Chuẩn bị vào đại học: Những hành trang tân sinh viên cần có

Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời con người là bước chân vào giảng đường đại học. Đây là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của các bạn học sinh, giúp các bạn làm quen với việc tự quyết định và làm chủ cuộc đời mình. Để chuẩn bị vào đại học một cách suôn sẻ, không choáng ngợp trước những điều mới mẻ sắp đối mặt, các bạn cần có cho mình những hành trang cần thiết.

Tại sao tân sinh viên cần chuẩn bị vào đại học?

Môi trường đại học là một môi trường hoàn toàn khác so với phổ thông. Các bạn sinh viên không còn được thầy cô và cha mẹ kèm cặp, theo sát “cầm tay chỉ việc” như trước. Sinh viên buộc phải tự chủ động trong mọi việc như giờ giấc học tập, việc đi lại, đăng ký môn, và phải tự “bơi” trong kiến thức thông qua giáo trình.

chuẩn bị vào đại học
Chuẩn bị hành trang vào đại học là điều các bạn sinh viên cần làm để tránh bỡ ngỡ và hoang mang rtong môi trường mới

Khi lên đại học, các bạn sẽ tự do hơn, thoải mái hơn về mọi thứ, nhưng đi cùng với đó là những rắc rối và khó khăn nảy sinh. Ví dụ, các bạn phải sống trong ký túc xá hoặc nhà trọ, phải tự chăm sóc bản thân, tự chủ tài chính, phải tự đăng ký và chọn môn học, phải biết sắp xếp thời gian học tập hợp lý để tham gia hoạt động ngoại khóa,…

Chuẩn bị vào đại học đồng nghĩa với việc các bạn tân sinh viên phải lên tinh thần đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh. Đây thật sự là một thách thức với những bạn đã quen với việc được gia đình chăm lo bảo bọc, thiếu kỹ năng xã hội, và không biết cách tự chăm sóc bản thân.

Những bạn xa quê lên thành phố học tập cũng gặp nhiều bất lợi vì không quen biết đường xá, lối sống, hay những điều cần chú ý khi ở một mình. Sống một mình trong nhà trọ, áp lực tài chính, áp lực học hành, nhớ nhà, và sự bỡ ngỡ trong những ngày đầu học đại học khiến nhiều bạn căng thẳng, stress và cảm thấy chán nản.

Môi trường tự do ở đại học cũng khiến các bạn dễ sa ngã, trở nên lười biếng, không có mục tiêu học tập mà chỉ lo vui chơi và hưởng thụ. Nguyên nhân là do nhiều bạn cảm thấy năm nhất đại học là khoảng thời gian thư giãn sau những năm cấp 3 và kỳ thi đại học căng thẳng.

Tư tưởng này khiến các bạn cảm thấy “ngợp” khi đối diện với cách học hoàn toàn mới, cách học hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự chủ và mài mò kiến thức từ nhiều nguồn. Tình trạng các bạn năm nhất trốn tiết, không làm bài, nợ môn do không có mặt tại lớp điểm danh, hay thi trượt không hề là con số ít.

Chính vì những lý do trên, hành trang chuẩn bị vào đại học của các bạn tân sinh viên là điều cần được chú trọng. Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng giúp các bạn xác định được mục tiêu học tập, khộng bị sốc khi đối diện với môi trường đại học, giảm nhẹ cảm giác lo lắng, và giúp hòa nhập tốt hơn vào môi trường mới.

10 yếu tố tân sinh viên chuẩn bị vào đại học cần quan tâm

Tân sinh viên chuẩn bị vào đại học có rất nhiều điều cần quan tâm và tìm hiểu, vì môi trường đại học là một trải nghiệm mới lạ với rất nhiều thứ cần học hỏi. Các bạn giờ đây đã trưởng thành, thế nên mọi vấn đề từ chuyện học hành, chọn chỗ ở, chọn phương tiện di chuyển, hay chăm sóc bản thân đều do chính bạn quyết định.

sinh viên chuẩn bị vào đại học
Các bạn sinh viên khi vào đại học sẽ phải tự chủ mọi thứ từ việc ăn ở, đi lại, học hành, tài chính, quản lý thời gian và nhiều vấn đề nảy sinh khác.

Để tránh tình trạng lóng ngóng, bỡ ngỡ hay tốn thời gian vô ích vì không chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, tân sinh viên cần biết về một số những điều cần chuẩn bị trước khi bước vào đại học. Đây sẽ là những hành trang quý giá giúp quãng đời sinh viên của các bạn trôi qua thuận lợi và thú vị hơn.

Một số vấn đề các bạn cần quan tâm bao gồm: thông tin về ngôi trường sắp theo học, cách tìm chỗ trọ an toàn, thuận tiện đi lại, cách chuẩn bị giấy tờ đầy đủ, làm sao để quen với môi trường học tập mới, xác định mục tiêu học của sinh viên, tự chủ về thời gian, tài chính, định hướng tương lai và một số vấn đề khác.

1. Tìm hiểu và cập nhật thông tin về trường đại học

Hiện nay việc tìm hiểu thông tin về trường đại học mà bản thân sắp gắn bó suốt 4 năm học không hề khó khăn. Mỗi trường đều xây dựng hệ thống trang web, fanpage Facebook, Zalo sẵn sàng cập nhật thông tin và tư vấn cho các bạn học sinh những thắc mắc trong quá trình học tập.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm thấy những trang confession, hội nhóm trên Facebook chuyên cung cấp thông tin và review về những vấn đề như học phí, cách chọn tín chỉ, chọn nơi trọ, những chương trình hoạt động, hay những tin tức nổi bật của trường. Đây chính là nguồn thông tin bổ ích, giúp các bạn tham khảo và đưa ra lựa chọn tốt hơn.

Đây là một trong những bước quan trọng nhất khi chuẩn bị vào đại học nhằm tránh những trải nghiệm tồi tệ không như ý. Nếu không thường xuyên theo dõi những kênh thông tin, bạn có thể bỏ lỡ những thông tin quan trọng làm ảnh hưởng đến quá trình học tập. Ngoài ra, bạn cũng nên chăm chỉ kiểm tra hòm thư để chắc chắc mình không bỏ qua bất cứ mail nào từ nhà trường.

Lên đại học đồng nghĩa với mọi thứ đều phải tự mài mò, tự theo dõi và tự cập nhật thông tin, chứ không ai nhắc nhở bạn thường xuyên như khi còn học phổ thông. Do đó nếu không tự chủ động, nhiều bạn sẽ trở nên lóng ngóng, mờ mịt về thông tin và các chương trình hoạt động, từ đó không đạt được yêu cầu mà khoa hay nhà trường đề ra.

Những yêu cầu dành cho từng môn học, điều kiện chuẩn đầu ra, hay những chương trình hợp tác, hội thảo dành cho sinh viên có thể thay đổi tùy theo năm và chương trình học. Do đó các bạn sinh viên cần cập nhật thông tin mới nhất để không bỏ lỡ cơ hội, hoặc không có sự chuẩn bị, sắp xếp thời gian hợp lý.

sinh viên đại học
Các bạn nên theo dõi và cập nhật tin tức thường xuyên trên website, fanpage và mail thông báo của nhà trường.

Bạn cũng nên dành thời gian tham quan khuôn viên trường, tìm kiếm vị trí của văn phòng khoa, văn phòng đào tạo, phòng tiếp sinh viên, vị trí các tòa nhà hay nơi tổ chức sự kiện, thư viện, phòng lưu trữ thông tin,… để khi cần chúng ta có thể nhanh chóng liên hệ. Đây là những nơi bạn cần lui tới thường xuyên trong suốt 4 năm học.

2. Đảm bảo giấy tờ và hồ sơ chuẩn bị vào đại học

Sinh viên chuẩn bị vào đại học cũng cần chú ý chuẩn bị giấy tờ và hồ sơ đầy đủ. Sau khi nhận được thông tin trúng tuyển, các bạn cần tìm hiểu về quy trình, thời gian và những giấy tờ cần thiết khi đăng ký nhập học. Một số giấy tờ yêu cầu công chứng có thể cần thời gian để có kết quả, thế nên các bạn nên chuẩn bị ngay từ sớm.

Một số bạn đến ngày đăng ký nhập học mới lóng ngóng vì quên cái này quên cái kia, có bạn quên mang hình thẻ, có bạn quên mang chứng minh. Việc không chuẩn bị ngay từ sớm khiến bạn tốn nhiều thời gian chạy đông chạy tây để bổ sung hồ sơ, tốn thời gian và tiền bạc một cách vô ích. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình nhập học, có thể gây phiền phức không đáng.

Chính vì thế, tìm hiểu rõ về thủ tục và hồ sơ nhập học sẽ giúp bạn hạn chế những rắc rối phát sinh. Những giấy tờ tân sinh viên cần chuẩn bị bao gồm: bản sao giấy khai sinh, bản sao CMND/thẻ căn cước, giấy báo nhập học, sơ yếu lý lịch, học bạ (bản sao và bản chính), giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, sổ đoàn, phiếu khám sức khỏe, ảnh thẻ, giấy tờ ưu tiên,…

Ngoài ra, các bạn có chứng chỉ ngoại ngữ như TOEIC, TOEFL và IELTS, hay những giấy chứng nhận thành tích khác cũng cần chuẩn bị bản sao để săn sàng nộp lên nếu nhà trường có yêu cầu. Việc chuẩn bị này có thể không dùng đến, nhưng nó sẽ giúp bạn không bị bối rối trong trường hợp có yêu cầu.

3. Tìm chỗ trọ

Với những bạn tân sinh viên ở tỉnh lên thành phố trọ học, hoặc trường học quá xa nhà gây bất tiện đi lại, thì tìm nhà trọ gần trường, hoặc đăng ký sống trong ký túc xá là lựa chọn tối ưu nhất. Việc tìm nhà trọ tốt, an ninh, chủ nhà dễ tính, hay có được một chỗ trong ký túc xá cũng không hề là chuyện đơn giản.

Những bạn tân sinh viên chuẩn bị vào đại học cần xác định sẽ sống ở ký túc xá hay trọ ở ngoài. Ưu điểm của ký túc xá sẽ đảm bảo an ninh, giá thuê mềm và ít biến động hơn bên ngoài, có người quản lý để xử lý những vấn đề phát sinh, xung quanh ký túc thường có đủ cửa hàng tiện lợi, bệnh xá, phòng tập thể thao,… đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên.

sinh viên chuẩn bị gì khi vào đại học
Chọn được chỗ trọ ưng ý, an toàn và đầy đủ tiện nghi sẽ giúp bạn có cuộc sống vui vẻ, thoải mái và an tâm học tập hơn.

Tuy nhiên, sống trong ký túc bắt buộc các bạn phải học cách sống tập thể, sống chung với mọi người nên không thể thoải mái, thích làm gì thì làm như trọ bên ngoài. Các khu ký túc xá cũng có quy định nghiêm ngặt như: không tự ý nấu nướng để tránh cháy nổ, ra vào cần xuất trình chứng minh, hoặc có giờ giới nghiêm vào buổi tối để đảm bảo an toàn.

Nhà trọ bên ngoài sẽ thuận tiện và thoải mái hơn trong cuộc sống và chuyện đi lại. Bạn có thể sống một mình, hoặc sống cùng bạn bè để đảm bảo tự do nhất có thể. Một số nơi cũng rất thoải mái trong giờ giấc đi lại. Ngoài ra bạn có thể tự do nấu nướng, hoặc mời bạn bè đến chơi, tụ tập ăn uống.

Sống ở nhà trọ thì tự do, nhưng đánh đổi là an toàn của bạn không được đảm bảo. Vấn đề an ninh, vệ sinh xung quanh nhà, sự mập mờ trong tiền điện nước và các chi phí phát sinh khác là vấn đề mà các bạn thuê trọ cần đối mặt. Ngoài ra, việc đột ngột nâng giá hay cắt hợp đồng cũng có thể xày ra nếu sinh viên chọn chỗ trọ không uy tín.

Đặc biệt, vấn đề an ninh là điều đang lo ngại nhất. Các bạn nữ thuê trọ ở một mình, nơi trọ vắng vẻ có thể gặp nhiều nguy hiểm, nhất là khi có việc các bạn cần phải về khuya. Do đó hãy cẩn trọng chọn nơi trọ uy tín, xung quanh có nhiều nhà dân, hoặc nằm trong hẻm cụt để hạn chế thấp nhất nguy hiểm rình rập.

4. Mua sắm đồ vật cần thiết

Các bạn tân sinh viên có thể tiết kiệm chi phí bằng cách mang những vật dụng có sẵn ở nhà đến chỗ trọ. Một số món đồ khá đắt khi mua ở thành phố, nhưng chất lượng không khác với đồ sử dụng ở nhà là bao. Tận dụng những đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn dùng tốt có thể giúp bạn tiết kiệm tiền để mua sắm những vật dụng khác cần thiết hơn.

Bạn nên chọn chỗ ở và khảo sát trước để biết mình nên chuẩn bị những gì. Một số nơi cho thuê trọ, hoặc trong ký túc xá, sẽ có một số vật dụng cơ bản như giường, tủ, bàn ghế, kệ bếp, bếp ga, bếp điện từ,… nên bạn không cần tốn tiền sắm sửa. Các bạn sinh viên chỉ cần chuẩn bị dao thớt, bát đĩa, đũa muỗng, hộp đựng thức ăn, và một số đồ lặt vặt là đủ.

Nếu nơi ở không có sẵn, hoặc đồ vật cũ và không an toàn, bạn nên mua sắm vật dụng mới. Để cân đối chi tiêu thì bạn nên lập danh sách những món cần mua, và xếp theo thứ tự ưu tiên, hoặc săn đồ sale trong các dịp giảm giá để giảm bớt chi phí không cần thiết. Nhớ là hãy mua đồ ở những shop uy tín để tránh tiền mất tật mang.

sinh viên chuẩn bị vào đại học
Cân nhắc mua sắm những đồ vật cần thiết theo thứ tự ưu tiên giúp bạn tối ưu hóa chi phí đang có, đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, laptop và điện thoại sẽ là hai món đồ cần thiết nhất với các bạn sinh viên, bất kể bạn học ngành nào. Những ngành đặc thù như thiết kế, mỹ thuật, công nghệ thông tin,… sẽ cần những món đồ cao cấp hơn. Do đó bạn cần cân nhắc mua sắm đồ công nghệ sao cho tối ưu hiệu quả sử dụng, và vừa với túi tiền.

Laptop rất quan trọng với sinh viên vì mọi thông tin môn học, nội dung thuyết trình, bài tập về nhà, hay việc tìm kiếm và lưu trữ dữ liệu môn học đều cần máy tính cá nhân. Do đó nếu không có laptop riêng, bạn có thể gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu tài liệu, học bài và làm bài ở giảng đường đại học.

Laptop nên được mua ở những cửa hàng lớn và uy tín, chứ không nên mua hàng trôi nổi trên mạng. Những cửa hàng lớn đảm bảo chất lượng và có nhiều chương trình trợ giá, mua trả góp hỗ trợ sinh viên trong mùa tựu trường. Nếu laptop có trục trặc, các bạn cũng có thể sửa chữa hay đổi trả dễ dàng.

Việc lắp đặt mạng internet cũng là điều đáng để lưu tâm. Internet ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là việc học của các bạn sinh viên. Không có mạng thì không thể tra cứu thông tin, không thể làm bài, không thể học bài, không thể tham gia các lớp học online, không thể giao lưu, chia sẻ thông tin với bạn bè, và nhiều phiền phức khác.

Nếu bạn có thể tự chủ về việc lắp đặt thì rất tốt. Nhưng trong trường hợp internet ở nhà trọ hay ký túc xá quá yếu, mà bạn lại cần làm bài và tra cứu tư liệu nhiều thì hãy nghĩ đến việc mua 4G, đăng ký gói cước tối ưu nhất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Cần đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ cho việc học.

5. Tự chủ về vấn đề đi lại khi chuẩn bị vào đại học

Rút ngắn thời gian đi lại tối đa giữ nhà và trường học có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Ngoài việc đi học, các bạn tân sinh viên còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, đi chơi cùng bạn bè. Do đó, tốt nhất các bạn có thể tự chủ việc đi lại bằng cách dùng xe máy hay xe đạp điện để tiết kiệm thời gian.

Hãy gửi xe cẩn thận trong nhà xe của ký túc xá, hoặc khóa xe cẩn thận và đặt xe trong nhà để phòng trộm cắp. Xe cộ là một trong những tài sản có giá trị cao, vì thế các bạn cần cẩn thận để tránh mất xe. Nếu không có phương tiện thuận lợi như xe cá nhân, các bạn sinh viên có thể sử dụng xe bus.

chuẩn bị vào đại học cần gì
Đi lại bằng xe máy hay xe đạp điện vẫn là lựa chọn tối ưu dành cho các bạn sinh viên khi có thể tự chủ thời gian di chuyển, không phụ thuộc vào người khác.

Hãy nghiên cứu kỹ tuyến đường trước khi đi để canh thời gian bắt xe hợp lý, tránh làm trễ thời gian vào học hay khi thi cử. Đi xe bus cũng nên sử dụng balo, cất giữ những vật dụng có giá trị cao như ví tiền, chìa khóa nhà, điện thoại cẩn thận để tránh những kẻ móc túi có cơ hội lộng hành.

6. Kỹ năng tự học – Kỹ năng quan trọng nhất

Khi đã là sinh viên đại học, các bạn sẽ phải làm quen với việc tự học, tự nghiên cứu trong mọi vấn đề. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn, giúp ta biết cách tìm tòi tổng hợp kiến thức, cũng như cung cấp những kiến thức nền cần thiết. Những tri thức khác đều có trong tài liệu được thầy cô cung cấp, sách báo trong thư viện, và nguồn thông tin khổng lồ trên internet.

Trong thời gian đầu, các bạn sinh viên rất dễ sốc với phương pháp và môi trường học tập mới, vì các bạn đã quá quen với cách học của phổ thông. Đây là thói quen không thể thay đổi một sớm một chiều. Những bạn có thói quen tự học, tự nghiên cứu từ trước sẽ thích nghi nhanh hơn với thay đổi, và bắt kịp tốc độ giảng dạy của thầy cô.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên lớp, giảng viên chỉ có thể liệt kê cho bạn những kiến thức trọng điểm và những điều cần lưu ý. Nếu muốn nắm rõ nội dung bài học và kiến thức nâng cao, chúng ta cần đọc rất nhiều sách và tài liệu. Nếu không có kỹ năng tự nghiên cứu và chắt lọc thông tin đúng đắn, các bạn sẽ “chết đuối” trong bể kiến thức vô tận.

Đây chính là lý do nếu muốn đạt điểm cao, đạt thành tích tốt ở giảng đường đại học, thời gian và công sức bạn bỏ ra ở thư viện là vô cùng lớn. Có thể nói hơn 70% thành công mà các bạn sinh viên có được trong những bài thuyết trình, bài tập về nhà bắt nguồn từ việc “ăn dầm nằm dề” ở thư viện trường và bàn học.

Đối với sinh viên thì việc tự học là điều hiển nhiên, vì thế các bạn đừng xem đây là gánh nặng, mà hãy học cách thích nghi và làm quen với việc tự học. Đây là bước đầu giúp các bạn chuẩn bị tâm thế đối diện với những khó khăn thử thách khi ra đời, bời vì bạn phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình.

7. Quản lý thời gian hợp lý

Thời gian lên lớp, thời gian tự học, thời gian đi làm thêm, thời gian tham gia hoạt động, thời gian nghỉ ngơi thư giãn,… Một ngày chỉ có 24 tiếng nhưng các bạn sinh viên lại có quá nhiều thứ để làm. Do đó nếu không có kỹ năng quản lý thời gian một cách hợp lý, bạn không thể hoàn thành bất cứ việc gì một cách tốt nhất.

sinh viên đại học cần chuẩn bị gì
Kỹ năng quản lý thời gian hết sức quan trọng trong việc giúp các bạn cân đối thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi, tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Nếu không còn sống với bố mẹ, cuộc sống đại học đồng nghĩa với việc bạn phải tự lo mọi thứ từ chuyện học hành đến sinh hoạt hàng ngày. Không có ai nhắc nhở hay lên kế hoạch giúp, vì vậy các bạn sinh viên cần quản lý và cân đối thời gian cho học tập, công việc, và những nhu cầu khác của cuộc sống.

Các bạn hãy liệt kê những việc cần làm trong tuần, sau đó lên thời gian biểu cho chúng một cách chi tiết để tránh quên hay bỏ lỡ những sự kiện quan trọng. Nếu có đi làm thêm, thời gian làm thêm cũng cần linh hoạt, và không chiếm đoạt thời gian học hành. Đối với sinh viên thì chuyện học vẫn là chuyện quan trọng nhất.

Xác định mục tiêu học tập của sinh viên và quản lý, sắp xếp thời gian hợp lý cũng rèn thói quen và tính kỷ luật. Tuân thủ thời gian biểu đã đặt ra giúp ta không sử dùng quá nhiều thời gian thư giãn nghỉ ngơi thay cho việc học, hoặc làm việc quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe. Càng nghiêm khắc với bản thân, bạn càng đảm bảo hiệu suất học tập và công việc.

8. Kỹ năng quản lý tài chính

Ngoài quản lý thời gian, kỹ năng quản lý tài chính cũng là điều các bạn sinh viên cần rèn luyện khi chuẩn bị vào đại học. Cuộc sống xa nhà với nhiều khoảng chi phí cần thiết cho cuộc sống như tiền điện, tiền nước, tiền trọ, chi phí ăn uống, chi phí đi lại, học phí và rất nhiều khoản chi lặt vặt khác có thể khiến bạn luống cuống và rỗng túi khi chưa đến cuối tháng.

Giải pháp cho trường hợp này là nên nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí. Bạn cũng nên tắt hết thiết bị điện khi không sử dụng để tiết kiệm điện tối đa. Khi đi mua sắm, hãy chọn mua những thứ thật sự cần thiết, và lên kế hoạch chi tiết cho các khoản chi hàng tháng. Bạn cũng nên có khoản tiết kiệm nhỏ, đề phòng khi đau bệnh hoặc lúc cần dùng đến.

Đặc biệt, tiền học phí và các khoản chi cố định như tiền trọ hàng tháng cần được cất riêng. Việc này giúp bạn không quá tay khi chi tiêu, tránh thâm thụt vào những khoản tiền quan trọng. Kỹ năng quản lý tài chính sẽ giú bạn không bị stress hay căng thẳng về chuyện tiền bạc.

9. Kỹ năng giải tỏa căng thẳng

Áp lực học hành, áp lực tài chính, áp lực từ cuộc sống là điều những bạn sinh viên phải đối mặt khi bước chân vào môi trường đại học, và đối diện với những thách thức của xã hội. Chỉ có đối mặt và vượt qua áp lực, chúng ta mới có thể ngày càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

sinh viên đại học
Tự tìm niềm vui, học cách trờ nên mạnh mẽ, và có kỹ năng giải tỏa căng thẳng giúp các bạn sinh viên suy nghĩ tích cực hơn.

Những áp lực trong ngày đầu tự lập có thể ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của các bạn sinh viên. Để tránh vấn đề này, điều các bạn cần làm là học cách đối mặt với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tìm cách giải quyết chứ không trốn tránh và suy nghĩ tiêu cực.

Nếu cảm thấy quá căng thẳng trong chuyện học, các bạn có thể dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, đi dạo phố, tụ tập bạn bè, vẽ tranh, đọc sách, chơi thể  thao, hay bất cứ hoạt động nào bạn thích để thả lỏng cơ thể và tinh thần. Suy nghĩ tích cực, không nên bi quan về mọi thứ là điều bạn cần để vượt qua trầm cảm và stress ở sinh viên.

10. Xác định mục tiêu học tập khi chuẩn bị vào đại học

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất dành cho các bạn sinh viên chuẩn bị vào đại học là việc xác định mục tiêu học tập ngay từ sớm. Nếu không có mục tiêu học tập, bạn sẽ loay hoay không biết nên học những môn nào, chọn chuyên ngành nào phù hợp, hay sẽ đạt được giá trị gì khi ra trường.

Học tập không có mục tiêu cũng giống như làm việc mà không có mục tiêu, tất cả đều không mang đến động lực cho người thực hiện. Chỉ khi có mục đích rõ ràng, chúng ta mới không ngừng cố gắng đạt được cái đích mà bản thân hướng tới, cũng như tạo cảm hứng trong quá trình học tập.

Mục tiêu học tập giúp ta không bị lạc lối, không phải loay hoay tự hỏi con đường phía trước phải đi như thế nào. Hiện nay, nhiều bạn sinh viên vẫn chưa biết cách đặt ra mục tiêu và hoàn thành mục tiêu. Điều quan trọng là cần xác định mục tiêu chính, mục tiêu dài hạn, rồi chia nhỏ chúng thành những mục tiêu ngắn hạn để tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ.

Hiểu được rằng không phải sinh viên nào cũng có thể xác định mục tiêu học tập một cách chính xác, và kiên trì theo đuổi mục tiêu ấy, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã tạo ra chương trình “Thiết lập mục tiêu – Thổi bùng động lực cho năm học mới 2023 – 2024” để đồng hành và giúp đỡ các bạn vượt qua khó khăn.

Mục tiêu của chương trình là giúp các bạn sinh viên chủ động trong việc học, xác định mục tiêu nghề nghiệp khi ra trường, có động lực học tập, biết cách lên kế hoạch chi tiết trong học tập hay cuộc sống để đạt kết quả như ý. Ngoài ra, các em cũng được tư vấn về việc giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần để học tập tốt hơn.

tân sinh viên vào đại học
Chương trình ý nghĩa và đầy nhân văn từ NHC Việt Nam giúp các bạn sinh viên có kỹ năng học tập hiệu quả hơn, cũng như biết cách đối phó với những vấn đề trong cuộc sống.

Những chuyên gia giàu kinh nghiệm tại NHC Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn hay hoang mang mà các bạn sinh viên gặp phải. Thông qua phương thức đồng hành 1:1 với chương trình mang tính cá nhân hóa cao, các chuyên gia sẽ giúp các bạn sinh viên tìm ra động lực học tập, suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống.

Khi chuẩn bị vào đại học, tân sinh viên sẽ phải đối mặt với một “thế giới mới” khác xa so với cuộc sống phổ thông trước đây. Do đó để không bị sốc, hay vô tình gây ra những ảnh hưởng xấu trong suốt 4 năm đại học, các bạn cần chuẩn bị hành trang thật kỹ lưỡng và cẩn thận để cuộc sồng đại hoc ý nghĩa và lành mạnh hơn.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *