Công thức 4B dành cho cha mẹ có con ở tuổi dậy thì
Khủng hoảng tâm lý ở tuổi dậy thì khiến nhiều cha mẹ cảm thấy bối rối, choáng ngợp và không biết hỗ trợ con từ đâu. Thậm chí, ngay cả việc kết nối để chia sẻ, trao đổi với con cũng là một thách thức lớn với cha mẹ. Trong những tình huống này cha mẹ cần làm gì để cùng con vượt qua khủng hoảng ở tuổi dậy thì?
Báo Phụ nữ Thủ đô đã thực hiện buổi phỏng vấn Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam để có thêm góc nhìn, giải pháp về vấn đề này.
PV: Xin chuyên gia cho biết, ở tuổi dậy thì, trẻ có thể gặp phải những rối nhiễu tâm lý nào?
Ở lứa tuổi dậy thì, các con phải đối mặt với nhiều thay đổi về thể chất và thường gặp áp lực từ việc học hành căng thẳng, từ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô, kể cả sự cạnh tranh với bạn bè. Vì đã sống trong một môi trường quá nhiều sự so sánh từ bé nên chính các bạn ấy cũng mắc kẹt trong vấn đề đó. Từ đó, làm cho sức khỏe tinh thần của các con ảnh hưởng và trở thành rối nhiễu tâm lý.
Các con có thể dành quá nhiều thời gian để lên mạng sống ảo, chơi game thậm chí là phụ thuộc cảm xúc của mình vào mạng xã hội, đắm chìm vào đó mà quên đi cuộc sống thực của mình. Rất nhiều bạn dễ nổi cáu, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, có hành vi bạo lực với người khác. Thêm vào đó là lối sống ăn chơi buông thả, lạm dụng chất kích thích, đua xe để chứng tỏ bản thân, bỏ học, bỏ nhà đi chơi quá khuya/qua đêm…
Một biểu hiện thường gặp nữa là thái độ chống đối, khiêu khích với bố mẹ, thiếu tôn trọng người lớn, thầy cô. Các bạn cô lập mình với thế giới bên ngoài, ngại giao tiếp, lo âu, rối loạn giấc ngủ… Tình trạng nặng hơn là có thể là trầm cảm, tự hại bản thân cho tới tự sát.
Bên cạnh rối nhiễu tâm lý tuổi dậy thì, ở mặt thể chất các con sẽ có thể rơi vào ăn uống/tăng giảm cân mất kiểm soát, cử chỉ phản ứng chậm chạp, mất tập trung lơ đễnh… Nếu như không được can thiệp kịp thời thì có thể dẫn tới rối loạn nhân cách.
PV: Tại sao sự thay đổi này đa phần lại mang tính tiêu cực, hoặc không được như mong muốn của cha mẹ?
Theo Hải Yến lý do chính dẫn đến vấn đề này là do chính môi trường nuôi dưỡng của các con không thay đổi.
Tuổi dậy thì, tuổi teen là một lứa tuổi cực kỳ đặc biệt như là một cái cây đến giai đoạn trưởng thành và chuẩn bị ra hoa ra quả. Khi cái cây ấy lớn lên, nhu cầu dinh dưỡng nhiều hơn, nếu cái chậu cây không thay đổi thì sẽ xảy ra 2 hiện tượng.
Một là, cái cây đó sẽ bị còi cọc, thui chột, nó không ra hoa, đơm trái như vốn dĩ trong điều kiện môi trường phù hợp. Thứ hai là, nếu cái cây đó phát triển quá mạnh mẽ thì cái chậu có thể nứt vỡ.
Muốn trồng cái cây thì phải nghiên cứu cái cây ấy về giai đoạn phát triển. Việc nuôi con cũng vậy. Nuôi dưỡng ở giai đoạn mầm non, ở tuổi tiểu học khác với khi con ở giai đoạn dậy thì.
PV: Vậy, khi hiểu được sự thay đổi này, cha mẹ có thể làm gì để cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì?
Để có thể cùng còn vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là ngừng đổ lỗi, trách móc, phán xét con, thay vào đó cha mẹ nhận trách nhiệm rằng lỗi khởi điểm cho sự “lệch” đấy là từ chúng ta. Và chính chúng ta cũng là người nhận trách nhiệm bắt đầu hành động để thay đổi khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì.
Nếu chúng ta muốn con làm điều gì đó mà thực lòng là muốn tốt cho con, hãy thuyết phục, truyền đạt để con hiểu được lợi ích của việc làm đó và con làm theo. Nếu con không làm theo là do cha mẹ truyền đạt chưa tốt.
Theo Hải Yến nếu con bảo vệ chính kiến của mình (mà một số cha mẹ hay nói là “bướng bỉnh”) thì Hải Yến lại thấy mừng vì con có sự tự tin, bản lĩnh. Có thể một số quan điểm của con chưa đúng thì cha mẹ và con trẻ có thể phản biện lại với nhau, chứ không phải áp đặt hay quát nạt, để cho con thấy cái đúng cái sai.
Nhiều cha mẹ than phiền rằng con không còn cởi mở chia sẻ như trước nữa. Điều này không phải do con bước vào tuổi dậy thì mà do con không cảm thấy đồng điệu, thấu cảm, thấu hiểu từ phía cha mẹ, những mong cầu của cha mẹ và nguyện vọng của các con có sự chênh lệch nhau quá lớn.
Về vấn đề lười học của các con thì cha mẹ cũng cần lưu ý rằng tuổi dậy thì, cơ thể con có sự phát triển quá nhanh và khả năng sản sinh ra các hóc môn và sự cân bằng cảm xúc của các con chưa được tốt. Bởi vậy mà tâm trạng, tinh thần của các con nhiều khi bị mệt mỏi, căng thẳng cộng thêm áp lực từ việc học tập (hay nhiều vấn đề khác) khiến con không dễ để hào hứng học tập như trước kia. Giống như chúng ta khi stress, căng thẳng thì cũng không muốn làm nữa.
Hiểu được như vậy thì những người làm cha mẹ sẽ có các hoạt động hỗ trợ, đồng hành và thúc đẩy các con. Và nhiều khi cha mẹ phải đồng hành với con trong một số hoạt động khác biệt với lứa tuổi của chúng ta.
Ví dụ ở nhà của Hải Yến thì cùng con xem bộ phim hoạt hình One Piece hơn 1.000 tập, mỗi ngày xem một tập và đã xem đến hơn 2 năm rồi. Nhiều lúc mà chồng của Hải Yến nói rằng thật sự anh không hiểu phim này nhưng hai vợ chồng vẫn xem. Thỉnh thoảng không hiểu thì nói thật với các con là cha mẹ không hiểu và các con lại giải thích cho mình.
Đến bây giờ con của Yến cũng bắt đầu bước vào tuổi teen, bên cạnh việc bố mẹ xem phim cùng con mỗi ngày, cả nhà sẽ cùng nhau thực hiện một số hoạt động chăm sóc tâm – thân – trí: Mỗi ngày 15 phút ngồi thiền, mỗi ngày 15 trang sách sách và mỗi tuần sẽ cùng nhau chạy 15km.
Việc chạy cùng con, hoặc là cả nhà ngồi mỗi người ôm một quyển sách ngồi cạnh nhau vẫn có sự kết nối vô hình. Đó là cách để các thế hệ xích lại gần nhau và giúp khoảng cách bị xóa đi nếu như đã có và sẽ không hình thành nữa nếu như chưa từng có.
PV: Lời khuyên của chuyên gia dành cho các cha mẹ để có một mối quan hệ tốt với con ở tuổi dậy thì?
Với kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, Hải Yến đúc rút ra một bài học là “phòng” sẽ tốt hơn “chống”. Việc đồng hành và kết nối với con là cả một hành trình sát cánh bên con từ khi con ở trong bụng mẹ, con mới sinh, tuổi mầm non, con vào tiểu học, lên cấp 2, cấp 3…
Quay lại hình ảnh ẩn dụ cái cây lớn lên trong cái chậu, chúng ta đều thấy rằng khi cái cây lớn lên, cái chậu cũng liên tục cần được cải tiến để phù hợp với cái cây. Không ai khác, chính chúng ta cần thay đổi chính mình, thay đổi môi trường gia đình để tôn trọng bản thể, sắc thái, năng lực riêng của các con. Và trong quá trình phát triển, với sự tác động qua lại như vậy, chính con sẽ là cá thể độc lập và có sự phù hợp với văn hóa gia đình nơi mà con đang sinh sống. Chính hành trình đồng hành ấy sẽ tạo ra sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Trong việc đồng hành cùng con tuổi dậy thì, Hải Yến đang áp dụng công thức 4B: Bạn – Bàn – Ban – Bán.
Đầu tiên, làm Bạn với con nghĩa là coi con như người trưởng thành hoặc bản thân mình phải “trẻ hóa” để đặt mình vào trường hợp, vị trí, quan điểm của con. Nếu chưa dễ thì hãy lắng nghe con thật nhiều trước. Thậm chí là nhìn thấy những điểm tốt, điểm sáng tạo hơn ở các con để mình học tập. Có như vậy, cha mẹ mới làm có thể làm bạn được với con.
Bước thứ hai là Bàn, hãy cùng các con bàn bạc các vấn đề liên quan đến các con để đưa ra phương án phù hợp chứ không phải áp đặt các con. Giống như việc Hải Yến cùng các con bàn bạc về việc cả gia đình sẽ rèn luyện Tâm – Thân – Trí thế nào trong năm 2024. Có những hoạt động được thực hiện theo mong muốn của các con nhưng cũng có những hoạt động dựa trên điều mà mẹ thấy là cần thiết.
Bước thứ 3 là Ban. Có những món quà được “treo” lên để thưởng cho con về kết quả, sự kỷ luật thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Có thể là món quà về vật chất, tinh thần hoặc món quà mà con thích. Tất nhiên có thưởng cũng có phạt, nhưng hãy chia sẻ về phần thưởng trước.
Và bước cuối cùng là Bán. Hãy bán cho con mong muốn, tầm nhìn, ước mơ, hy vọng của bạn. Chẳng hạn như “Mẹ thực sự rất mong muốn rằng là năm nay con tuổi teen rồi con có thể gọn gàng với phòng ốc của các con hơn, ngủ dậy mình sẽ gấp màn, gấp chăn”. Tuy nhiên, bước này hiệu quả khi chúng ta đã làm tốt 3 bước trên.
Xin cảm ơn chuyên gia
Hoàng Lan (thực hiện)
Theo báo Đời sống Gia đình (tuần san của báo Phụ nữ Thủ Đô) số 12 (1232) xuất bản ngày 21/3/2024.
Có thể bạn quan tâm:
- Mâu Thuẫn Giữa Cha Mẹ Và Con Cái: Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
- La Mắng Con Cái Thường Xuyên Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Tâm Lý Trẻ?
- Cha Mẹ Kỳ Vọng Quá Nhiều Tạo Áp Lực Cho Con Cái
- Cha mẹ nuông chiều con cái: Nguyên nhân của nhiều hệ lụy xấu
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!