Hội chứng bác học (Savant) là gì? Ai bị cũng là thiên tài?
Hội chứng bác học (Savant) khiến cho người đó bỗng xuất hiện khả năng phi thường trong một lĩnh vực nào đó, tuy nhiên thực tế họ lại có vấn đề về thần kinh hoặc tâm lý. Đáng tiếc rằng các phương pháp dùng thuốc hay chăm sóc tâm lý vẫn chưa thể điều trị hoàn toàn căn bệnh này, tuy nhiên nếu có hướng kiểm soát đúng cách vẫn sẽ giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Hội chứng bác học (Savant) là gì?
Hội chứng bác học (Savant Syndrome) là một tình trạng hiếm gặp khiến một người có khả năng phi thường trong một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như toán học, âm nhạc, hoặc nghệ thuật, nhưng có thể gặp khó khăn ở các lĩnh vực khác. Tình trạng này thường liên quan đến các rối loạn thần kinh hoặc phát triển như tự kỷ.
Với những biểu hiện vô cùng lạ kỳ, đến nay vẫn có rất nhiều bí ẩn về hội chứng savant mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp hết.
Hội chứng bác học có tên khoa học là syndrome du savant hoặc savantisme, được rút gọn thành hội chứng Savant, được lấy từ thuật ngữ y học Pháp. Trong đó savant có thể hiểu là “thiên tài” hay “bác học”.
Hiểu một cách đơn giản nhất thì người mắc hội chứng bác học thường có tài năng xuất chúng, phi thường, vượt trội trong một lĩnh vực nào đó, thường là tính toán, âm nhạc, hội họa… Tuy nhiên thực tế hầu hết những người này mắc các vấn đề liên quan đến tâm lý, tâm thần nghiêm trọng. Hiện căn bệnh này cũng chưa có cách điều trị hoàn toàn mà chỉ kiểm soát tạm thời để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Người mắc hội chứng bác học thường sở hữu năng lực trình độ cực kỳ cao mặc dù bản thân họ không hoàn toàn ý thức hết về nó. Đó giống như một sức mạnh thiên bẩm, tiềm tàng, cất giấu ở một nơi nào đó trong não bộ và có thể bộc phát bất cứ lúc nào, họ có thể biết được cả về những thứ họ chưa bao giờ nghe, bao giờ đọc nhưng có thể nói thao thao bất tuyệt về vấn đề đó.
Syndrome du savant ghi nhận và đặt tên vào năm 1887 bởi tiến sĩ J. Langdon Down, và ông cũng cho rằng tình trạng này chưa từng được ghi nhận trong suốt 100 năm trước đó. Dù có khả năng thiên tài nhưng những người này thường bị khuyến khuyết về mặt cảm xúc nên cuộc sống của họ cũng có thể gặp rất nhiều khó khăn.
Các kỹ năng của hội chứng bác học
Hội chứng bác học được phân loại thành Splinter, Talented Savant và Prodigious Savant. Trong đó Prodigious Savant còn được gọi là ” bác học phi thường”, được coi là dạng hiếm nhất và người mắc chứng này thường có thể phát huy hết khả năng của mình để tỏa sáng, thậm chí trở thành những người có địa vị trong xã hội, được rất nhiều người trọng dụng.
Người mắc hội chứng bác học có thể chỉ phát huy 1 kỹ năng sở trường nhưng cũng có những trường hợp có thể cùng lúc hội tụ và phát triển nhiều khả năng khác nhau. Một số kỹ năng điển hình của savantisme bao gồm:
1. Kỹ năng toán học
Ở kỹ năng toán học, người đó có thể nhanh chóng tính nhẩm các bài toán, các con số phức tạp chỉ trong vài giây hoặc vài phút, kể cả đó là một con số cực kỳ lớn. Chẳng hạn Daniel Tammet FRSA là một trong những người mắc hội chứng bác học rất nhiều người biết đến. Ông có thể nhớ và đọc chính xác đến 22.514 chữ số thập phân của số Pi trong suốt hơn 5h đồng hồ và không sai chi tiết nào.
Daniel Tammet cũng là người mắc hội chứng bác học có thể phát huy nhiều khả năng đặc biệt, bên cạnh tính toán ông còn làm thơ, nghiên cứu về tự kỷ, biết đến 11 ngôn ngữ và còn là tiểu thuyết gia, nhà thơ, dịch giả và một nhà thông thái nổi tiếng người Mỹ. Tuy nhiên niềm đam mê lớn nhất về ông vẫn là những con số, ông còn miêu tả về kết cấu, hình dạng và cảm xúc của những con số trong tâm trí mình, trong đó có 289 là con số vô cùng xấu xí và có 333 lại đầy sức hút, đặc biệt số Pi là cá thể tuyệt đẹp.
Hay Jason Padgett cũng là một thiên tài trong lĩnh vực toán học mắc chứng savantisme. Một điều thú vị hơn là anh mắc căn bệnh này một cách đột ngột, sau khi bị đánh vào đầu vì tội ăn cắp vặt vào năm 31 tuổi. Sau chấn thương này, Jason có thể phát hiện mình có khả năng vẽ được hình dạng hình học vô phức tạp trong khi chưa bao giờ được học qua.
Jason Padgett cũng chính là ít người trên thế giới sở hữu khả năng vẽ fractal bằng tay, thường anh có thể mất vài tháng để hoàn thành. Khi đang thực hiện các bức vẽ này ở trung tâm thương mại, anh đã được một nhà vật lý học phát hiện và khuyến khích nên theo đuổi việc nghiên cứu toán học, sau đó mới được phát hiện mắc hội chứng bác học.
2. Khả năng tính toán nhanh
Kỹ năng tính toán còn được thể hiện ở khả năng tính nhẩm lịch siêu đỉnh. Họ có thể nói chính xác ngày đó, tháng đó, năm đó là thứ mấy, dù đó là một quãng thời gian cực kỳ xa. Điển hình như Thomas Fuller – nhà sử học và giáo sĩ người Anh. Khi được hỏi một người 70 tuổi 17 ngày 12 giờ đã sống được bao nhiêu giây đã sống được bao nhiêu giây thì chỉ cần 1,5 phút đã có đáp án chính xác tuyệt đối là 2.210.500.800 giây.
Bên cạnh đó, khả năng làm tính nhân, tính căn bậc hai, giải các phương trình phức tạp của những người mắc hội chứng bác học cũng được thể hiện một cách cực kỳ xuất sắc, kể cả khi đó là các bài toán với các công thức mà họ chưa bao giờ được giảng dạy. Họ biết được các quy luật toán học kể cả khi không nhận thức được sự hiểu biết này, tất cả được tự động bật ra khi có người hỏi đến.
3. Trí nhớ siêu phàm
Trí nhớ siêu phàm được thể hiện qua việc những ngày này có thể kể hoặc tái hiện chi tiết mọi tình huống, vấn đề, thông tin mà họ đã từng nhìn thấy hay nghe thấy dù chỉ 1 lần. Chẳng hạn Kim Peek (1951 – 2009) ở Mỹ được coi là một người mắc hội chứng bác học cực kỳ thông thái, cho dù hình ảnh chụp não cho thấy ông ta bị thiếu bó dây thần kinh đảm nhiệm việc kết nối 2 bán cầu não.
Trong suốt cuộc đời của mình, Kim Peek đã khiến cho thế giới phải kinh ngạc khi có khả năng ghi nhớ hơn 12.000 cuốn sách đã từng đọc qua, trong đó có cả Kinh thánh. Ngoài ra ông còn có thể đọc 2 trang sách một lúc, mỗi mắt 1 trang và chỉ tốn 8 giây để ghi nhớ tất cả. Chính nhờ khả năng siêu phàm này mà ông trở thành chuyên gia có vốn hiểu biết sâu rộng trong đến 15 lĩnh vực như từ lịch sử, văn học hay địa lý…
Hay Orlando Serrell – trở thành “thiên tài” sau khi bị một quả bóng chày đập vào đầu chảy máu. Sau đó ông thường cảm thấy mình thường xuyên bị đau đầu nhưng bù lại, khả năng ghi nhớ của ông lại một cách vượt trội. Ông có khả năng nhắc lại bất cứ ngày nào, năm nào trước đó chính xác đến từng chi tiết. Sau đó sau khi thăm khám chi tiết hơn đã được chẩn đoán chính là hội chứng bác học.
Một trường hợp khác về trí nhớ siêu phàm chính là Leslie Lemke (sinh năm 1952, ở Mỹ). Dù bị sinh non, tự kỷ, bại não và thậm chí bị mù vì phẫu thuật cắt bỏ mắt vì bệnh tăng nhãn áp nhưng có thể chơi lại bất cứ bản nhạc nào dù chỉ nghe 1 lần. Tài năng của ông còn được thể hiện thông qua lĩnh vực âm nhạc, khi mà ông có thể tự chơi tất cả đạo cụ và phong cách chỉ thông qua việc nghe và cảm nhận chứ chưa từng được đào tạo trước đó.
4. Kỹ năng hội họa
Rất nhiều người mắc hội chứng bác học cũng thể hiện kỹ năng thiên tài một cách vượt trội. Một trong số đó phải nhắc đến Stephen Wiltshire (sinh năm 1974, ở Anh). Suốt thời thơ ấu, anh dường như không thể thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói nên thường sử dụng những bức tranh để trao đổi và chia sẻ với mọi người.
Khả năng của Stephen Wiltshire thể hiện cực kỳ nổi trội trong lĩnh vực kiến trúc. Anh có thể tái hiện chi tiết các tòa nhà, con đường, địa danh trong thành phố. Các đường nét phác họa của ông chi tiết đến từng số nhà, từng khung cửa sổ. Hiện Stephen Wiltshire cũng đã trở thành một kiến trúc sư cực kỳ nổi tiếng.
Hay như Tommy McHugh – tác giả của cuộc triển lãm nghệ thuật tại bờ biển Southport (Anh) cực kỳ nổi tiếng cũng mắc hội chứng bác học sau một cơn đột quỵ dẫn tới vỡ mạch máu não. Ông bắt đầu từ một thợ xây, sau đó vẽ các bức tranh nghệ thuật lên các tòa nhà, cửa ra vào với những đường nét cực kỳ sống động, màu sắc, có thể thu hút bất cứ ai ngay từ lần đầu nhìn thấy.
5. Thiên tài âm nhạc
Trường hợp Leslie Leme phía trên cũng chính là một thiên tài âm nhạc mắc hội chứng bác học điển hình khi mà bên cạnh khả năng ghi nhớ ông còn có thể chơi được mọi loại nhạc cụ, mọi phong cách. Trước khi có sức khỏe yếu, ông cũng thường xuyên tổ chức rất nhiều buổi hòa nhạc với quy mô lớn tại Mỹ, Nhật Bản, Scandinavia và được rất nhiều khán giả đón nhận.
Hay Lachlan Connors cũng đã trở thành một ngôi sao sáng về âm nhạc sau khi chấn thương nghiêm trọng bởi thể thao. Một điều đặc biệt là ban đầu anh vốn là một người có khả năng cảm thụ âm nhạc cực kỳ tệ, tuy nhiên sau 2 tai nạn này dẫn đến động kinh và ảo giác anh lại có thể chơi đến 13 nhạc cụ như piano, guitar, mandolin, ukulele và harmonica,…
Một trường hợp khác tương tự chính là Derek Amato – gặp chấn thương đầu sau khi bị va đập tại hồ bơi vào năm 2006 dẫn tới chấn thương não làm mất thính giác và đau đầu. Trong một lần đến nhà bạn khi nhìn thấy một cây đàn piano, anh ta đã có cảm giác bị “lôi kéo”, những ngón tay anh dường như có cảm giác tự di chuyển khi thấy các phím đàn. Derek Amato thậm chí còn ra cả album âm nhạc sau đó.
6. Khả năng ngôn ngữ
Nhà toán học Daniel Tammet cũng là một người mắc hội chứng bác học gây ấn tượng với khả năng ngôn ngữ tuyệt vời, ông có thể nói đến hơn 11 ngôn ngữ, trong đó có thể nói thuần thục cả tiếng Iceland (một trong những ngôn ngữ khó học nhất) chỉ trong vòng 1 tuần, thậm chí có thể tự tin giao tiếp như người bản địa.
Một trường hợp đặc biệt khác là Ben McMahon (Úc) – sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng anh đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, thậm chí các bác sĩ cũng khó tiên lượng chính xác khi nào anh sẽ tỉnh. Phép màu đã xảy ra khi anh tỉnh dậy sau đó 1 tuần và đột ngột nói chuyện được với một y tá người Trung Quốc bằng tiếng Quan Thoại. Tận dụng điều này, anh đã trở thành một dẫn viên du lịch tiếng Trung tại Úc.
Nguyên nhân gây hội chứng bác học
Thực tế các nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về nguyên gây ra căn bệnh này, đây vẫn là một bí ẩn cực kỳ lớn. Tùy mỗi trường hợp, các chuyên gia lại đưa ra những lý giải riêng về khả năng thiên bẩm của họ. Hội chứng savantisme có thể xuất hiện bẩm sinh do liên quan đến một số bệnh lý khác hoặc sau các chấn thương.
Cụ thể, một số yếu tố có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân gây hội chứng bác học bao gồm
- Di truyền: gen và ADN có thể liên quan phần lớn đến hội chứng Savant ở rất nhiều bệnh nhân.
- Chấn thương: như đã lấy về các ví dụ điển hình phía trên, rất nhiều bệnh nhân bộc phát đột ngột các dấu hiệu của hội chứng thiên tài sau khi gặp các chấn thương về não bộ. Ngoài ra những chấn thương ngay trong giai đoạn sinh nở cũng khiến rất nhiều người mắc bệnh ngay từ khi mới chào đời.
- Các bệnh lý về não bộ, thần kinh: điều này thường liên quan đến các rối loạn thần kinh, sự cố thần kinh.. chẳng hạn tự kỷ hay sa sút trí tuệ..
- Hormone: một số chuyên gia cho rằng nội tiết tố nam testosterone có thể chính là nguyên nhân kích thích tốc độ phát triển Savant ở trẻ sơ sinh do nó làm ức chế quá trình sản sinh hormone oxytocin ( loại hormone giúp con người thích ứng được với xã hội). Bên cạnh đó, các tế bào thần kinh đột biến cũng được cho là có liên quan đến hội chứng bác học.
Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Nam giới (có tỷ lệ cao hơn nữ giới là 6:1)
- Dị tật bẩm sinh
- Đã từng phải hồi sức sau khi sinh
- Gia đình có người mắc hội chứng Asperger
- Trẻ sinh non dưới 35 tuần.
- Trẻ sinh nhẹ cân dưới 2,5kg
- Cha mẹ sinh con khi đã lớn tuổi, ví dụ mẹ trên 40 và cha trên 49.
- Môi trường sống ô nhiễm, độc hại dẫn tới thiếu vitamin S hoặc đột biến gen.
Cần hiểu rõ đây tạm thời vẫn chỉ là các yếu tố được cho là có liên quan, chưa có bất cứ tài liệu nào khẳng định chính xác hoàn toàn.
Các hội chứng có liên quan đến Savant Syndrome
Thống kê cho thấy hội chứng bác học có thường gặp ở 1/10 người bị rối loạn tự kỷ và 1/2.000 người gặp các dạng khuyết tật phát triển khác, đồng thời cũng có thể mắc đồng thời các hội chứng khác. Cụ thể
- Hội chứng Rett: làm hạn chế kỹ năng vận động của người Savant.
- Hội chứng Asperger: hay còn được gọi là tự kỷ chức năng cao, tự kỷ bác học, những người này phát triển kỹ năng cấp trong một vài khía cạnh, tuy nhiên lại khiếm khuyết về mặt cảm xúc, hành vi.
- Tự kỷ: thường liên quan đến 50% bệnh nhân Savant và gây ra các khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội hay cảm xúc. Chẳng hạn như thường xuyên lặp đi lặp lại các hành vi, lời nói, không hiểu biểu cảm của người khác…
- Hội chứng Heller: hay rối loạn tự kỷ thoái hóa làm người bệnh có xu hướng chậm phát triển về mặt trí tuệ và thường xuyên gặp phải những cơn co giật.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những người mắc hội chứng bác học mà không liên quan đến những rối loạn thần kinh hay các khiếm khuyết về mặt cảm xúc hay hành vi. Rất nhiều người hoàn toàn có thể lấy vợ, sinh con, có những cống hiến nổi trội cho xã hội và được những người xung quanh công nhận và tôn trọng.
Biểu hiện của hội chứng bác học
Các triệu chứng của hội chứng bác học khá đa dạng, phụ thuộc vào từng nguyên nhân, môi trường phát triển hay các kỹ năng đặc biệt của họ. Chẳng hạn với người xuất hiện tài năng trong âm nhạc sau chấn thương, họ cần phải có dụng cụ như đàn thì mới có thể bộc phát khả năng này, nếu không những người xung quanh sẽ chỉ nhìn nhận họ đang gặp vấn đề tâm thần vì có các hành vi kỳ lạ mà thôi.
Một số triệu chứng điển hình của hội chứng Savant như
- Bị rối loạn ngôn ngữ, khả năng giao tiếp hạn chế, ít trao đổi bằng ánh mắt
- Xu hướng chuyển động nhất định, không quá đa dạng
- Khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc nên thường khá ít giao tiếp, thu mình, ngại ngùng với xung quanh
- Hay có xu hướng thu mình, nhút nhát, e dè với mọi thứ xung quanh.
- Có thể có khả năng trong một lĩnh vực nhưng lại suy kém về mặt trí tuệ và nhận thức còn lại
- Với những người bị tự kỷ nặng thường hạn chế nặng trong việc giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ
Bên cạnh đó, do khiếm khuyết trong các vấn đề giao tiếp và thể hiện cảm xúc nên những người này cũng có nguy cơ mắc chứng trầm cảm khá cao. Ở một số người có thể chọn lựa giảm sự cô đơn của bản thân thông qua việc thể hiện niềm cảm hứng của mình, chẳng hạn vẽ hay sáng tác nhạc nhưng cũng có rất nhiều người không thể vượt qua những cảm xúc này nên có thể có xu hướng tự làm hại bản thân.
Hướng điều trị hội chứng Savant
Hiện nay cũng chưa có bất cứ phương pháp nào để chẩn đoán chính xác hội chứng này, tuy nhiên bác sĩ thần kinh và các chuyên gia có thể thông qua chẩn đoán các rối loạn chức năng não liên quan, chụp CT, MRI hoặc chụp não và làm các bài test về chỉ số IQ, EQ để xác định chính xác hơn. Do căn bệnh này cũng khá hiếm và không quá phổ biến nên rất cần thực hiện thăm khám cùng các chuyên gia có hiểu biết về lĩnh vực này để có kết quả chính xác nhất.
Dù đã chính thức được phát hiện và đưa vào nghiên cứu suốt hơn 100 năm nay nhưng thực tế vẫn chưa có biện pháp nào có thể điều trị hoàn toàn được hội chứng bác học. Đặc biệt do có liên quan đến tự kỷ nên hầu hết việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, hầu hết các chuyên gia đều hướng đến các biện pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Các chương trình giáo dục đặc biệt có thể được hướng dẫn cho người bệnh để nâng cao nhận thức trong các khía cạnh khác, chẳng hạn như ngôn ngữ hay giao tiếp. Bên cạnh đó tâm lý trị liệu cũng được hướng đến cho người mắc hội chứng bác học để giải tỏa cảm xúc, tăng thêm nhận thức để người bệnh sớm hòa nhập với xã hội.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ gia đình cũng cực kỳ cần thiết vì một số người bệnh hầu như không thể tự chăm sóc cho bản thân. Ngoài ra cũng cần tạo một môi trường phù hợp để người bệnh phát huy hết năng lực cá nhân tiềm ẩn của mình. Kết hợp với việc nâng cao nhận thức, các kỹ năng cá nhân sẽ giúp người bệnh có thể tự chăm sóc cho bản thân.
Cho đến hiện nay hội chứng bác học Savant vẫn còn mang rất nhiều bí ẩn đang chờ đợi lời giải đáp chính xác hơn từ các chuyên gia. Một người mắc bệnh này nếu có môi trường sống tốt, tinh thần tích cực và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời hoàn toàn có thể cung cấp năng lực của bản thân để làm rất nhiều điều có ích cho xã hội, thế giới này nên rất đáng được quan tâm nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Chứng sợ nuốt (Phagophobia): gây ám ảnh mỗi khi ăn
- Willis-Ekbom: Hội chứng chân không yên biểu hiện thế nào?
- Chứng sợ búp bê (Pediophobia) có biểu hiện thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!