Làm thế nào để cha mẹ hỗ trợ con học tiếng anh, học kỹ năng trong thời covid
Dịch bệnh khiến cho học sinh phải chuyển sang học online. Một số chương trình học ngoại khóa của con phải dừng lại. Trong tình trạng đó, trách nhiệm của cha mẹ trong việc đôn đốc, sát sao, hỗ trợ con học trở nên quan trọng và cần thiết hơn. Cha mẹ phải làm gì, phải có tâm thế như thế nào để đồng hành, hỗ trợ con trong năm học mới.
Mời quý phụ huynh tham khảo một số phương pháp, cách thức mà chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã sử dụng để phát triển khả năng học tiếng anh cũng như kỹ năng thuyết trình cho con tại nhà nhé.
Độc giả Trần Hà Linh (33 tuổi, Hồ Chí Minh) gửi câu hỏi tới chương trình:
Trước đây khi dịch bệnh chưa diễn ra thì bố mẹ có thể yên tâm giao con cho nhà trường rèn luyện, thậm chí là tham gia các khóa học đào tạo nâng cao hoặc năng khiếu, nhưng vì đại dịch khiến toàn bộ chương trình học của con phải chuyển sang học online. Các lớp học ngoại khóa năng khiếu cũng phải ngừng lại. Khi mà mọi thứ dừng lại như vậy, thì việc theo sát con lại trở về trách nhiệm của bố mẹ. Nhưng có rất nhiều khó khăn, ngoài việc cân đối công việc thì kiến thức chuyên môn cũng chưa đủ để giúp đỡ các con. Nếu tình hình học online còn kéo dài thì phải làm gì để giúp cho các con học tốt hơn.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chính xác như lời bạn nói, trước đây khi chưa có sự xuất hiện của dịch covid, chúng ta thường gửi gắm con cho nhà trường và đưa con tới một số trung tâm để học kỹ năng, học tiếng anh. Hải Yến cũng vậy, 2 vợ chồng Hải Yến tiếng anh chưa tốt nên đã cho con đi học tiếng anh ở các trung tâm từ năm 4 tuổi. Bạn lớn nhà Hải Yến học trung tâm Apollo, bạn nhỏ học Apax English. Đây cũng là 2 trung tâm tiếng anh có tiếng ở Hà Nội. Song so với các bạn ở lớp, tiếng anh của 2 bé nhà Hải Yến cũng chỉ thuộc dạng bình thường. Khi có dịch bệnh, chương trình học tiếng anh của con cũng bắt buộc phải dừng lại, các thầy cô có ngỏ ý chuyển sang học online nhưng hai bạn nhà Hải Yến từ chối. Bởi vì, vốn dĩ các bạn không có thích tiếng anh.
Truyền cảm hứng học tập cho con
Với bản năng của một chuyên gia tâm lý trị liệu, Hải Yến đã đi tìm nguyên nhân gốc rễ khiến cho các con mình không thích học tiếng anh là gì? Hải Yến đã tự đưa ra một quy trình khám phá nguyên nhân gốc rễ từ chính các thành viên trong gia đình mình, gồm 2 bé và vợ chồng Hải Yến. Nguyên nhân là cha mẹ không hề yêu thích tiếng anh. Tiếng anh chúng ta có thể chưa tốt nhưng điều đó không quan trọng bằng chúng ta không hề yêu thích nó, thậm chí là sợ tiếng anh. Điều này đã trở thành nỗi sợ và sự không yêu thích tiếng anh vô hình bên trong các con. Các con được tạo điều kiện học tiếng anh từ bé và môi trường học tập của con cũng là những môi trường được hỗ trợ tốt về tiếng anh nhưng các bạn lại không học với tâm thế yêu thích tiếng anh nên kết quả chưa được tốt. Có lẽ nguyên nhân này đúng với nhiều bạn nhỏ, kể các các bạn ở lứa tuổi teen.
Nguyên nhân ở đâu thì chúng ta cần khắc phục ở đó. Nguyên nhân từ bố mẹ thì bố mẹ cần phải có sự thay đổi về thái độ với môn tiếng anh. Có thể chúng ta cũng hiểu điều đó song có lẽ chúng ta chưa dám thừa nhận một cách mạnh mẽ và dám chịu 100% trách nhiệm về mình nên đâu đó chúng ta còn trốn tránh. Và trong thời gian có nhiều sự xáo trộn vì dịch bệnh covid như thế này, Hải Yến đã quyết tâm đăng ký một khóa học tiếng anh dành cho người mới bắt đầu và cứ lặng lẽ học mỗi ngày. Nói thêm về người thầy dạy tiếng anh của Hải Yến, thầy cũng là một chuyên gia tâm lý hoạt động tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, nơi Hải Yến đang làm việc, và là một người thầy dạy tiếng anh ứng dụng khoa học NLP – Ngôn ngữ lập trình tư duy. Thời gian học mỗi ngày là từ 21:30- 22:30 PM (có hôm đến 23:00 PM). Bình thường khoảng 21:30 mỗi ngày, Hải Yến sẽ đọc sách cùng các con, làm các thủ tục để các con đi ngủ. Nhưng để tham gia khóa học đúng giờ, Hải Yến phải sắp xếp làm các công việc này sớm hơn và nói với các con rằng 9h30 mẹ phải học tiếng anh. Mình cứ học một cách lặng lẽ như vậy, ban ngày, thỉnh thoảng lại làm bài tập tiếng anh, học từ mới. Điều này đã khiến các bạn nhỏ được truyền cảm hứng một cách vô hình. Các bạn nhỏ bắt đầu chú ý đến việc học tiếng anh và các bạn ấy bắt đầu nghĩ tiếng anh là cần thiết. Hải Yến cũng nhìn thấy được các con của mình học tiếng anh một cách hào hứng hơn và yêu thích hơn. Thành quả này là bắt nguồn từ bố mẹ đúng không ạ?
Công thức 4B: Bạn – Bàn – Ban – Bán hỗ trợ con học online tốt hơn
Tiếng anh là một môn mà chúng ta cho con đi học ở trung tâm rất nhiều. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các khóa học trực tiếp phải dừng lại, chúng ta nên làm gì để hỗ trợ con học tiếng anh?
Thời gian vừa qua, Hải Yến đã tìm hiểu rất nhiều chương trình học online, phần mềm vừa học tiếng anh vừa chơi. Sau đó, Hải Yến giới thiệu với các con và truyền cảm hứng cho các con trước khi yêu cầu con học theo công thức 4B mà Hải Yến đã chia sẻ rất nhiều tới quý phụ huynh: Bạn – bàn – ban và bán.
Theo công thức 4B này, Hải Yến thực hiện các bước sau để giúp con học tiếng anh:
- Làm bạn: Hãy làm bạn với các con để hiểu được tâm lý của các con khi con học tiếng anh.
- Bàn bạc: Sau khi chúng ta hiểu con hơn về vấn đề học tiếng anh, chúng ta có thể giới thiệu với con những phần mềm, chương trình học tiếng anh mà chúng ta nghĩ rằng nó phù hợp với con và bàn bạc với con để có phương án thích hợp nhất.
- Ban: Khi các bạn đã yêu thích và theo học một phương án nào đó rồi, mẹ sẽ tặng quà cho các con. Các phần mềm, chương trình học đều là cha mẹ bỏ tiền, không phải tự nhiên mà có nên đây là một món quà.
- Bán: Mục tiêu học tiếng anh của con là gì, con học tốt tiếng anh để làm gì trong tương lai? Vậy chúng ta bán cái gì? Bán tầm nhìn bố mẹ để các bạn ấy học với cái Big Why – lý do thật lớn, thật bự, để các bạn nhỏ thấy được cái ý nghĩa của việc học và để mọi việc nó diễn ra một cách thật là tự nhiên, chứ không phải là ép buộc. Và chúng ta chỉ có thể bán khi chúng ta đã trải qua 3 bước làm bạn – bàn bạc – tặng quà xong.
Để thực hiện được 4 bước này, chúng ta không thể làm trong một ngày. Nó là một lộ trình cần chúng ta xây dựng từng bước, có thể là 5 ngày – 7 ngày – thậm chí là 14 ngày, thậm chí là hơn nữa. Thời gian lâu hay nhanh còn phụ thuộc vào cách chúng ta đang tương tác với các con. Nếu chúng ta là người hiểu con, vẫn thường làm bạn với con hàng ngày thì chúng ta chỉ cần làm những bước tiếp theo thôi. Nếu chúng ta thường xuyên bàn bạc với con về những vấn đề khác rồi, bây giờ chúng ta chỉ cần đi vào chi tiết phương án học tiếng anh thôi và mọi việc cũng đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta chưa bao giờ làm bạn với con, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ bước này.
Nếu quý phụ huynh thường xuyên theo dõi Livestream – Tư vấn trực tuyến của Hải Yến trên fanpage Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam – Tâm an sống khỏe, có thể một số vị phụ huynh đã bắt đầu công thức 4B từ khoảng 2 tháng trước rồi. Và Hải Yến cũng tin rằng nếu các bạn ứng dụng công thức đó, bây giờ các bạn đã luôn ở tâm thế là có thể bàn bạc với con một cách dễ dàng về bất cứ vấn đề, phương án gì để giúp con tăng kỹ năng nào đó.
Nếu quý phụ huynh chưa thực hành công thức 4B, hãy bắt đầu ngay bây giờ nhé. Bởi vì, còn khoảng 2 tuần các con mới bắt đầu năm học mới. Thời gian này đủ để chúng ta bắt đầu làm bạn, bàn bạc với con kịp thời điểm bước vào năm học mới. Hơn nữa, chúng ta còn phải đồng hành với con trong một thời gian dài với rất nhiều vấn đề khác của cuộc sống. Bởi vậy, không có gì là muộn cả.
Giúp con nâng cao kỹ năng thuyết trình
Bên cạnh tiếng anh, kỹ năng thuyết trình cũng là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm. Đâu đó, vẫn còn nhiều các bạn học sinh chưa có kỹ năng thuyết trình, chưa có sự tự tin khi đứng trước đám đông. Một số bạn có thể rất giỏi về các môn học hay kỹ năng khác nhưng khả năng thuyết trình ý tưởng của mình trước lớp, trước một tập thể lớn khá hạn hẹp. Đặc biệt là ở các hội trường quá nhiều người, đứng trước một đám đông lớn, các con dễ bộc lộ ra những điểm thiếu tự tin của mình. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp con nâng cao kỹ năng thuyết trình trong thời gian nghỉ dịch vì covid như thế này?
Như nhà Hải Yến có 2 bạn nhỏ học cấp 1, Hải Yến đã treo thưởng mỗi tuần:
- Đọc 1 quyển sách (có thể chỉ là một chương, một phần của quyển sách) mà các bạn ấy tự chọn trong 1 tuần rồi thuyết trình lại cho bố mẹ nghe: Thưởng 30k. Không cần biết đến chất lượng thuyết trình các bạn nhé, chỉ cần mạnh dạn thuyết trình thôi.
- Nếu các bạn thuyết trình quyển sách mà mẹ chọn: Thưởng thêm 30k.
- Thuyết trình kèm minh họa bằng sơ đồ tư duy mind map: Thưởng thêm 30k. Dù sao các con cũng mất công đọc sách rồi, nếu các bạn trình bày bằng mindmap sẽ vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ hơn mà lại được thêm tiền. Các bạn chỉ cần trình bày bản đồ tư duy trên một tờ giấy A4 bình thường thôi.
Cách thức học này không chỉ giúp các bạn nhỏ nhà Hải Yến tự tin hơn, có kỹ năng thuyết trình tốt hơn mà còn giúp các bạn ấy dần dần thiết lập được khả năng nói chính xác điều mình nghĩ.
Lưu ý, trong quá trình con thuyết trình, bố mẹ chỉ được khen thôi. Chắc chắn các con sẽ còn nhiều vấn đề (như không nhớ được thông tin trong quyển sách, thông tin có sự sai lệch… ) nhưng trong lúc con thuyết trình, chúng ta chỉ khen thôi. Nếu ba mẹ thấy cần điều chỉnh vấn đề gì đó, hãy ghi nhớ hoặc ghi ra một cuốn sổ và nói trong một buổi sinh hoạt khác. Và cách góp ý cũng rất quan trọng, chúng ta cần nói chuyện trong tâm thế là muốn giúp con tốt lên và con cũng phải thoải mái khi nhận những lời góp ý đó. Có như vậy, những điều chúng ta làm mới trở nên hiệu quả với con được.
30 phút góp ý mỗi tuần để tất cả các thành viên cùng tốt hơn
Như nhà Hải Yến, vấn đề góp ý cho các bạn nhỏ về việc thuyết trình sẽ được đưa ra vào 30 phút góp ý cuối tuần. Hải Yến cũng xin chia sẻ một chút về vấn đề tại sao lại có buổi góp ý này.
Hải Yến cũng người mà đôi lúc chưa quản trị được cảm xúc của mình. Trong cuộc sống có những thách thức trong công việc khiến chúng ta trở nên căng thẳng và chưa quản trị được cảm xúc của mình khi về nhà. Và khi các bạn nhỏ làm gì đó mà mình chưa có thấu hiểu và mình dễ nói ra những lời khiến người khác tổn thương. Bởi vì, Hải Yến là người sử dụng ngôn từ rất tốt, rất sát với suy nghĩ của mình. Cho nên khi mình không quản trị được cảm xúc, ngôn từ mình sử dụng rất dễ sát thương người khác. Đặc biệt là các bạn nhỏ nhà Hải Yến, các bạn ấy đã được bố mẹ rèn luyện ngôn từ nên thấu hiểu rất sâu sắc ngôn từ của mẹ sử dụng. Vì vậy mà nhiều khi mình đã vô tình làm cho con bị choáng, tổn thương, các bạn nhỏ cũng khá là bất ngờ trước cái thể hiện đó của mình. Nhưng sau khi mình nhận ra điều đó, mình cần phải nhìn nhận lại mình và xin lỗi các con một cách chân thành.
Chính vì vậy, gia đình Hải Yến đã tổ chức buổi sinh hoạt chung khoảng 30 phút để góp ý với nhau. Trong buổi họp này, chúng ta chỉ dành để góp ý cho người khác thôi. Ba mẹ sẽ để các con nói thoải mái, nói xả láng. Và mình cũng phải đón nhận thông tin ở tâm thế rất là bình an, nhận thông tin để giúp mình nhìn nhận và thay đổi bản thân tốt lên. Có như vậy, các con mới đón nhận những góp ý của mình một cách bình an và tiếp thu. Những buổi sinh hoạt như vậy, chúng ta phải có chủ đích tích cực, mặc dù là chúng ta sẽ nhận những thông tin chưa tốt về bản thân mình nhưng chủ đích chính là để mỗi thành viên tốt lên.
Việc chúng ta hỗ trợ, đồng hành cùng các con cũng sẽ giúp bản thân chúng ta rèn luyện thêm kỹ năng của mình như khả năng lắng nghe, khả năng kiên trì và nhẫn nại, rèn luyện những cách mà chúng ta thể hiện tình yêu thương nó đúng hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể làm cho chính bản thân của mình phát triển hơn, tăng trưởng hơn bên cạnh việc chúng ta hỗ trợ các con.
Tóm lại, Hải Yến muốn gửi tới các vị phụ huynh thông điệp rằng, chúng ta hãy nhận lãnh trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ các con học hành và phát triển kỹ năng trong thời điểm dịch bệnh Covid diễn ra. Trong khi mà các trung tâm đã không có hỗ trợ con được nữa, dù chúng ta có nhiều tiền thì chưa chắc đã có thay đổi được điều này. Chưa kể, chúng ta có thể bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch bệnh. Vậy chúng ta có thể bù lại bằng việc cố gắng sắp xếp thời gian dành cho con. Ngoài thời gian làm việc online để đảm bảo công việc, chúng ta vẫn có thời gian vào buổi tối hoặc cuối tuần để giúp cho các con hình thành nên những cái kỹ năng cần thiết. Hơn nữa, các bố, các mẹ cũng là người sinh ra và nuôi dạy con. Vì vậy, chúng ta hãy nhận lãnh trách nhiệm nuôi dạy con.
Hải Yến tin rằng, khi chúng ta trở thành cha mẹ, bản thân chúng ta đều có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có rất nhiều cái trải nghiệm. Hãy biến những trải nghiệm đó trở thành bí kíp để chúng ta có thể hỗ trợ các con rèn luyện được kỹ năng cần thiết. Đó là một kiến nghị, giải pháp mà Hải Yến đưa ra với câu hỏi của bạn Hà Linh. Hải Yến mong rằng, bạn có thể ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp với gia đình mình để hỗ trợ con học hành và phát triển bản thân trong thời gian dịch bệnh, chúng ta ở nhà nhiều hơn. Xin cảm ơn câu hỏi của bạn.
Xem video chia sẻ từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến với đầy đủ các thông tin về chủ đề “Chuẩn bị tâm thế cho năm học mới thời Covid” dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!