Rối loạn hoảng sợ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) là chứng bệnh ít gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 2 – 3% dân số thế giới. Chứng bệnh này đặc trưng bởi các lo âu cấp tính, xuất hiện đột ngột, kịch phát kèm theo trạng thái sợ hãi và hoảng loạn quá mức.

Rối loạn hoảng sợ là bệnh gì
Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) là căn bệnh tâm thần thuộc nhóm rối loạn lo âu

Rối loạn hoảng sợ là bệnh gì?

Rối loạn hoảng sợ/ rối loạn hoảng loạn/ bệnh hoảng sợ (Panic Disorder) là chứng bệnh tâm thần thuộc nhóm rối loạn lo âu. Hoảng sợ là trạng thái kích động xảy ra khi lo âu quá mức và sợ hãi về những mối nguy hiểm xung quanh. Đây là phản ứng thông thường của cơ thể và ảnh hưởng đến khoảng 11% dân số mỗi năm.

Tuy nhiên, rối loạn hoảng sợ lại là vấn đề tâm lý cần phải điều trị. Bệnh lý này đặc trưng bởi những cơn lo âu dữ dội kết hợp với trạng thái sợ hãi và hoảng loạn, có tính chất kịch phát, đột ngột mà không hề có các yếu tố báo trước. Cơn hoảng loạn thường đi kèm với những triệu chứng cơ thể như choáng váng, vã mồ hôi, tim đập nhanh, nghẹn thở, hồi hộp.

Trong các cơn hoảng loạn, người bệnh thường có nỗi sợ mạnh mẽ như sợ mất trí nhớ, sợ mất tự chủ và có cảm giác sợ chết. Mỗi cơn hoảng sợ thường kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút và hầu như không bao giờ xảy ra quá 1 giờ. Khác với hoảng sợ thông thường, rối loạn hoảng loạn gây ra các cơ hoảng sợ vài lần 1 tuần – ngay cả khi không có yếu tố kích thích hay nguyên nhân nào cụ thể.

Rối loạn hoảng sợ là một dạng rối loạn lo âu không quá phổ biến, ảnh hưởng từ 2 – 3% dân số. Hội chứng này thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 – 25 với tỷ lệ gặp nhiều hơn ở nữ giới. Những trường hợp khởi phát bệnh muộn sau 40 tuổi thường có liên quan đến nguyên nhân thực thể và ảnh hưởng của chứng trầm cảm.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ đặc trưng bởi các cơn lo âu kịch phát (cấp tính) đi kèm với trạng thái sợ hãi và hoảng loạn quá mức. Cơn hoảng loạn xảy ra một cách đột ngột kèm theo cảm giác sợ hãi ngày một tăng lên dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng thần kinh thực vật. Điều này khiến cho bệnh nhân có xu hướng rời khỏi nơi đang ở để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Các cơn hoảng sợ không thể dự đoán trước nên có thể xảy ra khi ở một mình hoặc khi ở những nơi công cộng. Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, rối loạn hoảng lọa có thể đi kèm với các triệu chứng trầm cảm và một số bệnh lý tâm thần thường gặp.

Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân rối loạn hoảng sợ:

  • Xuất hiện các cơn lo âu cấp tính kèm theo cảm giác sợ hãi và hoảng loạn
  • Cảm thấy có mối nguy hiểm và lo sợ mạnh mẽ về cái chết, sợ mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát
  • Cơn hoảng loạn đi kèm với cảm giác sợ hãi ngày một tăng lên và kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút
  • Cảm giác lo sợ quá mức gây ra các triệu chứng thần kinh thực vật như đánh trống ngực, khó thở, đau vùng ngực – thậm chí là đau nhói, bồn chồn, khó thở, vã mồ hôi, đỏ bừng mặt, cơ thể có cảm giác nóng bừng hoặc lạnh cóng

Các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ tương đối đồng nhất ở các bệnh nhân, không chia thành nhiều nhóm triệu chứng và đa dạng như rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

triệu chứng rối loạn hoảng sợ
Các cơn hoảng sợ ở bệnh nhân rối loạn hoảng loạn có thể xảy ra khi ở đám đông hoặc khi ở một mình

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn hoảng sợ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn hoảng sợ vẫn chưa được xác định. Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, bệnh lý này được xác định có liên quan đến các nguyên nhân và yếu tố sau:

  • Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Hầu hết bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần đều có sự bất thường về các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Ở người bị rối loạn hoảng loạn, nồng độ serotonin và epinephrine có xu hướng giảm thấp. Điều này dẫn đến cảm giác lo âu quá độ, tích tụ bùng phát thành cơn lo âu kịch phát kèm theo trạng thái sợ hãi và hoảng loạn.
  • Di truyền: Rối loạn lo âu nói chung và rối loạn hoảng sợ nói riêng đều có nguy cơ di truyền cao. Hiện nay, cách thức mà gen tác động và hình thành bệnh lý này vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên thống kê cho thấy, đa phần những trường hợp bị rối loạn hoảng loạn đều có người thân cận huyết bị trầm cảm, rối loạn lo âu và mắc các bệnh tâm thần khác.
  • Các nguyên nhân khác: Nghiên cứu cho thấy, nicotin trong khói thuốc, caffeine, cồn, chất kích thích và một số loại thuốc (corticoid, thuốc giảm cân, thuốc tuyến giáp, thuốc trị dị ứng,…) đều góp phần gây ra hội chứng rối loạn hoảng sợ. Tuy nhiên, bệnh chỉ bùng phát ở những trường hợp có sẵn các yếu tố nguy cơ.

Rối loạn hoảng loạn gặp chủ yếu ở người từ 18 – 19 tuổi với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Bệnh cũng có thể gặp ở người trung niên và cao tuổi do phải chịu quá nhiều áp lực trong một thời gian dài.

nguyên nhân gây bệnh rối loạn hoảng sợ
Nguy cơ bị rối loạn hoảng loạn tăng lên đáng kể ở những người bị sang chấn tâm lý từ thuở thơ ấu

Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ mắc hội chứng rối loạn hoảng sợ có thể tăng lên khi có những yếu tố sau:

  • Sang chấn tâm lý do người thân qua đời hoặc phải đối diện với khủng hoảng tài chính, ly hôn, trầm cảm sau sinh
  • Lạm dụng rượu bia, uống quá nhiều caffeine và hút thuốc lá lâu năm
  • Bị tổn thương tâm lý thời thơ âu và quá khứ như tai nạn nghiêm trọng, bị lạm dụng thân thể, quấy rối tình dục, cưỡng bức, gia đình tan vỡ,…
  • Đặc điểm tính cách (người nhút nhát, bi quan, thiếu tự tin về bản thân có nguy cơ rối loạn hoảng sợ cao hơn so với người có nhóm tính cách khác)

Ảnh hưởng của bệnh rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ có thể được kiểm soát nếu thăm khám và điều trị sớm. Ngược lại trong trường hợp để kéo dài, bệnh lý này có thể chuyển biến nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguy cơ gặp phải biến chứng tăng lên đáng kể ở những trường hợp lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện và kết hợp với các bệnh tâm thần khác.

rối loạn hoảng sợ (panic)
Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện

Một số ảnh hưởng, biến chứng do rối loạn hoảng loạn gây ra:

  • Nỗi sợ ở bệnh nhân bị rối loạn hoảng loạn tăng lên theo thời gian dẫn đến không thể rời khỏi nhà, từ chối đi học, làm việc và gần như không thể điều khiển phương tiện giao thông.
  • Tăng các xung đột, vấn đề ở trường học và nơi làm việc
  • Tránh các hoạt động xã hội dẫn đến tự khép kín và tách rời khỏi cộng đồng
  • Tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia và chất kích thích
  • Rối loạn hoảng sợ kéo dài gia tăng nguy cơ trầm cảm. Với những trường hợp đã bị trầm cảm từ trước, bệnh lý này có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của rối loạn trầm cảm, dẫn đến hình thành suy nghĩ và hành vi tự sát (7.9%). Ngay cả khi không có nghiện rượu và trầm cảm phối hợp, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn hoảng sợ có hành vi tự sát chiếm đến 7%.
  • Rối loạn hoảng sợ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và đặc biệt làm giảm hiệu suất lao động. Về lâu dài, bệnh ảnh hưởng nhiều đến tài chính của cá nhân người bệnh, gia tăng gánh nặng lên gia đình và xã hội.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính hoặc làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe sẵn có

Có thể thấy, rối loạn hoảng sợ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sức khỏe tâm thần và thể chất. Chính vì vậy, chủ động thăm khám và điều trị sớm là biện pháp hết sức cần thiết.

Theo số liệu thống kê, khoảng 34% trường hợp khỏi bệnh hoàn toàn sau 5 năm điều trị, 46% còn tồn tại một ít triệu chứng và khoảng 20% trường hợp không có cải thiện, cải thiện không đáng kể hoặc triệu chứng nặng lên theo thời gian. Trong đó, 20% trường hợp điều trị thất bại đều đáp ứng với điều trị ban đầu kém và có nhân cách lo âu-sợ hãi.

Chẩn đoán rối loạn hoảng sợ

Chẩn đoán rối loạn hoảng sợ dựa vào biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng. Hiện nay, bệnh lý này được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của DSM IV hoặc tiêu chuẩn ICD-10.

chẩn đoán rối loạn hoảng sợ (panic)
Rối loạn hoảng sợ được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của DSM IV hoặc tiêu chuẩn ICD-10

Các kỹ thuật được thực hiện trong chẩn đoán rối loạn hoảng sợ:

  • Khám lâm sàng: Đo trọng lượng, chiều cao, kiểm tra nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, siêu âm kiểm tra tim phổi và vùng bụng.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Chủ yếu là xét nghiệm máu toàn phần để đánh giá chức năng tuyến giáp và một số cơ quan khác. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định đo điện tâm đồ.
  • Đánh giá tâm lý: Sau cùng, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân để khai thác các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, thời gian và thời điểm khởi phát. Đồng thời sàng lọc các nguy cơ gây bệnh như căng thẳng, những vấn đề lo âu trong cuộc sống, sang chấn tâm lý, sử dụng rượu bia và hút thuốc lá.

Hoảng loạn là phản ứng thông thường của cơ thể khi cảm nhận được mối nguy hiểm sắp ập đến. Tuy nhiên ở bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ, các cơn lo âu cấp tính có thể bùng phát trong trạng thái hoảng loạn và sợ hãi mạnh mẽ nhưng không có nguyên nhân cụ thể. Cơn hoảng loạn thường đi kèm với các triệu chứng rối loạn thực vật và diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút. Bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn để chẩn đoán xác định bệnh lý này.

Ngoài ra, rối loạn hoảng sợ cần được chẩn đoán phân biệt với trầm cảm (đặc biệt là trầm cảm + triệu chứng cơ thể), rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), bệnh lý tim mạch, hạ huyết áp, rối loạn hỗn hợp lo âu – trầm cảm, ảnh hưởng của thuốc bình thần và rối loạn do nghiện rượu.

Các phương pháp điều trị rối loạn hoảng sợ

Điều trị rối loạn hoảng sợ kéo dài trong nhiều năm với 2 phương pháp chính là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể kết hợp với một số liệu pháp hỗ trợ và xây dựng lối sống lành mạnh để tác động tích cực đến quá trình chữa trị.

1. Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn hoảng sợ. Mục tiêu của phương pháp này là ngăn chặn các cơ lo âu, hoảng sợ kịch phát và giảm tình trạng lo âu, tự xa lánh. Có nhiều loại thuốc được sử dụng trên lâm sàng, trong đó thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc mang lại hiệu quả cao với khả năng giảm mức độ và tần suất của các cơn hoảng sợ rõ rệt.

điều trị rối loạn hoảng loạn
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn hoảng loạn

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng sợ:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRIs là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn hoảng sợ nhờ có hiệu quả cao, an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc khác. Thuốc được sử dụng sau khi ăn với liều thấp, sau đó tăng dần liều trong 1 – 2 tuần cho đến khi đạt được hiệu quả tối ưu. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm có Citalopram, Fluoxetin, Fluvoxamin, Paroxetin, Sertralin,…
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs): Ngoài thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, bệnh nhân rối loạn hoảng sợ cũng có thể được chỉ định dùng SNRIs. Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ hơn nên chỉ được sử dụng khi SSRIs không mang lại hiệu quả. Các loại thuốc SNRIs được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng loạn bao gồm Venlafaxine, Duloxetine, Desvenlafaxine,…
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA): Thuốc chống trầm 3 vòng là một trong những loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị rối loạn hoảng loạn bên cạnh SSRIs và SNRIs. Hiện nay, TCA ít được sử dụng do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ hơn 2 nhóm còn lại. Thuốc chỉ được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân không dung nạp hoặc triệu chứng không thuyên giảm khi sử dụng SSRIs, SNRIs. Các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng bao gồm Amitriptylin, Doxepin, Desipramine, Imipramine,…
  • Benzodiazepine (thuốc an thần gây nghiện): Các loại thuốc an thần gây nghiện chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng Tranxene, Lexomil, Seduxen, Rivotril, Alprazolam, Clonazepam,… Khi dùng nhóm thuốc này, cần phải giảm 15% liều mỗi tuần trước khi ngừng hẳn để tránh hội chứng cai nghiện.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài những loại thuốc trên, bệnh nhân rối loạn hoảng sợ cũng có thể được điều trị bằng một số loại thuốc khác như Clonidine, Propranolol, Venlafaxine, Valproic acid,…

Thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị tấn công trong ít nhất 6 tháng. Sau đó, chuyển sang điều trị duy trì với liều bằng ½ liều tấn công trong ít nhất 3 năm để có thể ngăn chặn hoàn toàn các cơn lo âu kịch phát. Thuốc chống trầm cảm có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhiều loại thuốc khác tùy theo từng trường hợp cụ thể.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý được thực hiện song song với điều trị bằng thuốc. Phương pháp này giúp bệnh nhân hiểu rõ về cơn hoảng loạn và cách đối phó các cơn lo âu cấp tính bùng phát đột ngột. Có nhiều liệu pháp được áp dụng cho bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ như liệu pháp thư giãn luyện tập, liệu pháp nhóm, liệu pháp nhận thức – hành vi. Trong đó, nhận thức – hành vi là liệu pháp mang lại hiệu quả cao nhất.

Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là thay đổi nhận thức của bệnh nhân về các cơ hoảng loạn, biết cách đối phó với các triệu chứng thể chất và sự lo lắng tột độ. Sau khi các triệu chứng cải thiện, bác sĩ sẽ phát triển kế hoạch điều trị lâu dài để bệnh nhân được trang bị thêm những kỹ năng để thích nghi với các tình huống căng thẳng và kiểm soát tốt nỗi sợ, lo âu của bản thân.

tâm lý trị liệu chữa rối loạn hoảng loạn
Liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân nhận thức được các cơn hoảng loạn và biết cách đối phó với trạng thái sợ hãi, lo âu quá mức

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn hoảng sợ cũng sẽ được tư vấn cách xử lý khi các cơn hoảng sợ bùng phát:

  • Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ qua đi. Điều này sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tình trạng rời khỏi nơi đang ở và chạy đến những nơi khác để tìm kiếm sự giúp đỡ.
  • Thở chậm và thư giãn để chế ngự sự lo âu
  • Nhắc nhở bản thân cơn hoảng sợ sẽ qua nhanh cũng là cách trấn an tâm lý và kiểm soát các cơn hoảng loạn, lo âu kịch phát

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài các phương pháp y tế, một số biện pháp hỗ trợ cũng góp phần cải thiện sự lo âu và hoảng loạn quá mức ở bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ. Kết hợp các biện pháp này cùng với điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu tác động không nhỏ đến kết quả của quá trình chữa trị.

cách chữa rối loạn hoảng loạn
Ngồi thiền giúp thư giãn cơ thể, giải tỏa căng thẳng và hạn chế phần nào các cơn hoảng loạn

Các biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn hoảng sợ:

  • Inositol (vitamin B8) là thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương. Các nghiên cứu cho thấy, loại vitamin này giúp cân bằng các hóa chất trong não bộ – đặc biệt là serotonin. Chính vì vậy, người bị rối loạn hoảng loạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B8 như các loại rau xanh, thịt bò, ngũ cốc, gan, mầm lúa mì, sữa bột, nước tương,.. để giảm sự lo âu và trạng thái hoảng sợ quá mức.
  • Tập yoga, ngồi thiền mỗi ngày để thư giãn cơ thể, giải phóng căng thẳng và nâng cao sức khỏe thể chất. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tập kỹ thuật hít thở sâu để chế ngự cảm giác sợ hãi quá độ trong mỗi lần cơn hoảng loạn bùng phát.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế các tác nhân gây stress và đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Không sử dụng rượu bia, chất kích thích, tránh uống cà phê, các loại trà chứa caffeine và cai hút thuốc lá.

Rối loạn hoảng sợ gần như không thể phòng ngừa. Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là kiểm soát stress và tránh lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện. Những trường hợp sang chấn tâm lý nên cân nhắc trị liệu sớm để phòng tránh rối loạn hoảng sợ và các dạng rối loạn lo âu khác.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn hoảng sợ là một dạng rối loạn lo âu ít gặp (2 – 3% dân số). Bệnh lý này có tỷ lệ tự sát cao ngay khi không kết hợp với trầm cảm và nghiện rượu bia. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, cần tìm kiếm sự giúp đỡ để tránh tình trạng chuyển biến xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *