Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Biểu hiện và hướng điều trị

5/5 - (12 bình chọn)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một trong những dạng rối loạn lo âu. Hội chứng này đặc trưng bởi những ý nghĩ ám ảnh có xu hướng tái diễn, thôi thúc thực hiện các hành vi/ nghi thức để giải tỏ lo âu và căng thẳng. OCD ảnh hưởng chủ yếu đến người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng của rối loạn lo âu

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder/ OCD) còn được gọi là rối loạn ám ảnh nghi thức và rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Đây là một trong những dạng thường gặp của rối loạn lo âu.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là tình trạng người bệnh bị ám ảnh bởi những ý nghĩa, cảm giác và biểu tượng xuất hiện một cách cưỡng bức và có xu hướng tái diễn. Sự ám ảnh quá mức dẫn đến việc phải thực hiện các nghi thức/ hành động (né tránh, kiểm tra, rửa tay, đếm,…) để giảm sự lo âu và căng thẳng.

Nói một cách đơn giản, rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra các ý nghĩ, cảm giác cưỡng bức. Điều này làm gia tăng sự lo âu, căng thẳng và cảm giác khó chịu. Từ đó thôi thúc thực hiện các nghi thức/ hành vi để có thể giảm đi sự lo âu. Chính vì vậy, mặc dù người bệnh nhận biết được những nghi thức/ hành động này thực sự không cần thiết nhưng vẫn phải thực hiện để giảm sự lo lắng do ám ảnh gây ra.

Đặc điểm chính của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là có các ý nghĩ ám ảnh và/ hoặc có những hành vi cưỡng bức để giải tỏa sự lo âu, căng thẳng. Hội chứng này có triệu chứng khá đa dạng và được chia thành nhiều nhóm khác nhau.

Theo số liệu thống kê, khoảng 2 – 3% dân số thế giới mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đây là dạng rối loạn tâm thần phổ biến thứ 4 sau rối loạn ám ảnh sợ, rối loạn do sử dụng chất tác động tâm thần và trầm cảm điển hình. Hội chứng này ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ nhỏ. Ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc bệnh gần như không có sự chênh lệch giữa nam và nữ. Tuy nhiên ở thanh niên và trẻ em, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nam giới (chiếm 70%).

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức có độ tuổi khởi phát trung bình là 20 tuổi và chỉ có khoảng 15% trường hợp khởi phát sau tuổi 35. Tương tự như các rối loạn lo âu khác, OCD thường đi kèm với các bệnh tâm thần như ám ảnh sợ xã hội (chiếm 25%), ám ảnh sợ đặc hiệu, lạm dụng rượu, rối loạn hoảng sợ và rối loạn ăn uống. Rối loạn ám ảnh cưỡng bức ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp, các mối quan hệ xã hội và hầu hết tất cả các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của những ý nghĩ hoặc (và) hành vi cưỡng bức. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể ý thức được sự vô lý trong suy nghĩ, hành vi nhưng không thể kiểm soát và khống chế. Các triệu chứng do hội chứng này gây ra không ít phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp, các hoạt động xã hội và sinh hoạt hằng ngày.

Biểu hiện lâm sàng của rối loạn ám ảnh cưỡng bức tương đối đa dạng và không đồng nhất ở người trưởng thành, thanh thiếu niên và trẻ em. Các triệu chứng có thể xảy ra đồng thời hoặc thay đổi theo thời gian.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì
Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức luôn có những suy nghĩ ám ảnh xuất hiện một cách cưỡng bức và lặp đi lặp lại

Hiện nay, rối loạn ám ảnh cưỡng chế được chia thành 4 nhóm triệu chứng chính:

  • Ám ảnh bị lây bệnh, nhiễm bẩn: Đây là nhóm triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn ám ảnh nghi thức (OCD). Nỗi sợ bị nhiễm bẩn, lây bệnh thôi thúc người bệnh thực hiện hành vi rửa tay nhiều lần và có xu hướng né tránh những đối tượng mắc bệnh, nhiễm bẩn, không vệ sinh. Trong nhiều trường hợp, người bệnh rửa tay rất nhiều lần đến mức da tay bị trầy xước và khô ráp nặng.
  • Ám ảnh nghi ngờ: Ám ảnh nghi ngờ là nhóm triệu chứng phổ biến thứ 2 ở bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh nghi thức. Người có nhóm triệu chứng này thường nghi ngờ, lo lắng quá mức về những sự việc như đã tắt bếp ga, khóa cửa nhà hay chưa,… Sự nghi ngờ này tiếp diễn nhiều lần khiến người bệnh luôn có cảm giác đã phạm phải sai lầm và quay trở về nhà kiểm tra để chắc chắn đã khóa cửa/ tắt bếp ga.
  • Dạng thứ 3: Ám ảnh nhiễm bẩn và ám ảnh nghi ngờ thường kết hợp cả ám ảnh và hành vi cưỡng bức. Tuy nhiên ở dạng thứ 3, bệnh nhân chỉ có ám ảnh không hề phát sinh nghi thức cưỡng bức. Cụ thể, người bệnh luôn lặp đi lặp lại những ý nghĩ về hành vi xâm phạm và hoạt động tình dục. Ví dụ như người mẹ trở nên đau khổ vì liên tục có những suy nghĩ muốn giết đứa con của mình, một số người mắc OCD còn liên tục có những suy nghĩ tục tĩu, xúc phạm nhưng không thể gạt đi những suy nghĩ này,…
  • Dạng thứ 4: Người bệnh có ám ảnh chậm chạp dẫn đến sự ngập ngừng và do dự trong thực hiện những hoạt động thường ngày như mất nhiều thời gian để cạo râu, ăn sáng,…

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có triệu chứng khá đa dạng, trong đó ám ảnh lây bệnh và ám ảnh nghi ngờ là 2 nhóm triệu chứng phổ biến nhất. Trên thực tế, những biểu hiện này cũng có thể gặp ở một số người bình thường. Tuy nhiên, một người được chẩn đoán mắc OCD khi những đặc điểm sau:

  • Mất ít nhất 60 phút mỗi ngày để thực hiện hành vi và suy nghĩ về những ý nghĩ ám ảnh
  • Cảm giác lo âu, căng thẳng giảm đi đáng kể khi thực hiện những hành vi cưỡng bức. Tuy nhiên, gần như không có cảm giác hứng thú khi thực hiện những hành vi này.
  • Nhận biết sự thừa thãi, vô lý trong hành động của bản thân nhưng không thể khống chế. Nếu không thực hiện các nghi thức cưỡng bức, cảm giác lo âu và khó chịu sẽ tăng lên.
  • Sự ám ảnh quá mức + hành vi cưỡng bức gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống
  • Ngoài ra, người mắc hội chứng này còn có thể gặp phải rối loạn TIC (sự cử động bất thường của các cơ trên cơ thể nhưng không thể kiểm soát và có tính chất lặp đi lặp lại). Rối loạn TIC thường gây ra một số triệu chứng như gật đầu cổ liên tục, khịt mũi, nhăn mặt, nhún vai, nháy mắt liên tục, mắt cử động bất thường,…

Đa phần những người mắc hội chứng này đều có ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế (chiếm 75%) nhưng đôi khi chỉ xuất hiện ý nghĩ ám ảnh. Ở một số trường hợp, các hành vi cưỡng chế không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Điều này sẽ làm gia tăng sự lo âu ở bệnh nhân dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý khác – đặc biệt là trầm cảm.

Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Tương tự như các loại rối loạn lo âu khác, rối loạn ám ảnh cưỡng chế chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên qua dịch tễ và những nghiên cứu đã thực hiện, các chuyên gia nhận thấy, OCD gặp chủ yếu ở người trẻ và nam giới khởi phát bệnh sớm hơn. Đặc biệt, hội chứng này chủ yếu ảnh hưởng đến những người có trình độ và trí tuệ.

Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố được xác định có thể gây rối loạn ám ảnh nghi thức:

1. Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh

Sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh được cho là nguồn cơn gây ra các rối loạn tâm thần và OCD. Khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy ở bệnh nhân mắc hội này có sự rối loạn điều hòa serotonin tại các synap ở một số vùng của não bộ. Ngoài ra, bệnh nhân OCD cũng có hiện tượng tăng nhạy cảm đối với serotonin và sự bất thường giữa oxytocin – vasopressin.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì
Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh – đặc biệt là serotonin được xem là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn ám ảnh nghi thức

Sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh gây ra các suy nghĩ ám ảnh và thúc đẩy người bệnh thực hiện các hành vi cưỡng bức. Ngoài các chất kể trên, rối loạn dopamine cũng được cho là yếu tố gây rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng vai trò chưa được nghiên cứu rõ.

2. Gen (di truyền)

Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, OCD có khả năng di truyền cao. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng này tăng lên 4 lần khi trẻ được sinh ra có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Mặc dù cơ chế di truyền chưa được biết rõ nhưng qua dịch tễ và các nghiên cứu đã thực hiện, có thể khẳng định di truyền là yếu tố quan trọng trong hội chứng rối loạn ám ảnh nghi thức.

3. Sự bất thường ở não bộ

Khi chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) ở bệnh nhân OCD, các chuyên gia nhận thấy các hạch đáy não và thùy trán gia tăng hoạt động. Đồng thời nhận thấy nhân đuôi cả 2 bên giảm kích cỡ thông qua hình ảnh MRI hoặc CT. Điều này cho thấy, cấu tạo và hoạt động của não bộ ở người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức có sự khác thường so người bình thường.

Hơn 50% trường hợp bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế khởi phát đột ngột sau những sang chấn tâm lý như cái chết của người thân, bị cưỡng bức và bị lạm dụng. Vì vậy ngoài những nguyên nhân trên, sang chấn tâm lý cũng được xem là yếu tố góp phần trong hình thành OCD.

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn lo âu nói chung và rối loạn ám ảnh cưỡng bức nói riêng đều gây ra những phiền toái trong cuộc sống. Người mắc OCD mất rất nhiều thời gian cho các suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế.

Khi nhận thấy sự vô lý và thừa thãi trong các hành vi, không ít người tìm cách khống chế nhưng gần như không mang lại kết quả. Nếu cố tình không thực hiện hành vi cưỡng chế, cảm giác lo âu và khó chịu sẽ tăng lên khiến người bệnh rơi vào trạng thái khó chịu, lo lắng quá mức và gặp khó khăn để tập trung vào công việc, học tập.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế điều trị
Rối loạn ám ảnh nghi thức khiến người bệnh mất nhiều thời gian để thực hiện những hành vi thừa thãi, không cần thiết

Trên thực tế, OCD chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Người mắc hội chứng này ít có hành vi tự hủy hoại hay tự sát. Tuy nhiên, một số trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng thường đi kèm với các bệnh tâm thần khác như rối loạn ám ảnh sợ xã hội và trầm cảm thứ phát. Nếu không có hướng điều trị sớm, cuộc sống và sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Một số ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh nghi thức (OCD):

  • Mất nhiều thời gian để thực hiện các hành vi không cần thiết, gây ra nhiều phiền toái trong công việc, học tập và hầu hết các hoạt động sinh hoạt thường ngày
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội
  • Đời sống tình dục gặp vấn đề do bị ám ảnh bởi các suy nghĩ lệch lạc
  • Một số người bị OCD có xu hướng tự cào da, nhổ tóc và cắn móng tay sát do suy nghĩ ám ảnh lặp đi lại lại, thôi thúc những hành vi tự hủy hoại.
  • Nghiên cứu cho thấy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể gây trầm cảm thứ phát hoặc gia tăng mức độ nghiêm trọng của rối loạn trầm cảm
  • Tăng các xung đột trong gia đình và xã hội do khó thích nghi, hòa hợp

Nếu được điều trị sớm và đúng cách, các suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng bức sẽ giảm đi đáng kể. Người bệnh có thể thích nghi với xã hội, học tập và làm việc một cách bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, có khoảng 40 – 50% trường hợp tiến triển nặng hơn. Đa phần những trường hợp này đều khởi phát bệnh từ nhỏ và thường có các nghi thức kì dị đi kèm với rối loạn nhân cách, hoang tưởng và trầm cảm nặng.

Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Hiện nay, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) chủ yếu được chẩn đoán theo ICD-10 hoặc theo DSM IV. Hầu hết các trường hợp OCD đều có thể xác định dựa trên biểu hiện lâm sàng.

Ngoài ra, OCD cũng cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tâm thần (hoang tưởng, trầm cảm, ánh ảnh sợ) và các bệnh thần kinh (chấn thương sọ não, biến chứng sau viêm não, động kinh thùy thái dương và bệnh Tourette).

Dựa vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định các bệnh lý tâm thần đi kèm với rối loạn ám ảnh nghi thức.

Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Hiện nay, điều trị rối loạn ám ảnh nghi thức còn gặp nhiều hạn chế và thách thức. Bệnh lý này chủ yếu được kiểm soát bằng thuốc và liệu pháp hành vi. Mục tiêu của điều trị là cải thiện triệu chứng, giảm sự phiền toái và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bệnh dễ tái phát khi có yếu tố kích thích nên cần phải được theo dõi và quản lý chặt chẽ.

1. Điều trị bằng thuốc

Như đã đề cập, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có liên quan đến sự rối loạn của serotonin và một số chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Chính vì vậy, sử dụng các loại thuốc tác động tâm thần có thể cải thiện triệu chứng do OCD gây ra.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ocd)
Sử dụng thuốc có thể giảm các triệu chứng do rối loạn ám ảnh cưỡng bức gây ra

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến trong điều trị OCD, đặc biệt là Clomipramin. Khoảng 60% trường hợp có cải thiện tốt khi sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, Clomipramin có hiệu quả rất chậm và chỉ mang đến tác dụng đầy đủ sau 5 – 12 tuần sử dụng. Hiện tại, chỉ có Clomipramin được sử dụng trong điều trị OCD bởi các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng khác mang lại hiệu quả rất kém.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs): Ngoài Clomipramin, bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có thể được chỉ định các chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Citalopram, Fluvoxamine, Sertraline, Fluoxetine,…). Các loại thuốc này có hiệu quả tương tự Clomipramin nhưng ít tác dụng phụ hơn nên hiện nay được sử dụng khá phổ biến.
  • Các loại thuốc khác: Đối với những bệnh nhân đáp ứng kém, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như Lithium, Olanzapine, Clonazepam, Risperidone,… Các loại thuốc này mang lại hiệu quả khá tốt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Với bệnh nhân OCD, bác sĩ thường áp dụng 2 kỹ thuật sau:

rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ocd)
Trị liệu tâm lý có thể giảm đi những ý nghĩ ám ảnh và ngăn chặn các hành vi cưỡng bức ở bệnh nhân OCD

– Liệu pháp hành vi:

  • Bộc lộ các suy nghĩ ám ảnh để giảm đi sự khó chịu và lo âu và bắt đầu thiết lập các thói quen mới lành mạnh hơn. Trong kỹ thuật này, chuyên gia sẽ yêu cầu người bệnh đi thăm các thành viên khác trong gia đình và làm một số việc trong nhà để giảm đi sự lo lắng, đồng thời tăng tính hòa nhập với gia đình và xã hội.
  • Kỹ thuật ngăn chặn nhằm giảm các ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức. Kỹ thuật này làm giảm đi các hành vi cưỡng bức của người bệnh. Về lâu dài, các hành vi này có thể được kiểm soát, khống chế mà không hề gây ra cảm giác lo âu và căng thẳng cho bệnh nhân.

Đối với liệu pháp hành vi, các thành viên trong gia đình cần có sự giúp đỡ và giáo dục (đối với trẻ em) để mang lại sự thành công cho quá trình trị liệu. Hầu hết các bệnh nhân có sự hợp tác trong liệu pháp hành vi đều có cải thiện rõ rệt và tích cực.

– Liệu pháp nhận thức:

Bên cạnh liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức cũng có vai trò quan trọng giúp giảm đi các suy nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Liệu pháp này giúp bệnh nhân có đánh giá đúng về mức độ nguy hiểm, thảm họa để tránh tình trạng lo lắng quá mức dẫn đến thôi thúc thực hiện các hành vi cưỡng bức để giải tỏa lo âu.

Hiện tại, liệu pháp tâm lý được xem là biện pháp lâu dài, an toàn và hiệu quả đối với rối loạn lo âu nói chung và rối loạn ám ảnh cưỡng bức nói riêng. Ngoài ra, người bệnh có thể phải kết hợp với sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống để kiểm soát bệnh hoàn toàn.

3. Các phương pháp khác

Đối với những trường hợp kháng thuốc và trị liệu tâm lý không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét một số phương pháp khác như:

  • Sốc điện
  • Cắt bỏ bó liên hợp khứu hải mã (tỷ lệ thành công khoảng 25 – 30% ở các trường hợp kháng thuốc và thất bại khi điều trị tâm lý)

Lối sống cho bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi các suy nghĩ ám ảnh có tính chất tái diễn và những hành vi cưỡng bức. Hiện nay, điều trị bằng thuốc và liệu pháp hành vi còn khá nhiều hạn chế. Vì vậy để kiểm soát bệnh hoàn toàn, cần phối hợp thêm với lối sống khoa học.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế (ocd)
Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế và nâng cao sức khỏe thể chất

Cách xây dựng lối sống giúp cải thiện hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức:

  • Học cách chia sẻ lo âu và các vấn đề gặp phải trong cuộc sống với những người xung quanh. Bởi stress ở bệnh nhân OCD có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát, từ đó ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Ghi chép lại những hành động đã thực hiện (đã khóa cửa, tắt bếp gas, mang đầy đủ các vật dụng cần thiết,…) để xua tan cảm giác lo âu và nghi ngờ. Ngoài ra, cách này còn giúp người bệnh tránh mất thời gian để quay trở lại kiểm tra nhiều lần.
  • Hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực cũng là cách để giảm sự lo âu và tránh các suy nghĩ ám ảnh.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi để nâng cao sức khỏe.
  • Tập thể dục mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và giảm bớt sự lo âu, căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy, các chất dẫn truyền thần kinh tăng lên đáng kể trong quá trình tập thể dục. Nhờ vậy, tập thể dục thường xuyên có thể xua tan cảm giác lo lắng, căng thẳng và mang lại tâm trạng thoải mái, dễ chịu.
  • Tham gia các hoạt động từ thiện để tránh có thời gian tập trung về các suy nghĩ ám ảnh. Ngoài ra, các hoạt động thiện nguyện còn giúp bệnh nhân OCD tăng tính thích nghi, hòa hợp với cộng đồng và xác định được mục tiêu, lý tưởng sống. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa với những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức kết hợp với trầm cảm.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một trong những bệnh tâm thần thường gặp. Các suy nghĩ ám ảnh và nghi thức cưỡng bức do hội chứng này gây ra không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội mà còn tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát. Hiện nay, điều trị bệnh còn nhiều hạn chế và thách thức. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc hội chứng này cần tìm gặp bác sĩ sớm để có thể kiểm soát bệnh kịp thời và hiệu quả.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (12 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *