Loại bỏ thói quen trì hoãn cùng chuyên gia Nguyễn Thị Sơn Ca

Trì hoãn là điều chúng ta thường nghĩ tới trước khi bắt đầu một việc khó khăn. Do đó, muốn loại bỏ thói quen trì hoãn thì hãy biến những việc khó khăn, phức tạp thành dễ dàng. Nhưng để có thể làm được điều đó thì không phải điều đơn giản. Cùng nghe chuyên gia tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Sơn Ca chia sẻ về điều này ở bài viết dưới đây nhé! 

1. Bạn có thường hay trì hoãn? 

Trước khi bắt đầu bất kỳ một công việc, chúng ta thường sẽ hoạch định trong đầu những công việc cần phải làm, checklist kế hoạch rất rõ ràng. Chuyên gia tâm lý trị liệu Nguyễn Thị Sơn Ca ví khi đó trong não bộ chúng ta đã hình thành một chú khỉ vui vẻ, đầy năng lượng. Chú khỉ này lại rất ham vui, rất thích sự hứng thú cho nên chú luôn dẫn dắt chúng ta tới những điều đơn giản rồi bất chợt một lúc nào đó ta lại quên luôn công việc ban đầu cần làm. 

Các bạn có đang trì hoãn?
Các bạn có đang trì hoãn?

Lấy ví dụ như việc chúng ta đặt mục tiêu cho bản thân rằng mỗi ngày phải đọc một vài trang sách hay học Tiếng Anh một tiếng mỗi ngày vậy. Khi bắt đầu, chúng ta hào hứng, phấn khởi thực hành ngay, nhưng bất chợt lại nhận được tin nhắn của bạn rủ đi chơi, thấy thông báo giảm giá siêu ưu đãi trên sàn thương mại,… đều khiến mình bị thu hút. Vậy rồi những trang sách vẫn nằm đấy từ ngày này qua tháng khác, những từ mới Tiếng Anh vẫn ở đó chờ người đến học. Đó chính là sự trì hoãn. 

Nhưng rồi một ngày nào đó, khi có ai đó nhắc tới việc đọc sách hay học Tiếng Anh thì ta lại thấy thích thú, thấy có động lực trở lại và một lần nữa điều này cứ lặp đi lặp lại. Chỉ cho tới khi có một sự việc nào đó xảy ra có tác động mạnh đến tâm trí, khiến ta phải trăn trở, phải đau đớn về nó thì chính là lúc bản thân thay đổi để thoát ra khỏi vòng lặp đấy. 

Nhưng trước khi có sự thay đổi đó, chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong sự tự dằn vặt bản thân, tự trách chính mình. Điều này cứ tích tụ từng ngày từng ngày rồi tới một lúc những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén bùng phát, chuyển hóa thành vấn đề tâm lý trầm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,… 

Không phải sự trì hoãn nào cũng như nhau. Điều khác biệt giữa những việc trì hoãn chính là thời hạn của nó.

2. Phân loại sự trì hoãn 

  • Trì hoãn có thời hạn 

Với những công việc có deadline cố định như KPI hàng tháng, hàng quý, hạn viết bài, ngày thi cử,…thì khi chúng ta trì hoãn tới một thời gian nhất định, ý thức được trỗi dậy thúc đẩy con người hành động. Chuyên gia Sơn Ca hình dung ý thức trỗi dậy này như một con quái vật thức tỉnh. Khi quái vật thức tỉnh nạt nộ chú khỉ vui vẻ trong tâm trí chúng ta, chú khỉ bắt đầu hoảng loạn, bắt đầu gấp gáp và có thể sợ hãi trước kỳ hạn quá ngắn để hoàn thành công việc.

Như vậy, có phải là con quái vật thức tỉnh càng sớm thì việc trì hoãn sẽ càng được đẩy lùi không? Sự thật đúng là như vậy. Khi đó, chú khỉ vui vẻ, ham chơi kia lại là kẻ thù của chúng ta và ngược lại quái vật là bạn giúp ta xóa bỏ thói quen trì hoãn

Trì hoãn có thời hạn
Trì hoãn có thời hạn

Tuy nhiên, trong cuộc sống thì không phải mọi thứ đều có deadline.

  • Trì hoãn không thời hạn 

Các bạn có thể thấy, deadline của mình thường do người khác đặt ra chứ ít khi nào do chính bản thân quy định. Nó đa phần là những việc có sự quản lý hoặc liên quan đến cả một tập thể. Những việc tự do, liên quan đến cá nhân mình thì chúng ta ít khi hoặc có thể nói là hiếm khi, thậm chí là không có deadline. Ví như sức khỏe của chúng ta chẳng hạn.

Đã bao giờ bạn tự quy định deadline cho sức khỏe của mình hay chưa?

Câu trả lời đại đa số là chưa. Chính vì thế, con quái vật ý thức dần bị ngủ quên để rồi khi nó thức dậy thì có thể sự việc đã quá muộn để có thể giải quyết, hoặc vượt ngoài khả năng giải quyết của bản thân. 

Trì hoãn không thời hạn
Trì hoãn không thời hạn

Những điều, những việc này đều được gọi là trì hoãn không thời gian. Và đáng sợ nhất chính là những trì hoãn vô thời hạn bởi chúng có thể phá hủy cuộc đời của chúng ta. Ví như sức khỏe, học tập, dạy dỗ con cái, quan tâm gia đình, bạn bè… đều là những điều vô cùng quan trọng nhưng ta lại không bao giờ đặt deadline cho chúng hay còn gọi là trì hoãn không thời hạn. Thay vào đó chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào sự nghiệp, vào KPIs của công ty,… nên chúng ta dễ dàng hoàn thành nó. 

Vậy làm gì để chúng ta có thể loại bỏ thói quen trì hoãn?

Chuyên gia tâm lý trị liệu Sơn ca đã chia sẻ 3 phương pháp giúp chúng ta vượt qua được sự trì hoãn. 

3. Làm thế nào để loại bỏ thói quen trì hoãn? 

  • Tìm kiếm động lực vượt qua sự trì hoãn 

Chúng ta thường nhớ, bồn chồn, lo lắng và ám ảnh về những điều chưa hoàn thành hơn là những việc đã hoàn thành. Chính những cảm xúc đó làm nảy sinh ra động lực để hành động hoàn thành công việc còn dang dở. Do đó, cách đầu tiên để loại bỏ thói quen trì hoãn chính là bắt đầu làm việc cho dù nó có hoàn thành hay không hoàn thành. 

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế, việc đầu tiên chúng ta có thể làm là viết xuống những việc chúng ta cần làm, những mục tiêu cần đạt được. Lặp đi lặp lại điều đó cho tới khi nó biến thành một động lực để thúc đẩy bản thân phải hành động để đạt được, để hoàn thành công việc còn dở dang. 

Việc viết xuống công việc phải làm hàng ngày chính là những bước chân đầu tiên của chặng hành trình vạn dặm. Như đã được đề cập ngay từ phần mở đầu, loại bỏ thói quen trì hoãn bằng cách biến việc khó khăn nhất thành việc đơn giản nhất để thực hiện. Hành động đặt bút xuống ghi ra điều cần làm chính là việc đơn giản nhất trong hành trình chinh phục và hoàn thành những deadline.

  • Ý thức đủ khát khao và có động lực rõ ràng 

Trước khi xuất hiện ý nghĩ trì hoãn, điều đầu tiên bạn có thể làm là ghi ra giấy những câu hỏi: Nếu tôi tiếp tục trì hoãn vấn đề này thì một năm nữa tôi ra sao? Gia đình tôi sẽ như thế nào? Bạn bè xung quanh sẽ nghĩ gì về tôi nếu tôi không thực hiện được điều này? Hãy suy nghĩ tới kết quả, tới hậu quả của việc bạn tiếp tục trì hoãn. 

Nếu như kết quả đó không gây ra ảnh hưởng lớn, bạn có thể chấp nhận được điều tồi tệ nhất có thể xảy ra thì chẳng có lý do nào để bạn chấm dứt sự trì hoãn cả. Nhưng trong tình huống ngược lại, kết quả đó nằm ngoài vùng chịu đựng, nó ảnh hưởng một cách tiêu cực tới không chỉ cuộc sống của bạn mà còn cả những người xung quanh: người thân, gia đình, bạn bè.

Vậy thì bạn còn có thể trì hoãn được nữa hay không? 

Lúc này, bên trong tâm trí xuất hiện hai luồng tư tưởng mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Một bên thúc ép mình phải hành động đi, làm ngay bây giờ và bên còn lại băn khoăn, mông lung rằng sẽ làm thế nào đây? Đây là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy bạn đang dần loại bỏ thói quen trì hoãn của chính mình. Bởi ngày mà chúng ta phát hiện ra vấn đề chính là lúc ta bắt đầu thay đổi. 

Điều thứ hai là bạn ghi ra những những điều bản thân sẽ đạt được nếu như chấm dứt sự trì hoãn này. Những thành tựu đó khiến bạn hào hứng về một tương lai mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Nó thôi thúc bạn phải hành động, hành động ngay lúc này. 

  • Loại bỏ cảm xúc tiêu cực trước khi trì hoãn 

Chuyên gia Sơn Ca chia sẻ:Trì hoãn là một hành vi của con người nhưng đó chỉ là phần biểu hiện ra bên ngoài hay còn được coi là phần nổi của tảng băng trôi.

Trước khi sự trì hoãn xuất hiện thì đâu đó trong quá khứ, chúng ta đã từng trải qua những cảm xúc tiêu cực, đã sợ hãi một điều gì đó để ngăn cản mình tiếp tục hành động. Có thể đó là nỗi sợ thất bại,  sự thất vọng khi không thể hoàn thành hoặc đã rất cố gắng rồi nhưng không được ghi nhận,…Và ngay tại khoảnh khắc đó, chúng ta đã giao tiếp với vô thức: Biết thế từ này không làm nữa, tôi sẽ không làm điều này một lần nào nữa,… 

Sự việc quá khứ, cảm xúc quá khứ nhưng nó không mất hoàn toàn đi mà để lại những hệ quả. Điều đó dẫn đến việc mỗi khi ta bắt đầu hành động thì những cảm xúc tiêu cực ấy lại trồi lên, nó ngăn cản ta bước đi hay nói cách khác là sự trì hoãn xuất hiện. Bởi đó là cách tâm trí bảo vệ ta khỏi những tổn thương lặp lại. Đây mới là nguyên nhân chính dẫn tới việc chúng ta liên tục trì hoãn

Chúng ta chỉ có thể loại bỏ thói quen trì hoãn một cách triệt để  khi đã giải quyết được những tổn thương, những cảm xúc tiêu cực đã xuất hiện ở quá khứ. Nếu bạn không thể tự loại bỏ nó thì bạn cần một người đồng hành, một người chỉ ra cho bạn vết thương, giúp bạn chữa lành nó. 

Như vậy, hành vi của con người không đại diện cho bản chất của họ. Sự trì hoãn cũng chỉ là một trong số những hành vi của con người mà thôi. Do đó, chúng ta có quyền được yêu thương, quyền được hạnh phúc và chữa lành những tổn thương. Khi những vết thương trong quá khứ được khép lại cũng chính là lúc chúng ta thay đổi, bứt phá để thành công.

4. Câu chuyện truyền cảm hứng từ chuyên gia tâm lý trị liệu Sơn Ca

Chuyên gia chia sẻ câu chuyện của bản thân về việc loại bỏ thói quen trì hoãn đọc sách của bản thân. Dẫu biết đọc sách sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn nhưng không thể nào phủ nhận rằng còn nhiều thứ khiến chúng ta có thể tạm hoãn việc này lại. Đó có thể là sự buồn ngủ, sự mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, lịch trình quá dày đặc để dành thời gian đọc sách,… Hàng vạn những lý do khiến chuyên gia tiếp tục trì hoãn. 

Nhưng cuối cùng chuyên gia tâm lý trị liệu Sơn Ca nhận ra rằng bản thân cần phải thay đổi. Chị biết nhược điểm lớn nhất của mình là sợ hãi những đánh giá của người khác, chị sợ phải nghe lời chỉ trích từ bên ngoài. Chính vì thế, điều đầu tiên chị quyết định làm là viết ra mục tiêu phải đọc xong cuốn sách này trong bao lâu và chia sẻ cảm nhận cho mọi người rồi đăng chúng lên mạng xã hội. Đây chính là động lực thúc đẩy chị phải hoàn thành mục tiêu. Bởi nếu như tiếp tục trì hoãn, chuyên gia sẽ phải đối diện với nỗi sợ lớn nhất của chính mình là lời phán xét của từ người khác. 

Điều thứ hai chuyên gia chia sẻ đó là tham gia vào những hội nhóm đọc sách có quy định rõ ràng về những mục tiêu từ ngắn hạn cho đến dài hạn. Khi đó, đọc sách từ việc làm cá nhân đã chuyển thành một công việc liên quan đến tập thể, có quản lý chặt chẽ, quy củ rõ ràng. Chính vì thế, ý thức về việc đọc sách dần thay đổi. 

Dần dần việc đọc sách trở thành một thói quen hàng ngày của chuyên gia. Và từ khoảnh khắc đó, chuyên gia chia sẻ mình mới thực sự hiểu được giá trị của việc đọc sách đem lại. Những kiến thức mà mình phải bỏ ra hàng trăm triệu để có thì giờ đây nó lại nằm trong chính những trang sách chỉ vài trăm nghìn, thâm chí vào chục nghìn. 

Đồng thời chị cũng lập ra những group đọc sách tương tự để đồng hành cùng mọi người vượt qua sự trì hoãn. Điều này vừa là động lực cho chị tiếp tục cố gắng vừa có thể giúp đỡ những người khác cùng hoàn thành mục tiêu. Hiện nay chị đã thành lập những nhóm rèn luyện thói quen đọc sách dành cho trẻ nhỏ, giúp các bé tiếp cận tri thức từ những tấm gương là các bậc vĩ nhân trên thế giới. Hành động tuy nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh vô cùng to lớn đối với sự phát triển của trẻ. Bởi sách không chỉ đem lại cho các bé về kiến thức, mà đó là cả một tầng tư duy nhận thức theo các bé trưởng thành. 

Có thể thấy, trong câu chuyện của chuyên gia tâm lý trị liệu Sơn Ca, ta có thể thấy rất rõ sự thay đổi theo hướng tích cực từ khi chị nhận ra và thay đổi, loại bỏ thói quen trì hoãn của bản thân. Không dừng lại ở việc phát triển bản thân, chuyên gia còn đồng hành và lan tỏa nó đến những người khác. 

Trên là 3 phương pháp chung giúp các bạn có thể loại bỏ thói quen trì hoãn của bản thân. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những vấn đề riêng được gọi là tử huyệt cảm xúc để có những cách riêng cho chính mình. Nếu vẫn đang loay hoay trong việc khám phá ra phương pháp phù hợp, thì điều bạn cần là một người đồng hành, một huấn luyện viên giúp thực hiện được nó. 

Có thể bạn quan tâm:

 

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *