Tâm Lý Trẻ Sống Xa Cha Mẹ: Hiểu để can thiệp kịp thời

Trẻ sống xa cha mẹ sẽ có những đặc điểm tâm lý khác biệt so với trẻ được gia đình nuôi dạy và chăm sóc trực tiếp. Hiểu rõ đặc điểm tâm lý sẽ giúp các bậc phụ huynh có giải pháp phù hợp nhằm bù đắp những thiếu thốn về mặt tinh thần cho con cái.

trẻ sống xa bố mẹ
Trẻ sống xa bố mẹ sẽ có đặc điểm tâm lý khác với trẻ được gia đình nuôi dạy và chăm sóc trực tiếp

Tìm hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ khi sống xa cha mẹ

Giữa cha mẹ và con cái có mối liên hệ mật thiết và rất khó thay thế. Tuy nhiên, nhiều gia đình phải gửi con cho ông bà và người thân do phải đi làm xa. Sống xa cha mẹ từ khi còn nhỏ sẽ để lại những ảnh hưởng về mặt tâm lý, nhất là khi người thân thiếu tình cảm và sự quan tâm đối với trẻ.

Sợi dây vô hình giữa cha mẹ và con cái là không thể thay thế. Cho dù người thân có tốt như thế nào đi chăng nữa, bản thân con trẻ cũng có những mất mát nhất định về mặt tâm lý và cảm xúc. Trong giai đoạn nhạy cảm như dậy thì, con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ.

Hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ khi sống xa cha mẹ sẽ giúp các bậc phụ huynh học cách thấu hiểu và đồng cảm. Từ đó có những biện pháp giúp rút ngắn khoảng cách và nuôi dưỡng con trẻ tình cảm gia đình thiêng liêng.

Dưới đây là những đặc điểm của trẻ khi sống xa cha mẹ dưới góc nhìn tâm lý:

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

1. Luôn có cảm giác thiếu thốn

Như đã đề cập, vai trò của cha mẹ đối với con cái là không thể thay thế – cho dù đó là vai trò về mặt tinh thần hay vật chất. Trẻ sống xa cha mẹ từ khi còn nhỏ luôn có cảm giác thiếu thốn về mặt tình cảm. Bởi con cần được bố mẹ yêu thương, chăm sóc và quan tâm mỗi ngày. Trong khi đó những trẻ sống xa bố mẹ chỉ cảm nhận được sự thương yêu và quan tâm khi bố mẹ đến thăm.

trẻ sống xa bố mẹ
Sống xa bố mẹ khiến con cái luôn có cảm giác thiếu thốn về mặt tinh thần

Hơn nữa, vì không thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện nên giữa con và gia đình cũng có sẽ có khoảng cách nhất định. Do đó, việc con trẻ có cảm giác thiếu thốn và mất mát là điều dễ hiểu. Cảm giác này sẽ theo suốt con trẻ từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Vì luôn có cảm giác mất mát nên trẻ sẽ dành nhiều tình cảm cho người chăm sóc như ông bà, cô chú,…

2. Không biết cách bày tỏ tình yêu thương

Sống xa cha mẹ là thiệt thòi lớn đối với con trẻ dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Đặc điểm thường thấy của những trẻ sống xa gia đình là không biết cách bày tỏ tình yêu thương. Bày tỏ tình cảm là kỹ năng trẻ cần được giáo dục và trang bị.

Nếu sống chung với gia đình, trẻ có thể học hỏi cách bày tỏ thông qua những hành động, lời nói của bố mẹ dành cho bản thân. Ngược lại nếu sống xa cha mẹ, trẻ sẽ không biết làm thế nào để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm. Bởi mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ khác hoàn toàn với mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc.

Không chỉ riêng con trẻ, cha mẹ khi sống xa con cái cũng khó có thể bày tỏ tình cảm. Những hành động và lời nói quan tâm của bố mẹ chỉ dừng ở mức vừa phải, đồng thời luôn có sự chừng mực nhất định vì giữa con và gia đình luôn tồn tại khoảng cách nhất định.

3. Sống thu mình, khép kín

Trẻ sống xa cha mẹ đôi khi phải đối mặt với những lời chọc ghẹo từ bạn bè. Khi có bố mẹ, trẻ sẽ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi đến trường vì luôn có gia đình là điểm tựa vững chắc.

Tuy nhiên nếu sống xa cha mẹ, trẻ thường có tâm lý thiếu tự tin, ngại giao tiếp và kết bạn. Nhiều trẻ bị bạn bè tẩy chay vì không có gia đình ở bên cạnh. Những trẻ này thường có xu hướng sống khép kín và thu mình. Trẻ chọn cách im lặng thay vì vui đùa và kết bạn với những bạn bè đồng trang lứa.

4. Hình thành tâm lý chống đối

Không được sống chung với bố mẹ là mất mát lớn của con trẻ. Một số trẻ ở độ tuổi dậy thì cho rằng, những việc trẻ đang phải đối mặt là do bố mẹ ích kỷ, lựa chọn sống xa cách khiến con cái mất mát và tổn thương. Vì vậy, không ít trẻ hình thành tâm lý chống đối và phá phách.

trẻ sống xa cha mẹ
Trẻ sống xa cha mẹ có thể hình thành tâm lý chống đối và có hành vi hư hỏng, phá phách

Trẻ thường có những hành vi quậy phá, không tiếp nhận các tác động giáo dục từ nhà trường và người đang nuôi dưỡng. Tâm lý chống đối được trẻ xem là cách bản thân phản ứng với hành động của bố mẹ. Ngoài ra, một số trẻ cho rằng, việc trẻ hư hỏng và lêu lỏng chính là hình phạt dành cho bậc sinh thành.

Người chăm sóc trẻ thường là ông bà nên khoảng cách thế hệ là rất lớn. Ông bà khó có thể hiểu được tâm lý của trẻ và không biết cách chia sẻ, quan tâm đúng mực. Đây cũng là lý do khiến cho trẻ hình thành tâm lý chống đối, phá phách khi sống xa cha mẹ.

5. Tăng khoảng cách giữa bố mẹ và con cái

Về cơ bản, giữa bố mẹ và con cái luôn có khoảng cách do suy nghĩ, cách nhìn nhận và quan điểm sống khác nhau. Khoảng cách này có thể được thu hẹp nếu cha mẹ đồng hành cùng con cái, đồng thời học được cách thấu hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên trong trường hợp sống xa con cái, giữa trẻ và gia đình sẽ có khoảng cách lớn.

Sự gần gũi, thân thiết được hình thành từ việc cùng chung sống, cùng chia sẻ và quan tâm. Do đó, trẻ sống xa cha mẹ thường sẽ không thể thân thiết với bố mẹ mặc dù gia đình vẫn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.

Vì sống xa cha mẹ nên con trẻ không thể gặp gỡ và chia sẻ với gia đình những phiền muộn, vấn đề con đang phải đối mặt. Hơn nữa, do sống xa nhau nên bố mẹ cũng không thể nắm bắt được cuộc sống và tâm lý của con. Dần dần giữa cha mẹ và con cái sẽ hình thành khoảng cách khó hàn gắn.

6. Tăng nguy cơ hình thành các rối loạn nhân cách

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, trẻ sống xa cha mẹ sẽ có khả năng phát triển một số dạng rối loạn nhân cách. Nguy cơ sẽ tăng lên nếu trẻ không được giáo dục lành mạnh, gia đình thiếu sự quan tâm và ít bày tỏ tình yêu thương.

trẻ sống xa cha mẹ
Sống xa cha mẹ từ thời thơ ấu chính là điều kiện phát triển các rối loạn nhân cách

Các dạng rối loạn nhân cách có thể gặp ở trẻ sống xa cha mẹ:

  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Dạng nhân cách này đặc trưng bởi các hành vi chống đối, lừa dối và thao túng với mục đích đạt được mục đích của bản thân. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường phát triển ở những trẻ có hành vi phá phách, lêu lổng trong giai đoạn dậy thì. Trẻ không nhận được tình yêu thương nên không bao giờ biết xót thương, đồng cảm hay chia sẻ với bất cứ ai mà chỉ đề cao mục đích của bản thân.
  • Rối loạn nhân cách ranh giới: Dạng rối loạn nhân cách này đặc trưng bởi tâm lý không thể chịu được cô đơn trong các mối quan hệ cá nhân. Trẻ sống xa cha mẹ luôn có cảm giác trống vắng và mất mát. Vì thế khi lớn lên, con thường có các hành vi cực đoan (uy hiếp bằng cách đòi tự sát, tự làm tổn thương,…) nhằm duy trì mối quan hệ lâu dài với người đang chăm sóc bản thân.
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Dạng nhân cách này đặc trưng bởi nhu cầu được quan tâm và chăm sóc một cách thái quá. Vì không được gia đình quan tâm từ khi còn nhỏ nên khi trưởng thành, con luôn có nhu cầu được yêu chiều và quan tâm quá mức. Khi mối quan hệ cũ tan vỡ, con sẽ liên tục tìm kiếm các mối quan hệ mới để thay thế.

Các rối loạn nhân cách thường phát triển ở những người thiếu hụt tình yêu thương, không được nuôi dưỡng các phẩm chất tốt đẹp như chia sẻ, đồng cảm, xót thương, tự tin,… Mặc dù không phải là nguyên nhân chính nhưng sống xa cha mẹ là yếu tố gia tăng sự méo mó trong quá trình phát triển nhân cách.

7. Có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý

Trong quá trình phát triển, con trẻ sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề trong cuộc sống như áp lực học tập, bất đồng với bạn bè, thầy cô và đôi khi là người chăm sóc. Vì không có cha mẹ ở bên cạnh nên con không thể chia sẻ hay giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh.

Những cảm xúc tiêu cực này sẽ tích tụ ngày qua ngày khiến trẻ phát triển các vấn đề tâm lý như:

  • Rối loạn cảm xúc
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn hành vi
  • Rối loạn thách thức chống đối
  • Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self-Harm)

Các vấn đề tâm lý ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, các vấn đề này có thể tiến triển nặng và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.

Cha mẹ cần làm gì khi sống xa con cái?

Không có cha mẹ nào muốn sống xa con cái. Tuy nhiên vì mưu sinh, cha mẹ bất đắc dĩ phải gửi con cho ông bà và họ hàng chăm sóc. Sống xa con cái sẽ gây ra những ảnh hưởng về tâm lý và khiến con thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa. Trong trường hợp bắt buộc phải sống xa con, cha mẹ cần có những biện pháp để bù đắp sự thiếu thốn về mặt tinh thần và giúp con nuôi dưỡng tình cảm gia đình dù không sống cùng bố mẹ.

trẻ sống xa cha mẹ
Bố mẹ nên tăng số lần về thăm con để trẻ không cảm thấy thiếu vắng tình cảm gia đình

Những điều bố mẹ nên làm khi sống xa con cái:

  • Giải thích cho con cái hiểu vì sao bố mẹ buộc phải gửi con cho ông bà và họ hàng. Ngoài việc giải thích cặn kẽ, nên thể hiện tình cảm chân thành để trẻ hiểu rằng, bố mẹ luôn yêu thương bản thân và bất đắc dĩ phải gửi con để đi làm xa.
  • Thường xuyên gọi điện thoại và tăng số lần về quê để thăm hỏi con cái. Trong các cuộc gặp gỡ, con có thể ngại ngùng khi giao tiếp với bố mẹ. Do đó, bố mẹ cần chủ động quan tâm, động viên và bày tỏ tình cảm với con cái. Như vậy, có thể giảm gánh nặng cho người nhận nuôi dưỡng và bản thân trẻ cũng được bù đắp đầy đủ về mặt tình cảm.
  • Thường xuyên gửi hình ảnh hoặc video call để con cái có thể nhìn thấy bố mẹ thường xuyên. Đây là cách giúp gắn kết con với gia đình mặc dù không chung sống cùng nhau.
  • Bố mẹ nên đặt ra mục tiêu cụ thể để nỗ lực trong công việc và ổn định tài chính. Từ đó có đủ điều kiện để có thể chăm sóc và nuôi dạy con trực tiếp.
  • Khi con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ nên thường xuyên về thăm và giáo dục con cách bảo vệ bản thân, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, nên sắm sửa cho con những vật dụng cần thiết để con trẻ không cảm thấy tủi thân và thiếu thốn so với các bạn bè đồng trang lứa.
  • Thỉnh thoảng, bố mẹ có thể đón con lên chơi trong vài ngày. Chứng kiến cuộc sống vất vả, bộn bề của bố mẹ cũng sẽ giúp trẻ hiểu hơn về những hy sinh của bậc sinh thành. Điều này sẽ giúp con nuôi dưỡng tình yêu thương, phát triển tính cách đồng cảm, chia sẻ và biết quan tâm những người xung quanh.

Những giải pháp trên chỉ là hình thức bù đắp thiếu hụt về mặt tâm lý, tình cảm của trẻ sống xa cha mẹ. Vì vậy, bố mẹ cần nỗ lực để có thể nuôi dưỡng và chăm sóc trực tiếp các con. Khi được chung sống cùng con cái sau thời gian dài xa cách, nên bù đắp cho con bằng những hành động và lời nói quan tâm để cải thiện mối quan hệ gia đình.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Hy vọng qua bài viết, các bậc phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về tâm lý của trẻ khi sống xa cha mẹ và biết cách bù đắp cho những thiếu thốn của con cái. Hơn bất cứ điều gì, sự chăm sóc và nuôi dưỡng trực tiếp của bố mẹ chính là điều ý nghĩa nhất đối với con cái. Vì thế, các bậc phụ huynh cần có kế hoạch rõ ràng trong cuộc sống để có đủ điều kiện nuôi dạy con trực tiếp.

Tham khảo thêm:

4.8/5 - (86 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *