Silent Treatment (im lặng độc hại): Hậu quả và Cách đối phó

5/5 - (1 bình chọn)

Silent treatment còn gọi là sự im lặng độc hại, được thể hiện qua việc một người cố tình im lặng để thao túng tâm lý đối phương, khiến đối phương trở nên thất thế và thua cuộc trong một cuộc tranh cãi. Họ chọn cách im lặng phần lớn là để làm hài lòng suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Silent Treatment (im lặng độc hại) là gì?

Silent Treatment (sự im lặng độc hại) được biết đến như một cách thao túng tâm lý đối phương trong một mối quan hệ bằng sự im lặng vô lý. Đây không giống như cách im lặng để bình tĩnh và cho nhau thời gian để suy ngẫm vấn đề, mà nó đến từ việc một người muốn chứng minh tầm quan trọng và quyền lực của mình trong mối quan hệ.

Silent Treatment (im lặng độc hại) là gì?
Sự im lặng độc hại là một sự thao túng tâm lý đối phương bằng cách im lặng, khiến đối phương hoang mang và áy náy.

Việc im lặng độc hại khiến người chịu đựng nó cảm thấy bức bối, khó chịu, dằn vặt, vì bản thân họ muốn nói chuyện, trao đổi để có thể giải quyết vấn đề. Nhưng thay vì giải quyết thì người chủ ý tạo ra sự im lặng độc hại lại chọn cách ngừng giao tiếp để trốn tránh trách nhiệm, không muốn giải quyết vấn đề triệt để.

Ví dụ: Khi bạn muốn hỏi rõ người bạn thân của mình có nói xấu mình với người khác hay không. Thay vì phủ nhận hay thừa nhận thì họ lại chọn cách im lặng và phớt lờ câu hỏi bạn. Điều này khiến bạn càng tăng thêm sự nghi ngờ và khó chịu. Sự im lặng cũng khiến mối quan hệ trở nên xa cách và nhiều hiểu lầm.

Một mối quan hệ đang tồn tại những vấn đề cần được giải quyết bằng cách nói ra những suy nghĩ của nhau và tìm cách giải quyết. Vấn đề có thể được giải quyết nhanh hơn nếu một trong hai không chọn cách im lặng. Sự im lặng đôi khi nó cũng có thể “giết chết” một mối quan hệ, dù nó có sâu đậm đến đâu.

Việc im lặng độc hại đang dần bị nhiều người hiểu lầm là một cách để giải quyết mâu thuẫn. Thực chất mâu thuẫn vẫn tồn tại ở đó, chỉ là bạn đang dùng sự im lặng để lãng tránh và cố tình quên nó đi. Điều này sẽ khiến người chịu đựng cảm thấy bất công, khó chịu vì họ không thể hiểu được bạn đang muốn gì.

Không nói, không la mắng nhau thì không phải là không gây tổn thương, đôi khi sự im lặng còn đáng sợ hơn vạn lời nói. Vì sự hiểu lầm nhau kéo dài, không ai chịu nói chuyện với ai, dần khiến mối quan hệ rơi vào ngõ cụt và rạn nứt.

Sự im lặng độc hại có thể được sử dụng ở nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng, tùy vào vấn đề và đối phương là ai thì người chủ ý sẽ có những thái độ khác nhau. Nhưng dù là gì đi nữa thì nó cũng khiến cho người chịu đựng cảm thấy rất khó chịu, thất vọng và tổn thương.

Xem thêm: Bạo hành lạnh là gì? Vấn đề đang bị bỏ quên cần được quan tâm

Cách phân biệt giữa im lặng để bình tĩnh với im lặng độc hại

Sự im lặng để bình tĩnh khác hoàn toàn với sự im lặng độc hại, nhưng có nhiều người vẫn khó để phân biệt được giữa hai khái niệm này. Đôi khi lẫn lộn khiến bạn hiểu lầm và trách móc nhầm đối phương nhưng thật ra họ chọn cách im lặng để bình tĩnh giải quyết vấn đề.

  • Tính chất:

– Im lặng để bình tĩnh: Người này sẽ có thái độ ôn hòa, dịu dàng và vẫn quan tâm đến đối phương. Họ nhận thấy mâu thuẫn đang dần nghiêm trọng hơn và sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ nên họ chọn cách im lặng. Họ sẽ thường đưa ra yêu cầu như: “ Bạn có thể cho tôi thời gian để bình tĩnh và suy nghĩ được không?”

– Im lặng độc hại: Thái độ hằn hộc, bức xúc và tức giận. Họ biết rằng đối phương đang dần chiếm ưu thế hơn trong cuộc tranh luận, họ không có đủ lý luận chính đáng để có thể nói hoặc cãi lại đối phương nên họ chọn cách im lặng vô lý và phớt lờ mọi thứ. Họ sẽ thường đưa ra khẳng định như: “Tôi không nói đến việc này nữa”

  • Mục đích

– Im lặng để bình tĩnh: Mục đích để ngừng mâu thuẫn và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Họ im lặng để tránh gây tổn thương đến đối phương bằng lời nói, cho cả hai có thời gian suy nghĩ về vấn đề. Họ mong muốn được giải quyết và mối quan hệ sẽ được tốt đẹp lại như xưa. Họ không hề muốn tránh né hay buông bỏ đối phương.

– Im lặng độc hại: Mục đích để tránh né và phủi bỏ trách nhiệm của bản thân đối với vấn đề. Họ biết rằng nếu im lặng sẽ gây cho đối phương sự hoang mang cực độ, lo lắng và cảm thấy có lỗi. Họ muốn chứng minh giá trị và quyền lực của mình trong mối quan hệ nên họ chọn cách im lặng phớt lờ mà không cần thông báo trước.

  • Hành động

Im lặng để bình tĩnh: Sau khi im lặng và lấy lại được bình tĩnh, họ sẽ cũng ngồi lại để nói chuyện và giải quyết ổn thỏa với đối phương một cách từ tốn nhất. Để cả hai cũng thấy được cái sai của mình trong vấn đề từ đó tìm cách khắc phục. Mọi nỗ lực đề đến từ việc muốn hàn gắn và mang lại kết quả tốt đẹp cho mối quan hệ.

– Im lặng độc hại: Họ không cần quan tâm đến đối phương đang nghĩ gì và cứ hả hê với sự tra tấn tâm lý của mình lên người khác. Họ cũng sẽ không có nhu cầu cần hàn gắn mối quan hệ vì cách họ chọn im lặng giống như họ ngầm khẳng định rằng mình không quan tâm đến kết quả của vấn đề này.

Hậu quả của sự im lặng độc hại

Tuy im lặng nhưng nó chứa sức mạnh phá hủy mối quan hệ một cách mạnh mẽ. Sự im lặng độc hại giống như một “quả bom nổ chậm”, từ từ nhưng khiến mối quan hệ bị phá hủy nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến người chịu đựng hay mối quan hệ đó mà nó còn ảnh hưởng đến cả người chủ ý im lặng.

Đối với người chịu đựng

Nỗi đau vật lý mà người chịu đựng phải trải qua cũng giống như đang bị hành hạ và đánh đập. Tuy không gây ra vết thương nào trên cơ thể, nhưng bên trong của họ đã bị tổn thương tâm lý. Sự im lặng giống như một cách bạo hành tinh thần, khiến người chịu đừng gần như muốn “bùng nổ” vì không thể nói ra suy nghĩ của mình.

Cảm giác vô vọng, chán nản, buồn bực cứ bao trùm lấy tâm trạng của họ, vì có thể bản thân họ chỉ muốn nói chuyện để giải quyết vấn đề đang tồn đọng nhưng lại không thể bị lờ đi một cách vô lý. Sự im lặng của người chủ ý giống như khẳng định rằng họ không hề liên quan đến sự việc hay vấn đề đó.

Hậu quả của sự im lặng độc hại
Sự im lặng độc hại khiến người chịu đựng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và thất vọng.

Chịu đựng sự im lặng khiến bản thân như bị chơi vơi, lạc lõng giữa vô vàn câu hỏi và thắc mắc của bản thân nhưng không có lời giải đáp. Tự trách móc và nghi ngờ mình đã gây ra lỗi lầm gì để phải chịu đựng sự đau khổ này. Càng khiến mâu thuẫn “leo thang” và xảy ra rạn nứt.

Đối với người chủ ý

Người chủ ý tuy họ chủ động thực hiện việc im lặng độc hại nhưng không biết rằng chính họ cũng là người đang phải chịu đựng những hậu quả mà nó gây ra. Dần mất đi bản thân của mình chỉ vì lòng ích kỷ và vô trách nhiệm, vì quá sợ hãi không thể thắng trong một cuộc cãi vã mà họ cách tẩy chay và cô lập đối phương.

Khi họ im lặng chính bản thân họ cũng cảm thấy khó chịu và tự thấy mình quá hèn nhát và ích kỷ. Họ không dám thừa nhận sai lầm của mình hoặc không thể đối diện với vấn đề của mối quan hệ nên họ lảng tránh và phớt lờ đối phương. Dù cảm thấy tội lỗi nhưng họ vẫn mặc kệ suy nghĩ của đối phương và ưu tiên cho sự tự mãn của mình.

Cũng đồng nghĩa với việc họ chọn cách sống ngược với bản năng. Nếu Silent Treatment dành cho mối quan hệ độc hại thì nó sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu nó được áp dụng trong mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh thì chính họ đang tự loại bỏ một người thương yêu ra khỏi cuộc đời mình và đó là hậu quả lớn nhất mà họ phải chịu.

Đối với mối quan hệ

Hậu quả lớn nhất đối với mối quan hệ của cả hai khi chịu đựng sự im lặng độc hại chắc chắn là sự rạn nứt và tan vỡ. Mỗi mối quan hệ đều phải duy trì bằng sự giao tiếp và chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn cho đối phương thấy được nỗ lực gắn kết mối quan hệ và tình cảm đặc biệt với đối phương.

Mối quan hệ sẽ không thể lâu dài và bền vững khi xây dựng bằng sự lạnh nhạt và hiểu lầm. Im lặng đôi khi không thể giải quyết được vấn đề, nó khiến cả hai hiểu lầm nhau nhiều hơn. Nói ra để biết gút mắc trong lòng của cả hai là gì để từ đó thống hiểu thêm về đối phương.

Trò thao túng tinh thần bằng sự im lặng độc hại có lẽ đã chứng minh rằng người chủ ý không hề quý trọng mối quan hệ này. Họ chọn cách im lặng để dần xa được đối phương trong tâm thế mình không phải người sai mà người sai chính là người bị bỏ rơi.

Nếu vẫn tiếp tục được mối quan hệ đó, thì vấn đề chắc chắn vẫn xảy ra trong tương lai vì nó chưa thực sự được giải quyết. Vì người chịu đựng quá thương yêu người chủ ý nên họ chấp nhận phần lỗi lầm thuộc về mình để mối quan hệ được hàn gắn. Nhưng vẫn có thể xảy ra những mâu thuẫn khác và vẫn phải chịu sự im lặng đáng sợ này.

Xem thêm: Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu: Biểu Hiện Và Cách Ứng Phó

Biểu hiện của sự im lặng độc hại

Biểu hiện của sự im lặng độc hại thường hay bị hiểu lầm với sự im lặng để bình tĩnh. Chúng khác nhau về nhiều mặt, nếu sự im lặng để bình tĩnh là để cải thiện và hàn gắn thì im lặng độc hại lại ngược lại. Họ muốn lờ đi và không quan tâm đến vấn đề hiện tại của cả hai

Những người chủ ý sử dụng sự im lặng độc hại để thao túng tâm lý với đối phương và chứng minh quyền kiểm soát của mình trong mối quan hệ thường sẽ có những biểu hiện sau và những biểu hiện này đa phần là tiêu cực:

  • Họ cáu gắt và khó chịu mỗi khi bạn muốn trao đổi về vấn đề.
  • Họ sử dụng sự im lặng để khiến che giấu đi những yếu điểm và lỗi lầm của bản thân.
  • Tỏ thái độ lạnh nhạt, vô tâm, hờ hững với bạn trong thời gian dài.
  • Khi nói chuyện lại thì vờ như chưa có gì xảy ra.
  • Tránh né mọi cơ hội giao tiếp và nói chuyện với nhau.
  • Im lặng đến khi bạn là người năn nỉ, nói lời xin lỗi và nhận sai thì họ mới nói chuyện lại.
  • Im lặng bất thình lình không cần có lý do.
  • Tự động rút lui khi đang tranh luận.
  • Tránh né những câu hỏi “có” hoặc “không”
  • Không gặp mặt trực tiếp.
  • Chỉ lờ đi với mình bạn còn những người khác vẫn vui vẻ bình thường.
Biểu hiện của silent treatment là gì
Lạnh nhạt, vô tâm, im lặng là biểu hiện của sự im lặng độc hại.

Những biểu hiện này không nhất thiết phải xuất hiện cùng lúc với nhau. Mỗi người sẽ có cách thể hiện khác nhau, bạn cũng nên tinh ý và quan sát để nhận ra điều bất thường. Tránh việc mất cân bằng gây ra mối quan hệ độc hại chỉ mưu cầu lợi ích và thỏa mãn bản thân.

Tại sao lại chọn sự im lặng độc hại?

Có nhiều người sử dụng Silent Treatment – im lặng độc hại với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng nhìn chung dù là mục đích tốt hay xấu, vẫn khiến người khác tổn thương vì sự không rõ ràng của mình. Im lặng không phải cách để giải quyết vấn đề, im lặng nhưng sau đó phải tiếp tục trao đổi như vậy mới có thể giúp mối quan hệ bền vững.

Một số lý do phổ biến khiến một người chọn cách im lặng độc hại để đối xử với đối phương và xử lý vấn đề của mình.

  • Bao biện cho tội lỗi của bản thân

Khi bản thân đang biết chắc rằng mình có lỗi và mình sai trong việc này, nhưng họ không đủ dũng khí để nói lên lời xin lỗi, nên họ chọn cách im lặng. Trong khoảng thời gian im lặng cũng là lúc họ tự trấn an và bao biện cho mình bằng những suy nghĩ ích kỷ. Họ đổ thừa cho mọi thứ để có thể khiến bản thân nhẹ nhàng với tội lỗi hơn.

Sợ đối phương phát hiện rằng họ là người có lỗi, nên họ chọn cách im lặng để thao túng tâm lý của đối phương. Để đối phương nghĩ rằng mình đang sai và họ im lặng là có lý do. Điều này khiến người chủ ý dành được lợi thế cho mình và chứng minh rằng quyền lực của họ trong mối quan hệ này là không thể phủ nhận.

  • Đuối lý và không biết nói gì

Đôi khi im lặng cũng thể hiện sự yếu đuối và bất lực của người chủ ý. Họ nhận ra rằng đối phương có quá nhiều lý lẽ và bằng chứng để buộc họ phải nhận phần thua về cho mình, nên họ chọn cách im lặng để tránh né. Vì không biết nói gì và càng nói càng sai nên việc sử dụng Silent Treatment chính là cách để “cứu cánh” họ lúc này.

Vì họ không chấp nhận được việc mình là người có lỗi, thua cuộc trước việc tranh luận nên họ tìm cách lảng tránh và không giải quyết nó. Để lại trong lòng của người chịu đựng sự đè nén, ức chế và buồn bực vì không thể giải quyết được vấn đề. Họ chọn cách im lặng cũng giống như một sự trừng phạt lên đối phương vì đã trù dập họ.

  • Muốn tạo cho người kia cảm thấy khó chịu

Để có thể “trả đũa” những lỗi lầm từ quá khứ của đối phương, họ chọn cách im lặng để tạo cho đối phương cảm giác khó chịu. Họ luôn nhớ về những tội lỗi lúc xưa nên khi có cơ hội thích hợp họ sẽ im lặng như một sự trừng trị lên đối phương. Hoặc trong quá khứ đối phương cũng từng im lặng vô cớ nên bây giờ họ muốn đáp trả.

Việc đối phương khó chịu, bực tức càng khiến người chủ ý trở nên hả hê và tự mãn vì những việc mình đã làm. Họ không cần biết ai đúng ai sai trong vấn đề này nhưng họ thấy vui vì người kia phải chịu đựng sự lạnh nhạt từ họ. Đôi khi sự im lặng độc hại không đến từ ác ý nhưng nó vẫn được vận dụng nhằm thỏa mãn người chủ ý.

  • Muốn kết thúc mối quan hệ

Khi muốn kết thúc một mối quan hệ, con người thường không dũng cảm nói lên suy nghĩ của mình bởi nhiều lý do, nên họ chọn cách để đối phó với nó và im lặng độc hại là một trong số đó. Để đối phương tự cảm thấy chán ghét và buông bỏ mối quan hệ, người chủ ý sẽ tạo ra một sự im lặng vô lý và kéo dài đến khi đạt được mục đích.

Tại sao lại chọn sự im lặng độc hại?
Muốn kết thúc một mối quan hệ cũng là lý do khiến một người lựa chọn cách im lặng độc hại.

Họ ít gặp gỡ, ít giao tiếp và ít giải thích hơn để đối phương ngầm hiểu rằng họ muốn thoát khỏi mối quan hệ một cách im lặng và đơn giản. Họ không muốn và cũng không cần đối phương phải giải thích hay phân bua, chỉ là vì họ không còn cảm thấy phù hợp với mối quan hệ này nên chọn cách im lặng để rời bỏ.

Xem thêm: Cách chia tay dứt khoát mà không làm đối phương tổn thương

Cách đối phó với sự im lặng độc hại

Để không phải chịu đựng sự im lặng một cách vô lý và tàn nhẫn thì bản thân người chịu đựng cần phải tỉnh táo và tìm ra giải pháp cho bản thân. Những giải pháp này giúp đối phó lại sự im lặng độc hại để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của người chịu đựng.

Tìm hiểu nguyên nhân

Nếu muốn giải quyết được vấn để im lặng của người chủ ý, bạn hay chủ động đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ lại im lặng. Có rất nhiều lý do khiến họ phải quyết định im lặng với bạn, dù là chủ quan hay khách quan, tích cực hay tiêu cực cũng cần nên tìm hiểu để đánh giá vấn đề đúng đắn nhất tránh hiểu lầm.

Đôi khi chính bạn cũng không thể phân biệt giữa im lặng độc hại và im lặng để bình tĩnh vì quá nóng vội. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo, để hiểu được người kia đang muốn gì và cần gì ở mình. Tìm hiểu được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề sẽ giúp bạn hiểu được đối phương hơn và có thể đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất.

Sẵn sàng rời đi

Cách đối phó hiệu quả nhất đối với vấn đề im lặng độc hại chính là bản thân bạn không sợ rủi ro và sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ độc hại đó. Dù bạn rất yêu thương họ nhưng nếu họ đối xử bất công và ích kỷ với bạn, hãy suy nghĩ thoáng hơn và tự mình rời khỏi mối quan hệ.

Trực giác của bạn sẽ giúp bạn trả lời được liệu đối phương có xứng đáng để mình kiên nhẫn thêm, hay họ chỉ đang thao túng bạn để khiến họ thỏa mãn sự tự cao. Nếu không phải là mối quan hệ gia đình ruột thịt, thì bất kể là ai thì bạn vẫn nên đặt lợi ích của mình lên trên để tránh gây thiệt thòi cho bản thân.

Kết nối thêm với những mối quan hệ khác

Không tiếc nuối và bi lụy với người không xứng đáng. Để đối phó được vấn đề này, đòi hỏi bạn phải thật mạnh mẽ và dứt khoát. Hãy cho mình thêm cơ hội để kết nối với nhiều mối quan hệ khác tốt hơn, chất lượng hơn. Vì bạn xứng đáng hơn những gì bạn có nên nếu họ vô tâm, lạnh nhạt và làm tổn thương bạn hãy đi tìm người khác tốt hơn.

Cách đối phó với sự im lặng độc hại
Việc kết nối với những mối quan hệ mới sẽ giúp bạn có thể đối phó được với sự im lặng độc hại của một người.

Kết nối thêm với những người khác sẽ giúp bạn có thêm được nhiều kinh nghiệm và những chia sẻ thú vị từ họ. Nói chuyện và giao tiếp thật nhiều để bản thân có thêm nhiều niềm tin và hy vọng về những đối tượng mới tốt hơn. Tuyệt đối không cố hàn gắn lại với những người độc hại đã khiến bạn tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần.

Cố gắng giao tiếp nếu có thiện chí

Nếu cả hai vẫn có thiện chí muốn “cứu vãn” mối quan hệ và cảm thấy sự kết nối với nhau là quá lớn không thể từ bỏ vậy thì hãy cho nhau một cơ hội để nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn. Khoảng thời gian im lặng đã quá lâu và đây là lúc bày tỏ hết những suy nghĩ và cảm xúc của mình cho đối phương có thể thấu hiểu.

Việc giao tiếp theo hướng tích cực, hàn gắn lại mối quan hệ có thể là cách tốt để đối phó lại với sự im lặng độc hại. Cố gắng chia sẻ và thấu hiểu nhau, đồng thời giải quyết dứt điểm những vấn đề gút mắc còn tồn tại trong mối quan hệ của cả hai. Có sự cam kết với nhau rằng sẽ không im lặng để lãng tránh vấn đề và làm đối phương đau lòng.

Sử dụng liệu pháp tâm lý

Nếu cả hai không thể giải quyết được vấn đề và không thể đối phó với sự im lặng, nhưng cũng không muốn rời bỏ mối quan hệ, vậy hãy tìm đến liệu pháp tâm lý. Các bác sĩ tâm lý sẽ trao đổi với từng người và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau khi đã xác định được vấn đề, các bạn sẽ được chỉ định phương pháp phù hợp.

Các cặp đôi có thể được áp dụng liệu pháp tham vấn dành cho cặp đôi được xem là phương pháp hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề trong giao tiếp. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ, cặp đôi có thể sẽ tìm ra được giải pháp phù hợp cho mâu thuẫn hiện tại.

Một số phương pháp thường được áp dụng như: Liệu pháp tập trung vào cảm xúc (EFT), phương pháp Gottman, cách tiếp cận của Ellen Wachtel, trị liệu hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp tâm động học, liệu pháp cặp đôi hành vi (BCT). Những phương pháp này đều giúp giải quyết được các vấn đề tiêu cực hay xảy ra đối với cặp đôi.

Silent Treatment – sự im lặng độc hại không chỉ là một hành động bình thường mà nó có thể gây tổn hại đến tinh thần của người chịu đựng và ảnh hưởng tiêu cực đến cả mối quan hệ. Cần phải kịp thời nhận thấy và tìm cách hợp lý đối phó để không gây ra những tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ khác.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *