp, ngắt kết nối sau giờ làm, né tránh các buổi giao lưu, team building với công ty là điều khá phổ biến hiện nay.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến là một trong những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trị liệu tâm lý và đã từng giúp nhiều khách hàng trở lại cuộc sống hạnh phúc trước khi đến với Trung tâm NHC Việt Nam. Hiện, chị đang là Tổng Giám đốc của Tập đoàn NHC Group, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng này, chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Bản thân mình cũng là chủ doanh nghiệp nên cá nhân tôi nhận thấy, Quiet Quitting là trào lưu mà không một nhà quản trị nào mong muốn. Nhân sự đến làm việc với tinh thần uể oải, chống đối hay còn gọi là làm việc “cho có”, “cho hết trách nhiệm”. Họ ở đấy “cho có”, họ làm việc “cho có”, thiếu trách nhiệm trong công việc và các hoạt động khác ở doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam lựa chọn “Trách nhiệm” là một trong 5 giá trị cốt lõi nhất với nhân sự.
Trong tiêu chí tuyển dụng và phát triển đội ngũ nhân sự của Công ty Cp … Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, Ban lãnh đạo luôn đề cao 5 giá trị cốt lõi:
- Kỷ luật
- Cống hiến
- Học tập & phát triển
- Tận tâm
- Trách nhiệm & uy tín
2. Hệ lụy của trào lưu Quiet Quitting
Theo chuyên gia Hải Yến, một nhân sự đi làm, chấm công đầy đủ, họ có thể mở máy tính lên, thế nhưng trước mắt không phải là công việc. Thay vào đó, họ lại đang chat với bạn bè, mua sắm online hay lướt facebook, và khi có đồng nghiệp đi qua, họ lại nhanh tay chuyển sang một cửa sổ mới. “Ngồi làm việc cho có” này không hề mang lại hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến tiến độ công việc, cản trở những hoạt động khác.
Chuyên gia Hải Yến cũng chia sẻ thêm:
Với vai trò là một nhà quản trị thì nhà quản trị sẽ không hài lòng với điều này. Thử tưởng tượng, nếu nhiều người trong một doanh nghiệp đều có tinh thần làm việc như vậy, ai nhìn người bên cạnh cũng thấy họ đang làm việc với một thái độ chống đối thì họ sẽ nghĩ “Ồ, như vậy vẫn ổn mà!”, từ đó tạo ra văn hóa doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp. Tôi không chỉ không muốn mà tôi sẽ tìm mọi cách để trào lưu này được giải phóng, không được phép bước vào đơn vị của mình bởi hệ luỵ mà nó gây ra vô cùng lớn.
Trong khoa học tâm lý cũng có một câu nói rất hay, đó là “cách bạn làm một việc chính là cách bạn làm mọi việc”. Nếu như bạn có thói quen xuất hiện ở văn phòng nhưng không tập trung vào công việc của mình, bạn chỉ ngồi đó nhưng không thực sự nhận lãnh trách nhiệm của mình thì rất có thể bạn làm mọi chỗ, mọi việc cũng như vậy. Điều này không chỉ khiến kết quả và văn hoá của doanh nghiệp đi xuống mà tinh thần làm việc của mọi người cũng thay đổi theo hướng tiêu cực.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến cũng nói thêm: “Bản thân tôi không chỉ là người quản trị doanh nghiệp mà còn là doanh nghiệp làm trong lĩnh vực tâm lý, tôi muốn cảnh báo điều có thể xảy ra với chúng ta, làm việc cầm chừng hay làm việc chống đối là thói quen xấu. Nếu bạn làm ở đây như vậy thì bạn làm ở nơi khác cũng như thế, bạn chỉ xuất hiện chứ không thực sự có trách nhiệm, không có ý thức mình cần phải nghiêm túc ở cơ quan thì về nhà hay ở những nơi khác bạn cũng thế.”
Cuộc đời là tiếng vọng nên những gì bạn gửi đi sẽ quay trở lại. Trào lưu Quiet Quitting không chỉ tiềm ẩn hệ luỵ cho lãnh đạo, người quản lý, cho doanh nghiệp/tổ chức mà với cả xã hội, cả đất nước. Thậm chí, nếu cha mẹ có thói quen làm việc này cũng tạo nên tấm gương xấu cho con, từ đó trẻ nhỏ cũng sẽ có thái độ học tập, sinh hoạt và làm việc không tốt trong tương lai.
3. Vai trò của chủ doanh nghiệp, người quản lý
Về vai trò của chủ doanh nghiệp, quản lý với tinh thần làm việc và văn hoá công sở hiện nay của người lao động, chuyên gia Hải Yến chia sẻ:
Dù làm ở lĩnh vực tâm lý nhưng bản thân tôi cũng không tự tin dám nói rằng 100% nhân sự của mình lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, đa nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bởi đây là một trào lưu và có rất nhiều thách thức mà chủ doanh nghiệp, quản lý phải đối mặt. Tinh thần làm việc chống đối có thể xuất hiện ở bất cứ ai, bất kỳ góc nào trong doanh nghiệp của mình. Với tinh thần đó thì tôi luôn luôn chịu trách nhiệm, mình phải có giải pháp cho vấn đề này để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên, tác động hoặc điều chỉnh để nâng cao hiệu quả làm việc cũng như xây dựng văn hoá công ty.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp hay người quản lý cũng là người “đứng mũi chịu sào” để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, kích thích năng lượng làm việc. Thực tế, có 2 lý do chính khiến nhân sự làm việc chống đối, làm việc cầm chừng hoặc âm thầm nghỉ việc. Nguyên nhân chủ quan từ chính nhân sự đó nhưng nguyên nhân khách quan từ nhiều yếu tố bên ngoài. Với cá nhân chuyên gia Hải Yến, nguyên nhân chủ quan từ phía nhân sự đôi khi cũng xuất phát từ chính doanh nghiệp hoặc bản thân người lãnh đạo, quản lý.
Dưới đây là những quan điểm của chuyên gia Bùi Thị Hải Yến trong việc làm quản lý, lãnh đạo cho một doanh nghiệp:
3.1. Lãnh đạo bằng việc làm gương
Một trong những cách tốt nhất để thực hiện kỹ năng quản lý nhân sự, thúc đẩy tinh thần làm việc và xây dựng văn hóa công sở chính là làm gương. Để làm gương được, chủ doanh nghiệp và quản lý phải xây dựng nền tảng lòng tin. Điều này cho nhân sự biết được mức độ cam kết của bạn và họ có thể đặt niềm tin vào bạn.
Cũng theo chuyên gia Hải Yến:
Điều gì mình nói thì mình làm được, hoặc làm được thì mới nói. Ví dụ, ở Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam đang duy trì chương trình leo núi định kỳ, thì bản thân tôi hoặc những người lãnh đạo, quản lý khác không những là leo núi được mà còn phải leo núi đầy năng lượng để làm gương cho nhân sự. Mình không thể đứng ở dưới chân núi để hô anh em “Leo đi nhé, leo đi nhé” rồi chiều anh em đi xuống thì mình cùng nhau ăn mừng đúng không nào? Làm như vậy thì sẽ không còn nhân sự nào coi trọng hoạt động này nữa và cảm thấy bản thân không cần phải nỗ lực, cố gắng đạt được mục tiêu.
3.2. Lãnh đạo là người tạo ra lãnh đạo
Chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến cho rằng: “Lãnh đạo phải là người tạo ra lãnh đạo, bạn phải lãnh đạo được chính cuộc đời mình và chính đội nhóm của mình, khi về nhà là người lãnh đạo trong gia đình, dù là vợ, là chồng hay là con.”
Lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng. Việc truyền cảm hứng cho các nhân sự là điều cần thiết để có thể tối ưu hóa năng suất mà các thành viên có thể mang lại. Để đạt được kết quả thì tinh thần thực hiện là yếu tố góp phần không hề nhỏ. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải là người tạo ra lãnh đạo, tức là giỏi về đào tạo, huấn luyện. Người lãnh đạo có khả năng chiêu mộ xây dựng đội ngũ tốt bằng cách đào tạo và huấn luyện các thành viên.
Tư duy lãnh đạo luôn là một yếu tố then chốt trong việc thành bại của một tổ chức. Yếu tố này cần rất nhiều thời gian để đúc kết từ kiến thức và kinh nghiệm thực chiến. Vì vậy, nếu ở vị trí một người lãnh đạo hay quản lý, điều hành, bạn cần hiểu rõ chính mình, có tầm nhìn và biết “tạo ra” những lãnh đạo kế cận.
3.2. Làm nhân sự cảm thấy công ty là gia đình của mình
Chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến cho biết:
Bạn đến cơ quan, doanh nghiệp không chỉ có làm việc, đạt đủ KPI đề ra, lấy lương mà đây còn là nơi sinh hoạt tương tự như mái ấm gia đình. Nó là sự kết nối giữa đồng nghiệp với nhau, giữa đồng nghiệp với sếp hoặc giữa sếp với nhân viên.
Dựa trên nguyên tắc này, ở Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, CEO Bùi Thị Hải Yến cũng có những quyết định mạo hiểm, ví dụ như cho cả công ty ngày nào cũng tập nhảy, tập thể dục cùng nhau 15 – 20 phút. Thời gian đầu, có những bạn cần phải vượt ngưỡng, cố gắng tập luyện và đặc biệt, lãnh đạo cũng tham gia cùng.
Sau khi đã hình thành thói quen tích cực, các bạn nhân sự thực sự thấy nó có giá trị, thích điều đó. Đây chính là văn hoá công sở, chính những giây phút đó giúp các phòng ban được gặp nhau, có sự kết nối với nhau. Điều này đã tạo ra hiệu ứng rất lớn, mọi người dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống nhiều hơn.
3.3. Ghi nhận sự đóng góp của mỗi nhân sự một cách công bằng, công tâm, công khai
Theo chuyên gia Hải Yến, lãnh đạo hoặc quản lý phải là người đưa ra được những nguyên tắc của đơn vị mình để đảm bảo tinh thần làm việc của nhân sự. Ví dụ: Sự công bằng, công tâm, minh bạch và công khai, có những tiêu chí tăng lương và thưởng đột xuất,… để khích lệ tinh thần.
Đây là những điều cực kỳ quan trọng giúp thúc đẩy năng lượng của nhân sự, giúp họ làm việc tốt hơn, khiến họ cảm thấy được ghi nhận, có giá trị, được thưởng khi đã cống hiến. Với chuyên gia Hải Yến, đây cũng là chiến lược giúp nâng cao tinh thần làm việc và xây dựng văn hóa công sở tích cực hơn.
Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ vào năm 2022 đã chỉ ra rằng: khi nhân viên được công nhận và cảm thấy hạnh phúc trong công việc, họ sẽ giúp làm tăng mọi chỉ số của doanh nghiệp lên cao đến mức ấn tượng. So với một nhân viên bình thường, một nhân viên được công nhận và hạnh phúc sẽ giúp:
- Tăng doanh số bán hàng hơn 37%
- Tăng hiệu suất công việc hơn 31%
- Tăng độ chính xác, hoàn thành mục tiêu hơn 19%
Như vậy có thể thấy rằng, sự công nhận trong công việc từ phía lãnh đạo có thể giúp tạo động lực để nhân viên liên tục tối ưu hóa công việc của họ. Nhân sự sẽ tập trung, dành nhiều năng lượng và cả cảm xúc để hoàn thành công việc thay vì làm việc một cách chống đối, thậm chí là âm thầm giảm việc, nghỉ việc.
4. Phương pháp để người lao động có thể phát triển tích cực trong môi trường doanh nghiệp
Chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến cũng chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân:
Bản thân là một người lãnh đạo, tôi sẽ rất vui nếu nhân sự tự đặt câu hỏi cho mình, ví dụ như tôi có thể làm được gì ở nơi đây? Và tôi nghĩ rằng, công việc luôn có một giai đoạn “thử”, không phải đơn vị hay tổ chức này thử việc bạn mà bạn cũng là người được quyền thử lãnh đạo, thử nơi làm việc. Hai bên cùng quan sát và nếu thấy sự phù hợp thì chúng ta hợp tác và đi tiếp với nhau, nếu không phù hợp thì chúng ta sẽ dừng lại trong sự vui vẻ.
Nếu bạn cảm thấy mình cống hiến được thì đơn vị này sẽ lớn lên, điều đó đồng nghĩa với việc quy mô hoạt động rộng hơn, sự nghiệp của bạn phát triển và thu nhập của bạn gia tăng. Bạn không làm cho đó lớn lên thì bạn không thể đóng góp công sức cho nó phát triển. Phải phù hợp thì mới có thể hào hứng làm việc được.
Theo tâm lý chung của người lao động, lương thưởng và chế độ đãi ngộ tốt hơn mặt bằng chung là một trong những yếu tố quan trọng để họ xem xét môi trường làm việc lý tưởng và đưa ra quyết định có nên gắn bó lâu dài hay không. Vì vậy, đối với những người lãnh đạo, việc xây dựng chính sách lương bổng và phúc lợi dựa trên đánh giá hiệu suất và thái độ làm việc cũng là một trong những cách phù hợp để tạo sự hài lòng cho đội ngũ nhân sự.
Đội ngũ nhân viên cảm thấy rằng họ nỗ lực vì công việc, vì tổ chức là hoàn toàn xứng đáng. Những người lãnh đạo, điều hành cũng có thể tổ chức một số hoạt động nội bộ tập thể như liên hoan, thưởng KPI, tổ chức team building, giúp các nhân viên vừa có động lực làm việc và có cơ hội để hòa nhập cùng mọi người,…
Chuyên gia tâm lý trị liệu Hải Yến cũng chia sẻ câu chuyện vui: “Bản thân tôi đã có 18 ngày tham gia khoá học, các tiết học thường kết thúc vào nửa đêm và tôi đã phải nhờ bố chồng lên phụ giúp chăm 2 con nhỏ. Và buổi sáng ông cũng sẽ là người gọi dậy và chuẩn bị đi học. Sau khi kết thúc khoá học, con tôi có chia sẻ với tôi: Cuộc sống của con những ngày qua có sự thay đổi lớn, ông gọi con dậy sớm hơn mẹ mà con vẫn dậy được, con dậy sớm hơn và không bị vội khi đi học nữa.”
Như vậy có thể thấy rằng, linh hoạt trong các tình huống vô cùng quan trọng, các bạn trẻ con có thể làm được thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Bạn ấy là học sinh, đang bắt đầu có sự thay đổi bởi sự thay đổi của người lớn. Vậy thì những người lao động thì sao? Với những bạn sắp và mới đi làm thì cần làm gì để có tâm thế tốt hơn? Làm thế nào để chúng ta luôn tràn đầy năng lượng và nhận lãnh trách nhiệm của bản thân?
Ngoài ra, khi bạn được tuyển dụng tức là bản thân bạn đã có giá trị cống hiến nhất định trong doanh nghiệp, vì vậy đừng suy nghĩ nhiều về điều này. Thay vào đó, hãy cố gắng xem bản thân có thể làm được gì, tôi có thể cống hiến điều gì để tổ chức này tốt hơn. Luôn đặt câu hỏi và luôn đặt ra giải pháp để thay đổi tình huống, chủ động hơn trong công việc. Chỉ cần nội lực dạt dào, gieo hạt tích cực và tỏa sáng trong bất cứ môi trường nào.
Cũng theo chuyên gia Hải Yến:
Không gieo thì không gặt, đã gieo chắc chắn sẽ gặt, đã gặt sẽ gấp nhiều lần gieo. Hãy biết kiểm soát và tránh đi việc gieo những hạt giống không tốt. Và sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta cùng nhau cố gắng và nỗ lực. Chúng ta cùng nhau xây dựng một tổ chức, đây là tổ chức của chúng ta chứ không phải của ai đó, chúng ta ở đó, cống hiến hết mình thì chúng ta cũng sẽ thu được thành quả xứng đáng. Vì vậy, hãy luôn luôn nghĩ rằng mình có vị trí quan trọng và ý nghĩa nhất định trong tổ chức mà mình làm việc.
Chuyên gia Hải Yến chia sẻ thêm:
Bản thân tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với tâm thế là một lãnh đạo, dù lãnh đạo ở cấp nào đi chăng nữa thì cũng mong nhân sự có sức khỏe, thu nhập tương xứng với tiềm năng và cuộc sống trọn vẹn. Vì vậy, các nhà lãnh đạo hay quản lý cũng có thể cân nhắc thiết kế chương trình đào tạo cho các nhân sự ở doanh nghiệp. Mục đích chính là tạo môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh để giữ chân nhân sự, người lao động. Ngoài ra, những chương trình dành cho sinh viên, người sắp đi làm cũng biết mình cần xây dựng những kỹ năng gì cũng vô cùng thiết thực.
Hy vọng qua những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, CEO Bùi Thị Hải Yến, bạn sẽ có thêm góc nhìn, giải pháp về việc nâng cao tinh thần làm việc dù bạn là nhân viên hay quản lý, chủ doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với những bạn đang thiếu tự tin, giới trẻ có thể hiểu rõ vấn đề của bản thân, chiêm nghiệm ra nhiều thứ và tìm thấy được hướng đi nào đó phù hợp với bản thân để sống tự tin, tích cực hơn, cống hiến nhiều hơn trong công việc!
Xem thêm chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 8” với Chủ đề: “Tinh thần làm việc và gắn kết nơi công sở”:
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!