Cách tự vượt qua sang chấn tâm lý: Chuyên gia chia sẻ trên kênh HTV7
Sang chấn tâm lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, nó ảnh hưởng đến công việc, học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ của con người. Vậy làm thế nào để nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý.
Trong chương trình Sống khỏe của kênh truyền hình HTV7 (số ra ngày 26/3/2022) với chủ đề “Sang chấn tâm lý và những hệ lụy” đã mang đến những kiến thức và giải pháp dưới góc nhìn của khoa học tâm lý được chia sẻ bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm – Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.
Sang chấn tâm lý là gì?
Trong cuộc sống của mỗi người, có vô vàn những sự kiện bất ngờ, những sự cố không mong muốn, những điều không như ý xảy ra. Nếu như những sự kiện này vượt ra ngoài sức chịu đựng của một người gây ra cảm giác căng thẳng, bất an, bất lực, sợ hãi… sẽ tạo ra cú sốc tâm lý. Sự ảnh hưởng kéo dài và gây nên những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần của con người từ sốc tâm lý được gọi là sang chấn tâm lý.
Nguyên nhân gây nên tình trạng sang chấn tâm lý rất đa dạng. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), sang chấn là “một phản ứng cảm xúc đối với một sự kiện kinh khủng như tai nạn, hiếp dâm hoặc thiên tai”. Tuy nhiên, sang chấn tâm lý có thể xảy ra với bất kỳ sự kiện nào. Và người bị sang chấn tâm lý có thể không phải là người trong cuộc của sự kiện đó, họ có thể chỉ là người chứng kiến. Ví dụ như trẻ thường xuyên chứng kiến ba mẹ cãi nhau, đánh nhanh, ba mẹ ly hôn, một người nào đó chứng kiến tai nạn xảy ra…
Sang chấn tâm lý có thể đến từ những sự kiện xảy ra một lần trong đời (tai nạn, thiên tai, động đất, mất người thân…) hoặc những sự kiện được lặp đi lặp lại trong cuộc sống thường ngày (bạo hành tinh thần, lạm dụng trẻ em…).
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm chia sẻ: “Sang chấn tâm lý có nhiều nguyên nhân. Sốc tâm lý có thể xảy ra khi mất đi người thân, tai nạn, thất bại, ly hôn, ngoại tình, mắc một căn bệnh nghiêm trọng. Có những sang chấn tâm lý kéo dài từ tuổi thơ: Sống trong môi trường gia đình có quá nhiều áp lực, chứng kiến sự bạo hành của ba mẹ hay ba mẹ ly dị, hoặc phải chịu quá nhiều tổn thương tinh thần từ gia đình gây nên những sang chấn tâm lý”.
Sang chấn tâm lý có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào và không ai có thể đạt được sự miễn dịch với phản ứng tâm lý này.
Sang chấn tâm lý có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đời sống con người
Nhìn chung sang chấn tâm lý gây ra ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.
Ở góc độ y học, sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh trung ương, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tác động đến hệ tim mạch, thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích. Sang chấn tâm lý cũng gây ra ảnh hưởng đến hệ nội tiết trong cơ thể như tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tụy…
“Về mặt thể chất, người bị sang chấn tâm lý thường thấy mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, ngủ không ngon giấc, có những cơn ác mộng. Về mặt tinh thần, họ có phản ứng hoảng loạn, luôn luôn cảm thấy cô đơn, cảm thấy bất lực, không dám tiếp xúc với người bên ngoài… Những điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, sức khỏe, học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội”, chuyên gia Cao Kim Thắm chia sẻ.
Sang chấn tâm lý nếu không được nhìn nhận và có hướng điều trị kịp thời có thể trở thành chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder – PTSD).
Tuy nhiên sự ảnh hưởng của sang chấn tâm lý ở mỗi người là khác nhau bởi nó là trải nghiệm mang tính cá nhân. Nếu để ý, chúng ta có thể quan sát và thấy rằng, cùng chứng kiến hoặc cùng trải qua một sự kiện, biến cố nhưng mỗi cá nhân lại có phản ứng, cách ứng phó và thể hiện khác nhau. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
“Sự khác biệt tùy thuộc vào tính cách của mỗi người, môi trường, nền tảng gia đình, gen di truyền, sự giáo dục, sự rèn luyện nội lực của mỗi cá nhân… Bởi vậy, khi gặp sự cố, sự việc bất như ý, có người có thể vượt qua được nhưng có người lại không”, chuyên gia tâm lý trị liệu Cao Kim Thắm giải thích.
Làm thế nào để tự vượt qua sang chấn tâm lý?
Tiến sĩ Tâm lý học trị liệu Philip J. Lanzisera: “Nếu bạn muốn tốt hơn, hãy chạy về phía những vấn đề của bạn chứ không phải trốn tránh chúng”.
Khi bạn gặp những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bất an,… thậm chí là sang chấn tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu. Bước đi đầu tiên và đúng đắn nhất là chúng ta cần phải nhận diện ra vấn đề, cảm xúc của mình và đối diện với nó mà không né tránh. “Tôi đang có cảm giác bất an…”, “tôi đang sợ hãi…”. Sự nhận diện cảm xúc của mình sẽ giúp bạn nhận ra vấn đề của mình và tìm các giải pháp phù hợp.
Đôi khi chúng ta né tránh những cảm xúc không đẹp đẽ này bằng cách sử dụng mạng xã hội, lướt facebook, xem một vài chiếc video vui vẻ… Những cách này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn để bạn tạm thời quên đi những nỗi đau, lo lắng, sợ hãi, bất an… nhưng vấn đề vấn còn đó và nó có thể lớn hơn nếu như chúng ta cứ né tránh.
“Một người có cú sốc hay sang chấn tâm lý vì nội lực bên trong của họ thấp hơn ngoại cảnh tác động bên ngoài. Bởi vậy, họ có thể vượt qua cú sốc tâm lý, sang chấn tâm lý nếu như họ có sự rèn luyện, mong muốn thay đổi. Khi đó, họ có thể rèn luyện nội lực của mình để vượt qua sang chấn tâm lý”, chuyên gia tâm lý Cao Kim Thắm chia sẻ.
Có nhiều cách để phục hồi sang chấn tâm lý. Bạn có thể tự vượt qua vấn đề này hoặc nhờ đến sự đồng hành, hỗ trợ của một chuyên gia tâm lý.
Dưới đây là một vài cách tự vượt qua sang chấn tâm lý đơn giản và dễ thực hiện do chuyên gia tâm lý Cao Kim Thắm chia sẻ:
- Tìm đến người thân, bạn bè, những người mà có thể lắng nghe, thấu cảm để chia sẻ vấn đề, nỗi buồn đau mà bạn đã gặp phải.
- Tập luyện thể dục thể thao: Đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông, yoga… Bạn có thể tập luyện bất cứ môn thể thao nào bạn yêu thích. Thể dục thể thao giúp cơ thể sản sinh ra hóc môn tích cực giúp bạn phấn chấn và yêu đời hơn.
- Đọc sách tích cực, xem video truyền động lực giúp bạn hình thành nên những suy nghĩ, tư duy tích cực về cuộc sống.
- Rèn luyện lối sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện một số hoạt động giúp cơ thể sản sinh ra các hóc môn hạnh phúc để bạn cảm thấy vui sướng, hạnh phúc, tăng nguồn cảm hứng sống, cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, trí nhớ tốt hơn và cơ thể uyển chuyển linh hoạt hơn.
Hóc môn là các chất hóa học được sản xuất bởi các tuyến khác nhau trên cơ thể, chúng di chuyển qua dòng máu, hoạt động như các chất truyền tín hiệu và tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể. Việc thiếu hụt hóc môn hạnh phúc cũng là nguyên nhân mà y khoa cho rằng nó gây ra vấn đề trầm cảm.
Dopamine, Serotonin, Endorphin và Oxytocin được mệnh danh là 4 hóc môn hạnh phúc mà có thể có thể tự sản sinh ra khi chúng ta thực hiện một số hoạt động nhất định như tham gia hoạt động ngoài trời, tập thể dục, cười nhiều hơn, nấu ăn và thưởng thức bữa ăn cùng những người thân yêu, nghe nhạc, nuôi thú cưng, ngủ ngon, massage…
Một số hoạt động được các nhà chuyên môn khuyến khích:
- Hoạt động dưới ánh nắng mặt trời 10-15 phút mỗi ngày giúp cơ thể tăng sản xuất hóc môn Serotonin và Endorphin.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp giải phóng Endorphin.
- Âm nhạc có thể thúc đẩy việc sản sinh Dopamine nên bạn có thể khiêu vũ, ca hát, đánh trống… tùy theo sở thích của mình.
- Thiền không chỉ giúp ngủ ngon, giảm căng thẳng mà còn giúp giải phóng Endorphin.
- Ăn các thực phẩm: Sữa chua, trứng, đậu, hạnh nhân, thịt có hàm lượng chất béo thấp giúp giải phóng Dopamine
- Ăn thực phẩm giàu tryptophan như trứng, phô mai, đậu hũ, cá hồi có thể tăng mức giải phóng Serotonin.
- Thức ăn cay có thể tăng mức giải phóng Dopamine.
Nếu bạn đã cố gắng thực hiện các giải pháp tự vượt qua sang chấn tâm lý nhưng không hiệu quả thì bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý, các trung tâm về tâm lý trị liệu để nhanh chóng vượt qua vấn đề này, không để nó ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, học tập, sinh hoạt hay các mối quan hệ của bạn.
Chuyên gia Cao Kim Thắm cho biết: “Các chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ giúp cho bạn nhận diện nỗi đau, nguyên nhân gốc rễ và phương pháp để chữa lành, giúp bạn trị liệu để chuyển hóa vấn đề một cách kịp thời. Đôi khi có những trường hợp không trị liệu kịp thời có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có những người phải dùng chất kích thích, giải pháp không lành mạnh để vượt qua nỗi đau. Điều này có thể gây ra các vấn đề không thể lường trước được”.
Chuyên gia Cao Kim Thắm hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chi nhánh Hồ Chí Minh, đơn vị số 1 về trị liệu trầm cảm tại Việt Nam. Chuyên gia Cao Kim Thắm đã giúp rất nhiều khách hàng vượt qua rối loạn tâm lý và có cuộc sống bình an, hạnh phúc hơn, cảm thấy mình có giá trị hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!