Hành trình trở thành Chuyên gia Tâm lý trị liệu: Hãy biến vấn đề của bạn thành kim cương!

Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những khoảnh khắc không thể quên, đó cũng có thể là quá khứ của những niềm vui hoặc của nỗi buồn. Tổn thương khó làm cho chúng ta quên đi một cách nhanh chóng, thậm chí chỉ cần một “vết thương nhỏ” cũng có thể khơi dậy nỗi đau.

Nhưng với Chuyên gia Tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải thì hoàn toàn khác, chị không nuối tiếc quá khứ mà học cách chữa lành, biết ơn hành trình của chính mình. Dưới góc nhìn của một người làm trong ngành Tâm lý trị liệu, chuyên gia Nguyễn Thị Hải sẽ chia sẻ hành trình của mình để hướng đến tương lai tốt đẹp. 

Quá khứ đầy biến động và nỗi sợ vô hình 

Trong đời một con người, những năm tháng tuổi thơ có thể được xem là đẹp nhất, để lại những ấn tượng sâu đậm nuôi dưỡng tâm hồn con người trong suốt cuộc đời về sau. Tuổi thơ là khi cả cuộc đời rộng lớn, đầy ắp những điều mới lạ, được lớn lên một chút trong vòng tay dịu dàng của mẹ cha, được vui đùa cùng chúng bạn, được đến trường cùng thầy cô,… Thế nhưng với Chuyên gia Nguyễn Thị Hải, những điều tưởng chừng như đơn giản lại trở nên vô cùng xa xỉ.

Chị chia sẻ:

Mình xuất thân trong một gia đình nghèo khó, hôn nhân không hạnh phúc. Mẹ mình đã từng phải bỏ quê, ôm bụng bầu, chạy vào Lâm Đồng để trốn khỏi những trận đòn roi, bạo lực của người chồng. Ngày sinh con, mẹ cũng không đủ khả năng để nuôi mình nên đành đứt ruột đem mình cho người khác nhận nuôi (mình hay gọi là má). Má cũng là một người phụ nữ độc thân, nghèo khó. Và rồi thời gian cứ trôi, hai má con nương tựa nhau sống trong một căn nhà gỗ nhỏ bé, là những ngày theo má lên rẫy cà phê đi làm.

Đến gần 4 tuổi, má nuôi chị lập gia đình và có con. Lúc này, chị thực sự vui vẻ và hạnh phúc vì mình đã có ba, có em, mọi thứ dần vẹn tròn hơn. Thế nhưng, những chuỗi ngày của hàng loạt các nỗi sợ của chị bắt đầu từ đây. Hàng xóm gần nhà hay bông đùa: “Má mày có con ruột rồi, giờ thì mày ra rìa nhé”, “Con nuôi sao thương bằng con ruột”, “Mày sắp bị trả về quê, không được đi học nữa rồi”,…

Những câu nói tưởng chừng như vô ý, thoải mái, suồng sã kia đã khiến cô bé 6 tuổi ngày đó càng thêm lo sợ, thậm chí là ghét bỏ cô em gái của mình vì sợ mình không còn được má quan tâm, chăm sóc. Chuyên gia Nguyễn Thị Hải cũng nói thêm:

Chưa dừng lại ở đó, mình còn nhớ những ngày tháng đi học thuở bé, mình hay bị bạn bè kỳ thị, cô lập, hay trêu chọc vì mình là con nuôi, con không cha, con nhà nghèo, ngoại hình xấu xí vì đen và nhỏ con. Có thể chính vì thế mà ngay từ bé mình đã rất tự ti, hay buồn, sợ hãi, ngại giao tiếp.

Do luôn có cảm giác xấu hổ về bản thân nên chị đã tự cô lập bản thân và rất ít khi chủ động trò chuyện, gặp gỡ mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, ở sâu bên trong chị cũng đã có tâm lý tự trách mắng và dằn vặt bản thân. Chị cho rằng mình vô dụng, bất tài và những người xung quanh luôn có cái nhìn chê bai, đánh giá tồi tệ về bản thân.

Những cú sốc tinh thần, những hình ảnh tiêu cực tuổi thơ cứ đeo bám mãi làm cho bản thân chị dần dần khép kín
Những cú sốc tinh thần, những hình ảnh tiêu cực tuổi thơ cứ đeo bám mãi làm cho bản thân chị dần dần khép kín

Nhưng nỗi đau đâu chỉ dừng lại ở đó! Cuộc đời như muốn thử thách sức chịu đựng của chị. Năm 8 tuổi, chị từng suýt bị quấy rối bởi một người làm thuê nhưng không dám nói ra vì quá sợ hãi. Những cú sốc tinh thần, những hình ảnh tiêu cực cứ đeo bám mãi làm cho bản thân chị dần dần khép kín.

Chuyên gia Tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải cũng chia sẻ thêm:

Không những sợ những lời nói ra vào của những người xung quanh, mình còn có một nỗi ám ảnh với những chú chó. Ngày mình học mẫu giáo và lớp năm, hai lần mình bị những chú chó lớn tấn công đến mức phải chích thuốc dại rồi nhập viện. Từ đó trở đi, cứ thấy chó là tay chân của mình bị run, tim đập loạn xạ và mình tìm mọi cách để né tránh. Có lẽ vì vậy mà mấy chú chó được đà lấn tới, mình hay bị chó đuổi kể cả ngoài đời và trong mơ.

Rồi những năm tháng tuổi thơ không mấy vui vẻ cứ trôi qua, chị cố gắng nỗ lực học tập mỗi ngày để được công nhận từ những người xung quanh: ba má, thầy cô, bạn bè, hàng xóm,… Chị bộc bạch: “Đến nỗi có lúc bị điểm kém năm lớp 5, vì sợ ba má la, đánh đòn nên mình đã sửa điểm và ngây thơ nghĩ rằng ba má không biết. Nhưng không mình bị mời phụ huynh và thế là … một trận nhớ đời từ trên lớp của cô đến về nhà của ba má.”

Chuyên gia Nguyễn Thị Hải luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập để được ba má công nhận, chỉ như vậy mới khiến chị cảm thấy “an toàn”. Nhưng sự kết nối và chia sẻ trong gia đình không nhiều đã khiến chị càng khép kín hơn nữa. Khi đến trường, chị phải chú ý dè chừng đám bạn để không bị bắt nạt còn về đến nhà, chị phải cố gắng tỏ ra là một “đứa con ngoan” để được ba má chú ý, yêu thương, không bị “ra rìa” theo lời hàng xóm thường nói.

Hành trình trưởng thành đầy chông gai 

Chưa dừng lại ở đó, cuộc đời còn cho cô gái nhỏ một vài thử thách nho nhỏ. Hồi còn bé, Chuyên gia Nguyễn Thị Hải còn có vài ước mơ như giáo viên, nhà kinh doanh,… Tuy nhiên theo năm tháng lớn lên, chị chỉ biết học các môn trên trường và rồi những ước mơ dần bị mờ nhạt, thậm chí là không biết mình muốn làm gì, trở thành ai.

Lớp 12 cũng đến, chị đã chọn trường học theo gợi ý của những người họ hàng xa được ở thành phố. Từ đó chị đã rẽ qua con đường đại học ngành kế toán vì nghe nói dễ kiếm việc và nghe có chữ toán nên chắc cũng phù hợp với người học chuyên ban tự nhiên. Chuyên gia Nguyễn Thị Hải cũng nói vui:

Thực sự lúc đó mình không rõ về con đường và hướng đi của mình. Vì thời đó nhà nghèo mà, máy tính điện thoại không có, mình không có điều kiện lên mạng tìm kiếm thông tin cũng như không mường tượng được về nghề kế toán trông như thế nào, mình sẽ làm những việc gì sau khi ra trường.

Hồi chị học đại học, đó là những ngày không mấy dễ dàng của gia đình. Ba má ở nhà loay hoay cho những khoản học phí, chi phí sinh hoạt của đứa con xa nhà. Khi đó, có cơ hội là chị lại lóc cóc vác cái sổ hộ cận nghèo đi làm từng bộ hồ sơ xin học bổng, hay nỗ lực học cho tốt, tham gia sinh hoạt tích cực để kiếm thêm ít tiền học bổng của trường mỗi kỳ. Rồi ban ngày đi học, tối về lại cố gắng đi dạy thêm, làm thêm ở cửa hàng tiện lợi để có tiền ăn uống, ở trọ. Để tiết kiệm tiền, chị cùng 6, 7 bạn sinh viên khác thuê 1 căn phòng nhỏ đâu đó tầm 20m2, chen chúc nhau sinh hoạt, học tập, ngủ nghỉ.

Hành trình trưởng thành đầy chông gai mà mỗi khi nhớ lại, chị đều thấy biết ơn
Hành trình trưởng thành đầy chông gai mà mỗi khi nhớ lại, chị đều thấy biết ơn

Cố gắng là vậy nhưng đến ngày ra trường, chị lại hoàn toàn mất định hướng vì thật sự mình không yêu thích cái nghề mà mình đã được học. Loay hoay cả một thời gian dài, đổi nghề liên tục, trải nghiệm đủ thứ từ nhân viên truyền thông, bán hoa tươi, làm quà tặng, marketing, kế toán nội bộ, quản lý dự án, trợ lý giám đốc và cả tự khởi nghiệp mỹ phẩm handmade với bạn,… Hầu như công việc nào cũng tốn không ít nước mắt và đau thương.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, chuyên gia Nguyễn Thị Hải chia sẻ:

Lúc ấy đúng là vô cùng khó khăn và bế tắc. Đỉnh điểm là hành trình tự khởi nghiệp, với sự non nớt, bồng bột mà tay không mình đã gây dựng ra một cục nợ to bự, mất vài mối quan hệ bạn bè thân thiết và thậm chí là mất đi một mối tình của tuổi trẻ. Khi đó áp lực từ nhiều phía, giấu gia đình, tài chính (vì lỡ vay tín chấp, nặng lãi), sự nghiệp, tình cảm,… mình đã rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ăn, mất ngủ, sụt cân không phanh,… Bản thân mình có lúc còn 32kg, không sức sống, mọi thứ đổ dồn xuống và không biết phải làm như thế nào. Có những ngày mình nhốt mình trong phòng cả tuần liền, không giao tiếp, chỉ nằm yên một góc, cũng nhiều lần nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời. Cũng có lần trèo lên sân thượng định làm điều dại dột, nhưng cũng may còn nghĩ đến gia đình mà lùi bước chân lại.

Hành trình tái sinh bắt đầu

Để vượt qua quãng thời gian đó quả thật không hề dễ dàng. Chuyên gia Hải đã phải lấy hết nghị lực, can đảm và sự cố gắng thay đổi. Chị bắt đầu bước chân ra ngoài, tìm kiếm một công việc kế toán nội bộ để duy trì cuộc sống nơi thành thị và trả dần những món nợ đến hạn.

Thật may mắn, chị đã được sếp tin tưởng, thương yêu và tạo điều kiện học hỏi, phát triển. Sau đó, chị đã tìm đến những khóa học chữa lành, trị liệu tâm lý và phát triển bản thân với mong muốn bước ra khỏi những ngày tháng trầm cảm, và tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Ý nghĩa của cuộc đời này là gì?”, “Làm thế nào tôi có thể tích cực, vui vẻ và vượt qua những vấn đề của mình?”,… Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng trả lời được. Chỉ khi thấu hiểu bản thân, chúng ta mới có thể vượt qua được nỗi đau, chữa lành tổn thương và hướng đến mục tiêu trong tương lai.

Chuyên gia Tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải cũng nói thêm:

Và cứ như thế, mình lần lượt được chữa lành những tổn thương từ nhỏ đến lớn. Chữa lành mối quan hệ giữa mình với chính mình (đứa trẻ bên trong), mình học được cách yêu thương, trân trọng và công nhận bản thân nhiều hơn; mối quan hệ giữa mình và ba mẹ ruột, ba má nuôi, em gái; mối quan hệ giữa mình và những người bạn để rồi mình có những tình bạn đẹp, có tình yêu mới; mối quan hệ giữa mình và tài chính, công việc,…

Mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một “đứa trẻ” bên trong, đó chính là một phần cá tính được hình thành từ những trải nghiệm thời ấu thơ và ảnh hưởng rất lớn đối với phong cách sống của bạn cho đến khi trưởng thành. Những trải nghiệm không mấy vui vẻ sẽ khiến đứa trẻ bên trong bị tổn thương, đau đớn.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải đã được tái sinh, bắt đầu những chuỗi ngày tích cực, vui vẻ, trưởng thành và trí tuệ hơn
Chuyên gia tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải đã được tái sinh, bắt đầu những chuỗi ngày tích cực, vui vẻ, trưởng thành và trí tuệ hơn

Khi chữa lành được đứa trẻ bên trong, chị đã biết cách gọi tên được nỗi đau để can đảm đối mặt và vượt qua chúng, từ đó dũng cảm trọn vẹn đi qua những trải nghiệm cảm xúc đó. Chị cũng học được cách tôn trọng, yêu thương bản thân và sống tích cực hơn.

Đây thực sự là kết quả vô cùng tuyệt vời mà nếu không có động lực thay đổi, không nỗ lực mỗi ngày thì chị sẽ không đạt được. Con người chúng ta sinh ra không thể tránh khỏi những lúc thất vọng, buồn chán, đau khổ, vấp ngã. Bởi vậy, để tồn tại và phát triển được chúng ta phải đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi và xử lý chúng. Khi bạn vượt qua được khó khăn, chịu đựng nhiều thử thách, đau khổ, bạn sẽ được tái sinh và tiếp thêm năng lượng cho một hành trình mới cao hơn, xa hơn.

Đây thực sự là một bước ngoặt của chị:

Có một cô gái nhỏ được tái sinh, bắt đầu những chuỗi ngày tích cực, vui vẻ, trưởng thành và trí tuệ hơn. Khi mình tích cực thì mọi thứ xung quanh cũng dần tích cực hơn rất nhiều: Ba má vui khỏe, hòa thuận hơn; mình tìm được một nửa thương yêu và có một gia đình nhỏ hạnh phúc; sức khỏe mình tốt hơn, nhìn tươi tắn và tràn đầy sức sống; tài chính dần được giải quyết và hơn hết mình có ước mơ, mục tiêu rõ ràng.

Chính lúc này, tiếng gọi của hành trình trở thành Chuyên gia Tâm lý trị liệu ngày một vang lớn, vang xa hơn. Chị đã tìm ra được ý nghĩa cuộc đời, lẽ sống của chính mình – giúp đỡ mọi người đã và đang rơi vào tình trạng của mình trước đây. Vì chị hiểu cảm giác của những người từng mắc kẹt trong mớ hỗn độn của cuộc đời, của những người từng bị tổn thương trong quá khứ lẫn hiện tại, từng bị trầm cảm, rối loạn lo âu, ám ảnh,…

Với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế của mình, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải mong muốn mang những gì mình biết, những kiến thức, những cách làm để vượt qua vấn đề từ đó sống một cuộc đời mới, hướng đến một cuộc đời hạnh phúc, vui khỏe, thịnh vượng và bình an.

Như vậy qua hành trình của chuyên gia Hải, chúng ta có thể thấy dù đau thương đến mấy, điều bạn phải đối mặt vẫn chỉ là chính bản thân mình. Bước qua nỗi đau, nghe thì có vẻ hoa mỹ, nhưng thực chất chỉ là vượt qua được bản thân mình, để rồi có cái nhìn khác hơn về cuộc sống, để chọn đương đầu chứ không phải là thỏa hiệp, để chọn chấp nhận chứ không phải buông xuôi, để chọn bình tĩnh hơn trước mọi vấn đề chứ không phải chỉ biết trốn chạy.

Chia sẻ với bạn đọc, chuyên gia Nguyễn Thị Hải cũng cho biết:

Mình thật sự rất biết ơn tất cả những trải nghiệm tốt và chưa tốt, những bài học, những người đã đến trong cuộc đời để giúp mình ngày càng mạnh mẽ, trưởng thành và sống có giá trị. Mỗi ngày mình luôn tự nhắc bản thân về sứ mệnh là một Chuyên gia Tâm lý trị liệu, người chữa lành tài giỏi, có tâm và tầm để giúp mình và giúp đời.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hải đang hỗ trợ nhiều người gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… tìm lại những phút giây bình an, hạnh phúc trong cuộc sống. Hiện tại, chị đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chi nhánh Hoàng Hoa Thám (Hồ Chí Minh). Nếu bạn cần chuyên gia tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Hải hỗ trợ thêm, bạn có thể liên hệ Hotline: 096 589 8008.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Bình luận

  1. Nguyễn vĩnh đức says: Trả lời

    Cám ơn tác giả nội dung bài trên rất hay rất ý nghĩa cho cuộc sống

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *