Lười biếng xã hội (Social Loafing) và mức độ ảnh hưởng
Lười biếng xã hội là một thuật ngữ nhằm để miêu tả xu hướng một người ít nỗ lực, ít bỏ công sức khi họ là thành viên trong cùng một nhóm đông người. Vậy nếu một người quá ỷ lại khi làm việc nhóm sẽ gây nên các ảnh hưởng như thế nào?
Lười biếng xã hội là gì?
Lười biếng xã hội hay còn có tên tiếng Anh là Social Loafing, đây là một hiệu ứng tâm lý miêu tả về xu hướng một người ít bỏ ra công sức, ít đóng góp hơn khi họ cùng thực hiện các công việc nhóm. Cho dù tất cả các thành viên đang cùng nhau xây dựng và chung sức vì một mục tiêu chung, tuy nhiên mỗi người lại ít đóng góp hơn so với năng lực, khả năng vốn có mà họ có thể hoàn thành tốt khi thực hiện chúng một mình và chịu trách nhiệm một cách độc lập, riêng lẻ.
Trong thực tế thì việc cùng nhau xây dựng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung sẽ giúp chúng ta dễ dàng đạt được kết quả tốt. Bởi mỗi người sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, sự bù trừ, hỗ trợ qua lại sẽ giúp cho mọi công việc trở nên hoàn thiện và thành công hơn. Tuy nhiên, lười biếng xã hội lại chính là nguyên nhân cản trở đến những kết quả chung, gây ra nhiều sự chậm trễ trong công việc, học tập.
Có thể thấy, hiệu ứng này là một trong các tình trạng chống lại niềm tin “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một sự thật đáng buồn hơn đó chính là hiệu ứng lười biếng xã hội lại rất phổ biến trong xã hội, nó có thể xuất hiện từ trường học cho đến công sở.
Chẳng hạn như, trong quá trình học tập, giáo viên thường sẽ chia học sinh thành nhiều nhóm khác nhau và đưa ra yêu cầu thuyết trình. Lúc này hiệu ứng lười biếng xã hội sẽ khiến cho mỗi thành viên trở nên lơ là, ỷ lại hơn khi họ thực hiện công việc đó một mình. Nếu bạn thực hiện bài thuyết trình một mình thì bạn sẽ tự biết cách chia nhỏ các công việc cần phải thực hiện và cố gắng hoàn thành nó một cách chỉnh chu nhất. Tuy nhiên, khi bạn là thành viên trong nhóm, sự lười biếng xã hội sẽ khiến bạn ít nỗ lực hơn. Thay vì tự chịu trách nhiệm cho phần được giao thì bạn lại có suy nghĩ rằng một người nào đó có thể giúp bạn hoàn thành việc đó.
Lười biếng xã hội phát triển từ khi nào?
Vào năm 1913, Ringelmann đã từng thực hiện một thí nghiệm, các thành viên cùng tham gia sẽ được yêu cầu để kéo một sợi dây thừng một mình hoặc cùng với một nhóm người. Kết quả cho biết rằng khi họ thực hiện việc kéo co cùng với một nhóm càng đông người thì họ lại càng ít bỏ ra công sức, năng suất thấp hơn so với lúc họ tự kéo một mình. Và thí nghiệm này cũng đã được thực hiện lại 2 lần vào năm 1974 và 2005 cũng đều nhận được kết quả tương tự.
Sau cuộc nghiên cứu của Ringelmann, thì cũng có rất nhiều các nhà khoa học khác thực hiện các nghiên cứu về vấn đề này nhưng sử dụng các nhiệm vụ khác nhau và cùng cho ra một kết quả tương tự. Trong một cuộc nghiên cứu khá thú vị được thực hiện bởi giáo sư Bibb Latané và các cộng sự của mình. Họ yêu cầu những người tham gia cùng cỗ vũ, vỗ tay, reo hò càng to càng tốt. Tuy nhiên, khi một người cùng cổ vũ trong nhóm 6 người thì họ chỉ thể hiện khoảng 1/3 năng lượng thực sự của mình.
Hiệu ứng lười biếng xã hội được phát hiện trong rất nhiều các nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như Đài Loan, Ấn Độ, Ba Lan, Mỹ, Pháp,…Nó được tìm thấy qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như di chuyển trong mê cung, bơi lội, đánh giá và bình phẩm một bài thơ,…Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy rằng, sự lười biếng xã hội sẽ biểu hiện ở mức độ thấp hơn so ở các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể. Ví dụ như các nước châu Á, đôi khi làm việc theo nhóm lại đạt được những thành công tốt.
Một lưu ý rằng sự lười biếng xã hội có thể làm ảnh hưởng đến năng suất hoạt động nhóm khi nỗ lực của các thành viên không thể hiện đúng với năng lực thực sự của họ. Tuy nhiên, không phải bất cứ công việc gì cũng phù hợp với phân loại này. Chẳng hạn như những buổi họp nhóm giải quyết các vấn đề, sự việc dựa trên những sự đóng góp của mỗi cá nhân giỏi nhất nhóm sẽ không nhất thiết làm suy giảm năng suất của nhóm.
Nguyên nhân dẫn đến lười biếng xã hội
Lười biếng xã hội có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giải thích cho hiệu ứng này, các nhà khoa học đã tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu đã chia sẻ về một số nguyên nhân cụ thể như sau:
- Do tính phụ thuộc quá cao: Lười biếng xã hội sẽ có nhiều nguy cơ tồn tại hơn ở những người thường xuyên có tính ỷ lại, phụ thuộc vào những người xung quanh. Họ thường sẽ không muốn chủ động hoặc thực hiện các công việc đơn lẻ một mình nhưng khi có sự giúp đỡ của ai đó, họ sẽ dần phụ thuộc, đùng đẩy công việc, trách nhiệm cho đối phương. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy ở những người này về đặc tính ít có sự nỗ lực, họ thường không hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hay đổ lỗi và quy trách nhiệm cho người khác.
- Sự nổi bậc của các thành viên khác: Trong một thể, chắc hẳn sẽ có những người tồn tại những năng lực vượt trội hơn so với các thành viên còn lại. Họ thường xuyên chủ động và luôn có tinh thần xông pha trong hầu hết các công việc, nhiệm vụ. Điều này lẽ ra sẽ mang tính chất tích cực nhưng nó lại là yếu tố làm gia tăng sự lười biếng xã hội. Do sự nổi bậc quá lớn của một vài cá nhân có thể làm cho các thành viên khác mặc định về vị trí quan trong của họ và tự lùi về phía sau, không muốn thể hiện hay cống hiên hết năng lực của mình vào các việc chung.
- So sự thiếu động lực: Đối với các công việc chung của tập thể, chúng ta thường sẽ ghi nhận những đóng góp của tất cả các thành viên chứ không riêng về một cá nhân cụ thể. Điều này có thể khiến cho nhiều người cảm thấy mất động lực, họ không còn muốn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ bởi họ cho rằng dù bản thân có cống hiến hết mình cũng không được mọi người biết đến, dù nỗ lực thế nào cũng chỉ là kết quả của tập thể.
- Quy mô nhóm: Nhiều người thường nghĩ rằng, khi làm việc với nhóm càng đông thì kết quả sẽ càng được đẩy mạnh và gia tăng. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, nhóm càng có nhiều thành viên thì năng suất của mọi người sẽ càng bị giảm đi. Bởi khi công việc và các nhiệm vụ được chia nhỏ thì dù có hoàn thành ở mức độ nào cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến kết quả chung của tập thể, điều này khiến cho nhiều người dễ hình thành tâm lý ỷ lại, lười biếng.
- Do sự phân hóa trách nhiệm: Trách nhiệm càng được phân hóa, chia nhỏ thì sự lười biếng xã hội sẽ càng được gia tăng mạnh mẽ. Khi tầm quan trọng của mỗi cá nhân không được đề cao trong các công việc chung thì họ thường có xu hướng chỉ muốn thực hiện một cách “cho có” vì nghĩ rằng nó không gây ảnh hưởng đến kết quả. Vì thế, thay vì cố gắng và nỗ lực hết mình cho các nhiệm vụ được phân công thì họ chỉ hoàn thành nó ở mức độ trung bình hoặc làm một cách qua loa.
- Do đặc tính văn hóa, xã hội: Theo nghiên cứu nhận thấy, những quốc gia thường đề cao tính độc lập, chủ nghĩa cá nhân sẽ có sự lười biếng xã hội cao hơn bởi họ thường chỉ cảm thấy hứng thú với những công việc độc lập và dễ cảm thấy chán nản, thiếu khả năng trong việc cùng làm việc nhóm.
- Thuyết tiềm năng đánh giá: Do là cùng làm việc trong một nhóm nên kết quả đánh giá cũng sẽ dựa trên tập thể thay vì từng cá nhân. Cho dù là người bỏ ra nhiều công sức hoặc những người lười nhát cũng có thể đạt được những sự ghi nhận như nhau. Chính vì thế mà họ cảm thấy năng lực mình bỏ ra sẽ không được mọi người đánh giá cao và không được tán thưởng độc lập nên dễ hình thành xu hướng ỷ lại, lười biếng.
- Bystander Effect (hiệu ứng người ngoài cuộc): Khi có sự xuất hiện và góp mặt của nhiều người, chúng ta thường có suy nghĩ rằng bản thân không cần phải hành động bởi có rất nhiều người khác sẽ thực hiện công việc đó. Vì thế, bạn sẽ dễ bắt gặp tình trạng xảy ra tai nạn, khó khăn tại những nơi công cộng đông người nhưng phần lớn ai cũng xem mình như kẻ ngoài cuộc và không sẵn sàng để giúp đỡ.
Làm sao để khắc phục tính làm biếng xã hội?
Tuy rằng hiệu ứng làm biếng xã hội hiện nay rất phổ biến, nó có thể xuất hiện trong hầu hết các môi trường học tập, làm việc và ngay cả trong các sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách sẽ có thể làm giảm thiểu mức độ của nó và tránh gây ra các ảnh hưởng tiêu cực.
Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn khắc phục và làm giảm mức độ lười biếng xã hội khi tham gia các hoạt động, công việc theo nhóm.
1. Phân công việc rõ ràng
Như đã chia sẻ ở trên, khi chúng ta làm việc trong một tập thể quá đông, sự phân tán công việc bị chia nhỏ quá mức sẽ khiến cho nhiều người hình thành tâm lý lười biếng, không muốn nỗ lực hết mình. Do đó, phương pháp hiệu quả nhất để có thể giảm bớt sự lười biếng xã hội đó chính là phân tách công việc một cách rõ ràng, cụ thể và nhấn mạnh về tầm quan trọng của nhiệm vụ đó để nâng cao ý thức của từng cá nhân.
Để gia tăng tính trách nhiệm và năng suất làm việc của mỗi thành việc thì khi làm việc nhóm cần phải phân chia công việc một cách cụ thể, công bằng. Mỗi cá nhân khi được giao công việc sẽ có nhận thức hơn về vai trò và nhiệm vụ của bản thân. Họ sẽ biết rõ mục tiêu và trách nhiệm của mình trong nhóm để có thể cố gắng hoàn thành tốt các công việc cần phải làm.
2. Gia tăng động lực
Động lực và tính trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ bị suy giảm khi họ bắt đầu thực hiện một công việc nhóm cùng với các thành viên khác. Do đó, để có thể cùng nhau cố gắng và nỗ lực hết mình cho công việc thì nhóm trưởng và các thành viên cũng nên tìm cách để gia tăng động lực cho nhau.
Để có thể tạo thêm nhiều động lực và gia tăng sự cố gắng, cống hiến cho từng cá nhân, bạn có thể nhấn mạnh và liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng về vai trò của họ đối với sự phát triển, hoàn thành mục tiêu chung. Hơn thế, trưởng nhóm hoặc người chịu trách nhiệm chính cho dự án cũng cần có sự đánh giá công bằng về từng sự nỗ lực, điều này sẽ giúp cho mỗi cá nhân càng thêm cố gắng hơn bởi họ nhận thấy mình thực sự được công nhận.
Cùng nhau theo dõi quá trình làm việc của các thành viên trong nhóm và đưa ra những nhận xét, đánh giá chân thực để có thể nâng cao hiệu suất làm việc của nhau. Cách này không chỉ giúp nhắc nhở nhau và còn hỗ trợ nhau theo kịp tiến độ của công việc. Đồng thời các thành viên cũng sẽ có cơ hội để cải thiện khả năng làm việc nhóm của mình.
3. Hạn chế sự hỗ trợ không cần thiết
Hiểu rằng khi làm việc nhóm luôn cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ và tương tác qua lại cho nhau. Tuy nhiên, bản thân mỗi thành viên cũng cần phải có ý thức hơn trong việc hạn chế sự giúp đỡ với những công việc mà thành viên khác cần phải hoàn thành.
Đôi khi sự hỗ trợ và giúp đỡ của bạn chính là nguyên nhân kiềm hãm đi sự nỗ lực, cố gắng của những thành viên con lại. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là điều hiển nhiên và họ mặc định bản thân có quyền được lười biếng, ỷ lại vào những sự giúp đỡ đó.
Vì thế, để hạn chế tối đa sự lười biếng xã hội thì bản thân mỗi chúng ta cũng cần hiểu rõ vai trò của bản thân trong từng công việc tập thể. Đừng nên cố gắng giúp đỡ người khác khi họ chưa thực sự cần. Hoặc nếu muốn hỗ trợ đồng đội, bạn có thể hướng dẫn, làm mẫu để họ có thể thực hiện theo thay vì làm giúp họ công việc đó. Đối với những việc làm đơn giản, dù họ vẫn chưa hoàn thành, bạn cũng đừng nên chủ động đưa ra lời giúp đỡ vì nó có thể làm cho công việc của họ trở nên trì trệ hơn bởi sự ỷ lại.
4. Khuyến khích tinh thần tập thể bằng phần thưởng
Để có thể nhắc nhở và làm gia tăng hiệu quả của công việc thì chúng ta cần phải liên tục nói về các mục tiêu, thành tích mà cả nhóm đã đặt ra và mong được đạt được. Không chỉ có thể dừng ở mặt tinh thần mà các thành viên trong nhóm cũng có thể trao đổi, bàn bạc và thống nhất về các phần thưởng hiện vật phù hợp khi nhóm đạt được những thành tích đáng mong đợi.
5. Đặt ra quy tắc rõ ràng khi làm việc
Trong hầu hết các công việc tập thể, bạn cần phải có những quy tắc cụ thể, rõ ràng để tất cả các thành viên cùng thực hiện và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Cũng bởi mỗi cá nhân thường sẽ có những cách làm việc riêng của mình, họ có những thói quen riêng để thực hiện công việc cá nhân. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường nhóm, cần phải có sự thống nhất chung ngay từ ban đầu để tất cả mọi việc đều được đảm bảo tốt về tiến độ, hiệu suất, tránh sự tranh cãi, mâu thuẫn.
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về hiệu quả lười biếng xã hội. Tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả làm việc của cả tập thể nên cần phải được khắc phục và kiểm soát tốt.
Tham khảo thêm:
- 5 Lý Do Hình Thành Tâm Lý Ỷ Lại Của Giới Trẻ
- 6 Cách Rèn Luyện Tư Duy, Suy Nghĩ Tích Cực Trong Cuộc Sống
- Đặc Điểm Tâm Lý Trẻ Khi Sống Xa Cha Mẹ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!